10 Chương mười ‒ Tự do và quyền bính


Chương mười
Tự do và quyền bính

Đức Giêsu giải phóng con người, điều đó không có nghĩa là ngài chống lại giáo quyền. Ngài biết rằng cần có giáo quyền để nhắc nhở dân chúng đến sự thiện và sứ điệp của Thiên Chúa. Ngài cũng hiểu rằng không thể rao giảng một sứ điệp và bảo rằng nó rất cần thiết, rồi để cho dân chúng chuyền miệng nhau mà không lo bảo vệ nó, bởi lẽ nó có thể bị bóp méo và chắp vá. Đó là lý do ngài chọn mười hai môn đệ. Nếu ngài không có ý định xây dựng một cơ cấu thì ngài đã không chọn mười hai môn đồ và bảy mươi đệ tử. Họ phải tiếp tục công việc của ngài khi ngài ra đi. Ngài còn xác định vai trò của họ là phải rao giảng sứ điệp của ngài cho người Do thái trước nhất, sau đó mới đến người ngoại giáo. «Anh em hãy rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần», «Tôi sẽ ban cho anh em Thánh Linh để ngài nhắc nhớ những gì tôi đã dạy anh em». Ngài còn nói: «Tôi sẽ ở với anh em cho đến tận thế.» Dĩ nhiên là các môn đồ không thể sống đến ngày tận thế, ở đây Đức Giêsu muốn nói đến những người kế vị họ trong tương lai, đó là các môn đồ và quyền giáo huấn của các ông vẫn tồn tại nơi chúng ta.
Chỉ cần đọc thoáng qua các sách Phúc âm chúng ta cũng có thể thấy Đức Giêsu đã xây dựng một cơ cấu để sứ điệp của ngài được lưu truyền cách trung thực. Điều này đúng vì ngài thấy sứ điệp của ngài cần để cứu rỗi, do đó ngài phải lo sao cho nó được lưu truyền cách trung thực qua mọi thế hệ. Ngày kia trong câu chuyện thân mật với các môn đệ, ngài hỏi các ông: «Người ta nói thầy là ai?» Mỗi người trả lời một cách khác theo như họ nghe bạn bè hoặc khách lạ nói. «Người thì nói thầy là Gioan Tẩy Giả, người thì nói thầy là ngôn sứ Êlia tái sinh. Kẻ thì nói thầy là một trong các ngôn sứ.». «Còn anh em nghĩ tôi là ai?» Ximông bèn mạnh dạn trả lời: «Thầy là Đức Kitô, Con của Thiên Chúa hằng sống.» Đức Giêsu bèn trả lời: «Phúc cho anh, Ximông, con ông Gioan, bởi vì không phải xương thịt này tiết lộ cho anh, nhưng chính Cha tôi ở trên trời.»
Đó là một đoạn văn rất quan trọng. Đức Giêsu muốn bảo rằng Thiên Chúa đã mạc khải cho Ximông về nguồn gốc của ngài. Rồi ngài tiếp tục nói, «Này Ximông, anh là đá, và trên viên đá này tôi sẽ xây dựng giáo hội của tôi là cộng đoàn các môn đệ. Cửa hoả ngục không thể lay chuyển nó được. Và tôi sẽ cho anh chìa khoá nước Trời. Những gì anh cầm buộc dưới đất, thì tôi cũng sẽ cầm buộc trên trời; những gì anh cởi trói dưới đất, thì cũng sẽ cởi trói trên trời.»
Đó là những lời tuyên bố rất mạnh mẽ và rõ ràng. Đức Giêsu trao cho các môn đệ, và đặc biệt là Phêrô, trọng trách trao sứ điệp của ngài cho đến tận thế. Đó là quyền bính. Trong lời tuyên bố cuối cùng với Phêrô mà ngài đổi tên là Ximông, có nghĩa là đá, khi ông được Thiên Chúa mạc khải về nguồn gốc của ngài. Ngài không bảo với ai hết đứng gần đó nhưng chỉ với Phêrô, rằng Cha của ngài sẽ hướng dẫn và bảo vệ những lời giáo huấn của ngài một cách đặc biệt.
Khi đọc các bản văn trên, người ta không thể không đi đến kết luận rằng Đức Giêsu đã hứa sẽ mãi mãi ở với cộng đoàn những người tin theo ngài, và một cách đặc biệt, với những ai kế vị các môn đệ để dạy dỗ và hướng dẫn cộng đoàn đó.
Các sách Phúc âm ghi lại những khó khăn mà Đức Giêsu gặp phải khi đương đầu với quyền bính của các kinh sư và người Pharisêu. Như thế thì ngài sẽ ban cho các môn đệ và những người kế vị các ông loại quyền bính nào? Ngày kia Đức Giêsu và các môn đệ đi trên đường, có lẽ qua một cánh đồng trống. Hình như ngài đi xa xa đàng trước, vì lẽ nếu ngài đi gần thì các ông đã không đề cập đến vấn đề sau đây. Các ông cãi nhau xem ai trong các ông là người có quyền nhất. Giacôbê và Gioan nói, ỏõDĩ nhiên là chúng tôi có quyền nhất, vì chúng tôi là người họ hàng, mẹ của ngài và mẹ chúng tôi là chị em. Mẹ của chúng tôi sẽ xin cho chúng tôi chỗ nhất nhì trong vương quốc”.
Các ông khác cũng hùng hồn tranh luận về chỗ danh dự. Phêrô lớn tiếng cãi: «Này các anh ơi, các anh cứ nghĩ bà con họ hàng là nhất, các anh không nghe ngài tuyên bố với tôi bữa trước sao, “Phúc cho anh, Ximông, con ông Gioan. Anh là Đá, và trên viên đá này tôi sẽ xây dựng giáo hội của tôi mà cửa hoả ngục không lay chuyển nổi. Tôi ban cho anh chìa khoá nước Trời. Những gì anh cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng sẽ cầm buộc; những gì anh cởi trói dưới đấn thì trên trời cũng sẽ cởi trói”.»
Dường như Đức Giêsu đi chậm lại để các ông theo kịp, rồi ngài hỏi các ông, «Anh em nói gì với nhau?». Câu hỏi rất tế nhị nhưng đầy uy quyền. Nó có vẻ mỉa mai nhưng lại nghiêm túc. Ngài bèn nói:
«Người thế gian thì thích làm chủ tôi tớ và xem mình quan trọng. Còn anh em thì không nên làm thế. Ai trong anh em muốn làm kẻ nhất thì hãy phục vụ cho mọi người». Đó là loại quyền bính gì? Chắc hẳn không phải loại quyền bính mà các môn đệ đang nghĩ đến. Các ông muốn có quyền hành. Các ông thích nắm quyền, nhưng Đức Giêsu làm cho các ông rối rắm. «Tại sao ngài phải làm khác với mọi người? Ai còn xem ngài ra gì? Chúng ta không thể hiểu được ngài. Ngài sống khác qua».
Đọc lại các sách Phúc âm, các bạn sẽ thấy Đức Giêsu có thi hành quyền bính, nhưng là một loại quyền bính độc đáo, đó là quyền bính trên tà ma và bệnh tật. Ngài chữa bệnh, dỗ dành, ủi an, phục sinh người chết, cho người mù thấy được. Đó là sức lực, là uy quyền. Nhưng đặc biệt nhất là ngài dạy dỗ với uy quyền, không phải bằng đe doạ hay bắt nạt tâm trí, nhưng làm cho chân lý sáng tỏ hơn mà cho đến bây giờ không ai làm được. Nhất là ngài dạy dỗ bằng chính đời sống và gương mẫu của ngài. Tất cả con người và thái độ của ngài nói lên uy quyền và dân chúng tin theo, điều đó đe doạ quyền bính của linh mục thượng phẩm, nên các viên chức đòi phải có thái độ đối với ngài. Đó là loại quyền bính mà Đức Giêsu muốn các môn đệ của ngài có, một loại quyền bính dịu hiền dễ khắc phục bằng chính sức lực nội tại của sứ điệp. Đức Giêsu rất quyền phép, nhưng không bao giờ ngài dùng thủ đoạn đàn áp để thuyết phục dân chúng. Kitô giáo sẽ tốt đẹp biết bao, nếu những người lãnh đạo biết noi gương khiêm nhường, hiền hậu và nhã nhặn của Đức Giêsu khi thi hành quyền bính. Nếu ai trong nhóm không hiểu được ngài, bạn có nghĩ rằng Đức Giêsu bảo họ, ỏõĐi cho rảnh mắt, đồ rối đạo, không được theo ta nữa.” Tôi chắc chắn ngài sẽ tìm cách giúp người đó để lôi kéo họ về với ngài.
Mặc dù Đức Giêsu dành nhiều thời giờ để dạy các môn đệ về quyền bính, nhưng bạn không khỏi có cảm tưởng rằng ngài vẫn nghĩ các ông chưa hiểu phải thi hành vai trò của các ông như thế nào. Vì thế, sau bữa tiệc ly, ngài đứng dậy khỏi bàn tiệc, cởi áo choàng ra, lấy một bình nước và khăn lau rồi quì xuống mà rửa chân cho các ông, làm cho các ông kinh hãi và hổ ngươi. Chưa bao giờ các ông lấy làm hổ ngươi như thế. Khi đến trước mặt Phêrô, ngài không thấy chân của ông ở đâu vì ông rút chân lại. «Không được, không được. Thầy không nên rửa chân tôi!». «Được, được, Phêrô ạ. Nhưng nếu tôi không rửa chân cho anh thì anh không thuộc về tôi». «Nếu thầy nhất định làm, thì xin rửa luôn cả tay lẫn chân tôi.» «Phêrô, đừng ngớ ngẩn. Đưa chân đây.»
Rồi ngài ngồi trên hai gót chân, vắt khăn lau trên cánh tay và đặt hai tay lên đùi mà nhìn thẳng các môn đệ. «Các anh gọi tôi là Chúa là Thầy. Đúng vậy. Nếu tôi là Chúa là Thầy mà quì xuống rửa chân cho anh em, thì anh em cũng nên làm cho nhau như thế». Ngài còn cố làm cho các ông hiểu thế nào là quyền bính và biết ngài muốn họ xử dụng nó thế nào khi thời lúc đến, mà thời lúc đó cũng không còn xa lắm.
Dĩ nhiên là ngài không muốn bảo họ phải thực sự rửa chân cho nhau, nhưng là làm những việc nhỏ nhặt để phục vụ đoàn chiên, chứ không phải cai trị như các quan tước thế gian ban hành sắc luật và hình phạt nặng nề, nếu ai không tuân giữ. Đức Giêsu thi hành quyền bính một cách khiêm tốn nhưng lại rất hữu hiệu. Thực vậy, khi kẻ có quyền mà lại khiêm tốn và nhân hậu thì dân chúng nghe theo. Khi đức Gioan XXIII làm giáo hoàng, có một số bạn bè Do Thái và Tin lành nói với tôi: «Ngài không chỉ làm giáo hoàng cho cha, nhưng cho chúng tôi nữa». Họ yêu mến ngài. Thật là kỳ lạ khi những người không cùng tôn giáo với chúng ta lại muốn công nhận đức giáo hoàng. Khi giáo hoàng khắc nghiệt, hung dữ và hiếu thắng thì họ cảm thấy bị chạm. Các vị giáo sĩ này thường đọc và bàn thảo văn tự của đức Gioan XXIII trong nhà thờ và nguyện đường của họ. Họ cảm thấy gần gũi với ngài. Khi quyền bính được áp dụng cách khắc nghiệt thì dân chúng xa lánh. Tôi thấy có nhiều người bỏ Giáo hội, nhiều nguời có thiện chí lại xa lánh Giáo hội, vì lý do lạm dụng quyền hành trong Giáo hội hơn là vì nghe theo lý thuyết của một thần học gia vô danh mà đa số dân chúng không bao giờ nghe nói cho đến khi đọc thấy trên sách vở hay báo chí.
Dẫu vậy, Đức Giêsu cũng đã ban quyền cho các môn đệ và những người kế vị các ông. Phêrô vẫn còn được chúng ta tôn trọng. Ông là thành phần trong gia sản mà Đức Giêsu để lại cho chúng ta. Nếu muốn trung thành với Đức Giêsu và Thánh Kinh, chúng ta phải tôn trọng Phêrô và xét lại thái độ của chúng ta đối với ông trong thời đại này.
Đức Giêsu thành lập giáo quyền để duy trì sứ điệp của ngài. Nhưng Ngài cũng ban cho những ai theo ngài được tự do theo Thánh Linh hướng dẫn. Như thế thì không thể có mâu thuẩn giữa quyền bính và tự do vì Giêsu ban cho cả hai, nhưng phải tôn trọng lẫn nhau.
Làm thế nào để hưởng cái tự do mà Đức Giêsu ban cho? Trước tiên chúng ta phải tìm hiểu chính bản thân mình, phải tin tưởng thật sự và hiểu biết tường tận lòng tin. Có lúc gặp những tình trạng khó xử mà chúng ta phải quyết định lựa chọn, như trường hợp của chủ nhân một cơ xưởng lớn sau đây. Công việc làm ăn tốt nhưng gặp phải giai đoạn khó khăn. Sa thải bớt nhân viên là giải pháp tốt để qua cơn sóng gió mà sống còn. Sau nhiều đêm mất ngủ, cầu nguyện và tự vấn lương tâm, ông quyết định cắt bớt nhân viên để cho công ty đứng vững. Khi vị giáo sĩ của ông nghe biết câu chuyện bèn đến gặp ông và bảo ông rằng làm như thế là vô luân, vì sẽ gây đau khổ cho biết bao gia đình và cá nhân. Ông chủ miễn cưỡng nghe lời vị giáo sĩ. Một năm rưỡi sau đó, công ty tuyên bố phá sản và tất cả nhân viên mất việc.
Như vậy ông có nên để cho vị giáo sĩ quyết định giùm cho không? Có nhiều trường hợp tương tự mà chúng ta phải lựa chọn giữa ý kiến của các người lãnh đạo tôn giáo và quyết định cá nhân mình? Khi đến trước toà Chúa, chúng ta phải trả lẽ về những quyết định của mình. Ngài ban cho chúng ta trí thông minh và sự tự do để quyết định. Chúng ta không nên giao trách nhiệm ấy cho ai dù họ ở địa vị nào. Chúng ta sẽ chịu đoán xét về những việc mình phải làm, chứ không phải do ai bảo phải làm.
Tuy nhiên Thiên Chúa ban quyền bính cho Giáo hội. Giáo hội có vai trò gì trong những quyết định của chúng ta? Khi gặp khó khăn, chúng ta nên khảo vấn lương tâm và cầu nguyện. Nếu gặp những vấn đề phức tạp thì tốt nhất là tra cứu cặn kẽ và tham khảo ý kiến những kẻ hiểu biết và đáng tin cậy có cái nhìn khách quan. Nếu Giáo hội có dạy về vấn đề đó, thì nên học hỏi và tín cẩn nghe theo. Nếu chúng ta chấp nhận một cách lương thiện những gì Giáo hội dạy, thì nên theo đấy mà hành động. Tuy nhiên nếu gặp phải vấn đề quá phức tạp hơn là những gì Giáo hội dạy bảo, thì chúng ta phải tự quyết định lấy. Thiên Chúa thường hướng dẫn chúng ta trong những trường hợp như thế khi chúng ta thành khẩn cầu xin với tấm lòng cởi mở. Sau khi cầu nguyện và tự vấn lương tâm, chúng ta phải lựa chọn những quyết định mà chúng ta thấy mình phải làm và xin Thiên Chúa phù trợ.
Nếu những quyết định đưa đến kết quả tốt lành, thì tạ ơn Chúa. Nhưng nếu có sai lầm thì phải hiểu rằng sự tự do và trách nhiệm của chúng ta cũng cho chúng ta quyền làm lầm lỗi một cách lương thiện và sau đó sửa chữa lầm lỗi. Tôi nghĩ rằng đó là cách thức tốt đẹp nhất để kính trọng sự tự do cá nhân do Thiên Chúa ban cho và quyền bính mà ngài ban cho Giáo hội.
Khi trở thành giáo sĩ, tôi thường tự vấn lương tâm. Sau đó vài tuần, tôi quyết định phải hoạt động thế nào. Vào một cuối tuần, tôi bảo giáo dân rằng tôi sẽ để họ tự quản trị cộng đồng. Tôi nghĩ rằng họ đã tham gia vào nhiều dự án và ủy ban trong phố, và một số người lại điều hành công việc thương mãi tư. Như thế họ cũng có thể thành lập một ủy ban giáo xứ và hoạt động mà không cần đến tôi. Tôi bèn giao giáo xứ lại cho họ và nói rằng tôi không phải là ông chủ bảo họ phải làm gì.
Chúng tôi xây dựng một xứ đạo đáp lại nhu cầu của cộng đoàn. Chúng tôi thành lập nhiều ủy ban, trong đó có ủy ban tài chánh, ủy ban giáo lý, ủy ban tương trợ người nghèo, ủy ban hoạt động với người giàu, ủy ban xây cất, ủy ban trợ giúp người già, ủy ban thăm viếng bệnh viện, ủy ban giúp đỡ những người mãn tù và cần công ăn việc làm, ủy ban hoạt động với anh chị em Tin Lành, ủy ban hoạt động với các bạn Do thái, và nhiều ủy ban khác tùy theo nhu cầu của dân chúng.
Tôi bổ nhiệm chủ tịch các ủy ban, vì kinh nghiệm cho tôi biết có rất nhiều khó khăn trong việc bầu cử các viên chức trong giáo xứ, vì họ phải làm vừa lòng những ai bầu họ. Tôi bảo các ủy ban rằng cộng đồng không nằm trong khu đất nhà thờ, vì thế tôi không muốn họ hội họp trong những dãy nhà của nhà thờ. Họ phải hội họp trong nhà của họ. Tôi cũng không đi họp. Họ phải quyết định lấy những gì cần. Còn tôi chỉ đồng ý với những quyết định của họ. Trong sáu năm làm việc ở đó, tôi không chống lại một quyết định nào của họ cả, nhưng chỉ đưa ý kiến nếu thấy cần.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy dân chúng trưởng thành và tận tụy. Họ thực hiện những công việc tốt đẹp như việc sau. Chính phủ làm công lộ qua đất nguyện đường Do thái địa phương, nhưng tiền bồi thường không đủ để xây một nguyện đường khác. Hội đồng giáo xứ bèn biểu quyết lạc quyên để xây lại nguyện đường. Người Do thái rất vui lòng, mặc dù họ không cần đến sự giúp đỡ trên, vì một số người trong cộng đoàn Dothái ứng tiền ra xây cất. Khi nguyện đường được xây cất, giáo sĩ Do thái mời tôi diễn thuyết lễ khánh thành. Đó là một nguyện đường Do thái Chính thống. Trong bài diễn thuyết tôi có nhắc đến sự hợp tác giữa hai cộng đoàn trong những năm qua, và tôi ước mong một ngày nào đó tôi sẽ là thành viên của nguyện đường vừa làm giáo sĩ phụ trách họ đạo của tôi, cũng như ai trong cộng đoàn Do thái cũng có thể làm thành viên của xứ đạo chúng tôi vừa chính thức là thành viên của nguyện đường. Nghe thế, mọi người nhiệt liệt tán thưởng. Sau buổi lễ có hai giáo sĩ Do thái đến gặp tôi mà bảo: «Ý kiến thật tốt đẹp. Tại sao không thực hiện được.» Nói là làm. Tôi bèn đến trình bày ý kiến đó với giám mục, rồi viết đơn gửi đến khâm sứ toà thánh tại Hoa Thịnh đốn. Ngài chuyển đơn của tôi lại cho giám mục trong hội đồng giám mục Mỹ phụ trách liên lạc với cộng đồng Do thái. Vị giám mục này không thấy có rắc rối gì và nói rằng đề nghị của tôi không có gì mâu thuẫn và chúng tôi có thể tiến hành công việc.
Giáo dân của tôi cũng liên lạc mật thiết với cộng đoàn Lutêran trong phố. Chúng tôi hợp tác với nhau trong nhiều công việc, cử hành lễ nghi phụng vụ với nhau, và xin giám mục đôi bên ban phép thêm sức cho con em trong nhà thờ của đôi bên.
Ngày áp lễ Giáng Sinh ông già Noel đi xe trượt tuyết qua giáo xứ chúng tôi, xe ông chất đầy quà do một cặp vợ chồng Do thái dâng cúng. Thật là náo nhiệt. Đường xá trong khu phố hẻo lánh của chúng tôi đầy trẻ em, phụ huynh và bô lão sốt ruột chờ ông già Noel đi xe đến. Khi thấy xe ông đến, trẻ em nhảy nhót hát bài ỏõJingle Bells”, còn một số người khác thì la lên «Ông già Noel, ông già Noel» khi xe ông trượt xuống con đường phủ tuyết. Các bô lão hình như còn phấn khởi hơn trẻ em! Hình như ông già Noel có một chỗ đứng trong lòng mọi người bất cứ ở lứa tuổi nào…
Mặc dù tôi đã giao xứ đạo lại cho giáo dân, nhưng tôi thấy rằng tôi có nhiều quyền hành hơn là những vị giáo sĩ quản trị cách nhiệm nhặt. Dân chúng rất nể tôi mà không làm cho tôi lo lắng hay buồn phiền. Ngoài ra, tôi được hoàn toàn tự do linh hướng dân chúng, đem Giêsu đến cho những thành phần khác trong cộng đồng, và thực hiện được nhiều điều hơn là tự tay quản trị giáo xứ. Đó là một tấm gương tốt cho tôi thấy rằng tôn trọng tự do của dân chúng cũng như tôn trọng quyền bính của Giáo hội vẫn có thể cùng phát triển cách tốt đẹp và một cách hữu ích, bởi vì Thánh Linh được để cho tự do hoạt động.
Đôi khi quá trình ra quyết định gồm có những vấn đề mà Giáo hội phải trực tiếp nhúng tay vào, như văn tự về phụng vụ hay thần học. Trong những vấn đề này Giáo hội có quyền và có bổn phận phải dạy dỗ và cung ứng chỉ đạo cho dân chúng.
Những vấn đề này, cho dù rất tế nhị, cũng có thể giải quyết theo tinh thần của Giêsu. Đôi khi có những nhà thần học dùng địa vị của mình ở những đại học công giáo mà đưa ra những ý kiến đi ngược lại với Giáo hội. Đó là điều đáng tiếc, bởi vì họ ký kết dạy thần học công giáo nhưng lại gây nên khủng hoảng vì lạm dụng địa vị của mình. Giáo quyền bấy giờ buộc lòng phải hành động.
Tuy nhiên cũng có những nhà thần học đáng tin cậy đưa ra nhiều ý kiến hay, mặc dù họ đề nghị những đường lối khác để hiểu giáo lý. Có khi họ đề nghị giáo quyền nên xét lại môn giáo lý nào đó. Họ là những người không những thánh thiện, chân thành và trung tín, nhưng còn được Thánh Linh soi sáng. Đôi khi họ bị các viên chức của Giáo hội đối xử một cách tàn tệ. Hành động này gây nên gương xấu và làm hại đến thanh danh của Giáo hội. Tôi không bao giờ quên lúc tôi còn là sinh viên thần học ở Hoa Thịnh Đốn. Giáo sư là cha Gioan Courtney Murray. Cha đưa ý kiến rằng Giáo hội có thể hoạt động cách dân chủ. Tuần lễ sau đó một nhà thần học khác lên tiếng nhạo báng cha Murray. Sau đó không lâu Hồng Y Ottaviani, trưởng Thánh Bộ Đức Tin, cấm cha Murray không được phát biểu nữa. Vài năm sau đó khi công đồng Vatican II họp, cha Murray được mời làm nhà chuyên môn về thần học, và ý kiến của cha về Giáo hội hoạt động cách dân chủ được chấp nhận như là giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công giáo. Tại sao người ta lại không chấp nhận ý kiến của cha ngay từ lúc đầu?!
Hy vọng rằng các nhà thần học nên tế nhị một tí về đức tin của dân chúng khi các vị đưa ra những ý kiến khác với những gì giáo dân đã được dạy về đức tin, bằng không các vị sẽ làm hại đến đức tin đơn sơ của dân chúng. Nhưng người ta cũng hy vọng rằng các viên chức Vatican có trọng trách bảo vệ đức tin cũng nên tôn trọng trí thông minh và tự do của những người chân thành. Tại sao không ngồi lại với nhau để bàn thảo về những vấn đề khó khăn và giải thích chúng thế nào để cho dân chúng dễ dàng chấp nhận? Toàn thể Giáo hội và những người có thiện tâm không khỏi lo âu khi quyền bính được áp dụng một cách thô thiển và không giống tí nào thái độ tế nhị của Đức Giêsu.
Bởi vì Thánh Linh ban tự do cho con người và ban quyền bính cho Giáo hội, thế thì tốt đẹp biết bao khi giáo phẩm, các giảng sư và tác giả tôn trọng lẫn nhau và cố gắng cùng hoạt động một cách nhã nhặn trong tinh thần Kitô để đi đến một giải pháp lành mạnh cho những vấn đề khó khăn. Không nên có thái độ hách dịch và nhỏ nhen nơi những người đại diện cho Giêsu. Đó là điều làm cho Đức Giêsu rất đau lòng trước khi ngài chết, và khiến ngài rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông phải khiêm tốn và kính trọng những phần tử bé nhỏ trong cộng đồng.

______________________



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam