09 Chương chín ‒ Tái sinh trong tự do
Chương chín
Tái
sinh trong tự do
Chắc
hẳn Đức Giêsu không đến trần gian chỉ để làm một người dễ mến, để tiếp đón, chữa
bệnh và an ủi dân chúng. Nhưng ngài đến với một mục đích: đó là mang lại một sứ
điệp và để cứu chuộc nhân loại bằng những đau khổ và cái chết của mình.
Việc
làm đầu tiên của ngài là công bố sứ mệnh của mình như người ta thường làm ngày
nay. Tuyên ngôn sứ mệnh đó rút từ sách Isaia: «Thần Linh của Thiên Chúa ngự xuống trên tôi, vì ngài tấn phong tôi để
tôi đem tin mừng cho người nghèo khổ. Ngài sai tôi đến để công bố tự do cho
người bị tù đày, để cho người mù được sáng mắt, để giải phóng người bị áp bức
và công bố năm thánh của Thiên Chúa» (Lc 4: 16-19)
Đức
Giêsu đến để cải huấn con cái của Cha ngài, để đem tin mừng cho họ, để nói cho
họ biết Thiên Chúa rất yêu quí họ và họ được tự do. Tự do là yếu tố chính của
tin vui của ngài. Hiểu như vậy sẽ giúp chúng ta hiểu được đời sống của Đức
Giêsu và biết ngài mong muốn gì nơi chúng ta, đó là ngài muốn chúng ta phải đón
mừng tự do và sống tự do như ngài ban cho.
Tự
do Đức Giêsu ban là gì? Phải hiểu nó trong hoàn cảnh ngài sống. Dân Do thái đã
được giải phóng trong nhiều thế kỷ trước, không những họ được giải phóng khỏi
nước Ai cập, nhưng cũng được giải phóng khỏi những mê tín dị đoan. Điều kỳ lạ
là họ đã mất tự do do chính tay những người lãnh đạo tôn giáo của họ. Đời sống
của họ bị bóp nghẹt và họ không còn được tự do tiếp xúc với Thiên Chúa. Những
người lãnh đạo tôn giáo đã làm cho dân chúng sợ hãi Thiên Chúa. Họ dùng Thiên
Chúa làm khí cụ để trừng phạt đối với những ai bất tuân lệnh của họ và kềm hãm
họ bởi không biết bao luật lệ. Dân chúng không còn được tự do nữa. Khi Isaia và
Đức Giêsu nói về tự do, không phải các ngài muốn nói đến tự do vật chất, nhưng
là tự do tinh thần, tự do hưởng thụ đời sống với bao thụ tạo khác của Thiên
Chúa, tự do làm con cái Thiên Chúa và tiếp xúc với ngài như là Cha mà không bị
ai cản trở, cũng giống như mọi đứa con được tự do tiếp xúc với cha mẹ mình vậy.
Hiểu như vậy thì ý niệm tự do của Đức Giêsu mới có ý nghĩa.
Ngài
«đến để giải phóng chúng ta khỏi gánh
nặng của lề luật mà không một ai gánh nổi», thánh Phaolô nói thế.
Không
phải Đức Giêsu nói rằng không cần có giáo quyền để hướng dẫn dân chúng, nhưng
ngài rất đau lòng khi thấy các người lãnh đạo tôn giáo gây khó khăn cho đời
sống của dân chúng, khi các vị can thiệp vào đời sống của họ với biết bao luật
lệ. Người ta nghĩ rằng các người lãnh đạo tôn giáo ngày nay cũng phải ý thức
cái tinh thần quá câu nệ luật pháp này, bởi vì Đức Giêsu đã xem đó là một vấn
đề trọng yếu.
Tuy
nhiên tôi có một kinh nghiệm đau đớn khi thấy trường hợp một phụ nữ không rước
Mình Thánh được vì chị dị ứng với rượu và bột mì. Khi thấy nhiều người cũng
mang bịnh dị ứng, chị bèn xin linh mục dùng bột khác và rượu nho không có cồn
để dâng Thánh Lễ. Một nhóm linh mục và luật gia viết thư thỉnh ý Toà thánh Roma.
Luật không cho phép. Đó là câu trả lời từ Roma. Do đó chị ta không rước được
Mình Thánh, trong khi Đức Giêsu lại bảo nếu chúng ta không rước ngài thì không
có sự sống. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng được chị phải đau khổ như thế nào
vì chẳng bao giờ được rước Mình Thánh. Đức Giêsu nghĩ thế nào trong trường hợp
này? «Lề luật được đặt ra cho con người
chứ không phải con người cho lề luật». Lề luật phải nhượng bộ trước nhu cầu
của con người. Thánh Lễ là lề luật của Thiên Chúa, còn các vật liệu để dâng lễ
chỉ là lề luật của Giáo hội. Lề luật của Thiên Chúa phải được ưu tiên, bằng
không chúng ta sẽ vô hiệu hóa lề luật của Thiên Chúa mà chỉ giữ truyền thống
của loài người.
Tự
do tinh thần rất cần thiết để đời sống thiêng liêng phát triển và lớn mạnh. Còn
tinh thần lề luật thì làm cản trở Thiên Chúa hoạt động nơi chúng ta. Thiên Chúa
phải được tự do để hướng dẫn chúng ta theo đường lối ngài chọn. Nếu Thánh Linh
Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn, chúng ta phải được tự do đáp lại. Tuy nhiên
cha mẹ và thày giáo lý thường làm cản trở con cái, bảo chúng cái gì được làm và
cái gì không được làm, thay vì giúp chúng nhận thức điều Thiên Chúa muốn nói
với chúng và ngài muốn dẫn đưa chúng đi về đâu…
Xung
đột giữa tự do tinh thần và giáo quyền xảy ra từ lâu trước khi Đức Giêsu đến. Vấn
đề mà các ngôn sứ gặp phải là ai có quyền dạy dỗ dân chúng. Thiên Chúa ủy nhiệm
cho các linh mục thượng phẩm và kinh sư quyền giáo huấn trong Dothái giáo. Những
quyết định của họ trở thành lề luật và ai lỗi phạm sẽ bị trừng phạt. Tuy nhiên
khi giáo quyền không thi hành phận sự của mình, thỉnh thoảng Thiên Chúa cũng gọi
các ngôn sứ và sai các ông đi dạy dỗ dân chúng. Thường thường các ông được lệnh
giáo huấn dân chúng nơi Đền Thờ. Điều này làm cho giáo quyền phát điên lên. «Chúng tôi là thày của Israel . Thiên
Chúa đã bổ nhiệm chúng tôi. Các người không là gì cả. Sao lại dám dạy dỗ dân
chúng?» Đó là vấn đề! Các giáo sĩ bị chạm vì có người dám làm công việc mà
Thiên Chúa ủy nhiệm cho các ông. «Nhưng
Thiên Chúa bảo tôi mang sứ điệp đến». Nhưng câu trả lời này cũng không lay
chuyển được các ông. Các ông vẫn bắt giam, hành hạ các ngôn sứ và giết hầu hết
các ngôn sứ. Ngôn sứ Zakaria bị giết ngay bên cạnh bàn thờ. Đức Giêsu tố cáo
các kinh sư và những người Pharisêu vì tay họ đẫm máu các ngôn sứ, bởi vì họ có
cùng một tâm trạng và hành sự như cha ông của họ đã làm đối với các ngôn sứ
trong dĩ vãng.
Theo
lý thuyết thì không bao giờ nên có xung đột giữa tự do tinh thần và quyền bính
của Giáo hội bởi vì Thiên Chúa là chúa của cả hai. Cả hai phải hợp tác tốt đẹp
để Chúa Thánh Linh có thể thực hiện những gì ngài muốn trong Giáo hội và trong
mỗi Kitô hữu, cũng như trong mỗi cá nhân dẫu họ có nhận biết Giêsu hay không.
Khi
đến một thời điểm mà chúng ta sẵn sàng hướng đời sống về Thiên Chúa, thì ngài
sẽ hoạt động bên cạnh chúng ta, chia xẻ nhận thức của ngài về chúng ta, cũng
như giúp chúng ta hiểu biết cách sâu xa về ngài và những điều linh thiêng. Cuộc
sống mới sẽ làm cho chúng ta phấn khởi. Với lòng đầy nhiệt huyết và quảng đại
chúng ta sẽ hoạt động hăng say cho tha nhân, cho những phần tử trong gia đình, mà
cách đó không lâu chúng ta không bao giờ nghĩ đến.
Cuối
cùng chúng ta tự bảo, «Có lẽ tôi có thể
giúp cho xứ đạo.» Sau đó tôi đến gặp vị chủ chăn, «Thưa cha, tôi rất hăng say muốn làm gì giúp cho xứ đạo. Cha có gì để
làm không?»
Câu
trả lời thường như thế này, «Xứ đạo có
mọi thứ cho giáo dân. Tôi thấy không cần gì nữa. Cám ơn. Nếu cần, tôi sẽ liên
lạc với bạn». Có khi câu trả lời sẽ cộc lốc hơn. Những câu trả lời như thế
làm choáng váng nhiều người muốn hợp tác với cộng đồng. Có thể vì chúng ta
thường xem cộng đồng chỉ là xứ đạo mà không nghĩ rằng cộng đồng là nơi chúng ta
sinh sống, làm việc và giải trí. Vì nhu cầu trong xã hội luôn luôn thay đổi, nên
Thiên Chúa ban tài năng cho con người không phải chỉ để phục vụ xứ đạo là một
đơn vị hạn hẹp. Thánh Linh Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong địa danh xứ đạo,
nhưng có tầm mức quảng đại và sâu xa hơn. Khi gọi ai, ngài gọi họ để phục vụ
cộng đồng. Vì thế những người lãnh đạo trong giáo xứ luôn luôn có thể tìm ra
nhu cầu cần đến khả năng của họ, nếu các vị mở rộng nhãn giới mà nhìn xem cộng
đồng một cách quảng đại hơn. Làm thế đó, chúng ta sẽ luôn luôn có thể tìm ra
việc hợp với khả năng của mọi người. Rất tiếc rằng các chủng viện không đào tạo
các giáo sĩ tương lai với cái nhìn quảng đại hơn.
Chúng
ta được dạy rằng mình là thành phần của thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô, mỗi
người được gọi đóng góp một cái gì đặc biệt cho cộng đồng, được gọi chia xẻ khả
năng của mình với những thành phần khác. Nếu đúng thế thì cộng đồng cần khả
năng của mỗi người. Nhưng mỗi người trong chúng ta cũng được tự do hoạt động
theo Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Tuy nhiên thường thì tinh thần này bị tắc nghẽn
khi người ta được bảo là không cần đến họ. Đây là một trong những điều bất mãn
trầm trọng trong các xứ đạo làm cho nhiều người bỏ đi. Họ biết họ có khả năng
đóng góp và rất mong muốn đóng góp nhưng bị từ chối, có khi còn bị xem là quấy
rầy. Tại sao phải ngồi lại trong khi có nơi khác cần đến khả năng của bạn.
Thánh
nữ Bênađét Soubirous có được một vị chủ chăn rất khôn ngoan và can đảm để tìm
xem Thiên Chúa muốn dùng chị làm gì. Khi biết chắc đức Maria hoạt động nơi chị,
ông đã sẵn sàng bênh vực chị dẫu phải thiệt thòi cho ông. Ngược lại, giám mục
của chị Gioan thành Arc vì lý do chính trị mà không tìm hiểu chị và còn đồng ý
thiêu sống chị vì bảo chị là một phù thuỷ. Sau đó ông biết mình đã nhầm lẫn lớn
và chị chính là một khí cụ Thiên Chúa dùng. Ông hối hận mà phong thánh cho chị
và xây một nhà thờ lớn để kính nhớ chị.
Để
tiếp tục thi hành sứ mệnh của mình, Đức Giêsu đi từ nơi này qua nơi nọ hoàn
thành những gì ngài được sai đến để làm như lời ngài nói ở Nadarét, đó là giải
phóng con người khỏi quyền lực Satan và gông cùm của các kinh sư và nhóm người
Pharisêu. Ngài giải tỏa tâm trí con người để họ lắng nghe Chúa Thánh Linh mà
không còn sợ hãi Thiên Chúa và hình phạt nếu không tuân giữ lề luật của đạo. Tâm
hồn con người không thể lắng nghe Chúa Thánh Linh nếu từ bé đã bị dọa chỉ phải
nghe các giáo sĩ mà thôi. Lớn mạnh trong Chúa Thánh Linh có nghĩa là luôn luôn
tìm hiểu Thiên Chúa và cách thức ngài hoạt động trong đời sống chúng ta và
trong thế giới. Những người chính thống vì quá cứng nhắc nên khó mà hiểu biết
Thiên Chúa và sứ điệp của Đức Giêsu, bởi vì họ câu nệ từng dòng chữ mà không
dám thay đổi. Chính
Chúa
Thánh Linh ban sự sống và ý nghĩa cho những dòng chữ viết xuống (Sách Thánh). Chính
Chúa Thánh Linh mới soi sáng cho chúng ta hiểu ý nghĩa Kinh Thánh cách rõ ràng
và sâu xa hơn.
Khi
người ta bị ngạt thở vì sợ hãi thì không thể nghe được lời của Chúa Thánh Linh.
Chúng ta sợ hãi lời của ngài mà không muốn lắng nghe. Chúng ta không bao giờ
nghĩ rằng những gì đã được giáo huấn có thể giúp chúng ta học hỏi thêm. Chính
đấy cũng là nỗi sợ hãi của các ngôn sứ khi Thiên Chúa kêu gọi các ông. Các ông
sợ hãi không dám đáp lại ngài, bởi vì nó mới lạ quá, kinh hãi quá, khác với
những gì các ông đã được đào tạo.
Đức
Giêsu đi từ làng mạc này qua làng mạc khác, giải phóng dân chúng khỏi những
bệnh tật thể xác và tâm thần, khỏi gông cùm của tội lỗi và quyền lực của ma quỉ
và khỏi u tối của tâm hồn. Đức Giêsu thật sự thi hành sứ mệnh của mình như lời
ngài tuyên bố, đó là sứ mệnh giải phóng con người, đó là tuyên tố năm hồng ân
của Thiên Chúa, năm thánh, không phải một năm với 365 ngày, nhưng là thời gian
ngắn ngủi mà Đức Giêsu sống với con người và ban phúc cho đời sống của họ, vì
ngài sống giữa họ và yêu thương họ.
______________________
Comments
Post a Comment