02 Chương hai ‒ Vị Cứu Tinh vui vẻ
Chương hai
Vị
Cứu Tinh vui vẻ
Đức
Giêsu chọn tiệc cưới để khai mào sứ mệnh của mình. Điều này có rất nhiều ý
nghĩa. Người ta chuyền miệng mau lẹ những gì ngài làm ở đó, nói cho mọi người biết
ngài rất tử tế và tốt với cô dâu chú rể. Hình như đấy là sứ điệp ngài muốn gửi
đến trước để mọi người khỏi e ngại ngài. Tất cả những gì liên quan đến Đức
Giêsu xem ra rất đơn sơ, như sinh ra trong máng lừa, sống ẩn dật và bình thường,
chỉ tỏ ra quyền năng khi cần thiết như để chữa bệnh hay an ủi người ta chẳng
hạn. «Hỡi những ai mỏi mệt vì gánh nặng
hãy đến với tôi, tôi sẽ thêm sức cho, vì tôi hiền lành và khiêm nhượng trong
lòng.» Dịu dàng quá! Nhưng đó là điều Đức Giêsu muốn người ta biết về ngài.
«Đừng e ngại tôi». Hình như ngài muốn
nói: «Tôi đem tin mừng đến cho bạn, để
bạn được hạnh phúc.»
Giới
lãnh đạo chống đối Giêsu ngay. Điều này lạ thật, vì ngài không có vẻ gì của
những vị cứu tinh giả đang mọc lên như nấm. Cũng khó hiểu tại sao những kinh sư
và nhóm Pharisêu cảm thấy bị ngài đe dọa. Dẫu sao họ cũng là những người có
thẩm quyền dạy dỗ đạo lý. (Chính Đức Giêsu cũng thừa nhận thẩm quyền này.) Chúng
ta nghĩ rằng đáng lẽ họ phải chào đón một con người lạ thường như Đức Giêsu, bởi
vì lúc ấy mọi người đang mong mỏi một vị cứu tinh. Chính họ là những người phải
nhận ra Giêsu và giới thiệu ngài với dân chúng. Hơn nữa Đức Giêsu có quyền năng
chữa bệnh và làm điều lành cho dân chúng, điều đó cũng đủ thức tỉnh họ. Trái
lại, thấy Đức Giêsu chữa bệnh vào ngày Sabát thì họ kinh ngạc. Luật đạo cấm làm
việc trong ngày ấy. Đức Giêsu không màng nghĩ đến. Những người lãnh đạo tôn
giáo Do thái có tinh thần cởi mở sẽ thấy rằng lề luật ấy không phải từ trời
nhưng là do cha ông họ đặt ra. Có luật trừ trong những trường hợp giảm nhẹ, như
trường hợp chữa bệnh cho người què hoặc bị tà ma ám. Nhưng không hiểu sao những
người lãnh đạo tôn giáo lúc ấy lại có ác cảm với Đức Giêsu ngay từ lúc đầu và
không thể chấp nhận một ngoại lệ nào cả. Có thể vì ngài không xuất thân cùng trường
với họ, hay vì ngài không thuộc một gia đình quí phái. Có thể ngài lại giống
như các ngôn sứ thời trước, giảng dạy theo ý mình chứ không có phép của họ. Họ
nghĩ rằng Thiên Chúa không thể chọn Giêsu để giảng dạy dân chúng trong khi
chính họ nắm quyền giáo huấn? Tuy nhiên Thiên Chúa thường làm thế đó trong lịch
sử Do thái. Ngài ban quyền giáo huấn cho các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhưng khi
họ không trung thành với sứ điệp của ngài, thì ngài lại sai những ngôn sứ không
thuộc hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo đến để dạy dỗ dân chúng. Các linh mục và các
kinh sư tức lắm vì họ nghĩ mình được Thiên Chúa ban quyền. Đức Giêsu tố cáo họ
xây mồ chôn những ngôn sứ mà cha ông họ đã sát hại. Thái độ của những người
lãnh đạo tôn giáo cũng vậy. Họ không thể nào dung túng cho con người này giảng
dạy như thế. Họ phải là thầy. Nếu họ cứ im lặng thì còn đâu là quyền bính của
họ nữa. Với một thái độ như thế thì vị Cứu tinh nào cũng bị họ gây khó khăn, vì
họ cảm thấy quyền bính của họ đối với dân chúng bị đe doạ. Đức Giêsu rất buồn
về điều đó. Cha của ngài đã dẫn dắt họ qua bao thế kỷ để họ chuẩn bị dân chúng
cho ngày này. Và giờ đây ngài đến thì họ lại trở thành thù địch. Ngài phải tự
động giới thiệu mình với dân chúng và phải tự làm lấy mọi việc mà không cần
phải nhờ đến họ.
Nếu
chỉ có vậy thì cũng được. Nhưng họ lại không để ngài yên. Họ đặt trinh thám dò
xét từng đường đi nước bước của ngài, tìm cách hạ uy tín của ngài với dân chúng,
phao lên rằng những công việc tốt đẹp của ngài không phải từ Thiên Chúa đến. «Hắn làm ra vẻ tốt lành nhưng kỳ thật là một
chướng ngại cho bước tiến của ông bà và làm hủy diệt người thơ ngây và không
thận trọng. Nếu hắn có làm nhiều điều tốt, thì nên nhớ rằng Satan cũng làm được
như vậy. Rõ ràng là quyền năng của hắn do Satan ban cho.»
Thật
là một lý luận ghê tởm và hẹp hòi đối với một con người chỉ biết rao giảng
những ý tưởng cao đẹp, ngày thì khích lệ và chữa bệnh cho dân chúng, đêm thì
chìm đắm trong kinh nguyện. Thật đáng ghê sợ khi thấy lòng dạ hẹp hòi nơi những
người Thiên Chúa chọn. Những chương trình đã được Thiên Chúa phác họa kỹ càng
xem ra bị tạm thời gián đoạn do lòng dạ nhỏ nhen của con người.
Mặc
dù gặp khó khăn gây nản chí, Đức Giêsu cũng không quá lo âu vì bị họ quấy rầy. Ngài
có nhiều việc phải làm, điều quan tâm nhất của ngài là thực hiện ý muốn của Cha
ngài. Lối sống mực thước giúp ngài đương đầu với những lời bình phẩm quấy rầy
của các kinh sư và nhóm Pharisêu khi ngài làm công việc hàng ngày.
Khi
phải công khai trực diện họ thì Đức Giêsu không bao giờ lùi bước. Ngài tỏ ra
can đảm không khác gì một đứa trẻ can đảm chống lại những đứa hay bắt nạt. Khi
phải đương đầu với các kinh sư và những người Pharisêu, thì ngài không bao giờ
lùi bước. Ngài can đảm phản pháo. «Khốn
nạn cho các ông là những kinh sư và Pharisêu, các ông giống như mồ mả phết vôi
trắng xem đẹp mắt, nhưng bên trong thối tha và đầy xương người chết! Các ông
chỉ rửa tách bên ngoài còn bên trong thì không. Khốn nạn cho các ông là những
kinh sư và Pharisêu, các ông bắt dân chúng vác nặng mà không ra tay đỡ họ, các
ông chỉ là loại giả hình!»
Dẫu
vậy, mặc dù có xích mích giữa họ và Đức Giêsu, họ cũng cảm thấy rằng ngài quan
tâm đến họ, vì thế họ cũng không ngại mời ngài đến nhà dùng bữa. Ngài đến nhà
họ đều đặn, như trường hợp ông Simon là thủ lãnh Pharisêu mời ngài đến nhà.
Ông
ta rất hãnh diện mời được Đức Giêsu, vì thế ông cũng mời bạn bè Pharisêu cùng
đến dùng bữa. Khi mọi người ngồi vào bàn thì có một người đàn bà chạy xổ vào và
phục dưới chân Đức Giêsu. Chị khóc lóc, nước mắt chảy đầm đìa ướt chân ngài. Chị
lấy tóc mình lau chân ngài và lấy dầu thơm thoa lên. Thật là thân mật! Đức
Giêsu cũng chẳng phiền hà gì. Đẹp đẽ làm sao! Nhưng Simon thầm nghĩ: «Làm sao ông ta biết cô này? Nếu ông ta đúng
như tiếng đồn, hẵn ông phải biết cô ta là người thế nào.»
Đức
Giêsu biết được điều Simon thầm nghĩ. Ngài tế nhị nói với Simon: «Simon ạ, tôi có điều này muốn nói với ông.»
«Vâng, xin thày cứ nói!».
«Khi khách đến dự tiệc, chủ nhà thường có
thói quen hôn chào khách. Ông đã làm như thế đối với mọi người, trừ tôi ra. Cái
đó chẳng sao. Chủ nhà cũng thường có thói quen đem nước cho khách rửa chân. Ông
đã đem nước cho mọi người, trừ tôi ra. Cái đó cũng chẳng sao. Bởi vì chúng ta
không thường rửa ráy, nên chủ nhà cũng đưa dầu thơm cho khách thoa để có mùi
thơm ở bàn tiệc. Ông đã làm như thế cho mọi người, trừ tôi ra. Cái đó cũng
chẳng sao vì sáng nay tôi đã tắm ở sông Giođan.»
«Hãy xem người thiếu phụ này. Từ lúc đến cô
ta không ngớt lấy nước mắt cô rửa chân tôi, lấy tóc cô lau chân tôi và thoa dầu
thơm trên chân tôi. Vậy tôi có vấn đề này xin hỏi ông. Ngày nọ có một người
giàu (rõ ràng là ý muốn nói Chúa Cha) cho hai người đàn ông mượn một số tiền
kếch xù. Ông cho một người mượn một triệu đô la, còn người thứ hai thì chỉ được
năm trăm. Thế rồi hai người không trả nổi nên ông nhà giàu tha cho hết nợ. Vậy
ai là người yêu mến ông ta nhất?»
«Người được tha món nợ lớn», Simon đáp.
«Này Simon, tôi xin nói cho ông nghe, người
đàn bà này có tội nhiều đến đâu cũng sẽ được tha, vì cô yêu nhiều.»
Đọc
cả đoạn văn, rõ ràng là Đức Giêsu ám chỉ rằng tội lỗi của Simon tuy ít, nhưng
không được lòng Thiên Chúa lắm vì ông ấy chưa bao giờ biết yêu. Đó cũng là vấn
đề của các kinh sư và người Pharisêu. Mặc dù họ tận tụy với đạo giáo và giữ
luật đạo cách gương mẫu, nhưng họ không học yêu mến Thiên Chúa và đối xử với đồng
loại cách nhân hậu. «Ta muốn lòng nhân
hậu chứ không muốn lễ vật.»
Trong
giai thoại này có một nền thần học chưa bao giờ được khai thác đầy đủ. Này đây
một thiếu phụ, một người tội lỗi ai cũng biết, phạm đến Thiên Chúa, chúng ta
gọi là có tội trọng. Nhưng Đức Giêsu dám công khai tuyên bố: «Tội của cô có nhiều bao nhiêu cũng đã được
tha, vì cô yêu nhiều.»
Điều
này nghịch với những gì các tôn giáo dạy: khi phạm tội trọng thì mất hết ân
phúc đã được và không còn hiệp thông với Thiên Chúa, không còn có tình bằng hữu
với ngài. Các giáo sĩ dạy rằng «Nếu bạn
yêu mến Thiên Chúa thì không phạm tội. Bạn không thể vừa thánh thiện vừa tội
lỗi.» Nền thần học này đã tạo nên biết bao tai họa tâm lý và tình cảm cho
rất nhiều người.
Tôi
không bao giờ quên một thanh niên thường xuyên đi xưng tội với tôi. Trong tuần
anh bỏ ra nhiều thì giờ để giúp thanh thiếu niên tránh làm điều sai và đưa họ
đến với Giêsu. Người thanh niên này có một liên hệ mật thiết với Giêsu. Cứ mỗi
lần sau khi xưng tội, anh bật lên khóc. Tôi hỏi anh tại sao khóc thì anh trả
lời: «Thưa cha, con yêu mến Giêsu lắm. Không
hiểu tại sao con cứ phạm tội hoài? Hầu như suốt đời con sống không có Chúa.»
Thật
tình tôi không biết nói gì với anh ta, bởi vì đó là điều đạo dạy chúng ta. Anh
này biết đạo nhiều lắm. Nếu lúc ấy tôi hiểu được giai thoại ở nhà ông Simon thì
tôi đã trả lời cho anh ta, «Con ơi, đừng
lo, con không bị Thiên Chúa loại đâu. Tội của con có nhiều bao nhiêu đi nữa thì
cũng được tha, vì Thiên Chúa thấy con yêu mến ngài nhiều lắm và con tận tình
giúp đỡ những người láng giềng bị đau khổ. Vì thế con vẫn là bạn hữu của Thiên
Chúa.» Thế đó mới là nền thần học chân chính, vì đấy cũng là lời Đức Giêsu
nói trong những trường hợp tương tự.
Rồi
tôi lại nhớ đến Phêrô. Tôi nghĩ rằng không ai trong chúng ta yêu mến Giêsu
nhiều như Phêrô. Nhưng tôi hy vọng rằng cho đến chết chúng ta cũng sẽ không
phạm tội như Phêrô, đó là chối không biết Giêsu chỉ trong vài phút sau khi chịu
Mình Thánh ở bữa tiệc ly.
Tôi
tự hỏi, «Phêrô có còn là bạn hữu của Đức
Giêsu không?» Dĩ nhiên là có. Bạn có nghĩ rằng Đức Giêsu là người thiển cận
và hay thay đổi không? Tình bằng hữu không thể chấm dứt chỉ vì chúng ta làm
điều gì sai, nhất là vì yếu đuối. Đức Giêsu biết rõ rằng ngài có một người bạn
nhát gan. Nhưng không sao, vì các bạn hữu của ngài đều yếu đuối hoặc có rất
nhiều khuyết điểm. Hình như ngài không màng chuyện đó. Tình yêu của Thiên Chúa
cũng lạ lùng như thế. Chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa hành động như chúng ta, chính
vì thế mà đã gây bao thiệt hại cho nhiều người. Và các nhà thần học cũng không
hơn gì chúng ta, vì đã tạo nên hình ảnh một Thiên Chúa thế đó cho dân chúng.
Thật
ra, nền thần học mà Đức Giêsu muốn dạy qua giai thoại ở nhà ông Simon là «Cha của tôi không dựng nên anh chị em như
những vị chúa nhỏ. Ngài dựng nên mỗi người anh chị em để làm một công việc nhỏ
và ban cho anh chị em ân sủng và tài năng cần thiết để làm công việc nhỏ đó. Tư
cách của anh chị em có thể là bất toàn, nghĩa là sẽ làm những điều lầm lỗi và
không đạt đến lý tưởng tốt đẹp. Nói cách vắn tắt, anh chị em có thể phạm tội.»
Đức Giêsu nói cho những người Pharisêu biết Thiên Chúa đối xử với con người như
thế nào. «Người đàn bà này có phạm tội
nhiều đến đâu cũng được tha, vì chị yêu mến nhiều.» Xem ra ngài cũng nói
với Simon: «Tội của ông tuy ít, nhưng ông
không đẹp lòng Thiên Chúa lắm vì ông chưa học yêu.» Đức Giêsu thấy người
đàn bà âm thầm cố gắng đến với Thiên Chúa và giúp đỡ người láng giềng. Tình yêu
chân thật đối với Thiên Chúa cũng như hành động giúp đỡ láng giềng của chị đã
khoả lấp tội lỗi của chị. Đức Giêsu bảo đảm với khách dự bữa và người thiếu phụ
rằng chị vẫn còn là bạn hữu của Thiên Chúa. Đó là một tin sét đánh đối với
những người Pharisêu tự mãn xem mình là đỉnh cao của thánh thiện và là lý tưởng
của công chính. Câu chuyện đó cũng giống như câu chuyện người Pharisêu và người
thu thuế làm đề tài cho cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và các phần tử ưu tú tôn
giáo.
Ngày
kia một nhóm người Pharisêu hỏi ai là người làm đẹp lòng Thiên Chúa. Đức Giêsu
trả lời rằng, «Có hai người lên Đền thờ
cầu nguyện. Một người Pharisêu và một người thu thuế. Người Pharisêu đi thẳng
đến cung thánh, trước ngay hòm bia, giang tay ra nói: “Tạ ơn Chúa, con không
giống như mọi người, những người ngoại tình, cướp bóc, ăn trộm, hoặc như người
thu thuế đứng dưới kia. Con ăn chay hai tuần một lần, con nạp thuế đầy đủ cho
tài sản của con”.»
Rồi
Đức Giêsu nói tiếp: «Người thu thuế đứng
ở cuối Đền thờ không dám ngẩng đầu lên, nhưng đấm ngực nói “Lạy Chúa, xin
thương xót con. Con là người tội lỗi”.»
Rồi
Đức Giêsu thêm: «Người thu thuế về nhà
được tha tội, còn người Pharisêu bước ra khỏi đền thờ như người bị Thiên Chúa
ruồng bỏ.»
Đó
là một lời tuyên bố sét đánh, vì một người giữ đạo đầy đủ thì bị loại. Lúc lớn
lên chúng ta được dạy rằng nếu giữ luật thì sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa. Nếu giữ
luật mà không làm đẹp lòng Thiên Chúa, thì làm gì bây giờ? Đức Giêsu trả lời
câu hỏi đó khi đối đầu với một luật gia trong một dịp khác nữa.
Ngày
kia một luật gia đến hỏi Đức Giêsu để thử ngài. «Thưa thầy, điều luật nào quan trọng nhất?» Câu hỏi xem ra có vẻ tầm
thường. Nhưng khi bạn biết không phải chỉ có mười giới răn mà có đến 613 thì
mới thấy câu hỏi ấy là một đề tài được thảo luận rất nhiều.
Câu
trả lời của Đức Giêsu làm mọi người sửng sốt. «Giới răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết tâm hồn, hết trí
khôn và hết sức mình. Giới răn thứ hai là yêu mến người láng giềng như chính
bản thân. Toàn bộ luật và các sách ngôn sứ đều dựa trên hai giới răn ấy.»
«Thưa thầy, thầy trả lời rất đúng. Nhưng ai
là người láng giềng?»
Đức
Giêsu mới kể một câu chuyện. «Có một
người đi từ Giêrusalem đến Giêricô bị quân cướp bắt. Chúng đánh đập, cướp bóc, và
bỏ anh ta nằm đấy dở sống dở chết.»
«Có một giáo sĩ đi ngang đấy thấy anh nằm bên
đường, nhưng ngơ đi. Rồi có một thầy Lêvi (người canh giữ Đền thờ) cũng đi
ngang qua đấy và thấy anh ta, nhưng cũng ngơ đi.»
«Rồi có một người ngoại quốc đi ngang qua đấy
thấy anh ta thì cảm thấy thương. Ông ta xuống ngựa, lấy dầu và rượu rửa các vết
thương cho anh ta. Ông ta lấy áo choàng của mình phủ lên người anh và đặt anh lên
lưng ngựa của mình rồi đưa anh đến một quán trọ. Ông ta trả tiền quán và yêu
cầu chủ quán chăm sóc anh ta và hứa sẽ trả mọi phí tổn khi ông trở lại».
Rồi
Đức Giêsu nói tiếp: «Người ngoại quốc ấy
là người Samaritanô. Như vậy, ông nghĩ ai là người láng giềng của nạn nhân kia?»
Luật
gia ngượng ngập trả lời vì người Dothái ganh ghét người Samaritanô:
«Thưa đó là người có lòng nhân hậu.»
«Hãy làm như vậy»
Trong
dụ ngôn này Đức Giêsu trả lời một câu hỏi rất khó, đó là ai làm đẹp lòng Thiên
Chúa nhất? Không nhất thiết phải là người tận tụy với đạo giáo, tuân giữ truyền
thống và phong tục hoặc hiểu nhiều đạo lý, nhưng là người có tình yêu và nhân
hậu đối với tha nhân và yêu mến Thiên Chúa. Một cách hết sức bén nhạy Đức Giêsu
đã đánh đổ những điều phi lý chồng chất từ bao thế kỷ và đi vào chính cái tâm
của đạo, đó là mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Dẫu bạn có yếu đuối, nhưng
bạn có quan tâm đến Thiên Chúa không, bạn có quan tâm đến những đau khổ chung
quanh bạn không? Đó là thực chất của con người làm đẹp lòng Thiên Chúa. Không
phải tin đạo cách đúng đắn và kiềm chế yếu đuối là không quan trọng, nhưng yêu
mến Thiên Chúa và quan tâm đến tha nhân là tuyệt đối cốt yếu. Đó là giới răn
then chốt đối với Đức Giêsu. Ngài biết rằng ít người hiểu được bản tính của
Thiên Chúa và Con Thiên Chúa, nhưng ngài biết rằng con người tự thâm tâm biết
lo lắng đến tha nhân. Chúng ta cũng không biết các tông đồ có hiểu được Mình
Thánh mà Đức Giêsu ban cho trong bữa Tiệc Ly không? Hình như mãi lâu sau Phục
Sinh các ông mới hiểu rõ thiên tính của ngài. Chúng ta cũng thắc mắc tại sao Đức
Giêsu không giảng giải một cách rành mạch hơn!
Vấn
đề của các kinh sư và người Pharisêu là họ thần thánh hoá tín điều và luật lệ
mà không chú tâm đến sự thiện chính yếu và lòng nhân hậu. Sự toàn mỹ nơi Đức
Giêsu như là một bản cáo trạng đối với sự giả hình và nền tu đức trống rổng của
họ, thành thử họ ganh ghét ngài. Họ làm bất cứ điều gì để tẩy chay ngài.
Mặc
dù họ tìm đủ cách để làm ngài bực bội, nhưng Đức Giêsu không để mình mất quân
bình và cáu tiết vì họ. Xem ngài đi lại hàng ngày, bạn sẽ thấy ngài là con
người bình tĩnh không rối rắm. Ngài rất thanh thản và sống bình thường. Khi
người ta thấy ngài vào làng, lập tức họ chuyền miệng nhau và dân chúng đổ ra
đường tìm ngài. Người mù, người què, người bị quỉ ám và những người tọc mạch
vây lấy ngài không còn chỗ đứng. Ngài dẫn họ ra khỏi làng đến một nơi rộng rãi,
bảo họ ngồi trên ngọn đồi cỏ mà nghỉ ngơi. Rồi trong một tiếng đồng sau đó ngài
nói với họ về Tin Mừng của Nước Trời. Họ ngồi giải ra. Các người Pharisêu và
bọn do thám ngồi bên cạnh dân chúng, lòng họ đầy ganh tị khi thấy ngài đánh
động lòng dân chúng và thu hút họ. Sứ điệp của ngài rất đơn sơ, nhưng đưa con
người đến với Thiên Chúa.
Đức
Giêsu rất khéo léo khi gặp gỡ dân chúng. Ngài tỏ ra rất tự nhiên đối với người
bình dân. Người ta gọi đám người này là tội lỗi và cảm thấy không thoải mái với
họ. Nhưng Đức Giêsu biết họ là thế nào. Ngài biết ưu điểm cũng như khuyết điểm
của con người họ, tuy nhiên ngài vẫn thích hoà đồng với họ. Ngài đi trong những
con đường hẻm của thành phố Giêrusalem, nặc mùi người chưa tắm rửa. Những con
đường hẻm ngày nay cũng không khác thời Đức Giêsu lắm, đầy người bán với các
gian hàng đủ loại gợi tính hiếu kỳ của khách. Người ta dùng mốc treo thịt lên, ruồi
bu đặc đen. Cá bắt được buổi sáng ở Biển Galilêa chất thành đống hoặc bỏ trong
rổ cạnh những thúng cá muối khô. Cạnh đó một gian hàng khác bán rau trái. Đức
Giêsu lội trong các dẫy hàng, đụng vào dân chúng, dừng lại nói chuyện với người
này đến người nọ, dỗ dành trẻ con khóc vì lạc mất mẹ trong đám đông. Người ta
không thấy ngài giống như một nhà cải cách tôn giáo lên án dân chúng phạm tội
hay phạm các tín điều. Nhưng người ta thấy ngài giống như mình, đơn sơ, trần
tục, dễ bật cười khi thấy cái gì hài hước chứ không chực vạch lá tìm sâu, moi
móc những nhược điểm hay những cái bất thường của họ. Ngài xem ra cục mịch và
có lối hài hước đôi khi không thanh nhã lắm.
Đó
là đặc điểm của Đức Giêsu. Người ta thế nào thì ngài chấp nhận họ thế đó. Ngài
tạo nên họ. Ngài yêu thích họ. Nếu đọc kỹ các Phúc âm, bạn sẽ không thấy Đức
Giêsu công kích ai bao giờ. Ngài gay gắt công kích các kinh sư và những người
Pharisêu không phải vì họ yếu đuối. Ngài giận vì những gì họ làm đối với đạo
giáo, vì họ làm mất đi cái phấn khởi và bộc phát trong mối liên hệ giữa con
người với Thiên Chúa và khiến đạo giáo trở thành một cơn ác mộng với không biết
bao luật lệ không ai giữ nỗi như thánh Phaolô đã than phiền.
Những
nhà cải cách tôn giáo thường hay nhạy cảm, dễ tức giận làm cho dân chúng cảm
thấy không tự nhiên đối với họ. Họ có tài vạch lá tìm sâu, chỉ điểm tội lỗi của
dân chúng và ly khai dân chúng ra khỏi những người «ngay lành». Họ dễ tức giận khi người ta không chia xẻ lý tưởng của
họ. Bạn không thấy điều đó nơi Đức Giêsu. Khi Ngài đi ngoài đường, thường có
trẻ con hoặc thường dân theo ngài, nhiều người trong bọn lại có tai tiếng. Họ
hãnh diện vì biết Đức Giêsu thích đi với họ. Ngài không làm ra vẻ đạo đức hay
giảng đạo cho họ, nếu có chắc họ đã bỏ đi nơi khác. Ngài thu hút họ vì họ thấy ngài
vui tính và an bình hiếm có, cũng như cảm thấy ngài thật sự yêu mến họ. Chắc
chắn họ không bị thu hút vì ngài lộ vẻ đạo đức hay đàng hoàng. Cái đẹp của ngài
là làm cho con người thay đổi nếp sống, không nhất thiết phải thay đổi trong
một ngày. Ngài rất kiên nhẫn để họ từ từ hiểu biết ngài và chấp nhận lối suy tư
của ngài.
Điều
này thấy rõ trong lối đối xử của ngài với các môn đệ. Nhóm nhỏ này dường như
luôn luôn vô tư lự, các câu chuyện của họ thật là xa vời với ý nghĩ của ngài. Ngày
nọ, Đức Giêsu và các môn đệ cùng đi đường, họ bàn cãi nhau xem ai là kẻ nhất
trong bọn. Đức Giêsu đi xa phía trước một ít, ngài nửa khúc khích cười nửa thất
vọng. Nếu ngài đi gần hơn, chắc họ không tự do đàm luận. Đức Giêsu chờ họ nói
hết câu chuyện rồi đi chậm lại để họ bắt kịp. Rồi ngài bình thản hỏi họ như
không hay biết gì: «
Lúc
nãy ở phía sau các anh nói gì? “Các môn
đệ hổ thẹn không biết trả lời thế nào. Ngài không thúc bách vấn đề, nhưng chỉ
bình luận: “Những kẻ lớn ở thế gian thì thích người ta nghĩ rằng họ quan trọng
và thích cai trị kẻ dưới. Nhưng anh em không nên sống như thế. Ai muốn làm kẻ
lớn thì phải phục vụ mọi người”.» Câu nói thật là hiền lành, không chỉ
trích, rất tế nhị không làm nhục để họ phải xấu hổ. Các môn đệ là những thường
dân, ít học và thô kệch. Đức Giêsu biết khả năng của họ. Ngài chọn họ để ngày
kia họ sẽ làm thủ lãnh các môn đệ khác của ngài. Điều quan trọng là họ phải thi
hành quyền bính một cách hiền hậu và khiêm tốn giống như ngài. Một điều khác
không kém quan trọng, đó là ngài tránh làm nhục và hạ thấp họ khi ngài dạy dỗ
họ. Đó là lối tế nhị mà Đức Giêsu dùng khi tiếp đãi dân chúng. Do đó dân chúng
cảm thấy thoải mái với ngài.
Ngài
cũng đối xử như thế khi dân chúng đến với ngài. Họ bao quanh ngài như trẻ con, thích
nghe lời an ủi và khích lệ từ môi miệng ngài. Ngài nói với đám đông dân chúng
về Nước Trời, hoặc ngài bảo họ phải tin tưởng nơi Cha của ngài khi ngài chữa
bệnh cho người nghèo, người què hay người mù từ lúc sơ sinh. Rồi ngài tiếp tục
đi. Ngài dừng lại khi thấy một nhóm người khác trên đường đi làm.
Một
đặc điểm hấp dẫn khác của Đức Giêsu trong lối đối xử với dân chúng là thái độ
tự nhiên. Những người sùng đạo thì thường lo lắng cứu rỗi kẻ khác và đòi mọi
người phải hết tâm với Giêsu vì ngài là đấng Cứu chuộc. Bạn không thấy Đức Giêsu
nóng lòng truyền đạo như những người mới vào đạo. Điều này thấy rõ trong câu
chuyện giữa Đức Giêsu và một viên chức triều đình tại thành Caphanaum. Ông ta
nghe nói Đức Giêsu có mặt ở Cana nên đến xin
ngài chữa bệnh cho con trai của ông đang hấp hối. Một nhà truyền giáo chắc
trước tiên buộc người ta phải tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu thế. Nhưng Đức
Giêsu không làm như vậy. Ngài chỉ đưa ra một nhận xét, «Nếu ông không thấy dấu lạ thì ông không tin». Nhưng đấy chỉ là một
nhận xét thoáng qua nhắm vào đám đông tò mò có mặt ở đấy hơn là muốn chinh phục
viên chức.
Ông
ta cũng không cảm thấy bị xúc phạm. Ông ta chỉ nài nĩ, «Xin ngài đến trước khi con tôi chết.»
«Ông về đi, con ông sống», Đức Giêsu bảo
ông.
Trên
đường về, ông gặp một người đưa tin rằng con ông khá hơn đúng lúc Đức Giêsu nói
với ông «con ông sống.»
Sau
đó ông và gia đình ông tin ở Đức Giêsu. Tuy nhiên điều đó xảy ra cách bộc phát
chứ không phải Đức Giêsu buộc họ phải tin.
Ngài
rất tự nhiên khi đối xử với dân chúng. Điều này cho thấy rằng ngài tôn trọng sự
tự do mà Thiên Chúa ban cho con người. Ngài chỉ đường cho dân chúng và cho họ
thấy cái đẹp của cuộc sống, nếu họ sẵn lòng theo bước chân của ngài. Để trả lời
cho chàng thanh niên giàu có hỏi phải làm gì để được cứu rỗi, ngài đáp «Giữ các giới răn». Và khi anh ta cho
biết đã giữ từ bé thì ngài nói: «Nếu muốn
hoàn hảo, thì hãy bán hết của cải mà phân phát cho người nghèo, rồi đến theo
tôi!» Đó chỉ là một lời đề nghị, bởi vì xem ra chàng thanh niên có vẻ thất
vọng với câu trả lời của Đức Giêsu.
Chúng ta phải ngạc nhiên
khi thấy Đức Giêsu rất bình thản trước sự đáp ứng của dân chúng đối với Ngài. Đó
cũng là vì ngài tôn trọng sự tự do của họ. Ngài biết rằng có người sẵn sàng cải
huấn, có người chưa sẵn sàng, và có lẽ có người sẽ không bao giờ sẵn sàng cả.
______________________
Comments
Post a Comment