04 Chương bốn ‒ Vị cứu tinh khiêm tốn và bình dân


Chương bốn
Vị cứu tinh
khiêm tốn và bình dân

Nếu những viên chức tôn giáo thời ấy câu nệ và làm cao thì Đức Giêsu không giống như họ. Ngài thông hiểu bản tính nhân loại. Nếu đọc được những ẩn ý trong các Phúc âm, bạn sẽ thấy Đức Giêsu sống thật là người. Ngài không sống đóng khung, dồn ép những lo âu, mặc dù hàng ngày ngài phải đương đầu với bao khó khăn như chúng ta. Ngài có vẻ thơ thới như không phải lo gì. Tuy lo lắng loan báo Tin Mừng, nhưng ngài không đam mê như những người nghĩ mình có một sứ mạng. Ngài sống vui vẻ, kết thêm bạn mới và giữ tình bằng hữu với những bạn cũ. Đó cũng là Tin Mừng. Bằng chính gương sống của mình, ngài dạy dân chúng sống vui vẻ và điềm đạm, sống quân bình đừng để mất bình an trong tâm trí. Và như thế họ sẽ vui vẻ sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa trong khi sống làm người.
Điều đó thấy rõ trong sự liên hệ giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Nhóm này được kết nạp một cách thật kỳ lạ. Hai môn đệ đầu tiên không phải do chính Đức Giêsu mời gọi. Dĩ nhiên là ngài thu nạp họ, nhưng xem ra chính họ tìm đến theo ngài. Ngày ấy Gioan Tẩy Giả chỉ Đức Giêsu cho hai môn đệ của mình rằng ngài là Chiên Thiên Chúa. Họ lập tức đi theo ngài. Khi thấy hai ông đi theo sau, ngài quay lại hỏi họ muốn gì và theo ngài làm gì. Đó là một câu hỏi rất tự nhiên khi thấy người lạ đi theo mình. Hai ông hỏi ngài sống ở đâu. Ngài bảo: «Đến xem». Không biết ngài chỉ cho hai ông xem thứ gì, vì lúc ấy ngài đang ở hơn một trăm dặm xa nhà. Nhưng họ ở lại với ngài ngày hôm ấy. Hai ông rất thán phục ngài và đi mách với hai người anh em của mình ngay. Từ hôm ấy bốn anh em không bao giờ lìa xa Giêsu. Xem ra rất đơn sơ dễ dãi quá!
Ngày hôm sau mọi người cùng đi Galilêa và gặp một người nữa tên là Philíp. «Đi theo tôi», Đức Giêsu bảo ông. Chỉ có thế. Bạn không khỏi thắc mắc họ có quen biết nhau trước không? Nếu có, thì được đi. Nếu không, thì không hiểu tại sao Đức Giêsu có ảnh hưởng lớn trên một người hoàn toàn xa lạ như thế. Đàng nào cũng đúng. Philíp rất thán phục Giêsu nên ông lập tức đi bảo bạn ông là Nataniên là họ tìm được
Vị Cứu Tinh. Nataniên cười khỉnh khi nghe Philíp nói rằng Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét. Ông mỉa mai nói, «Có gì hay phát xuất từ Nazarét đâu?»
«Cứ đến mà xem», Philíp nài nỉ ông.
Khi họ đến, Đức Giêsu nói, «Đây là một người Israel đích thực và ngay chính!»
«Làm sao thầy biết tôi? Thầy chưa bao giờ gặp tôi!», Nataniên hỏi cách cộc lốc.
«Trước khi Philíp gọi anh, tôi đã thấy anh đứng dưới cây vả.» Loài vả có nhiều cành dài và dẻo với nhiều lá to. Không biết Natanaiên làm gì dưới gốc cây đó. Philíp ngạc nhiên vì Đức Giêsu biết, còn các ông kia thì cười, làm cho Nataniên mắc cở quá. Có lẽ giai thoại này cho thấy Đức Giêsu rất tếu, nhất là đối với các môn đệ. Giờ đây họ bắt đầu gắn bó nhau.
Đức Giêsu rất tếu một cách thân mật với các môn đệ. Đó là một khía cạnh tôi không để ý lắm cho tới ngày gần đây qua một câu chuyện bất ngờ sau đây.
Tôi được mời đến diễn thuyết ở Kalamozoo do nữ tu Dorothy Ederer dòng Đaminh và Cha Gioan Grathwohl, cả hai là tuyên úy đại học Western Michigan. Giáo xứ ấy rất sống động, có gần ba ngàn thanh niên đi lễ gần như đều đặn. Đó là một trong những nơi hiếm có luôn luôn đón mừng sinh viên và làm cho họ cảm thấy gần gũi với Thiên Chúa. Chị Dorothy dùng sách Giôsê để hướng dẫn sinh viên đến với Giêsu. Quyển sách này làm họ xúc động lắm, và họ giới thiệu sách đó với bạn bè và gia đình. Các sinh viên này không phải chỉ đi lễ. Họ là một cộng đoàn trẻ gắn bó nhau và làm nhiều việc tốt đẹp giúp nhau và giúp những ai cần đến họ. Tôi chưa từng thấy một nhóm sinh viên trẻ hoạt động như thế mặc dù tôi đã đến nhiều đại học.
Tuy nhiên khi tôi thấy chị Dorothy dành nhiều thì giờ chơi golf, chơi giày pa tanh, xem chiếu bóng, đi ăn cưới và tiệc tùng, tôi lấy làm sửng sốt. Tôi hỏi khi nào thì chị làm việc. Tôi chỉ hỏi đùa, vì biết chị hăng say làm việc. Tôi nghĩ là chạm tự ái chị vì thấy chị ứa nước mắt. Chị đáp, «Con làm việc nhiều lắm khi chơi thế này. Có lẽ vì thế mà thanh niên đến tâm sự với con.»
