Vấn đề Hội nhập văn hóa trong Giáo Hội


Vấn đề Hội nhập văn hóa
trong Giáo Hội
Trong việc loan báo Tin Mừng, hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo là rao giảng sứ điệp đó một cách thích ứng với nền văn hóa hay những yếu tố văn hóa của từng dân tộc để có thể phúc âm hóa nền văn hóa đó, làm cho nền văn hóa đó thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Như vậy, hội nhập văn hóa không phải chỉ theo một chiều là thích ứng cách diễn tả sứ điệp với nền văn hóa của dân tộc, mà còn theo chiều ngược lại là nhờ sự thích ứng đó mà sứ điệp Kitô giáo mới dễ dàng thấm sâu vào nền văn hóa ấy, biến đổi nền văn hóa ấy trở nên tốt hơn, thuận lợi cho việc mở mang Nước Chúa hơn. Chiều thứ nhất là phương tiện, chiều thứ hai là mục đích phải đạt được. Nếu hội nhập văn hóa mà không nhắm phúc âm hóa các nền văn hóa, thì chưa phải là hội nhập văn hóa đúng nghĩa.
Vài thí dụ về hội nhập văn hóa
a) Tượng Chúa Giêsu da đen
Một trong những cách cụ thể để hội nhập văn hóa tại Phi châu là: hình Chúa Giêsu và Đức Mẹ đều là da đen. Điều đó quả là trái ngược với sự thật lịch sử, vì Chúa Giêsu và Đức Maria là người Do Thái da trắng chứ đâu phải là người Phi châu da đen. Nhưng điều trái với sự thật lịch sử ấy lại đúng với «chân lý» (lý lẽ chân thật) vì nó diễn tả đúng tinh thần nhập thể và cứu độ của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn chia sẻ thân phận của nhân loại qua con người Đức Giêsu Kitô, nên nếu Ngài muốn chia sẻ thân phận với người Phi châu nghèo nàn đau khổ thì Ngài phải là người da đen.
Vả lại, đối với người Phi châu, thì người da trắng là kẻ thù, là người bóc lột và đặt ách nô lệ lên đầu lên cổ họ. Vì thế, da trắng hay mầu trắng tượng trưng cho những gì xấu xa nhất, đến nỗi tại châu Phi có những thành ngữ như: xấu như da trắng, hay đểu như da trắng. Mà Đức Giêsu và Đức Mẹ lại tượng trưng cho những gì cao cả nhất, tốt đẹp nhất, nếu các Ngài được tạc tượng là người da trắng thì quả là trớ trêu, khó chấp nhận đối với họ. Trong bối cảnh đó, tạc tượng các Ngài là da đen chính là hội nhập văn hóa.
b) Tượng Chúa bị cùi
Một thí dụ khác tương tự: Một vị giám mục tới thăm một trại cùi. Ngài cảm thấy bị xúc phạm rất mạnh khi thấy Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ, lại bị tạc tượng thành một người cùi: cùi chân cùi tay, lở miệng sứt tai trông rất gớm ghiếc. Vị giám mục quyết tâm điều tra cho bằng được xem ai là tác giả sự sỉ nhục ghê gớm ấy. Cuối cùng, một thầy dòng già – phục vụ trong trại cùi lâu năm và cuối cùng đã bị lây bệnh – tự thú mình là tác giả. Thầy thưa với Đức Cha: «Con không biết phải làm thế nào để diễn tả tình thương yêu tột cùng của Chúa Giêsu đối với những người đau khổ đến tận cùng, cả thể xác lẫn tinh thần, như những người cùi trong trại này, hơn là cho họ thấy Ngài cũng chia sẻ thân phận bị cùi như họ, thậm chí hơn họ nữa: đã bị cùi mà còn chịu đóng đinh nhục nhã để cứu họ».... Vị giám mục hiểu ra và công nhận thầy già có lý. Tạc tượng như thế, chính là thích ứng, là hội nhập văn hóa, là «tùy duyên hóa độ».
c) Thập giá trên Bông Sen
Một thích ứng đầy tính hội nhập văn hóa của giáo phái Manikêô khi họ truyền giáo tại Trung Hoa vào thế kỷ thứ 6 và thứ 7, đó là biểu tượng Thập Giá trên Bông Sen không có hình Chúa Giêsu chịu đóng đinh [1*]. 
[1*] Cùng đi loan báo Tin Mừng vào Trung Hoa thời đó còn có giáo phái Manikêô, một giáo phái Kitô giáo từng bị Giáo Hội kết án vì khác lý thuyết thần học về Kitô học. Các tu sĩ giáo phái này cũng ăn chay như các nhà sư Phật giáo, bận áo trắng như các cư sĩ Phật giáo. Khi Hoàng Đế Trung Hoa thời đó yêu cầu một «giám mục» của giáo phái này soạn cuốn giáo lý của họ, «giám mục» đó đã trình bày giáo thuyết Manikêô nguyên thủy một cách thích ứng với các tín đồ Phật giáo và Khổng giáo. Nhờ thích ứng sâu xa với xã hội và văn hóa Trung Hoa mà họ đã qua được những tai họa trầm trọng về mặt chính trị thời ấy (một hình thức cấm đạo).
Lúc đó, rất nhiều người Trung Hoa đã theo Phật giáo, và giáo phái này muốn truyền đạo Kitô giáo cho những người đã theo Phật giáo. Đối với các phật tử, bông sen là một biểu tượng đầy ý nghĩa của Phật giáo nói lên sự tinh khiết, trong sạch, cho dù mọc lên từ những ô uế dơ bẩn của trần gian. Dùng biểu tượng đó cho Kitô giáo vừa xứng hợp vừa giúp cho Kitô giáo dễ hội nhập văn hóa vào xã hội Trung Hoa lúc đó đang ưa chuộng Phật giáo. Xứng hợp vì người Kitô hữu cũng phát xuất từ thế gian, ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Các nhà truyền giáo Manikêô dùng Thánh Giá không có hình Chúa chịu đóng đinh chính vì người Trung Hoa rất trọng lễ giáo, nên khi họ chưa hiểu Kitô giáo, làm sao họ có thiện cảm được với một tôn giáo thờ người trần truồng chịu đóng đinh như một tội nhân? Hy sinh một chút hình thức bên ngoài để thích ứng với não trạng người dân chẳng phải là khôn ngoan sao?

o0o

Hiện nay, mặc dù Công đồng Vatican II đã phổ biến và đặt nặng tinh thần hội nhập văn hóa trong việc truyền giáo, nhưng cho tới nay, tinh thần đó chưa được đào sâu và được hiểu đúng đắn theo tinh thần của Công đồng Vatican II, mà bị hiểu một cách hời hợt (chẳng hạn thời nay mà lại hội nhập văn hóa bằng những trang phục của thời xưa)

Vì thế, nên khi có những người áp dụng tinh thần hội nhập văn hóa trong những trường hợp cá biệt nào đó (như trường hợp tượng Chúa Giêsu bị cùi, hay tượng Chúa là người da đen như những thí dụ nói trên), chẳng hạn như hội nhập văn hóa trong trường hợp truyền giáo cho những dân tộc hiện nay còn sơ khai, còn ăn lông ở lỗ, thì bị phản ứng mạnh của rất nhiều Kitô hữu sống trong thế giới văn minh, vốn chưa có khái niệm về tinh thần Hội nhập văn hóa của Giáo Hội.
NCK



Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam