06 Chương sáu ‒ Sự sống và hình ảnh Đức Giêsu nơi chúng ta


Chương sáu
Sự sống và hình ảnh
Đức Giêsu nơi chúng ta

«Tôi là đường, là chân lý và là ánh sáng. Hãy đến theo tôi». Từ ngày Đức Giêsu tuyên bố như thế, các môn đệ của ngài tranh nhau đáp lại lời mời đó, kẻ thì mau mắn, người thì chậm rãi, mỗi người mỗi cách. Vấn đề khó khăn là ở chỗ một khi Đức Giêsu đi rồi thì không ai biết lối. Ngài không để lại một bản đồ với đầy đủ chi tiết. Mỗi người phải tìm lối đi qua rừng rậm của cuộc sống, tìm xem Đức Giêsu muốn gì. Thomas Merton viết trong cuốn Thoughts in Solitude rằng, «Lạy Chúa, Con không biết con đang đi về đâu. Con không thấy con đường trước mặt. Con không biết nó dẫn về đâu. Con cũng chẳng biết con là ai. Trong khi con nghĩ con đang theo Chúa, nhưng không chắc con làm như vậy.»
Đấy là vấn đề khó khăn trong đời sống tu đức. Đến một lúc nào đó chúng ta muốn nghĩ đến Chúa cách nghiêm chỉnh để theo ngài, thì chúng ta không biết phải khởi sự từ đâu. Vì thế nhiều người quyết định thế này, «Tôi phải thánh thiện như người này người nọ. Bà đó thánh thiện lắm. Nếu tôi muốn thánh thiện thì phải nên giống như bà. Tôi không chịu được bà, nhưng bà có tiếng là thánh thiện, vì thế tôi phải chịu vậy nếu tôi muốn sống đúng.» Chúng ta ra đi trên con đường vắng tanh trong đêm tối. Khiếp quá. Chúng ta thường có cảm tưởng ghê rợn nếu muốn sống đúng.
Khi tôi còn nhỏ, mọi việc rất đơn sơ. Tôi không lo phải sống thánh thiện hay hoàn hảo. Ngày nào tôi cũng sống hạnh phúc. Không hiểu tại sao tôi rất thân thiện với Đức Giêsu. Mỗi ngày tôi dậy sớm đi lễ trước khi đi học để được kề cận với Giêsu trong Thánh lễ.
Tôi sống thân mật với Giêsu. Ngài là bạn của tôi. Khi tôi buồn, tôi nói với ngài. Khi tôi vui, thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ đến ngài, nhưng nhất là khi tôi ở một mình. Tôi không biết điều này đã có ảnh hưởng bao nhiêu đối với đời sống của tôi.
Sự liên hệ của tôi với Thiên Chúa thật là đơn giản. Tôi cố gắng làm điều tốt, nhưng tôi không bao giờ bực bội khi thất bại. Tôi không bị ám ảnh để nên thánh.
Khi lên mười bốn tuổi, tôi vào chủng viện để học làm linh mục. Tôi quyết tâm nên thánh. Nhờ có bản tánh cương quyết, tôi không để thứ gì cản đường tôi đi. Tôi quyết chí giữ luật của chủng viện. Tôi phải giữ thinh lặng sau kinh tối cho đến sau bữa ăn sáng ngày hôm sau. Không có gì khó. Tôi đã quyết chí, nên tôi làm được trong khi một số đông không làm được.
Tôi cố gắng làm mọi việc cách hoàn hảo - bài tập sau lớp, bài tập trong lớp, những việc thường ngày, kinh nguyện và nhất là khi chơi. Tôi không hiểu tại sao những người khác không làm được. Đối với tôi nên thánh có nghĩa là giữ trọn các điều răn, luật lệ và kỷ luật. Xem ra không khó gì. Chỉ cần làm điều đúng. Nhưng tôi không biết rằng tôi đã trở thành một cậu bé Pharisêu. Đối với những chủng sinh khác, tôi phải là một đứa rất đáng ghê tởm.