Khi về nhà, tôi suy nghĩ về câu chuyện đó và tự hỏi không biết Đức Giêsu có ham vui không. Tôi đọc lại các Phúc âm và không khỏi ngạc nhiên thì thấy Đức Giêsu nhiều lần đi dự tiệc tùng. Điều này càng lạ nữa vì các sách Phúc âm chỉ nói những điều căn bản về cuộc đời của Đức Giêsu, nhưng lại nhiều lần nhắc đến các bữa tiệc. Thì ra các Phúc âm gia cũng ngạc nhiên lắm nên mới nhắc đến chúng hoài. Hình như nếu ai muốn gặp Đức Giêsu thì việc đầu tiên phải làm là rủ bạn bè tổ chức tiệc mà mời ngài đến dự. Hình như ngài không bao giờ từ chối, vì đó là dịp để ngài nói về Nước Trời hay chỉ để vui chơi. Có thể vì cả hai.
Ngày kia Đức Giêsu đến thành Giêricô. Một người lùn tên là Giakêu, anh là nhân viên thuế vụ của thành phố, anh không bao giờ thấy được Đức Giêsu vì anh lùn quá. Anh bèn trèo lên một cây cao để nhìn thấy Đức Giêsu khi ngài đi ngang qua.
Khi đến đấy, Đức Giêsu dừng lại, nhìn lên cây và nói, «Này Giakêu, trèo xuống đi. Tôi đến nhà anh hôm nay.» Anh run quá! Ngài tự động đến nhà một người lạ mà dùng bữa!
Giakêu mừng rỡ. Dân chúng lấy làm kinh ngạc. Anh ta lật đật trèo xuống cây, rất hãnh diện và vui sướng vì con người danh tiếng này đến thăm anh. Anh nói đủ chuyện và hứa hẹn lung tung, cả những việc không làm nổi. Anh không tưởng tượng được con người thánh này lại hạ mình đến nhà anh mà dùng bữa. Anh nghe danh tiếng của ngài và biết dân chúng nghĩ về anh ra sao. Khi thấy dân chúng thì thầm với nhau về chuyện Đức Giêsu đến nhà những người như anh, anh bèn công khai tuyên bố sẽ bố thí cho người nghèo một nửa tài sản của anh và trả lại gấp bốn lần những gì anh đã lấy của người ta cách bất công.
Có phải Đức Giêsu tự động đến dùng bữa để nói chuyện quan trọng với anh ta chăng? Tôi không nghĩ thế. Nếu ngài muốn nói chuyện quan trọng, thì ngài chỉ cần gọi anh ra một nơi mà nói riêng, hoặc hẹn anh ta vào một dịp khác. Đức Giêsu không bao giờ tránh nói với ai những chuyện quan trọng khi có dân chúng vây quanh. Nếu ngài không nói trước mặt mọi người thì ngài gọi người ấy ra riêng mà nói.
Ngài tự động đến dùng bữa ở đây không với ý gì khác hơn là dự tiệc, và để có dịp gặp gỡ bạn bè của Giakêu. Họ là những người bị loại như anh vì đi tống tiền người ta. Đức Giêsu biết rằng cử chỉ nhã nhặn của ngài sẽ đánh động lòng họ và khuyến khích họ thay đổi nếp sống. Họ bị dân chúng ghét vì moi tiền cách quá đáng. Họ lấy tiền thuế của dân và bỏ túi một số lớn, bởi vì chính quyền Lamã chỉ lấy một phần nhỏ số họ thu của dân chúng. Nếu Đức Giêsu muốn gặp gỡ người tội lỗi, thì đây là nơi để gặp họ. Chính họ là những người ngài đến để cứu.
Không biết trong bữa tiệc này hay một bữa tiệc khác mà Đức Giêsu phải chạm trán với một nhóm người Pharisêu. Họ công kích lối sống của ngài và cách ngài hoà đồng với những người sống bên lề xã hội. «Tôi không hiểu được các ông», ngài gay gắt bảo họ. «Gioan đến không ăn không uống thì các ông bảo là người cuồng tín và bị quỉ ám. Còn tôi sống bình thường thì các ông bảo rằng tôi nhậu nhẹt, ưa đình đám và la cà với hạng người tội lỗi.»
Một lời bình phẩm thật chua cay! Đây Con của Thiên Chúa đến trần gian và biết mình bị mang tiếng xấu. Nhìn ở một khía cạnh khác có lẽ kinh khủng hơn: Đây là Thượng đế của Sách Thánh Do thái, là đức Giavê đến trong thế gian, là một vị Chúa toàn năng, thế mà giáo quyền do ngài lập nên lại tố cáo rằng ngài say sưa, bợm nhậu, mê tiệc tùng và la cà với hạng người tội lỗi!
Mỉa mai thay vì không phải người thường dân phao tiếng xấu cho Đức Giêsu, nhưng là những người lãnh đạo tôn giáo, những người hâm mộ đạo giáo và cố bảo vệ luật phép cho tinh tuyền và giữ luật cho đúng đắn. Tôn giáo là nghề nghiệp của họ. Có lẽ đó là vấn đề của họ. Suốt đời họ chỉ lo sao cho tôn giáo được tôn giữ (có lợi cho họ). Họ chính là những người phao tiếng xấu cho Đức Giêsu. Ngài tố cáo họ bị ám ảnh với tôn giáo nhưng không yêu mến Thiên Chúa và không có lòng nhân hậu đối với dân chúng. Phong tục và lễ nghĩa là những vị chúa mà họ tôn thờ.
Thật là ngạc nhiên khi nhìn đến khía cạnh ham vui trong tư cách của Đức Giêsu. Dẫu nó nằm trong chiến lược để thu hút dân chúng, nhưng lối hoà đồng của ngài không vì thế mà bị mai một hay trở nên giả tạo. Chắc chắn ngài phải thích tình bằng hữu với dân chúng. Rõ ràng ngài là con người rất thân thiện. Khi nhìn đến khía cạnh này, bạn mới thấy đầy đủ ý nghĩa. Thân thiện là biểu lộ của tình yêu và ưa thích tình bằng hữu. Vì Đức Giêsu rất mực thương mến dân chúng, dĩ nhiên ngài phải thích các cuộc họp mặt gia đình hay tiệc tùng với bạn bè. Điều này cũng giải thích tại sao ngài rất tự nhiên khi chung đụng với dân chúng. Ngài không có thái độ dè dặt, ỏđứng đắnõ và nghiêm nghị của những người lãnh đạo tôn giáo!
Thái độ tự nhiên này là một đặc điểm của đời sống Đức Giêsu và là dấu ấn của sứ mệnh của ngài. Trong khi các kinh sư và người Pharisêu cũng như các vị lãnh đạo tôn giáo sau này đặt ra tín điều, phong tục và lễ nghi cho dân chúng và bắt ép họ, nhưng Đức Giêsu thì không mấy quan tâm đến những điều đó. Ngài chia xẻ và thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh, nhưng sự chia xẻ này là biểu hiệu của tình yêu. Ngài không đặt ra công thức tín điều để học thuộc lòng. Tín điều của ngài nằm trong sự hiệp thông mà ngài chia xẻ. Ngài liên lạc mật thiết với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh và cho các môn đệ thân thiết nhất chia xẻ đời sống nội tâm của ngài. Chúng ta đã biến việc chia xẻ tình yêu tốt lành này thành những tín điều được gọt đẽo cách khéo léo. Ngài không dạy các tín điều để học thuộc lòng, nhưng chỉ chia xẻ chính con người của ngài. Ngài lo lắng chia xẻ sự hiểu biết về đời sống với dân chúng, cho họ biết về Thiên Chúa và con cái Thiên Chúa phải đối xử với nhau thế nào. Ngài dạy cho họ biết họ được dựng nên cần có lẫn nhau để chia xẻ tài nguyên và khả năng mà Thiên Chúa ban cho mỗi người một cách khác nhau. Sống thân mật với Thiên Chúa và lo lắng cho nhau, đó là tôn giáo đích thật của Đức Giêsu. «Quan tâm đến các goá phụ và cô nhi», đó là lối nói điển hình mà Đức Giêsu dùng để diễn tả đạo. Không phải Đức Giêsu xa lánh Đền thờ hay bài bác việc học hỏi đạo lý, bởi vì đó là điều cần thiết để hiểu biết Thiên Chúa và hoạt động của ngài trong đời sống của dân chúng qua suốt lịch sử. Tuy nhiên đối với Đức Giêsu đó không phải là tôn giáo. Đó chỉ là việc cộng đồng chia xẻ kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương và quan tâm trong quá khứ. Đó chỉ là phương tiện cho cộng đồng như là một gia đình ghi ân và thờ phượng Thiên Chúa, và cũng là phương tiện để chia xẻ những điều Thiên Chúa dạy.
Đó là lý do của sự xung đột giữa Đức Giêsu và các người lãnh đạo tôn giáo. Đối với họ, giữ các ngày lễ và nghi thức cũng như giữ đúng lề luật là tôn giáo. Nhưng đối với Đức Giêsu thì tôn giáo là yêu mến Thiên Chúa, quan tâm đến dân chúng và cảm phục công cuộc sáng tạo kỳ diệu mà Thiên Chúa ban cho. Trong cuộc tranh luận với các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu phân tách tỉ mỉ những luật lệ và nghi thức họ áp đặt lên dân chúng. Chẳng hạn ngày nghỉ Sabát là một ân huệ Thiên Chúa ban cho dân chúng cũng như để bảo vệ người nô lệ khỏi bị bóc lột sức lao động quá đáng. Rồi thời gian trôi qua, những người lãnh đạo tôn giáo biến ngày ấy thành một cơn ác mộng, khiến nó không còn là một ngày thờ phượng vui vẻ và gia đình sum hợp: Cấm nấu nướng, cấm may vá, cấm giúp người trong cơn hoạn nạn, cấm đánh răng rửa mặt, cấm thể thao, cấm đi bộ xa. Những gì được làm và không được làm được kê ra chi tiết cho ngày nghỉ gia đình này. Đức Giêsu công khai bác bỏ qua những luật lệ này. Đối với người Pharisêu thì đấy là khinh mạn lề luật. Đức Giêsu cứ đi bộ từ vùng này sang vùng khác làm họ cáu tiết. Ngài chữa bệnh trong ngày Sabát là lăng mạ quyền bính của họ. Không những hành động ấy làm cho họ thành trò hề đối với dân chúng, nhưng sự can đảm của ngài lại làm cho dân chúng yêu mến ngài.
Khi các viên chức chất vấn, Đức Giêsu tấn công họ là quân giả hình và quỉ quái, biến lề luật của Cha ngài thành cơn ác mộng. Tuy công nhận quyền giáo huấn của họ do Thiên Chúa ban, nhưng ngài lại công khai cảnh cáo dân chúng xem chừng họ. «Các kinh sư và người Pharisêu ngồi trên toà Maisen. Những gì họ dạy, hãy làm theo. Nhưng đừng theo gương họ. Họ nói nhưng không làm. Họ đặt những gánh nặng trên đầu trên cổ dân chúng nhưng không nâng tay đỡ họ.»
Ngài cũng không ngần ngại phơi bày sự giả hình của họ. «Khốn nạn cho các ông là những kinh sư và Pharisêu. Các ông đóng thuế thập phân về bạc hà, hồi, húng nhưng bỏ những điều quan trọng trong lề luật như công bình, nhân hậu và thành tín. Đấy là những điều các ông phải giữ nhưng cũng không nên lơ là các điều kia. Các ông là những kẻ hướng đạo mù! Các ông lọc ruồi, nhưng nuốt trửng lạc đà.» (Mt23: 23-24)
Chúng ta cần phải hiểu rõ thái độ của Đức Giêsu đối với lề luật và cách thức áp dụng luật, vì nó vạch lên một hướng đi căn bản khác với cách thức tôn giáo được truyền ngay từ thuở đầu. Tôn giáo được dạy như là một hệ thống các điều luật phải thận trọng tuân giữ nếu muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa và lĩnh phần thưởng Thiên Chúa dành cho trong tương lai. Làm đẹp lòng bề trên trong đạo cũng không kém phần quan trọng, vì họ là những người gìn giữ lề luật. Bất tuân họ tức là bất tuân Thiên Chúa.
Rất tiếc là ngày nay vẫn còn thế. Tôi không bao giờ quên sự bất đồng giữa tôi với một vị giám mục mấy năm về trước. Ông ra lệnh cho tôi phải làm một việc mà tôi hết sức e dè. Tôi thưa với ông rằng tôi gặp khó khăn và theo lương tâm tôi không thể làm được. Ông giận dỗi mà nói với tôi: «Làm theo lương tâm là làm theo ý tôi».
Bị chạm nên tôi trả lời với một giọng không lễ phép lắm: «Xin lỗi đức cha, ngài không phải là Chúa.» Đó thường là thái độ của các viên chức tôn giáo thuộc bất kỳ tôn giáo nào. Họ là lương tâm của dân chúng, và dân chúng chỉ có việc vâng lời họ. Tâm trạng đó không chỉ có trong Giáo hội Công giáo, nhưng cũng có ở Hồi giáo và các giáo hội Kitô khác, trong khi họ nói chỉ phải nghe theo Thánh Kinh. Thực ra dân chúng không phải nghe theo Thánh Kinh, nhưng là nghe theo những lối giải thích Thánh Kinh của các giáo sĩ hoặc luật lệ của ban quản giáo. Họ không có giáo hoàng, nhưng những người lãnh đạo của họ còn kiểm soát chặt chẽ hơn là giáo hoàng, trong từng chi tiết của đời sống hàng ngày. Khốn cho ai chất vấn thẩm quyền của họ. Đã nhiều lần bạn bè thuộc Trào Lưu Chính thống và Phái Phúc Âm nói với tôi: «Nhưng các giáo sĩ của chúng tôi bảo đấy là ý nghĩa của Kinh Thánh, hay bảo chúng tôi phải làm thế này thế khác.» Họ không dám cãi lại. Đó không phải là nghe theo Kinh Thánh. Đó chỉ là kiểm soát, đàn áp tự do của con cái Thiên Chúa mà Đức Giêsu ban cho chúng ta.
Trong thời Đức Giêsu các linh mục thượng phẩm và các kinh sư thi hành quyền bính trên dân chúng. Đạo Dothái có 613 giới răn, 365 luật cấm, và 365 điều về tu chỉnh và áp dụng luật. Cũng như trong thời đại của chúng ta, khi dân chúng không thi hành nổi các lý tưởng luật thì họ bị trừng phạt trăm nghìn cách, thường cũng bị ly khai khỏi cộng đồng. Những người ngay lành thì bị cấm liên lạc với họ.
365 giới răn và những luật nhỏ hơn cộng với những điều cấm kỵ xem ra nhiều, nhưng nếu so với bộ dân luật và luật đạo tổng hợp mà chúng ta có ngày nay thì cũng không nhiều lắm. Tuy nhiên thánh Phaolô cũng đã lưu ý rằng Đức Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi «gánh nặng của lề luật mà không một ai vác nổi.» Thánh Phaolô hiểu được thái độ của Đức Giêsu đối với lề luật. Công đồng thứ nhất ở Giêrusalem cũng đã được nhóm họp để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc kiêng giữ lề luật.
Ba trăm năm sau đó, thánh Âucơtinh cấm các giáo lý viên trong địa phận của ông tại Bắc Phi không được dạy Mười Điều Răn. Tôi đọc được điều này trong tập sách nhỏ của các Hiệp Sĩ Columbus nói về Đức Giêsu và Lề luật. Lý do mà thánh Âucơtinh cấm các giáo lý viên là Mười Điều răn không thuộc Kitô giáo. Bản chất của Mười Điều Răn là luật tự nhiên mà người Kitô phải giữ, vì lẽ luật tự nhiên là qui tắc bất thành văn được ghi vào lòng mỗi người. Lại nữa, hầu hết các Điều răn có tính cách tiêu cực; «Ngươi chớ…» Đức Giêsu dạy cho những ai theo ngài một điều luật mới: «Hãy yêu nhau như tôi yêu anh em». Nơi khác ngài dạy, «Hãy yêu Thiên Chúa hết lòng, hết tâm hồn, và yêu người láng giềng như chính bản thân. Đó là nền tảng của lề luật và các sách ngôn sứ.» Đức Giêsu đưa ra lối tiếp cận tích cực đối với tôn giáo, luôn luôn nhấn mạnh tình yêu, yêu Thiên Chúa và yêu người láng giềng.
Những ai nghĩ rằng Mười Điều Răn là hướng đạo luân lý căn bản sẽ phản đối, «Nếu không dùng Mười Điều Răn làm căn bản luân lý, thì lấy gì làm căn bản cho một nền luân lý lành mạnh? Lệnh yêu Thiên Chúa và yêu nhau của Đức Giêsu dạy làm sao đủ được?»
Nên nhớ rằng sau đó thánh Âucơtinh đã nhượng bộ, bởi gì các giáo lý viên than phiền rằng họ không dạy được các tân tòng về luân lý nếu không dùng Mười Điều Răn làm hướng đạo. Ngài nhượng bộ và cho phép dùng Mười Điều Răn để dạy, nhưng dưới hình thức tích cực chứ không nên dùng hình thức tiêu cực.
Mặc dù Đức Giêsu bãi bỏ luật cũ, nhưng ngài cũng có một số nguyên tắc vững chắc cho những vấn đề luân lý. Khi tuyên bố rằng ngày Sabát được lập ra cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabát, lề luật được đặt ra cho con người chứ không phải con người cho lề luật, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh rằng không nên giữ lề luật vì là lề luật, nhưng phải xét đoán lề luật theo tương quan tốt hay xấu với đời sống con người. Đó là một cách mạng lớn. Cách tiếp cận thứ nhất đối với lề luật bắt buộc con người phải tuân giữ lề luật bất luận hậu quả tốt xấu. Chưa đầy một thế hệ trước đây, có luật cấm ly dị. Không có luật trừ nào cả. Đó là lề luật. Dân chúng chấp nhận nó và cố gắng sống, dù phải sống với một người đối xử tàn tệ làm tan vỡ đời sống của mình. Dĩ nhiên là ly dị có thể gây ra nhiều thảm kịch. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi nhiều cố gắng, nhưng không làm gì hết và không nghĩ đến những tai họa do luật này gây nên là vô trách nhiệm.
Điều đó cũng có thể áp dụng cho luật độc thân trong Giáo hội. Luật độc thân là điều kiện để được thụ phong linh mục. Nhiều thanh niên biết rằng mình có ơn gọi làm linh mục mặc dù biết rằng mình không thể giữ được luật độc thân. Họ đè nén đòi hỏi của tình yêu và lấn át sự sợ hãi của mình bằng hy vọng và kinh nguyện vì tiếng gọi làm linh mục mạnh mẽ quá. Họ giữ luật độc thân trong những năm học tập và nhiều năm sau đó. Rồi một ngày kia họ bị vấp ngã. Tôi không thể sống như thế này. Một khi lý do để đè nén đòi hỏi tình yêu không còn mạnh nữa, họ cảm thấy mình không có ơn gọi để sống độc thân. Đây là một thảm họa. Từ đấy họ thấy mình không thể sống độc thân. Họ cố gắng, tranh đấu và cầu nguyện, nhưng không thấy được gì. Thất vọng và cô đơn làm xao lãng công việc linh mục và họ đâm ra cực kỳ chán nản. Một số người đâm ra rượu chè. Một số người tìm lối thoát khác. Một số người mà tôi linh hướng đã nghĩ đến việc tự tử. Trong lúc chán nản và thất vọng họ đối xử với giáo dân một cách tàn tệ và làm hại cho biết bao linh hồn. Thật là đáng buồn. Đức Giêsu có muốn điều đó không? «Ai giữ được thì hãy giữ», Đức Giêsu nói rất thông cảm. Đó phải là quyết định của một người trưởng thành chứ không nên áp đặt lên những thanh niên, để rồi về sau họ mới hiểu được hậu quả khi họ trưởng thành. Lúc bấy giờ họ mới ý thức rằng dầu cố gắng cách mấy họ cũng không thể sống như thế mà không hủy hoại đời họ. Khi nghĩ đến có hơn một trăm ngàn linh mục trên toàn thế giới đã bỏ chức linh mục mà lập gia đình, thì một người có chút hiểu biết cũng thấy rằng có cái gì sai. Họ không phải là những linh mục xấu. Một số là những linh mục ưu tú. Họ cảm thấy ơn gọi mạnh mẽ để làm linh mục. Tám đến mười hai năm học tập là bằng chứng cụ thể. Một giáo quyền biết lo lắng và thông cảm, là những vị chủ chăn tốt biết yêu mến con chiên và coi trọng chức linh mục, thì họ phải là những người đầu tiên nhận thấy có cái gì sai. Đa số các linh mục cởi áo là những linh mục ưu tú, chu đáo, học thức, thông cảm với những khổ đau và nhu cầu của dân chúng, và là những người chuyên năng cầu nguyện. Rõ ràng rằng chức linh mục và đời sống độc thân là hai ơn gọi khác nhau. Đòi phải có ơn gọi này như là điều kiện tiên quyết cho ơn gọi kia như thể Chúa Thánh Linh sẽ hợp tác và ban ơn sủng cho cả hai! Tai hại do thái độ này gây nên đã quá rõ ràng đối với những ai có tâm hồn cởi mở. Trong tình trạng đau thương này đối với mọi Kitô hữu, lời của Đức Giêsu càng rõ rệt hơn nữa, «Ngày Sabát được lập cho con người chứ không không phải con người cho ngày Sabát. Lề luật được lập cho con người chứ không phải con người cho lề luật.» Lề luật phải nhượng bộ cho nhu cầu của con người. Không nên vịn vào lề luật khi nó huỷ hoại con người, khi nó gây nên gương mù lớn cho nhiều người và xé tan tành Giáo hội, khi nó lôi cuốn nhiều người bệnh hoạn lĩnh chức linh mục. Đức Giêsu nói cách vắn tắt và rõ ràng rằng: «Ai giữ được thì giữ.» Ngài để cho con người tự do lựa chọn. Đòi hỏi phải giữ luật khi nó gây nên bao tai họa và gương mù thì lời của Đức Giêsu thật là khôn ngoan. Khi nói đến nhu cầu của con người, thì cũng nói đến lợi ích của xã hội trong tương lai xa. Những tỉ dụ trên về cách áp dụng luân lý dựa trên tình yêu không phải là viễn vông. Chúng nằm ngay trong nhiều vấn đề của Kitô giáo ngày nay.
Có người cho rằng không thể bàn về vấn đề luân lý mà chỉ dựa vào tình yêu, vì như thế sẽ quá chủ quan. Điều đó đúng nếu chỉ muốn đưa ra những câu trả lời nhanh chóng và đơn sơ trong vấn đề luân lý. Nhưng hoàn toàn khách quan trong các vấn đề luân lý là điều không thể làm được. Ngày nay điều đó càng rõ hơn lúc nào hết khi xã hội gặp những vấn đề chưa từng xảy ra và không có trong Kinh Thánh cũng như không được các nhà thần học đồng ý. Cả đến những trường hợp rất rõ ràng để giải quyết thì vẫn có vấn đề chủ quan trong đó. Các nhà luân lý chọn làm tiền đề những nguyên tắc và trích dẫn mà họ thích để đi đến kết luận. Vì thế các nhà thần học đi đến những kết luận khác nhau tuỳ theo những tiền đề khác nhau. Đời sống thế giới ngày nay quá phức tạp, nên không thể tự mãn đưa ra những câu giải đáp đơn thuần trắng đen. Đòi phải có những câu giải đáp như thế là đi ngược lại với thực tế và mất tín nhiệm đối với người trí thức và biết suy nghĩ.
Tôi nghĩ mãi về vấn đề thánh Âucơtinh đuổi người yêu lâu năm về Phi Châu với đứa con của ông khi ông trở lại đạo. Sau đó ông dạy rằng tình yêu chân chính phải làm chỉ đạo khi giải quyết những vấn đề luân lý. Tôi nhiều lần tự hỏi có phải quyết định đuổi một người đàn bà xa khỏi đời mình là một quyết định dựa trên căn bản tình yêu hay không, hay chỉ để thoả mãn việc nhiệm nhặt tuân giữ lề luật? Đức Giêsu có khuyên ông làm như thế không? Rõ ràng là trái với câu chuyện người đàn bà bị bắt quả tang đang sống ngoại tình. Đức Giêsu không bảo chị bỏ người đàn ông chị đang sống với. Chị đi đâu bây giờ, không tiền trợ cấp và sau khi đã có năm đời chồng? Nhưng đức tin dạy cho thánh Âucơtinh rằng sống với người yêu là có tội vì không cưới nhau. Tại sao ông không cưới chị? Có phải vì nó làm cản trở cho mức tiến của ông không? Dĩ nhiên là nó không hạp với cuộc sống mới của ông. Tôi nghĩ mãi không biết rồi chị ấy sống làm sao? Chị có phải tự nuôi lấy thân không? Ông có giúp chị không? Chị có được gia đình lo lắng và thông cảm hoặc bạn bè giúp đỡ không? Ông bỏ chị có huỷ hoại đời chị không? Và ảnh hưởng đến con cái? Tình yêu, nếu được hiểu cách đúng đắn, phải là yếu tố quyết định khi giải quyết các vần đề luân lý. Quyết định của ông có dựa trên căn bản tình yêu không? Nếu khi tuân giữ một lề luật mà bạn hủy hoại đời sống của một người hoặc gây ra tại hại không lường được, thì đó có phải là điều Đức Giêsu muốn không? Có phải là điều Thiên Chúa muốn không?
Đức Giêsu luôn luôn dạy những lý tưởng cao đẹp, nhất là về hôn nhân. Nhưng khi gặp người đàn bà bên giếng, chị đã lấy năm ông chồng và đang sống với một người không phải là chồng, thì lời nói của ngài phải rất có ý nghĩa. Khi gọi năm người đàn ông trước là chồng của chị, ngài đương nhiên công nhận các hôn nhân đó mặc dù không tán thành. Ngài cũng rõ ràng lưu ý rằng chị không kết hôn với người đàn ông chị đang sống với. Trong một dịp klhác, ngài bảo đương sự đừng phạm tội nữa. Nhưng điều ngạc nhiên là với người đàn bà này thì ngài không bảo chị phải bỏ người chị đang sống với. Có thể ngài có bảo, nhưng không thấy Phúc âm ghi lại. Hình như nếu ngài bảo chị bỏ, chắc chắn các môn đệ phải ghi lại, nhất là khi các ông lấy làm kinh ngạc khi thấy ngài nói chuyện với một thiếu phụ, mặc dù các ông không dám hỏi ngài.
Nếu Đức Giêsu không quan trọng hoá vấn đề chị sống với người đàn ông, có lẽ phải hiểu đó là vì ngài thông cảm hoàn cảnh sống. Trong thời ấy, không có trợ cấp xã hội, không có ngân quỹ dành cho người nghèo. Nếu một người đàn bà bỏ chồng thì sẽ đi đâu, nhất là khi chị không có gia đình. Đây, một người đàn bà đã có năm đời chồng. Ai còn muốn chị? Cũng không thể nghĩ rằng gia đình chị muốn chị. Không tiền, không trợ cấp, chị sẽ đi lang thang ngoài đường chăng? Đức Giêsu thấy trước những cảnh hãi hùng đó đối với một người đàn bà như chị. Ai có thể nghĩ rằng một con người nhân hậu như Giêsu sẽ bảo chị bỏ nhà ra đi? Phải chăng Thiên Chúa chấp nhận sự kiện, chứ không phải lý tưởng, ngài chấp nhận cảnh sống thực tế đó là chị đang sống với người đàn ông không cưới sau khi chị đã có năm đời chồng. Tại sao ngài gặp người đàn bà này, một người có nhiều vấn đề, trừ khi ngài có dụng ý dạy một bài học qua cách ngài đối xử với chị?
Có thể đấy không phải là câu trả lời xác đáng, nhưng nó cũng làm cho chúng ta suy nghĩ. Cố thẩm phán Warren Burger nêu lên một vấn đề trong một buổi kinh nguyện kèm theo ăn sáng. Chúng tôi bàn về tội ác, về công lý và về ảnh hưởng của quan toà khi kêu án. Ông nói rằng một thẩm phán liêm chính sẽ rất thận trọng khi kêu án một người, vì bản án sẽ ảnh hưởng không chỉ tội nhân nhưng cả gia đình họ nữa. Khi vị thẩm phán kêu án, ông cũng kêu án cả gia đình mặc dù họ vô tội. Họ phải trả giá và đời sống của họ có thể bị tổn hại không đền bù được. Những quyết định luân lý cũng giống như quyết định của quan tòa. Chúng không những ảnh hưởng đến phạm nhân mà còn đến nhiều người khác nữa. Phải nghĩ đến những người này khi đưa ra một quyết định về luân lý. Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người láng giềng. Toàn lề luật và sách các ngôn sứ dựa lên hai giới răn này.
Đây là một lối giải quyết các vấn đề luân lý còn đang được tranh luận, nhưng đó là cách thức Đức Giêsu đặt ra cho chúng ta và nó rất có lý. Luật pháp không có gì là linh thiêng cả, trừ khi nó làm lợi hay làm hại cho con người và mối liên hệ của con người với Thiên Chúa.
Tuy nhiên tình yêu nào là đúng để dựa vào đó mà phán đoán trong những trường hợp khó khăn?
Điều này không phải dễ dàng. Khi còn nhỏ, chúng ta cần có người hướng dẫn. Đây là gánh nặng của phụ huynh và những người lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm dạy những nguyên tắc luân lý và cách sống đức tin. Các nhà thần học có thể phát triển những nguyên tắc luân lý dựa trên tình yêu Thiên Chúa và láng giềng hơn là dựa vào lề luật. Các giáo sĩ có thể hướng dẫn giáo dân để họ có thể thi hành những quyết định dựa trên tình yêu cách xác đáng. Và rồi giáo dân có thể hướng dẫn lại con cái của mình. Phải nhẫn nại và tốn kém thời gian để đào tạo và sống gương mẫu mới có thể giúp con cái trưởng thành trong việc phán đoán, không phải vì sợ hãi hay mù quáng nhưng là dựa trên tình yêu và quan tâm chân thực. Điều này rất khó lúc khởi sự. Nhưng khi con cái lớn lên, chúng có thể hiểu được thế nào là tình yêu chân chính và dựa vào đó mà đưa ra mọi quyết định. Công việc này rất có ý nghĩa. Cả trong vấn đề sắc dục cũng thế. Chúng có thể lầm lỗi, nhưng chúng ta cũng lầm lỗi khi giải thích luật pháp. Các nhà luân lý áp dụng các nguyên tắc mỗi người mỗi khác. Hãy để phán đoán cho Thiên Chúa.
Trong dĩ vảng dạy luân lý là dạy Mười Điều Răn. Thực ra đó là dạy trẻ con lánh tội. Nền luân lý củaThế giới Kitô giáo thật là rối rắm. Các Điều răn phần lớn là tiêu cực, chỉ đòi hỏi tôn trọng lề luật cách tối thiểu. Xét về mặt lý thuyết, một cá nhân có thể giữ trọn các Điều răn trong suốt đời nhưng không bao giờ làm một việc phúc đức cho một cá nhân khác. Người ta có thể thấy một người nằm đợi chết trên đường và lờ đi mà vẫn không phạm một điều răn nào. Như thế thì học hỏi được gì ở luật pháp, ở điều răn?
Lề lối của Đức Giêsu thì khác. Ngài không chú trọng vào tội lỗi, nhưng là dạy về tình yêu, yêu Thiên Chúa và yêu người láng giềng, và đối với ngài mọi người đều là láng giềng. Đối với con của Thiên Chúa thì không ai là xa lạ cả. Nói cách vắn tắt, đó là nghĩ đến Thiên Chúa và tha nhân, và mọi thụ tạo. Đó là một động lực tích cực, không dạy trẻ con quá chú trọng vào tội lỗi mặc dù đó cũng là điều quan trọng, nhưng đưa chúng đến với Thiên Chúa, và nhất là đến với Giêsu lúc chúng còn nhỏ. Sự liên lạc mật thiết và ấm cúng này sẽ giúp chúng chống lại mọi cám dỗ khi cuộc sống của chúng trở nên phức tạp hơn. Đó là một đường lối lành mạnh, làm cho chúng ta ý thức rằng phải quan tâm đến tha nhân. Nó khuyến khích chúng ta tuân giữ các đìều răn, trở thành tốt, bởi vì Đức Giêsu mà chúng ta yêu mến là người bạn tốt.
Chính vì thế mà thí dụ độc nhất Đức Giêsu dạy về ngày phán xét không phải là việc tuân giữ Mười Điều Răn nhưng «Hởi những ai được Cha của tôi chúc phúc, hãy vào vương quốc được chuẩn bị sẵn cho các người từ nguyên thuỷ. Khi tôi đói, anh chị cho tôi ăn. Khi tôi khát, anh chị cho tôi uống. Khi tôi không áo quần, anh chị mặc cho tôi. Khi tôi ốm đau, anh chị chăm sóc cho.»
Đức Giêsu lấy nhu cầu của nhân loại làm căn bản đánh giá luật pháp. Luật pháp thường được tôn trọng vì đó là luật, xem như luật pháp tự nó có giá trị cần phải được tuân giữ, dẫu nó có lỗi thời. Luật pháp đã trở thành tôn giáo, như trong trường hợp các kinh sư thời Đức Giêsu. Tuân giữ lề luật được xem là thánh thiện, và càng giữ đúng luật thì càng thánh thiện. Nhiều tôn giáo ngày nay cũng làm thế. Đó là điều rất đáng buồn.
Đức Giêsu chế giễu những người lãnh đạo tôn giáo thời ấy vì họ làm nô lệ cho luật pháp, vì họ hành động một cách máy móc không thật sự kết hiệp với Thiên Chúa. Chính vì thế mà ngài coi trọng một người bị ly khai biết sám hối, dẫu họ là một người tội lỗi công khai, hơn là một người Pharisêu chín chắn tuân giữ luật pháp. Ít ra người thu thuế cũng thật lòng, và tuy bên ngoài có vẻ đê tiện nhưng ao ước được hoà giải và sống thân mật với Thiên Chúa. Người Pharisêu thì quá tự mãn rằng mình công chính nhưng lại không thật lòng với Thiên Chúa. Điều này giúp chúng ta thấy rõ ý muốn của Thiên Chúa. Từ lâu chúng ta được dạy rằng Thiên Chúa là Chúa của lề luật, ngài xem chúng ta có giữ đúng lề luật không. Và đây Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa, ngài lại để tâm đến nội tâm hơn là cách thức tuân giữ lề luật bên ngoài. Không phải tuân giữ lề luật là không quan trọng, nhưng điều quan trọng là lối sống. Nội tâm là điều làm cho con người có giá trị với Thiên Chúa. Nếu một người không có gì cao thượng bên trong thì tuân giữ lề luật bên ngoài cũng không làm cho họ cao thượng được. Yêu mến Thiên Chúa và nhân hậu với tha nhân là điều quan trọng đối với Thiên Chúa…
Đức Giêsu đơn giản hoá cách thức chúng ta liên hệ với Thiên Chúa. Ngài tạo dựng chúng ta làm con cái của ngài. Ngài đặt chúng ta giữa mọi tạo vật và chỉ muốn chúng ta yêu mến ngài và yêu-mến-kính-trọng tha nhân, cũng như đối xử với mọi loài thụ tạo của ngài với niềm kính cẩn và biết ơn. Ngài ban cho chúng ta một Giáo hội để lưu truyền sứ điệp của ngài và giải thích nó trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống cho đến ngày tận thế. Ngài muốn cho Giáo hội của ngài là một hướng đạo hiền lành và trao ban đời sống bí tích cho con cái của ngài. Giáo hội không nên khe khắt hay hống hách. Giáo hội phải là một chủ chăn hiền lành và là một hướng đạo giống như Đức Giêsu đối xử với dân chúng, không độc đoán hay đàn áp. Xét đoán và trừng phạt là việc của Thiên Chúa.
Đấy là mâu thuẩn của cuộc đời Đức Giêsu. Ngài là hiện thân của Thiên Chúa. Ngài là thiện mỹ và công chính. Ngài không ngừng rao giảng những lý tưởng cao đẹp… Ngài luôn luôn có một viễn tượng về mọi vật phải thế nào và con người phải sống làm sao. Ngài không bao giờ nao núng hay nhượng bộ khi rao giảng những lý tưởng của thiện mỹ.
Suy nghĩ về điều đó, chúng ta không khỏi kinh ngạc khi thấy Đức Giêsu không trang trọng nhưng chấp nhận mọi người bình dân, đám người thô lổ cộc cằn, những người có cuộc sống xa vời với những lý tưởng cao đẹp mà ngài ôm ấp và rao truyền. Cách thế ngài đối xử với họ cho thấy rằng không phải ngài chấp nhận lối sống của họ, nhưng là thông cảm cái mỏng dòn của bản tính nhân loại. Nhiều người lãnh đạo tôn giáo rất ý thức vài trò bảo vệ luân lý của mình, đã không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để tỏ ra mình khinh miệt những ai không cưới nhau cách hợp pháp, trừng phạt và cắt đứt họ với Giêsu. Điều này cũng rất lạ, vì chúng ta đã chứng kiến cảnh những người Kitô ở Phi Châu, Bắc Ái Nhĩ Lan và cổ Hung Gia Lợi chém giết nhau mà vẫn không bị tuyệt thông với Giêsu và Giáo Hội. Thật là thắc mắc tại sao chúng ta lại quá nghiêm khắc với những người chỉ phạm một sai lầm là sống với nhau không có phép của Giáo hội. Điều này rất khác với Đức Giêsu, ngài luôn luôn mở tay tiếp đón người tội lỗi để đem họ về. Và khi đem họ về, chúng ta có nghĩ rằng ngài sẽ bảo họ không được ngồi ăn cùng bàn với những người tốt lành không?
Điều đó giúp chúng ta hiểu được thái độ của ngài đối với lòng đạo của con người. Xem như ngài có một ý tưởng rất nhân loại về vấn đề đó. Các sách tu đức thời trước đã đánh mất tính cách nhân loại của việc tu đức, và như thế đặt nó ra ngoài tầm tay của người bình dân. Giáo hội rất họa hiếm phong thánh những giáo dân bình thường hay những người có gia đình. Điều này nói lên cách rõ ràng rằng chúng ta không xem đời sống tu đức của họ ra gì cả. Trong khi dân chúng thế nào thì Đức Giêsu chấp nhận họ thế đó, cũng như ngài chấp nhận cái đẹp tàng ẩn trong người phụ nữ ở giếng nước, hoặc cái đẹp tiềm tàng trong người thiếu phụ ở nhà ông Simon: tất cả nói lên một cách hùng hồn rằng Đức Giêsu rất thoải mái với sự đạo đức bình dân mà ngài thấy nơi dân chúng đi lại ngoài đường. Ngài ca ngợi sự khiêm tốn, hối lỗi và cái đẹp tàng ẩn nơi những người như người Samaritanô nhân hậu hay người thu thuế trong đền thờ, hoặc viên chức Lamã kêu xin ngài cứu sống tôi tớ của ông. Ngài đã có thể bảo thẳng vào mặt những người Pharisêu và các kinh sư rằng những người làm đĩ và người tội lỗi công khai sẽ vào thiên đàng trước họ, nhưng làm thế sẽ như quăng họ vào dầu sôi. Điều ngài muốn nói rõ ràng là ngài có thể thấy cái đẹp ở nơi mà họ chỉ thấy tội lỗi và yếu đuối, cũng như ngài không thấy được cái đẹp nơi họ mà chỉ thấy những đầu óc bị ám ảnh về lề luật và truyền thống của người xưa.

______________________



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam