15 Chương 15 - Cám dỗ dùng bạo động
Chương 15
Cám
dỗ dùng bạo động
Người Dothái
ở Palêtina hy vọng và cầu xin có được một vị Cứu tinh. Người mà họ mong đợi là
người trong kinh họ đọc ở hội đường: Các Thánh Vịnh Solomông và Mười Tám kinh
Chúc Tụng. Vị Cứu tinh sẽ làm vua, là dòng dõi Đavít, được Thiên Chúa xức dầu,
là một nhà cai trị dũng mạnh có thể đập tan những người cai trị gian ác, «đập họ tan tành bằng roi sắt» và «tiêu diệt các quốc gia vô thần bằng tiếng
nói của ngài.» «Ngài sẽ dùng roi sắt
để gieo niềm kính sợ Thiên Chúa nơi mọi người và dạy họ làm những việc ngay
chính».
Thiết tưởng
không cần phải đi sâu vào lịch sử để tìm hiểu ý niệm về một Vị Cứu Tinh hoặc để
tìm hiểu một vài thiểu số những nhà thần bí đang mong đợi gì. Người Dothái ở
Palêtina cách chung đang mong đợi một người làm vua để nắm quyền chính trị và
quân sự trong tay mà phục hồi vương quốc Israel .
Như thế, khi
nhớ lại những gì Đức Giêsu rao giảng về «vương
quốc» chúng ta không mấy ngạc nhiên rằng ngài đã chẳng bao giờ tuyên xưng
cách trực tiếp hay gián tiếp rằng mình là Vị Cứu Tinh. Các học giả đứng đắn
ngay nay đều công nhận điều đó, cả những người có khuynh hưởng bảo thủ.
Trong vài
đoạn Phúc âm Đức Giêsu xem ra ám chỉ mình là Vị Cứu Tinh, nhưng rõ ràng đó chỉ
là lời của những người viết phúc âm, vì họ nghĩ rằng Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh.
Tính chất lịch sử xác thực của các phúc âm là ở chỗ các sách ấy nhất định không
nói rằng Đức Giêsu tuyên xưng mình là Vị Cứu Tinh, và ở chỗ ghi lại rằng Đức
Giêsu cấm dân chúng tuyên dương ngài là Vị CứuTinh.
Đó là nguồn
gốc của Phái Bí Quyết Cứu Rỗi. Rất có thể Đức Giêsu rất bí mật và không muốn
dấn thân vào sứ mạng Cứu Tinh, nhưng thật sự ngài xem đó là một cám dỗ của
Satan cần phải bài trừ.
Có hai biến
cố trong giai đoạn ẩn lánh dường như ngài bị cám dỗ muốn ra làm Vua Israel . Biến cố
thứ nhất do bốn hay năm ngàn người, biến cố thứ hai do Phêrô.
Dường như chỉ
có bốn hay năm ngàn người đàn ông (không có phụ nữ và trẻ con) từ Galilê đến
những ngọn đồi hiu quạnh gần Bếtsaiđa để gặp Đức Giêsu và các môn đệ của ngài.
Tại sao họ đến? Tại sao chỉ có các ông? Ai đã tổ chức? Tại sao nhiều người đến
cùng lúc?
Điều chắc
chắn là cuộc họp đó đã xảy ra. Tất cả các sách Phúc âm cũng như những tài liệu
và truyền thống đều ghi lại cuộc họp đó. Tuy nhiên về sau tất cả chỉ thích nói
đến phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều.
Mục đích đầu
tiên cũng như ý nghĩa của cuộc họp đó có thể đọc được trong vài đoạn của Phúc
âm. Mátcô nói rằng Đức Giêsu tội nghiệp cho hàng người vì họ «giống nhu chiên không người chăn», vì
thế «ngài giảng dạy cho họ lâu lắm»
(6:34). Chúng ta có thể nghĩ là ngài dạy họ về «vương quốc» mà Thiên Chúa muốn cho loài người. Chúng ta đã thấy
ngài dạy dân chúng chia xẻ thức ăn. Theo Gioan, biến cố đó kết thúc bằng những
lời lẽ sau đây của các ông, «Đây thực sự
là vị ngôn sứ đến với nhân loại»; nhưng Gioan lại kể tiếp: «Đức Giêsu thấy họ muốn bắt ép ngài làm vua,
nhưng ngài trốn đi một mình lên các đồi núi» (6:14-15). Theo Mátcô (sau đó
cả Mátthêu), Đức Giêsu phải «ép» các
môn đệ lên thuyền đi trước trong khi ngài «giải
tán» dân chúng và đi lên núi mà cầu nguyện (Mc 6:45-46; Mt 14:22-23).
Chúng ta
không biết ai tổ chức cuộc họp này. Chắc không phải là nhóm Dêlót, vì họ không
mạnh lắm lúc này và cũng không có thủ lãnh giỏi - họ là đàn chiên không chủ. Tổ
chức của nhóm Dêlót được thực hiện theo lối quân chủ, giống như nhóm Macabê
trước đó, nghĩa là cha truyền con nối. Những người Dêlót không thể nào đồng ý
với thái độ và lòng tin của Đức Giêsu.
Tuy nhiên
nhóm Dêlót không phải là phong trào quốc gia độc nhất muốn lật đổ người Lamã để
phục hồi triều đại Dothái. Ngày nay nhiều tác giả nghĩ rằng chỉ có người Dêlót
muốn dùng bạo động để lật đổ đế quốc Lamã. Người Dêlót đã lãnh đạo cuộc cách
mạng cuối cùng và nhiều người nhập bọn. Nhưng cuộc cách mạng này chưa xảy ra
khi bốn hay năm ngàn người Dothái quốc gia ra sa mạc để thuyết phục Đức Giêsu
đứng lên làm lãnh tụ của họ. Ngài là người Galilê, là một ngôn sứ và làm nhiều
việc lạ. Ngài có khả năng làm lãnh tụ và mới đây đã nổi tiếng khi chống lại
giới lãnh đạo ở Giêrusalem và «thanh tẩy»
Đền thờ. Người ta cũng đồn ngài là dòng dõi vua Đavít.
Đức Giêsu rất
cảm thông ước vọng của họ, ước vọng được giải phóng và muốn có được một chủ
chăn. Nhưng ngài lại cố thuyết phục họ để họ thấy đường lối của Thiên Chúa khác
với đường lối của loài người, và «vương
quốc» của Thiên Chúa không giống với vương quốc nhân loại. Và ở đây cũng
như mọi khi, chắc chắn ngài đã kêu gọi dân chúng hãy thay đổi, hãy cải tâm và
hãy tin vào một «vương quốc» mới.
Nhưng những
lời giảng dạy của ngài cũng như phép lạ chia xẻ thức ăn lại càng làm cho họ tin
chắc rằng ngài là Vị Cứu Tinh, là người Thiên Chúa chọn. Sợ không làm chủ được
tình hình, ngài bèn bảo các môn đệ hãy lên thuyền mà đi để ngài giải tán đám
dân. Ngài cảm thấy cần được yên tĩnh để suy ngắm và cầu nguyện.
Cơn cám dỗ
thứ hai là do Phêrô - ở một nơi gần Xêdarêa-Philíp.
Cách chung,
dân chúng xem Đức Giêsu là một ngôn sứ giống như Gioan Tẩy giả, Êlia, Giêrêmia
hoặc một trong những ngôn sứ khác (Mc 8:28). Nhưng giờ đây, nhân danh các môn đệ,
Phêrô tuyên bố rằng ông xem Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh (Mc 8:29). Đức Giêsu bèn
cấm các môn đệ không được nói điều đó với bất cứ ai (Mc 8:30) và ngài nói cho
các ông biết ngài sẽ bị thủ tiêu (Mc 8:31). Phêrô kéo riêng Đức Giêsu ra và
trách ngài. Nhưng ngài trách lại Phêrô, «cút
đi, Satan! tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, nhưng là của
loài người» (Mc 8:32-33).
Có lẽ đó là
một cuộc cãi vã lớn. Phêrô tức tối vì Đức Giêsu nói rằng ngài sẽ bị thủ tiêu và
bị thất bại trong lúc ngài có cơ hội để nắm chính quyền mà làm Vị Cứu Tinh. Còn
Đức Giêsu thì giận Phêrô vì ông đóng vai trò Satan cám dỗ, vì đó là tư tuởng
của loài người chỉ nghĩ đến quyền lực.
Ở đây chúng
ta đang chứng kiến một sự kiện lịch sử. Cả Mátcô cũng như những người Kitô đầu
tiên không dám bịa đặt một cuộc cãi vã dữ dội như thế gìữa Đức Giêsu và Phêrô.
Những người viết Phúc âm vì tin rằng Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh nên ghi lại sự
kiện đó như là lời tuyên xưng của Phêrô rằng Giêsu là Vị Cứu Tinh. Còn sự cãi
vả thì chỉ nhằm vào biến cố tương lai như việc ngài bị thủ tiêu và đau khổ. Đối
với những người Kitô đầu tiên thì cái cám dỗ làm Vị Cứu Tinh đã trở thành một «lời tuyên xưng đức tin». Tại sao thế?
Chúng ta sẽ thấy sau đây.
Không nên coi
nhẹ tầm quan trọng của việc Đức Giêsu bị cám dỗ làm vua. Câu chuyện này được
ghi lại như là một cuộc đối thoại với Satan. Vì lý do hành văn theo chủ đề, nên
nó được xếp cùng với những cám dỗ khác trong bốn mươi ngày ở samạc (Lc 4:5-8;
Mt 4:8-19). Chúng ta đọc thấy Đức Giêsu phải tranh đấu chống lại cám dỗ nắm
chính quyền, làm vua và cai trị một đế quốc mới - «mọi vương quốc trên thế giới». Nhưng có thể đó là phương cách tốt
nhất để giải phóng người nghèo và người bị đàn áp chăng? Nắm chính quyền để
phục vụ dân chúng? Nắm chính quyền là một cách hữu hiệu nhất để khơi dậy lòng
tin và thay đổi trong toàn thế giới?
Theo lý
thuyết, dức Giêsu không phải là ngưởi chủ hòa. Không có bằng chứng nào nói lên
rằng ngài nghĩ không nên dùng bạo lực vì bất cứ lý do và trường hợp nào. Ngài
dùng bạo lực (không có đổ máu) để đuổi những con buôn ra khỏi Đền Thờ. Ngài bắt
các môn đệ phải bỏ cuộc họp trong sa mạc. Ngài bảo các ông phải mang gươm để tự
vệ. Trong những trường hợp như thế, ngài không bảo họ phải đưa má bên kia để bị
tát thêm. Lệnh phải đưa má bên kia và không được chống lại điều ác thường được
trích dẫn sai. Theo nguyên bản thì đó là những cách nói nghịch lại với nguyên
tắc «mắt đền mắt, răng đền răng» (Mt
5:38-39), chứ không chủ ý bài trừ bạo động, nhưng là bài trừ bạo động với mục
đích trả thù. Vấn đề là phải chăng vì đức tin, cải tâm và giải phóng, có thể
dùng đến bạo động trong một số trường hợp?
Chúng ta biết
chắc Đức Giêsu nghĩ rằng trong trường hợp và thời đại của ngài dùng bạo lực để
nắm chính quyền cho ngài (hay cho bất cứ ai) chỉ gây hại cho dân chúng và như
thế, đi nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa. Câu «Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm», Mátthêu nghe ở đâu đó rồi ghép vào
câu chuyện Đức Giêsu bị bắt (26:52). Nó không phải và cũng chẳng bao giờ là một
chân lý lúc nào cũng đúng. Trong một vài trường hợp dùng gươm không nhất thiết
phải chết vì gươm, nhưng trong lúc Đức Giêsu bị bắt mà ngài và các môn đệ chỉ
là thiểu số, thì dùng gươm chỉ là tự sát.
Đức Giêsu rất
thực tế. Cũng như đa số người Pharisêu và Sađuxê ngài thấy rằng dùng bạo lực để
cướp chính quyền khỏi tay người Lamã là một hành động tự sát. Và hy vọng một
phép lạ chiến thắng là thử thách Thiên Chúa (Lc 4:12). Chiến tranh với người
Lamã chỉ mua lấy tàn sát cho toàn dân. Đó là tai ương mà Đức Giêsu sợ hãi và
nghĩ rằng có thể tránh nếu biết cải tâm (Lc 13:1-5).
Nhưng đấy
không phải là lý do thực tế độc nhất mà Đức Giêsu không muốn làm một cuộc đảo
chánh. Nhận làm vua trong khi dân chúng chưa phục tùng «vương quốc» của Thiên Chúa và dẫn họ đi chiến đấu chỉ là sa vào tay
Satan (Mt 4:8-10). Đó là nhận «vương quốc»
của Satan trên «vương quốc» của Thiên
Chúa và khuyến dục dân chúng dùng bạo lực chống lại một vương quốc khác mặc dù
nó vô thần. Lối này không thể thực hiện được «vương quốc» của Thiên Chúa. Israel cần phải thay đổi trước khi
nghĩ đến một việc như thế. Chắc chắn Đức Giêsu đã nhận làm Vị Vua Cứu Tinh nếu Israel thay đổi
đường lối và nếu có một «vương quốc»
của Thiên Chúa. Làm Vị Cứu Tinh không có nghĩa là được vinh danh, uy tín và
quyền lực nhưng là một hình thức phục vụ, và dân Ngoại sẽ được nhận vào «vương quốc», không phải bằng gươm giáo
nhưng bằng sức mạnh của đức tin và lòng từ bi.
Đức Giêsu
không phải là người chủ hoà trên lý thuyết nhưng là trên thực tế, nghĩa là
trong hoàn cảnh thực tế của thời ngài. Chúng ta không biết được trong những
truờng hợp khác thì ngài sẽ làm gì. Tuy nhiên chúng ta có thể phỏng đoán rằng
nếu không còn có cách nào khác để bênh vực người nghèo và người bị đàn áp và
nếu không có nguy hiểm gia tăng bao động, thì vì lòng từ bi vô bờ bến ngài có
thể tạm thời dùng đến bạo lực. Ngài đã bảo các môn đệ hay đeo gươm để tự vệ và
ngài đã thanh tẩy Đền Thờ bằng bạo lực. Nhưng trong những truờng hợp đó bạo lực
chỉ là phương thế tạm thời với mục đích ngăn chận một bạo lực lớn hơn. «Vương quốc» mà trong đó mọi người được
giải phóng toàn diện, không thể xây dựng bằng bạo lực. Chỉ có đức tin mới làm
cho «vương quốc» đến.
Comments
Post a Comment