Rồi một chuổi khủng hoảng xảy đến trong đời tôi, mọi sự đều sụp đổ. Tôi trở thành rối rắm. Tôi không còn cảm thấy có Thiên Chúa. T ôi không còn thấy Giêsu hiện diện bên tôi, ngài đã bỏ đi không bao giờ trở lại. Tôi đã làm gì sai? Có phải tôi là người tội lỗi không xứng đáng được ở bên Thiên Chúa chăng? Chắc không phải, vì tôi biết tôi cố gắng làm đúng mọi việc. Vì không tìm được câu trả lời, tôi mới lục bới Kinh Thánh, sách của các nhà thần bí thời Trung cổ và các sách về tu đức để học nên thánh. Tôi làm theo mọi chỉ dẫn. Đó là những tài liệu đã được thời gian thử nghiệm và rất thực tế cũng như rất sâu xa về tâm lý. Nhưng đối với tôi cũng chẳng ăn thua gì. Tôi chỉ nghĩ mình có nhiều thiếu sót và tội lỗi làm ngăn trở đường nên thánh. Lúc ấy tôi nghĩ sẽ bỏ cuộc. Không phải bỏ đức tin hay bỏ ơn gọi làm linh mục, nhưng là bỏ ý định nên thánh.
Tuy nhiên một câu hỏi vẫn lẫn quẩn trong đầu tôi, «Nếu Giêsu muốn chúng ta theo ngài để nên thánh, nếu ngài kêu gọi chúng ta nên toàn thiện như Cha của ngài trên trời, tại sao ngài dựng nên chúng ta với nhiều nhược điểm?» Tôi biết chắc Thiên Chúa không dựng nên những con người tốt đẹp và thông minh này và chỉ gọi một số nhỏ nên thánh thiện. Thật là vô lý. Thiên Chúa thông minh và nhiều quyền phép, ngài không làm việc đó.
Mấy năm sau khi thụ phong linh mục, cũng như khi có dịp thấy đường lối phức tạp mà Thiên Chúa hoạt động nơi đời sống mỗi người, tôi mới bắt đầu hiểu Đức Giêsu cách sâu xa hơn là đọc Kinh Thánh và các sách tu đức. Thiên Chúa rất đơn thuần, nhưng đuờng lối của ngài phức tạp, nên tâm trí nhân loại khó mà hiểu được. Đức Giêsu dạy, «Hãy đơn sơ như chim câu, và khôn lanh như con chồn». Tôi nghĩ rằng ngài cũng ám chỉ đến ngài.
Khía cạnh khác của con người Giêsu là tận tụy cho công lý. Ngài thường biểu lộ hình ảnh một con người hiền từ và nhân hậu, nhưng đôi khi lại gắt gao cảnh cáo về những tai hoạ sẽ xảy đến. Ngài bị các linh mục thượng phẩm lên án, nhưng ngài gay gắt cảnh cáo họ về ngày phán xét, «Tôi nói cho các ông nghe, trong ngày tận thế các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu đấng Toàn năng và xuất hiện trên các tầng mây.» Đây là một trong ít dịp rất hiếm mà Đức Giêsu gay gắt lên án những kẻ chống lại Chúa Thánh Linh. Thường đối với những kẻ cứng lòng ngài mới đe doạ như thế, để họ phải kinh hoàng mà nghĩ dến đời sống linh thiêng ngay kẻo muộn. Ngài thay đổi lối đối xử trong khi gay gắt cảnh cáo, nhưng chỉ đối với những ai vô tâm và bất nhân đối với đồng loại. Họ luôn luôn là những người cuồng tín bảo vệ cơ cấu đạo giáo, họ tranh đấu mãnh liệt để bảo vệ «truyền thống của cha ông» và khắt khe lên án những ai không đồng ý với họ về những lý tuởng cứng nhắc của lề luật. Ngài thấy họ không quan tâm đến Thiên Chúa, nhưng chỉ quan tâm đến cơ cấu tổ chức của tôn giáo. Những người này làm Đức Giêsu bực tức. Ngài nản chí vì không đánh động lòng họ được. Họ nghĩ mình luôn luôn công chính. Ngài tố cáo họ có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy. Thường đó là những người lãnh đạo tôn giáo và nhóm tay chân, họ nghĩ rằng mình hiểu biết về tôn giáo và xem dân chúng là dốt nát và thấp kém hơn họ. Đối với Đức Giêsu thì họ là những người thực sự dốt nát, vì họ không nhận ra vị Cứu Tinh. Đáng lẽ chính đó là trách nhiệm mà Thiên Chúa trao cho họ phải làm, là giới thiệu Con của ngài với dân chúng khi Con của ngài đến. Giờ đây, Con của ngài đang ở đây mà họ không nhận ra.
Thường thường Đức Giêsu tỏ ra rất hiền từ và nhân hậu đối với người bình dân, đơn sơ, họ là những người không bao giờ nghĩ mình là thánh thện. Ngài cố gắng thuyết phục họ tránh xa tội lỗi mà trở về với Thiên Chúa hay yêu thương.
Điều quan trọng đối với tôi là tìm hiểu Đức Giêsu, vì ngài là hình ảnh của Thiên Chúa là đấng ngài muốn chia xẻ với chúng ta. Điều này rất quan trọng vì có biết ngài, chúng ta mới theo ngài được. Bằng không rất dễ đi lầm đường mà rước lấy những tai hại to lớn. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa là một quan án canh giữ lề luật. Vì thế tu đức có nghĩa là chú tâm đến lề luật, là nghiêm nhặt tuân giữ các Điều Răn và tập quán của tôn giáo, hơn là chú tâm đến Thiên Chúa và sự thiện mỹ phát xuất từ tình yêu của ngài nơi chúng ta. Cả những người tuyên xưng rằng chỉ có đức tin mới cứu chúng ta cũng thường xây dựng đời sống tu đức trên việc tuân giữ lề luật nhiệm nhặt như Thời Cựu Ước. Họ không hiểu tinh thần của Đức Giêsu. Tuân giữ lề luật không phải là điều sai, nhưng nó thường trở thành một ám ảnh. Đó là vấn đề của những người theo Trào Lưu Chính thống, dẫu họ là Công giáo, Tin Lành, Hồi Giáo hay Do thái. Họ bị ám ảnh về luật pháp và cứ lo đến vấn đề luân lý của mọi người. Họ hiểu lầm Thiên Chúa, và vì thế họ không nhận ra ngài khi ngài đến. Khi chúng ta lớn lên trong bầu khí lề luật, chúng ta sẽ rất thông thạo về mọi chi tiết của nó. Như thế, đời sống tu đức sẽ là việc tuân giữ lề luật trong từng chi tiết và lấy sự công chính cá nhân làm mục đích. Họ nghĩ rằng nếu yêu mến Thiên Chúa thì phải tuân giữ các Điều Răn và giữ hết một trật. Họ lục soát đời sống của mình, đi sâu vào tâm khảm để tìm xem có phạm luật không. Họ cũng chú ý đến từng tư tưởng, từng hành động của mình, chú trọng vào cái tôi. Cuối cùng họ thấy mình phải chiến đấu ở nhiều trận tuyến khác nhau. Rồi họ cảm thấy không thể sống như vậy được nữa. Đến lúc ấy, nhiều người bỏ cuộc, một số người bị suy nhược thần kinh. Nhiều hôn nhân bị hủy hoại vì cuồng tín muốn mọi việc phải hoàn toàn.
Đọc đi đọc lại Phúc âm, tôi thấy Đức Giêsu sống rất hoà hợp với thiên nhiên và sự phát triển của thiên nhiên. Nhiều lần ngài dùng tỉ dụ về người làm nông và làm rượu. Ngài lưu ý đến cây cối phát triển theo mùa, mọi vật trong thiên nhiên cũng tàn nở theo mùa. Mọi việc theo thời lúc và mùa màng. Ngài nhắc nhở hãy học ở chúng.
Mỗi loại cây cối có lối phát triển riêng. Hạt cà chua đâm chồi trong bảy hay tám ngày, tuỳ theo điều kiện. Hạt bắp nẩy mộng có lẽ trong mười ngày. Hạt xương rồng trong 180 ngày. Mỗi loại lớn lên và sinh hoa trái theo chu kỳ và mùa của nó. Người ta không thể ép chúng được. Loài vật cũng vậy.
Nếu đem nguyên lý trên áp dụng vào con người, chúng ta cũng thấy những cái hay. Chúng ta có một thể xác và một linh hồn. Chúng ta có đời sống vật chất, đời sống trí thức, đời sống tình cảm, đời sông tâm lý và đời sống tinh thần. Thân xác chúng ta phát triển theo giai đoạn. Chúng ta không làm sao gia tăng tốc độ lớn lên được. Đời sống trí thức cũng phải mất đến hai mươi hay hai muơi hai năm để phát triển.
Đời sống tình cảm và tâm lý xem ra phát triển khác nhau ở mỗi cá nhân, nhưng cũng qua từng giai đoạn.
Nếu đời sống vật chất của chúng ta trong những lĩnh vực nói trên phát triển theo từng giai đoạn và nếu các sinh vật khác cũng thế, thì tại sao đời sống tinh thần của chúng ta không như thế. Tôi không khỏi nhạc nhiên khi khám phá ra điều này. Đó là một trong những sứ điệp tiềm tàng của Tin Mừng. Nó cho biết tại sao Đức Giêsu rất bực bội về lòng đạo đức của những người Pharisêu. Lối hành đạo của họ trở thành giả tạo và bóp chết cái tự phát phấn khởi mà Thiên Chúa ban cho mỗi người, vì họ bắt dân chúng phải theo cái đạo đức giả tạo áp đặt từ bên ngoài. Như thế, không còn cái bộc phát tự nhiên phát sinh từ đáy lòng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Khám ra điều này giúp tôi hiểu tại sao Đức Giêsu rất nhẫn nại với các môn đệ cũng như với dân chúng nói chung. Họ thế nào thi Ngài chấp nhận họ thế đó, rồi để họ từ từ phát triển bên trong với ân sủng của Thánh Linh. Do đó dân chúng cảm thấy rất thoải mái với Đức Giêsu vì ngài không bao giờ ép buộc họ phải trở thành những gì mà họ chưa sẵn sàng vì chưa đến lúc. Phêrô cũng chưa sẵn sàng để đổi mới khi ông thề thốt không biết Giêsu là ai. Ông chối Giêsu chỉ một giờ sau khi ông rước Mình Thánh trong bữa Tiệc Ly! Đức Giêsu cũng đã không ép buộc ông phải đè nén lòng bồng bột của ông trong những năm sống với ngài. Ngài biết ông sẽ thay đổi một lúc nào đó khi đời sống nội tâm của ông phát triển đầy đủ. Thay đổi vì áp lực bên ngoài hay chỉ để phô trương thì không có ý nghĩa gì đối với Đức Giêsu. Đối với ngài, sự thiện phải phát xuất tự cõi lòng thì mới có ý nghĩa. Dập tắt mọi nết xấu trong một lúc trong khi chưa có đủ nghị lực và ân sủng của Thiên Chúa thì chỉ đưa đến khủng hoảng thần kinh. Chúng ta phải học khiêm tốn mà chấp nhận rằng mình rất yếu đuối và cần Thiên Chúa ban sức cho. Nói thế không có nghĩa là sống một cách thả lỏng, nhưng phải cố gắng kiềm chế hành động của mình đừng để làm hại đến bản thân và tha nhân.
Một điều khó khăn nữa để theo Đức Giêsu là ngài không đưa ra một chương trình với đầy đủ chi tiết như các nhà cải tổ tôn giáo khác. Ngài chủ tâm làm vậy. Đó là vì ngài muốn để con người tự do phát triển như trong vấn đề tình yêu. Ngài chỉ chú tâm đến những gì có trong tâm hồn. «Các ông phán đoán theo những gì thấy bên ngoài đời sống con người, còn tôi phán đoán theo những gì tôi thấy nơi tâm hồn họ.» Khi bảo những kẻ theo ngài phải yêu như ngài yêu, ngài cũng đòi buộc phải liên lỉ sống mật thiết với ngài, để hiểu biết ngài và những gì ngài muốn. Phải lớn lên như tình yêu, phát triển cách tự nhiên tự bên trong mà không mang những hình thức giả tạo bên ngoài.
Do đó, đi theo Giêsu và muốn biết ngài đòi hỏi gì, vẫn là việc mơ hồ. Sống đức tin là như vậy. Có thể ngài đã giải thích rõ ràng hơn cho các môn đệ của ngài như các thánh Giáo phụ nói, nhưng các ông cũng đã không hiểu được mọi sự như chúng ta nghĩ.
Thánh Phaolô bảo rằng những người lĩnh phép rửa là thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu. Như thế, chúng ta là những thành phần của thân thể ngài, mỗi người có một phận vụ riêng biệt phải làm trong Cộng đồng Kitô và trong thế giới. Đó cũng là một phần quan trọng của sứ điệp Đức Giêsu: chúng ta không phải là cá nhân biệt lập trên một hành tinh trong vũ trụ. Chúng ta được kêu gọi sống cộng đồng, một cộng đồng mà mọi người biết lo lắng cho nhau. Khác với tôn giáo trong quá khứ, luật yêu thương của Đức Giêsu đặt để chúng ta trong một cộng đồng tình thương, để chúng ta hoàn thành sứ mệnh của mình như là môn đệ của Đức Giêsu. Chúng ta có trách nhiệm đối với nhau. Chúng ta là anh chị em của nhau. Thánh Phaolô diễn tả cộng đồng này là một thân thể mầu nhiệm và Đức Giêsu giáo huấn mọi người qua phép rửa. Cũng qua phép rửa ngài chia xẻ đời sống của ngài, liên kết mọi người lại với nhau như linh hồn đối với mọi phần của thân thể. Chính trong cộng đồng mà chúng ta có ơn gọi để đáp ứng nhu cầu và đóng phần vào sự tăng trưởng và sức sống của nó. Sống vai trò của mình là điều Thiên Chúa gọi chúng ta thi hành trong cuộc sống…
Một khía cạnh tuyệt vời nữa của ân sủng Thiên Chúa là chính nhân loại tính bất toàn và dễ sai lầm của chúng ta lại là động lực để tiến triển. Chính những nhược điểm và yếu đuối xem ra nhục nhã của chúng ta mà Thiên Chúa dùng để hoàn thành những việc lạ lùng nơi chúng ta, và dùng chúng như động lực khiến chúng ta trở thành dụng cụ đem ân sủng của Thiên Chúa đến cho tha nhân. Chúng ta trở nên thánh thiện khi hoạt động với những gì chúng ta được ban cho và trong sự hạn chế của con người chúng ta. Thiên Chúa không màng việc đó vì ngài biết chúng ta phải hoạt động với những gì. Ngài không phiền hà khi chúng ta thiếu năng lực, thiếu rất trầm trọng, miễn là chúng ta gắng sức thành người tốt và quan tâm đến nhu cầu và khổ đau của tha nhân. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu sống rất bình dân với dân chúng, ngài lại thích chung chạ với họ để tỏ ra rằng ngài chấp nhận họ dễ dàng mặc dù họ yếu đuối. Khi chúng ta ý thức mình tội lỗi và yếu đuối thì không còn gì để lo sợ, và rồi Thiên Chúa sẽ có thể hoạt động với chúng ta và dùng chúng ta. Khi chúng ta nghĩ rằng mình mạnh mẽ và không cần ai giúp đỡ, thì cả đến Thiên Chúa cũng không làm gì được cho chúng ta vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt dến đích mà không cần đến ngài. Với tâm trạng đó của chúng ta, Thiên Chúa không thể chia sẻ ân sủng của ngài với chúng ta, bởi vì chúng ta chưa sẵn sàng để chấp nhận ân sủng cũng như không cảm thấy cần ân sủng.
Tuy nhiên một khi chúng ta ý thức mình yếu đuối và cởi mở đời sống mình cho Thiên Chúa, Ngài sẽ hoạt động bên trong chúng ta và dùng chúng ta để đạt đến kẻ khác. Chúng ta gặp những người cùng có những kinh nghiệm tương tự và cùng làm với họ trong nhiều dự án chung để đem lại lợi ích cho cộng đồng. Khi đó chúng ta bắt đầu hiểu được Thiên Chúa dùng mỗi người chúng ta để liên kết gia đình của ngài, mọi người chia sẻ với nhau, nên không một ai cảm thấy mình thánh thiện một cách đơn độc. Bạn sẽ sớm thấy công việc của các cá nhân, cho dù tự nó tốt đẹp thế nào chăng nữa, cũng nằm trong chương trình to lớn phức tạp mà Thiên Chúa hoạch định cho cộng đồng địa phương, cho Giáo hội và cho cả nền văn minh. Trí thông minh của Thiên Chúa thật vĩ đại. Chương trình của ngài không phải nhỏ, hoặc hạn chế trong những dự án của các ranh giới xứ đạo. Hoàn thành vai trò của chúng ta trong thân thể mầu nhiện không có nghĩa chỉ làm những dự án cho xứ đạo. Tâm trí của Thiên Chúa lớn hơn thế nữa. Chương trình của ngài sắp đặt cho chúng ta rất sống động. Đời sống của mỗi người chúng ta bện với đời sống nhiều người chung quanh, và có khi còn với những nguời ở xa nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Chúng ta thấy trong cộng đồng có các giáo chức, các người lãnh đạo và các lương y. Có người nói được nhiều ngôn ngữ. Có người làm thông dịch. Có người có khả năng an ủi người khác. Có người nêu gương tốt. Có người là ngôn sứ. Có người giải thích được lời tiên tri. Có người chủ toạ các buổi họp. Có người quản lý tài nguyên của cộng đồng. Mỗi người mỗi khác. Mỗi người trở nên thánh thiện trong công việc của mình. Mỗi người là một tạo vật đặc biệt và không có những tài năng của người khác. Đúng như thế. Đó là điều Thiên Chúa muốn. Vì thế mà chúng ta cần có nhau. Đó là cách thức hoạt động bình thường của một cộng đồng. Các ngườì lãnh đạo tinh thần phải nhận thấy và xử dụng những tài năng đó ngỏ hầu đời sống của mọi người trở nên phong phú hơn nhờ ở tài năng của những phần tử khác. Khi đóng vài trò của mình, một trật chúng ta cũng từ từ hiểu biết Thiên Chúa hơn. Càng sống thân mật với Thiên Chúa thì những nhu cầu không lành mạnh thường đè nặng trên chúng ta sẽ giảm bớt đi và khuynh hướng thoả mãn những nhu cầu ấy cũng sẽ biến đi. Chúng ta sẽ thấy tội lỗi và bất toàn của chúng ta giảm bớt và từ từ chấm dứt. Đó là cách thế lành mạnh để nên thánh. Mỗi người chúng ta như những sợi chỉ đầy màu sắc dệt vào tấm thảm của chương trình Thiên Chúa, không những chỉ cho xứ đạo, không những chỉ cho Giáo hội nói chung, nhưng để làm hoàn hảo toàn thể gia đình nhân loại.

______________________



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam