20 Giôsê - Chương hai mươi


CHƯƠNG HAI MƯƠI

Thuyền trưởng Phongli cố gắng liên lạc với chú của ông ở Vatican, nhưng vô ích. Người thư ký vẫn tiếp tục bảo ông rằng vị Hồng Y đang bận toà và Hồng Y sẽ liên lạc với ông khi rảnh. Ông thuyền trưởng thất vọng vì hy vọng rằng chú ông sẽ giúp được cho Giôsê, ông không bao giờ nghĩ rằng chú ông ngồi ghế chánh án xét xử Giôsê.
Giờ đây vụ xử đã xong, Hồng Y liên lạc với người cháu và mời đến nhà. Ông không có nhiều thì giờ lắm để nói chuyện, nhưng ông có thể dành cả trưa mai với cháu ông.
Sáng hôm sau người phát thơ đến phòng Giôsê. Anh đưa cho chàng một giấy phép triều kiến đức Thánh Cha. Giôsê mừng lắm. Buổi triều kiến vào lúc mười một giờ ba mươi cùng ngày. Giôsê còn được hai giờ trước khi triều kiến, vì thế chàng lấy xe buýt đến đồi Gianiculan nhìn xuống Rôma. Khó mà lấy đúng xe buýt, nhưng khi lấy đúng xe thì chỉ mất vài phút chạy vòng vèo là tới đỉnh.
Khi Giôsê bước xuống xe buýt, chàng thấy một quày bán thức ăn, nên mua một cây kẹo. Chàng đi dọc theo lối nhỏ đến một nơi có thể nhìn hết thành phố Rôma. Cả lịch sử của văn minh Kitô giáo được trải ra trước mắt chàng. Quang cảnh làm chàng nhớ lại Núi Ôliu nhìn xuống Giêrusalem. Chỉ có kích thước là khác thôi. Nhiều thành Giêrusalem có thể xếp vào quang cảnh này. Giôsê suy nghĩ một hồi lâu. Chàng nghĩ đến Giáo hội thơ ấu tranh đấu để sống còn. Chàng nghĩ đến những cuộc bách hại, những việc ép người ngoại giáo vào đạo, những bè rối, những cuộc tra tấn, những vị tướng Giáo hoàng dẫn quân ra trận giết các Kitô hữu khác. Chàng nghĩ đến việc công bố các tín điều và vạ tuyệt thông đối với những ai không tin. Chàng nghĩ đến thánh Phanxicô và nhiều vị thánh đã dẫm chân lên đất thánh này. Chàng nhìn những thánh đường nguy nga trải ra trước mắt, và thấy lòng tin đơn sơ của những kẻ tài ba đã xây dựng những lâu đài cho đức tin.
Giôsê nhớ lại những ngày xa xưa và viễn tượng buồn bã của thị xã quí yêu của chàng. “Giêrusalem, Giêrusalem, đã bao lần ta qui tụ ngươi như gà mẹ qui tụ gà con dưới cánh, nhưng ngươi không nghe. Và những ngày ấy sẽ đến khi kẻ thù của ngươi xây đắp thành lũy chung quanh ngươi và phá bình địa ngươi, không để lại một hòn đá nào trên hòn đá nào, bởi vì ngươi không biết ngày ngươi được viếng thăm. Giôsê khóc. Giêrusalem… Rôma… Cái này không nhận ra chàng trong xương thịt, cái kia không nhận ra chàng trong tinh thần. Cả hai đều ruồng rẫy chàng, chúng không hiểu được ý nghĩa của việc chàng đến, hay tinh thần sứ điệp của chàng. Cái hệ thống pháp lý của tín điều và luân lý của Do thái giáo mà chàng đã hết sức tranh đấu chống lại, và điều đó đã kết liễu đời chàng nơi thế gian, giờ đây được khôi phục lại trong Giáo hội để thay thế cái tinh thần sống động của Tin Mừng. Chàng có một sứ mạng vĩ đại để đem lại ý nghĩa cho đời sống nhân loại, để đem hy vọng cho văn minh, để cho thế giới biết rằng trở thành người Kitô là khác với những gì họ đã từng biết, và để cho gia đình các quốc gia có thể thấy nơi sứ điệp của Giêsu một liên kết mới trong tình yêu, và tình yêu này có thể quy tụ mọi người thành một. Tuy nhiên cái viễn tượng ấy đã bị giam hãm và xiềng xích trong một hệ thống quan lại mô phỏng những hình thức và lề lối của các chính quyền thế trần.
Cái thị kiến ấy phai mờ dần đi, Giôsê thấy đã trễ. Chàng đi lại trạm xe buýt và đón chuyến sau đi vào phố. Chàng xuống xe nơi không xa Đền Thánh Phêrô lắm, và đi vào điện Vatican.
Người linh gác Thụy Sĩ nhận ra chàng, nhưng vẫn đợi chàng trình giấy, lần này chàng đi triều kiến đức Giáo Hoàng. Người lính gác đọc giấy mời của Giôsê và để chàng bước vào. Chàng được đưa đi dưới những vòm hành lang và qua các ngóc nguéo đến phòng đức Thánh Cha đang làm việc. Một nhân viên trực đưa chàng vào và bảo chàng quì gối xuống, khi chàng tiến về phía đức Giáo Hoàng.
«Quì gối để làm gì?» Giôsê lấy làm lạ hỏi.
«Đó là quy tắc, thưa ông», nhân viên trực đáp cách lịch thiệp.
«Tôi không thể tưởng tượng được Phêrô muốn cho ai quì gối xuống trước mặt ông», Giôsê lẩm nhẩm nói một mình.
Khi chàng bước vào thì đức Giáo Hoàng đang ngồi ở bàn viết nơi góc kia. Ngài mặc áo chùng trắng. Đầu ngài không đội thứ gì. Khi Giôsê đi được nửa phòng, thì đức Giáo Hoàng đứng dậy và đi vòng bàn viết mà tiếp chàng. Ngài rất nhân hậu. Nhân viên trực lại bảo Giôsê quì gối xuống để hôn chiếc nhẫn của đức Thánh Cha. Đức Giáo Hoàng chìa tay ra. Giôsê nắm lấy tay ngài và lay nó với niềm cảm mến. Nhân viên trực giới thiệu khách.
«Tâu đức Thánh Cha, đây là Giôsê», ông nói khi hai người bắt tay nhau.
«Chào Giôsê», đức Giáo Hoàng nói cách thân mật
«Tốt quá gặp được ngài, Phêrô», Giôsê nói trước sự ngỡ ngàng của đức Giáo Hoàng.
Sau khi nói chuyện qua loa, đức Giáo Hoàng bảo Giôsê rằng ngài có nhận được biên bản của phiên toà. «Thú thật, Ta không vui hoặc hài lòng lắm khi Ta đọc. Hồng Y Ricađô rất thán phục nhiều điều nơi anh, nhưng ông ấy là một người tử tế và nhân hậu. Tại sao anh nghĩ là phải nói những sự thế này, anh bạn trẻ?», đức Giáo Hoàng hỏi Giôsê.
«Tôi nói, vì đó là những điều Giêsu dạy, và chúng không nên làm ai ngạc nhiên. Thực vậy, tôi không hiểu được tại sao chúng gây nhiều ngỡ ngàng như thế», Giôsê bình tĩnh đáp.
«Anh có học thần học và có bằng cấp gì về thần học không?», đức Thánh Cha hỏi.
«Không, tôi nghĩ là không cần có nó để nói về những gì của Thiên Chúa. Những điều đó phát xuất tự nhiên tự tâm khảm của con người như khí trời mà chúng ta thở. Vì là con cái của Thiên Chúa, chúng là gia sản chung của chúng ta và, thực vậy, chúng là chính đời sống của chúng ta».
«Con ơi, chắc chắn là con tự tin lắm. Ta để ý thấy trong biên bản, con công kích lối sống của Ta và cảnh vật chung quanh đây».
«Tôi không công kích. Người ta hỏi ý kiến tôi và tôi đã thành thật nói điều tôi nghĩ. Giêsu dạy các tông đồ phải sống khiêm nhượng và đơn sơ, không phải ở đền đài vua chúa và cai trị như vua chúa. Ngài đã thay đổi nhiều lắm qua bao thế kỷ, Phêrô ạ, và không phải tất cả là tốt. Nên nhớ, chính nhờ khiêm nhượng và hiền lành mà ngài sẽ chiến thắng các linh hồn cho Thiên Chúa, chứ không phải vượt trên dân chúng trong huy hoàng. Giêsu cũng lập nên mười hai tông đồ, không phải một. Vai trò của các ông ấy đã bị lấn lấp và mất hết. Điều đó không đúng. Mỗi tông đồ phải được tự do để hoạt động với đoàn chiên của họ, và giải quyết những vấn đề của đoàn chiên của họ, với những văn hoá, ngôn ngữ và hiểu biết khác nhau về đời sống. Thánh Linh phải được tự do hoạt động trong nhiều cách thế và hình thức khác nhau, và tự do biểu lộ qua nhiều ân huệ, chứ không phải qua sự đồng nhất cứng nhắc, vì điều này chỉ thoả mãn nhu cầu an ninh của con người.»
Đức Thánh Cha cảm thấy khó chịu vì sự gan dạ của con người đơn sơ này dám dạy ngài. Ngài đỏ mặt và bảo Giôsê rằng tên ngài không phải là Phêrô. Ngài bảo chàng phải học hỏi nhiều về đời sống và về Giáo hội, và nếu chàng có thiện chí muốn học hỏi, thì phải cố gắng tập sống khiêm nhượng và quan tâm đến linh hồn của mình, hơn là xen vào những vấn đề bên trên và vượt khỏi chàng. Đức Thánh Cha bảo chàng rằng trong tương lai chàng phải tự kiềm chế, đừng nói đến những vấn đề này và phải theo những chỉ dẫn mà Thánh bộ sẽ gửi đến cho chàng. Lối cư xử của chàng có thể gây nên tai hại không tả được cho Giáo hội, và làm cho những người đơn sơ xa lìa Thiên Chúa.
Rồi đức Giáo hoàng liếc mắt với nhân viên trực, ông ta bước đến và nắm nhẹ tay Giôsê. Giôsê bảo đức Giáo Hoàng rằng ngài đã làm nhiều việc tốt cho Giáo hội, và ngài sẽ đau khổ nhiều nhưng đừng nản chí, bởi vì sự thành tâm của ngài sẽ cho ngài cơ hội đem lại nhiều thay đổi lớn trong dân Chúa, và điều đó sẽ làm rạng danh Thiên Chúa. Trong khi đi ra, Giôsê xin Thiên Chúa chúc phúc cho Phêrô, và cám ơn Ngài đã cho chàng dịp gặp ngài.
Đức Giáo Hoàng nhìn theo khi Giôsê bước ra, ngài thắc mắc chàng là ai mà dám giảng cho đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, theo lời Hồng Y Ricađô, thì Giôsê là một người khiêm nhượng và không tự phụ hay châm biếm. Đức Giáo Hoàng nghĩ ngợi khi nhìn Giôsê đi dọc theo hành lang dài.
Trong khi Giôsê hội kiến với đức Thánh Cha, thì ông thuyền trưởng Phongli cũng vừa mới đến phòng của chú ông.
«Chú ạ, tốt quá được gặp lại chú. Lâu lắm rồi», ông thuyền trưởng nói, khi Hồng Y Ricađô niềm nở tiếp đón ông và thằng bé đi với ông.
«Đây là bạn của con, Mai Liên Dênết. Cha của nó là một tư tế, và chúng con là bạn lâu năm», ông thuyền trưởng nói trong khi giới thiệu Mai Liên với chú ông.
«Chào, con ạ. Ta có một người bạn ở Rôma cũng là tư tế. Có lẽ chúng ta có thể gặp ông khi con ở đây. Này, cháu Phong Li, nói cho chú biết về cháu. Cháu làm gì từ khi chú gặp cháu lần chót? Má của cháu bảo rằng cháu sẽ đến Rôma, nhưng rủi quá chú phải bận việc toà án, chú không có nhiều giờ rảnh».
«Thưa chú, cháu có nhiều việc để nói với chú, cháu không biết khởi sự từ đâu».
«Trước khi cháu khởi sự», vị Hồng Y ngắt lời, «chúng ta hãy đến một quán ăn mà chú biết. Ở đó thoải mái hơn ở đây, không có điện thoại reo và không có thư ký làm gián đoạn hoài».
Cái quán ăn nằm ở góc đường. Khi họ vừa ngồi xuống và gọi món giải khát, thì ông thuyền trưởng khởi sự bộc lộ tâm can với chú ông. Ông nói với ngài về việc vị giám mục xin ông giúp đem một chàng trai lên tàu và bắt anh ta hầu bàn để trả tiền tàu sang Rôma. Anh ta bị Vatican đòi sang để hầu một vụ kiện đức tin. Tên chàng là Giôsê.
«Cháu nể giám mục mà đem anh ta lên tàu, và cắt đặt anh ta hầu bàn. Nghe theo lời giám mục, cháu đối xử tẻ nhạt với anh ta, nghĩ rằng anh ta là một người hay gây rối. Sau hai ngày du hành, Mai Liên té xuống bực thang và bị gãy cổ. Bác sĩ khám nó và thấy nó không còn sinh lực. Ông làm mọi cách, nhưng Mai Liên đã chết.»
«Chúng cháu rời phòng bệnh. Cháu đi lên phòng vô tuyến để đánh điện. Khi cháu rời phòng vô tuyến, cháu thấy Giôsê đi đến phòng bệnh. Anh ta đi vào và để cửa mở, anh ta đến bàn xác Mai Liên đang nằm. Rồi anh ta mở tấm vải che mặt Mai Liên, anh ta gọi nó và bảo nó thức dậy. Trước sự sửng sờ của cháu, Mai Liên mở mắt và ngồi dậy. Cháu tưởng là cháu sẽ chết xỉu».
Vị Hồng Y chăm chú nghe cháu ông kể hết câu chuyện.
«Nhưng thưa chú, cái đó cũng chưa ăn thua gì. Hai ngày sau đó một việc hết sức lạ lùng nữa xảy ra. Có bão lớn ở biển. Gió thổi mạnh và mưa lớn. Sóng biển nhồi chiếc tàu như một miếng gỗ trôi giạt. Cháu nghĩ chắc chắn nó sẽ chìm. Cháu nhìn ra cửa sổ từ phòng lái mà cháu đang đứng để ủy lạo anh lái tàu, cháu thấy một bóng người bước lên boong tàu. Cháu không tin điều mình thấy. Đó là Giôsê. Cháu nghĩ thế nào anh ta cũng bị quét xuống biển. Nhưng khi tàu yên lại trong chốc lát, anh ta đứng thẳng người lên, giang hai tay như ra lệnh cho cơn bão, và gào lên những gì cháu không nghe được. Tức thì gió lặng đi, mưa ngừng đổ, sóng biển im, và mặt trời ló diện. Thưa chú, từ lúc đó, cháu không ngừng suy nghĩ, có thể vậy chăng? Có thể vậy chăng?».
«Phong Li, nghe điều cháu nói, và với điều chính chú biết, chú không nghi ngờ gì cả. Chú ước chi cháu gặp chú trước khi chú mắc vào vụ toà. Người mà thẩm phán đoàn lấy khẩu cung là Giôsê. Phiên xử không tốt lành gì. Không ai hiểu được anh ta, họ độc ác quá. Cả chú cũng hùa theo, và chú cảm thấy hổ thẹn. Đây chú kể cho cháu nghe.»
«Ngay giữa phiên toà chú bắt đầu thán phục Giôsê, và buồn cho anh ta cũng như lối anh ta bị đối xử. Chú bắt đầu bực bội, chú cảm thấy trong người không khoẻ. Rồi, thình lình chú té xuống. Chú ngã chúi và đầu chú va vào mặt bàn. Chú không hoàn toàn bất tỉnh, nhưng chú bị choáng váng. Chú cảm thấy tay chú thòng xuống, nhưng chú không làm sao nhắc nó lên được. Một bên mặt của chú bị tê liệt. Lưỡi chú cũng không cựa được. Chú biết là chú bị xỉu. Chú chỉ nằm đó, không làm gì được. Rồi chú cảm thấy một bàn tay vuốt đầu và mặt chú. Đó là bàn tay của Giôsê. Anh ta vừa sờ vào chú là chú cảm thấy sức lực và sự sống trở lại với người chú. Chú ngóc đầu lên nhìn anh ta. Ngay lúc đó một linh mục đẩy anh ta qua một bên và bảo anh ta ngồi xuống. Chú sửng sốt và nghĩ đến vị linh mục thượng phẩm và người đầy tớ của ông. Chú thấy chú trong vai trò đó, và chú cảm thấy ớn lạnh cả người.»
«Chú ra lệnh cho phiên xử tiếp tục và cố gắng giúp Giôsê. Nhưng chú không làm gì được lắm. Có quá nhiều người trong thẩm phán đoàn, và chú không thể nói cho họ biết việc đã xảy ra. Nhưng chắc chắn họ cũng sẽ không tin. Chú biết là không nên làm gì, bởi vì mọi việc đã được sắp đặt trước. Chú chỉ cảm thấy không tốt vì đã dự vào việc đó. Vâng, cháu Phong Li, để trả lời câu hỏi của cháu, chú không nghi ngờ gì cả, đúng là vậy».
Mai Liên chỉ ngồi nghe, nó nghĩ lại những gì đã nghe và đã kinh nghiệm. Đời sống của nó sẽ không bao giờ như thế này nữa.
«Thưa chú, bây giờ anh ta ở đâu?», ông thuyền trưởng hỏi.
«Chú chỉ biết anh ta hiện ngụ tạm ở phòng trên Đường Phôxa Phalavicini. Chú cũng đang nghĩ như cháu. Mình đi gặp anh ta và xin lỗi về sự tiếp đãi lạnh nhạt đối với anh ta».
Ông thuyền trưởng để tiền trả bánh ngọt và cà phê, rồi họ cùng đi ra. Họ đến phòng chàng vài phút sau đó. Người giữ cửa khúm núm cúi người khi thấy vị Hồng Y. «Thưa đức Hồng Y», anh nói, «Quí hoá quá. Đức Hồng Y muốn gì?»
«Có người đàn ông nào ở đây tên là Giôsê không?»
«Thưa có. Anh ta đến đây trước ngài và vừa trả chi phiếu. Anh ta đi lên cầu thang kìa. Phòng của anh ta ở đầu cầu thang».
«Phòng nào?», vị Hồng Y hỏi.
«Chỉ có một phòng đó thôi. Đó là phòng anh ta. Nó là một ngăn cũ, nhưng chỉ còn có vậy thôi».
Ba người đi mau đến cầu thang và chạy lên. Cánh cửa ở đầu cầu thang để mở, và họ thấy bóng người đi trong đó. Cám ơn Chúa, họ gặp được chàng đúng lúc. Họ gõ cửa phòng. Không ai trả lời. Họ gõ nữa. Cũng không ai trả lời. Họ không hiểu được. Họ bước vào và nhìn khắp phòng. Không có ai ở đó. Cửa phòng tắm để mở. Họ nhìn vào bên trong. Không có ai ở đó. Cái phòng trống trơn. Trên nền nhà gần giường có để đôi giép. Trong một chiếc có ảnh vàng với hình mặt trời rực đỏ và hình người giữa mặt trời. Mai Liên nhận ra đó là cái ảnh Massia thường đeo. Trong chiếc giép kia có hai đồng tiền Rôma.
Mấy người cũng biết họ không thể tìm được chàng. Nhưng lạ lùng thay khi thấy đôi giép và hai đồng tiền, đó là những kỷ vật của một sự thật mà chỉ có ba người biết và chia xẻ với nhau thôi, vì có ai tin họ? Họ sẽ giao cái ảnh lại cho Massia và mấy đồng tiền kia lại cho chủ của chúng. Đôi dép là vật lưu niệm quí giá mà họ sẽ giữ mãi mãi.
PHẦN KẾT
Hồng Y Ricađô tiến hành với bản tường trình của Thánh Bộ. Phiếu nghịch là sáu trên một. Vị Hồng Y đọc chi tiết bản tường trình. «Anh chàng trẻ Giôsê rõ ràng có thái độ chống đối thẩm quyền, nếu để nó lan rộng nó sẽ làm hại không tả được đối với kỷ luật và đức tin. Việc hắn chỉ trích các giám mục và các lãnh tụ cao cấp trong Giáo hội, có thể sẽ đưa đến việc mất đức tin, đó là dấu kém tin tưởng nơi Kinh Thánh hoặc nơi nền tảng của quyền bính của các giám mục và của cả đức Thánh Cha. Thái độ của hắn đối với thẩm phán đoàn xem ra chứng minh nhận xét này.»
«Những lời hắn chỉ trích các thói quen trong Giáo hội chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về những thực tế của đời sống, và như thế hắn cũng chất vấn cái khôn ngoan trường cửu và sự dè dặt của Mẹ Thánh Giáo Hội. Nếu những tư tưởng của hắn lan rộng, chúng có thể gây tai hại trầm trọng cho đức tin và cho lòng tín cẩn của giáo dân. Mặc dù hắn có vẻ thành tâm, hắn đã lạc đường và giận dữ, nên không mấy tốt. Mặc dù những tư tưởng của hắn không có vẻ rối đạo, nhưng hắn đã công kích những thói quen và chính sách của Giáo hội, nên có thể nói rằng hắn không hiểu biết cách lành mạnh về Giáo hội hoặc vai trò của Giáo hội như là quyền bính của Chúa Kitô trên trần gian».
Vị Hồng Y mở chương về các đề nghị và hình phạt. Giôsê được chỉ thị phải chấm dứt mọi cuộc đàm thoại về những vấn đề này với giáo dân, nếu không sẽ bị phạt nữa. Chàng được dạy phải vâng lời và khiêm tốn, đó là những điều tốt cho giáo dân và, trong tương lai, chàng phải cố tâm trau giồi những nhân đức ấy để sinh lợi cho linh hồn của chính mình và xây dựng các bạn Kitô giáo. Và, bởi vì chàng không được học hỏi về các vấn đề đạo, chàng không có tư cách để nói về những tư tưởng thần học cao siêu mà chàng đang lưu hành. Chàng cũng bị cấm không được thảo luận các cuộc thẩm vấn thánh này hay những vấn đề được tiết lộ trong các cuộc thẩm vấn, nếu không sẽ bị vạ tuyệt thông. Bản tường trình được ký với tên «Hồng Y Ricađô».
Có một phần ghi chú trong bản tường trình do chính vị Hồng Y viết, ông cực lực và can đảm bênh vực Giôsê. Ông thêm vào bản tường trình như là một ý kiến thiểu số. Tờ tường trình, với một ý kiến thiểu số chống, được đưa lên đức Thánh Cha. Một bản sao gửi cho giám mục địa phận mà Ôbờn nằm trong phần đất. Trong bản sao vị Hồng Y có kèm một lá thư riêng cho giám mục, nói với ông về phiên toà và cái gì đã xảy ra với bản thân vị Hồng Y. Ông nói với giám mục rằng ông nghĩ là mọi người dính líu vào việc này đã sai lầm lớn vì họ chưa nghe biết hết sự việc.
Thuyền trưởng Phongli cũng viết một lá thư dài cho bạn ông là tư tế Dênết và cho bạn thân của ông là giám mục, nói với hai ông về những gì đã xảy ra trong chuyến du hành. Vị tư tế đã nghe con ông nói, và với tình cảm của tuổi trẻ, nó đã nghĩ Giôsê là ai rồi. Nó đã sống gần gũi Giôsê trong mấy tháng qua và thấy có một sự giống nhau rõ ràng giữa Giôsê và các sách Phúc Âm mà nó bắt đầu đọc lúc từ giã Rôma. Mai Liên cũng nói cho Massia nghe tất cả những gì nó nghe ông thuyền trưởng và vị Hồng Y nói. Mặc dù nàng kinh hãi khi nghe những chuyện đã xảy ra và buồn khi cái ảnh được trả lại, nhưng nàng cũng hiểu. Nàng nói với Aron, Lêgâu và gia đình của nàng, và những bạn thân khác của Giôsê. Nàng cũng nói chuyện với cha Phát. Và ngày qua ngày, để giữ kỹ niệm về Giôsê sống động, tất cả tụ họp nhau và xin cha Phát giải thích nhiều điều Giôsê đã nói và đã làm. Có khi họ cùng nhau đọc Phúc âm, họ cảm thấy được hân hạnh có chàng ở với trong những giây phút tốt đẹp ấy của đời họ. Người ta bảo nhau về những ngày cuối cùng của Giôsê, và tâm hồn nhiều người trở nên êm ả hoặc sầu khổ về những gì đã xảy ra trong mùa hè vắn vỏi nhưng sáng lạng của đời mình.

HẾT
____________________________________

Chương trước (19)



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam