08 Chương tám ‒ Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa


Chương tám
Đức Giêsu là hình ảnh
của Thiên Chúa

Vì là người, chúng ta không thể bỏ đi lối suy tư của con người. Do đó, khi chúng ta suy tư về Thiên Chúa, rất khó mà nghĩ ra ngài là ai, để rồi cuối cùng chúng ta thu giảm ngài lại, gán cho ngài phái tính, đóng ngài vào một khuôn khổ để chúng ta hiểu được. Vì thế, chúng ta tạo nên ngài là một người như chúng ta, có một cái nhìn thiển cận về đời sống, có những cái nhìn, những giá trị và cảm xúc ảnh hưởng đến phản ứng về mọi hoàn cảnh như chúng ta thường có.
Khi đề cập đến những vấn đề của Giáo hội và thần học, dĩ nhiên chúng ta cũng nghĩ Thiên Chúa xét đoán mọi sự như chúng ta nghĩ, như thế là đặt tư tưởng của Thiên Chúa trên cùng bình diện với suy tư của con người. Đó là lý do những người theo trào lưu chính thống trong mọi tôn giáo nghĩ rằng lối suy tư của họ về Thiên Chúa và về tôn giáo là bất khả ngộ, và những tư tuởng khác không hợp với họ đều là khả nghi hay rối đạo. Để thoả mãn nhu cầu an ninh, họ trình bày tư tưởng của mình trong những bộ luật được gọt đẽo tinh vi và tuyên bố đó là tôn giáo. Họ đặt nhiều điều tuyệt đối mà không ai được bất đồng ý kiến với, nếu không sẽ bị tuyệt thông. Chúng ta phải công nhận rằng có nhiều điều tuyệt đối như về vấn đề siêu hình. Nhưng đôi khi chúng ta lại xem là tuyệt đối những điều thật ra chỉ là tương đối vì chúng không thuộc yếu tính của Thiên Chúa hay những luật bất di dịch của thiên nhiên. Đức Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương. Đó là một điều tuyệt đối không có luật trừ. Chúng ta phải luôn luôn yêu thương và hành động vì yêu thương và quan tâm đến tha nhân. Lấy tỉ dụ một người đàn ông và một người đàn bà không cưới nhau theo luật của Giáo hội nhưng họ cưới nhau theo dân luật. Họ có năm đứa con, chúng cần có một gia đình nguyên vẹn để đời sống được ổn định cũng như lớn lên cách lành mạnh cả về tâm lý và tình cảm. Này đây một giáo sĩ bảo rằng họ sống trong tội lỗi và phải bỏ nhau hoặc phải sống với nhau như anh em. (Tôi có cố vấn cho nhiều đôi vợ chồng có thiện chí đã làm theo lời dạy của một giáo sĩ để khỏi phạm tội.)
Nếu tình yêu là một điều tuyệt đối đối với Thiên Chúa thì chúng ta phải đặt câu hỏi như thế này: Họ phải hành động thế nào nếu muốn sống thật sự theo tình yêu? Rồi hãy xét mọi vấn đề khác. Nếu công nhận rằng tình yêu là một tuyệt đối, thì hãy tự hỏi, «Sống với nhau theo luật đời mặc dầu không được Giáo hội công nhận là một tương đối hay tuyệt đối?» Đó là một câu hỏi rất chính đáng. Hôn nhân thứ hai không nhất thiết chống lại luật của Thiên Chúa nếu đôi vợ chồng biết rằng hôn nhân trước là sai và trở thành vô hiệu quả. Phá hôn nhân thứ hai sẽ gây nhiều thiệt hại về tâm lý và tình cảm nhất là cho con cái, bởi vì tình yêu của cha mẹ đối với nhau sẽ ảnh hưởng đến chúng. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó cặp vợ chồng gặp ngăn trở trên sẽ cùng quyết định, «Không, chúng tôi không thể bỏ nhau. Chúng tôi đã cam kết sống cho nhau và cho con cái và sự cam kết này rất linh thiêng. Chúng tôi có bổn phận đối với nhau và với con cái. Chúng tôi cần có nhau và cần yêu nhau vì nhiều lý do. Chúng tôi thuộc về nhau. Lương tâm không cho phép chúng tôi quên đi lời cam kết này và làm hại cho con cái mà nghĩ rằng đó là làm đẹp lòng Thiên Chúa»
Đàng khác, tôi cũng đã chứng kiến nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau trong những trường hợp tương tợ và gia đình tan nát. Đời sống của mỗi người, nhất là con cái, bị bất ổn và tạo nên nhiều khó khăn, nhưng họ lại nghĩ rằng mình đã làm một hành vi rất anh dũng cho Thiên Chúa. Chính lối thi hành đạo của những người Pharisêu đã làm Đức Giêsu bực bội, bởi vì họ coi lề luật trọng hơn con người và không đếm xỉa đến luật tình yêu của Thiên Chúa mà chỉ chú trọng đến lề luật của con người.
Đối với nhóm kinh sư và Pharisêu thì lề luật là tuyệt đối. Họ không thể chấp nhận luật trừ mặc dù thái độ cứng nhắc của họ có gây khổ đau cho dân chúng. Những truyền thống và tục lệ của họ là bất di dịch. Chính vì đó mà họ tố cáo Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát. Nhưng lối sống của Đức Giêsu thì lại rất thong dong đối với lề luật. Điều này làm họ phát điên. Do đó, những người lãnh đạo tôn giáo không nhận ra ngài là ai. «Làm sao hắn có thể là vị Cứu tinh? Hắn không tuân giữ những gì đạo dạy là thánh. Chúng ta được dạy rằng ngày Sabát là ngày thánh, nhưng hắn lại không đếm xỉa gì đến những gì cấm làm trong ngày ấy và trắng trợn phạm luật cách công khai, làm chướng tai gai mắt cho dân chúng, phỉ báng đạo giáo của chúng ta. Luật chay tịnh đã có hàng ngàn năm, nhưng hắn bảo là phi lý và nói rằng, ỏKhông phải thứ gì ăn vào mồm làm cho người ta hôi thối, nhưng là thứ gì từ đó ra. õ Hắn nghĩ rằng vua Đavít làm đúng khi cho binh sĩ ăn của thánh, bởi vì lề luật được đặt cho con người, chứ không phải con người cho lề luật, và ngày Sabát được lập cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát. Từ bao thế kỷ, đạo dạy rằng người Samaritanô là tà giáo và ly khai nên cấm dân chúng tiếp xúc với họ. Nhưng hắn cứ đi vào đất của họ mà thăm họ và tuyên bố rằng hắn là vị Cứu Tinh, cũng như nói rằng họ được Thiên Chúa yêu thương như chúng ta. Hắn cũng nói rằng đã đến lúc không cần phải lên Giêrusalem hay núi Gadim mà cầu nguyện, nhưng cầu Thiên Chúa trong lòng và bằng đời sống. Hắn làm giảm uy tín của đạo, làm thiệt thòi cho đức tin của dân chúng và lòng sùng tín của họ. Làm sao hắn có thể là vị Cứu tinh? Không một vị Cứu tinh nào hành động và ăn nói như thế! Vị Cứu Tinh phải là người yêu nước, phải trung thành với tổ quốc và tôn giáo, và phải tuân phục quyền bính của chúng ta. Dẫu sao chúng ta cũng có quyền giáo huấn được Thiên Chúa ban cho.»
Chúng ta cũng thắc mắc không biết thái độ của Đức Giêsu đối với thần học Kitô giáo thế nào? Ngài có một nền thần học như chúng ta không? Những người Baptít Chính thống thì nghĩ rằng Đức Giêsu chỉ có thể nhận các nhà thờ của họ thôi. Người công giáo cũng vậy: Họ cũng nghĩ rằng ngài không chấp nhận những kẻ rối đạo hoặc ly khai khỏi Giáo hội của ngài, rằng ngài không thể làm phép lạ do tay những người Tin Lành, bởi vì làm như vậy là thừa nhận tôn giáo của họ, chắc chắn rằng ngài không bao giờ làm thế. Những người Chính Thống thuộc các tôn giáo khác cũng nghĩ thế. Họ nghĩ rằng những ai không cùng tin như họ thì không làm đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì họ trở thành nguy hiểm cho đức tin của những người khác, và vì thế cần phải khai trừ họ hay uy tín của họ. Đó là tâm trạng gây nên những toà án dị giáo lùng bắt ma thuật. Điều này cũng có thể xảy ra ngày nay nếu những người này được hành động tự do. Tôi biết một giáo sĩ Chính thống bị khai trừ khỏi cộng đồng của ông vì ông nói rằng người công giáo cũng có thể được cứu rỗi.
Một buổi chiều nọ sau khi tôi diễn thuyết về Đức Giêsu thì có một bà đến gặp tôi. Bà ta mắt long lanh muốn khóc. Bà là người công giáo mới đi hành hương ở Mêdugori do vị chủ chăn của bà và mục sư Nam Baptít tổ chức. Khi đến đài đức Mẹ, vị chủ chăn của bà dâng thánh lễ, nhưng từ chối trao Mình Thánh cho vị mục sư khi ông lên rước lễ. Bà ta nói, «Chúng tôi rất kinh hãi». Đức Giêsu có làm thế không? Đó có phải là nền thần học của Giêsu không? Đó có phải là thần học của Vị Chủ
Chăn hiền lành? Bà ta cũng nói rằng khi các trẻ em ở Mêdugori hỏi đức Maria rằng Con của Mẹ nghĩ thế nào về những người Tin Lành, thì đức Maria đáp, «Con của Mẹ xem mọi người như một gia đình. Chính các con xây tường chia rẽ nhau»
Vâng, thật là lý tưởng nếu những người rước Mình Thánh cùng tin như nhau! Trong bữa Tiệc Ly các môn đệ cũng chưa biết rằng Đức Giêsu là Con của Thiên Chúa. Họ không biết ngài là ai. Dẫu vậy, Đức Giêsu cũng trao Mình Thánh cho các ông. Tôi biết chắc các ông cũng không hiểu Mình Thánh là gì. Phải một thời gian lâu lắm các ông mới hiểu chu đáo mầu nhiệm Giêsu. Các ông chỉ hiểu được sau biến cố Phục Sinh khi các ông suy niệm lại những gì Đức Giêsu đã dạy và đã làm.
Ngày nay khi chúng ta khăng khăng đòi phải tin đúng như đạo dạy thì mới được rước Mình Thánh, thử hỏi có mấy người Công giáo tin đúng? Tôi luôn luôn nghe theo những điều thần học dạy, và khi làm việc ở xứ đạo tôi luôn luôn chuẩn bị các phụ huynh và trẻ em Chịu Lễ lần đầu hay Thêm sức để chúng hiểu rõ việc mình làm. Tôi nghĩ rằng đó là điều quan trọng. Tôi cũng nghĩ rằng những người tin vào Đức Giêsu phải hiểu những gì ngài đã dạy. Tôi cũng hiểu một cách thực tế rằng hầu hết những người Công giáo không biết rõ ràng phải tin gì, hoặc phải tin những điều chính mà Giáo hội dạy. Tôi biết có nhiều người Lutêran và Êphicôpa biết về thần học nhiều hơn là người Công giáo. Như vậy thử hỏi Đức Giêsu có khăng khăng đòi chúng ta phải hiểu đúng thần học không. Tôi không có câu trả lời, nhưng điều chắc là Đức Giêsu không đòi hỏi những người theo ngài phải tin nhiều điều lắm.
So sánh với nhóm kinh sư và Pharisêu, dường như Đức Giêsu không theo một khuôn phép thần học mà họ đòi phải có. Không biết ngài nghĩ thế nào về việc chúng ta khăng khăng đòi phải theo đúng luật, trong khi đó lại không quan tâm đến điều ngài dạy mà chỉ chú trọng vào lối giải thích của mình. Ngài có nhận ra chúng ta là một gia đình đang chia rẻ không? Hay là ngài rất đau lòng vì chúng ta xé tan tành gia đình của ngài để đi mỗi người một phương? Ngài đòi phải làm gì nếu mọi người chúng ta muốn đáp lại lời kêu gọi hiệp nhất của ngài để trở thành một gia đình?
Đức Giêsu rất thực tế trong cách hiểu biết và chấp nhận con người. Họ thế nào thì ngài chấp nhận họ thế đó, như thể ngài nói: «Được rồi, tôi biết bạn bây giờ ở trong tình trạng nào và từ đâu đến. Bạn không làm gì được về điều đó, chậm rồi. Thôi cứ khởi sự từ đây». Tôi nghĩ ngài cũng nói, «Chúng ta cùng hợp tác, và với thời gian chúng ta sẽ biết chúng ta đang ở đâu.»
Tôi cũng thắc mắc không biết Đức Giêsu nghĩ gì về việc đòi linh mục phải độc thân. Linh mục là chức thánh và phải được Thiên Chúa gọi. Độc thân là một điều tốt đẹp khi được tự do lựa chọn. Tôi làm linh mục đã được bốn mươi lăm năm. Tôi yêu chức linh mục và tôi cũng quí trọng sự độc thân và hy vọng rằng sẽ luôn luôn có những linh mục độc thân trong Giáo hội. Nhưng tôi cũng đã thấy quá nhiều, thấy những đau khổ và tuyệt vọng của những linh mục khi họ khám phá ra rằng mình không thể sống cô độc. Họ được gọi làm linh mục, và lời gọi ấy mạnh mẽ quá làm họ phải cố dập tắt mọi nhu cầu khác để đạt đến chức vụ ấy. Một khi đã đạt được rồi, những nhu cầu khác lại chỗi dậy, và hỡi ôi, «Lạy Chúa, sao con thế này. Con không thể sống như vầy được nữa. Con sẽ điên vì cô đơn.» Linh mục đâm ra chán nản, không suy nghĩ, không cầu nguyện được và cuối cùng không hoạt động được nữa. Đấy không phải chỉ là than thân trách phận nhưng là một thực tế rất đau khổ. Để cứu vãn tình trạng suy thoái này, linh mục tìm những lối thoát không xứng đáng với chức vụ của mình. Đối với người có tinh thần mạnh mẽ thì dễ mà gắt gao lên án những linh mục ấy, nhưng tôi đã có dịp linh hướng cho họ và thấy họ là những linh mục tốt, là những người thánh thiện, sống đàng hoàng và chuyên cần cầu nguyện dẫu gặp phải khó khăn. Có lúc tôi muốn khuyên họ bỏ chức linh mục, nhưng tôi biết họ có ơn gọi làm linh mục. Họ là những linh mục tốt và giáo dân cũng biết họ là những người tốt. Ai cũng nhận thấy họ có ơn gọi làm linh mục nhưng không có ơn gọi sống độc thân. Một vị chủ chăn tế nhị sẽ thấy rằng có cái gì sai. Tôi rất buồn khi thấy các giám mục không dám đứng lên bênh vực cho các linh mục tốt này và để họ phải bị đối xử cách bất công. Đó là một trong những bất công lớn của Giáo hội ngày nay, cái lề lối đối xử với những linh mục chỉ mang một tội là lập gia đình. Khi nghĩ đến hơn một trăm ngàn linh mục ở trong tình trạng này, thì thấy rõ ràng có hai ơn gọi: Chúa Thánh Linh ban ơn gọi làm linh mục và ơn gọi sống độc thân cho những ai ngài chọn. Đấy là một điều thật tốt đẹp. Nhưng nếu Chúa Thánh Linh không ban ơn gọi sống độc thân, thì điều quan trọng là chúng ta phải tôn trọng ý muốn của ngài, bằng không chúng ta có thể làm hại cho chức linh mục. Khi chúng ta thấy có nhiều vị chủ chăn không tốt với con chiên bổn đạo và còn làm cho họ đau khổ nữa, cũng như sống một đời sống không lành mạnh, chắc hẵn Vị Chủ Chiên Lành phải đau lòng. Có thể chúng ta chọn lầm người lĩnh chức linh mục, vì chúng ta không lắng nghe Chúa Thánh Linh cũng như không xem ngài hoạt động thế nào nơi tâm hồn của mỗi người. Đức Giêsu có tuyên bố về việc độc thân. Ngài nói một cách rất đơn giản, «Ai giữ được thì hãy giữ.» Nếu chúng ta nghĩ đến Đức Giêsu, chúng ta thấy ngài kêu gọi và bổ nhiệm những người có gia đình làm môn đệ và cả đến làm giáo hoàng. Tôi cũng hiểu rằng có nhiều vấn đề rất trầm trọng và nhiều gương mù do những giáo sĩ có gia đình thuộc các tôn giáo khác, nhưng đó là một vấn đề khác. Nếu lời của Đức Giêsu, «Ai giữ được thì hãy giữ,» có một giá trị thần học nào, cũng như lời khuyến cáo của thánh Phaolô, «Người có đức tính tốt chỉ lập gia đình một lần», có lẽ chúng ta phải định giá lại đường lối của chúng ta, bằng không chúng ta sẽ chống lại Chúa Thánh Linh.
Điều cần thiết đối với suy tư thần học là phải tìm xem Đức Giêsu muốn gì. Đấy chẳng những là để làm cho tôn giáo được lành mạnh, nhưng cũng để ngăn chận những kẻ quá sùng đạo đã tạo nên bao cuộc bách hại tôn giáo trong suốt lịch sử. Quả vậy, tôn giáo đã gây ra bao nhiêu chiến tranh, bao nhiêu cuộc hành quyết, bao nhiêu mạ lỵ cá nhân, cũng như bao nhiêu người đã bị lên án một cách nhỏ nhen, tất cả đều được làm dưới danh nghĩa trung thành với Thiên Chúa và để bảo vệ tôn giáo và đức tin của người ngay lành!
Tôi tự hỏi không biết Thiên Chúa có câu nệ đến các khái niệm của chúng ta đặt ra không, những khái niệm không bao giờ hoàn hảo cả! Làm sáng tỏ đức tin là điều quan trọng, nhưng tôi yêu mến Thánh Lễ hơn là việc tìm hiểu mầu nhiệm này. Mỗi người chúng ta phải cố gắng tìm hiểu Thiên Chúa muốn gì nơi Đức Giêsu, để giúp chúng ta lớn lên mạnh mẽ trong tình yêu của ngài và mở rộng cái nhìn hẹp hòi của những người được gọi là đạo đức. Nếu hiểu được Đức Giêsu muốn gì, chúng ta sẽ thấy ngài muốn chúng ta kính sợ và tạ ơn mầu nhiệm Thánh lễ hơn là tìm cách giải thích mầu nhiệm này. Cả đối với Đức Trinh Nữ Maria, tôi nghĩ rằng có lẽ tốt hơn nên nhìn nhận địa vị cao cả của bà là Mẹ Đức Giêsu và Mẹ Thiên Chúa để rồi thêm lòng kính yêu Mẹ, hơn là đặt cho Mẹ nhiều tước hiệu chỉ làm rối lòng nhiều người, những tước hiệu mà chỉ những ai được học hỏi mới hiểu. Tôi chuyên cần yêu mến Mẹ hơn là định nghĩa những tước hiệu gán cho Mẹ, nhất là khi những tước hiệu này làm cho nhiều kẻ thành tâm phải xa lánh.
Đức Giêsu luôn luôn lo lắng cho các môn đệ và những người kế vị các ông phải thi hành quyền giáo huấn thế nào. Ngài chọn các ông và sai đi rao giảng và chữa bệnh. Các ông rất lấy làm hãnh diện, và đó là điều tự nhiên vì được đại diện cho một nhân vật quan trọng, làm sứ giả của ngài. Nhưng không lâu sau đó mỗi người lại cảm thấy mình quan trọng hơn người khác. Khi Đức Giêsu nghe các ông cãi nhau về vấn đề này, ngài bèn tế nhị lái các ông về chuyện khác.
Tuy nhiên có một lần khi trở về sau một ngày truyền giáo, các ông phàn nàn với Đức Giêsu rằng có một người lấy danh ngài mà trừ quỉ và các ông cũng đã cấm hắn không được làm vì hắn không thuộc nhóm các ông. Điều này cũng dễ hiểu vì các ông nghĩ rằng, «Đức Giêsu chọn chúng ta làm việc này. Chúng ta có thẩm quyền. Người này là ai? Hắn không có quyền làm việc này. Tại sao hắn cả gan làm công việc mà chỉ có chúng ta mới được phép làm?» Do đó các ông cấm người ấy làm.
Đức Giêsu bèn bảo các ông, «Đừng cấm hắn, vì ai không nghịch với anh em là bạn của anh em.» Mặc dù Đức Giêsu ban quyền rao truyền sứ điệp của ngài và chữa bệnh, nhưng không có nghĩa là ngài chỉ giới hạn quyền hành cho một nhóm người được chọn cách đặt biệt. Đây là điều rất khó mà chấp nhận đối với một số người, vì họ nghĩ rằng chỉ có công việc của họ mới cứu rỗi dân chúng, bởi lẽ họ được chọn để mang lại sứ điệp chân thực của Thiên Chúa. Đức Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng, «Dĩ nhiên là tôi chọn anh em để truyền đạt quyền bính, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không được hoạt động qua những người khác. Nếu tôi có làm thì cũng chẳng ăn nhập gì đến anh em. Tôi muốn dùng ai thì dùng. Anh em cứ khiêm tốn làm công việc của mình và đừng đoán xét người khác»
Đức Giêsu rất lo âu về thái độ của các môn đệ nghĩ họ là giới ưu tú. Những người Pharisêu cũng khăng khăng nghĩ như vậy. Họ biết họ được Thiên Chúa chọn để dạy dỗ dân chúng. Đức Giêsu cũng thừa nhận thẩm quyền của họ. «Anh em hãy làm những gì các kinh sư và những người Pharisêu dạy vì họ ngồi trên ngai của Maisen (quyền hành của họ là do Thiên Chúa ban). Nhưng đừng bắt chước họ, vị họ là những kẻ giả hình.» Đó là lời buộc tội rất nặng nề đối với những người mà Cha của ngài đã chọn và ban sứ vụ dạy dỗ dân ngài! Họ đã lạm dụng và làm đánh mất cái vui tươi và tự do mà Thiên Chúa ban cho dân ngài. Họ đã khiến tôn giáo trở thành «một gánh nặng không ai vác nổi». Họ kiểm soát chặt chẽ tư tưởng của dân chúng và dọa Chúa phạt nếu bất tuân và bất tín.
Một thí dụ nữa để nói rõ ai thuộc về gia đình của Đức Giêsu khi ngài nối vòng tay tiếp đón những người Samaritanô. Họ bị người Do thái tuyệt thông. Mấy thế kỷ trước họ đã bị khai trừ khi đoàn quân ngoại đạo đi ngang qua đất của họ. Nhiều phụ nữ Samaritanô lấy lính ngoại đạo. Để trừng phạt họ, giới lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem phạt vạ tuyệt thông toàn thể quốc gia Samaritanô và cấm họ lên Đền thờ Giêsusalem cầu nguyện. Người Do thái bị cấm liên lạc với người Samaritanô dưới bất cứ hình thức nào. Vào năm 490 trước kỷ nguyên khi giới lưu vong quí phái Giuđa trở về và xây dựng lại Đền thờ ở Giêrusalem, người Samaritanô có gửi phái đoàn lên Giêrusalem xin đóng góp, nhưng họ bị nguyền rủa và đuổi về. Từ đấy sinh ra mối hận thù giữa người Do thái và người Galilê đối với người Samaritanô.
Đức Giêsu xử sự thế nào trước hoàn cảnh này? Mặc dù giới lãnh đạo tôn giáo cấm không ai được tiếp xúc với người Samaritanô, nhưng Đức Giêsu cứ đi vào vùng đất của họ khi có dịp và còn làm bạn với họ nữa.
Câu chuyện người Samaritanô tốt lành rất có ý nghĩa ở đây. Khi Đức Giêsu kể câu chuyện người Samritanô làm phúc cho một lữ hành xấu số, rõ ràng là ngài muốn cho thấy rằng mặc dù người Samaritanô thuộc thành phần bị người Dothái khai trừ, nhưng Thiên Chúa không khai trừ anh mà anh còn được nêu lên làm gương mẫu.
Nếu chúng ta muốn hiểu Đức Giêsu thì hãy tìm hiểu các câu chuyện Phúc âm. Trước nhất, đạo Dothái là do Thiên Chúa ban. Thực vậy, chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho con người một tôn giáo và dạy họ phải tôn thờ ngài thế nào. Thời Đức Giêsu, Do thái giáo là tôn giáo chân thật. Các kinh sư và Pharisêu là những người có thẩm quyền được Thiên Chúa ban cho. Trong những trường hợp thông thường thì Đức Giêsu tuân phục quyền bính của họ. Tuy nhiên, ngài nhận thấy họ không thi hành những điều Thiên Chúa muốn mà còn ngăn trở con người hiệp thông với Cha của ngài. Ngài nhận thấy họ cắt đứt dân chúng với Thiên Chúa, và nỗi khắt khe của họ làm cho dân chúng xa lánh, trong khi họ lại nghĩ rằng chỉ có tư tưởng khắt khe của họ cũng như chính bản thân của họ mới làm đẹp lòng Thiên Chúa. Đối với họ gia đình của Thiên Chúa chỉ gồm những ai thuộc về Do thái giáo. Họ dành riêng ra một chỗ trong Đền thờ cho những người ngoại bang.
Các ngôn sứ, đặc biệt là Isaia, đã cố gắng mở rộng cái nhìn về gia đình của Thiên Chúa bị giới hạn trong sắc tộc và tôn giáo Dothái, nhưng các vị đã bị chống đối.
Những hành động và ngôn từ của Đức Giêsu cho thấy rõ rằng Thiên Chúa không chấp nhận lối suy tư thần học đó. Viễn tượng về gia đình của Thiên Chúa phải quảng đại hơn. Trong câu chuyện người phụ nữ bên giếng nước và người Samaritanô tốt lành, Đức Giêsu nhấn mạnh tư tưởng của ngài để cho thấy ai là người được Thiên Chúa chấp nhận và được xem là phần tử của gia đình ngài. Các viên chức tôn giáo khai trừ những ai không sống đúng lý tưởng của họ. «Tôi là Chủ Chiên lành. Tôi đi tìm chiên lạc, chiên bị tai nạn, bị thương tích và khổ đau. Khi tìm được chúng, tôi sẽ vác chúng lên vai mà mang về nhà.» «Về nhà là nơi chúng phải ở», Đức Giêsu nói.
Mặc dù những người lãnh đạo tôn giáo khai trừ người Samaritanô, nhưng Đức Giêsu cho thấy ngài chấp nhận người Samaritanô như là các phần tử của gia đình. Ngài đi qua đất họ và rao giảng trong các phố phường của họ, cho thấy rằng ngài xem họ như mọi người Do thái khác mặc dù ngài chỉ nhằm rao giảng cho người Do thái. Chỉ về sau ngài mới ra lệnh cho các môn đệ rao giảng cho người ngoại bang.
Điều này rất thích hợp cho ngày nay khi những người Kitô chia rẽ nhau vì tư tưởng thần học khác nhau. Họ giống như các kinh sư và người Pharisêu mà nghĩ rằng chỉ có tôn giáo của mình mới làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Tôi biết đây là một cám dỗ lớn cho những người sùng đạo nghĩ rằng chân lý chỉ có một.
Ngày nọ tôi chứng kiến một tai nạn. Sau đó tôi đọc được năm bài tường thuật về biến cố đó. Mỗi bài mô tả đúng các chi tiết, nhưng chỉ thuật lại những khía cạnh của tai nạn đập vào mắt ký giả. Năm bài tường thuật cộng lại với nhau sẽ cho chúng ta một hình ảnh khá đầy đủ. Nhưng nếu người nào cũng nói bài của mình là đúng còn các bài kia là sai, thì xem ra quá lố bịch.
Con người rất khác nhau. Làm linh mục, tôi có dịp gặp nhiều người có đời sống khác nhau và rất phức tạp, thành thử tôi không dám phán đoán những gì mắt tôi xem thấy. Tôi gặp một ông già theo đạo Do thái chính thống. Ông mới đọc xong quyển Giôsê và mời tôi cùng ăn trưa với ông. Chúng tôi chuyện trò vui vẻ. Ông ta thích đạo của ông và bảo tôi rằng ông thích Giêsu và ôm ấp hình ảnh Giêsu trong lòng.
«Tôi luôn luôn nghĩ đến Giêsu và muốn giống như ngài. Tuy nhiên đạo của chúng ta, đạo của tôi cũng như đạo của cha, đã làm gì cho con người tốt đẹp ấy?» Ông này già lắm và cũng đau ốm nữa. Vài tuần sau đó ông chết. Tôi thắc mắc Đức Giêsu có đón nhận ông như là một phần tử của gia đình không, dù ông không biết những thủ tục để trở thành một người đăng ký theo ngài.
Vào một dịp khác, khi chị Dorothy và tôi diễn thuyết ở Thụy Sĩ, chúng tôi gặp một người đàn bà trẻ tuổi, thông minh và nhiều nghị lực đi với chồng chị. Trong buổi nói chuyện đầu tiên, chúng tôi diễn thuyết về Đức Giêsu. Chị chăm chú quan sát và lắng nghe. Chị ở lại trọn ngày với chúng tôi, và khi có ai hỏi chúng tôi nghĩ về Giêsu thế nào, chúng tôi dài dòng trả lời, nhưng chị cũng dừng lại chăm chỉ nghe. Chị chăm chú nghe, xem như lòng chị được nung đốt. Tôi chưa bao giờ thấy Chúa Thánh Linh hoạt động nơi ai như ở chị. Cả con người chị như một bóng đèn vừa được vặn lên. Chồng của chị cũng là người Do thái như chị. Vài ngày sau đó anh ta bình phẩm, «Tôi không biết cái gì đã xảy đến với Jennifer, nhưng chưa bao giờ tôi thấy vợ tôi hạnh phúc, sống động và bình an như vậy. Thật là tuyệt vời. Tôi học hỏi nơi vợ tôi nhiều lắm.»
Một buổi chiều khi chúng tôi chuẩn bị dâng Thánh Lễ, Jennifer hỏi, «Tôi đến với Giêsu được không?» Chị dự lễ với chúng tôi. Tôi dám nói là chị được đầy ơn Chúa Thánh Linh. Mặt chị sáng rỡ và cả khi chị nhắm mắt con người chị cũng sáng rỡ. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe nói chị có rước Mình Thánh, và những ai thấy chị lúc ấy cũng đều nói chị như xuất thần. Tôi tự hỏi Đức Giêsu có xem chị là một phần tử của gia đình dẫu chị chưa lãnh những nghi thức nhập giáo.
Một người Hoa mà chúng tôi gặp ở Trung Hoa lúc trước có viết thư cho chúng tôi và nói rằng ông vừa đọc xong quyển Giôsê. «Tôi yêu mến Giôsê (Giêsu) và nghĩ đến ngài luôn. Ngài luôn ở với tôi và tôi học cách ngài làm việc và đối xử với mọi người. Tôi cũng cầu Thượng đế mỗi ngày. Tôi dạy Giôsê cho học trò của tôi. Chúng nó cũng thích Giôsê và muốn giống như Giôsê.» Có thể phải nhiều năm nữa ông này mới gặp được ai giới thiệu ông với một cộng đồng Kitô, nhưng Đức Giêsu có nghĩ rằng ông là phần tử của gia đình ngài không?
Chúng ta không khỏi thắc mắc Đức Giêsu phản ứng thế nào khi ngài đến các nhà thờ của chúng ta ngày nay và khi những người Kitô thuộc nhiều giáo phái đến với ngài? Ngài có tiếp đón một nhóm như là
của riêng ngài và bỏ rơi các nhóm kia không? Giáo Hội là hiện thân của Đức Giêsu trong suốt lịch sử, do đó dân chúng phải có cùng một kinh nghiệm khi tiếp xúc chúng ta như khi họ tiếp xúc ngài. Đức Giêsu luôn luôn là Chủ Chăn tốt lành, ngài niềm nỡ tiếp đón tất cả những ai đến với ngài. Giáo hội không nên làm khác hơn.

______________________



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam