Cảm nghĩ khi tìm hiểu những tôn giáo khác nhau

Cảm nghĩ khi tìm hiểu những tôn giáo khác nhau

Triết Đông khác với Triết Tây ở chỗ: một mệnh đề khi phát biểu không thể nói một cách đơn sơ như Triết Tây rằng nó đúng hay nó sai, nghĩa là nếu không đúng thì đương nhiên phải là sai, không thể khác được. Nguyên lý «triệt tam»  (principe de tiers exclu / principle of excluded middle) không chấp nhận giữa đúng và sai có trường hợp thứ ba ở giữa. Nhưng theo Triết Đông thì đối với một mệnh đề, phải nói: nó đúng ở một số mặt này, nhưng sai ở những mặt khác. Rồi đối với mệnh đề nói nghịch hoàn toàn với mệnh đề ấy, cũng có thể nói: nói đúng được một số mặt kia, nhưng lại sai một số mặt khác.

Chính vì thế, Phật nói: «Trong vô ngã có hữu ngã, và trong hữu ngã có vô ngã. Như thế mới là Trung Đạo». Trong khi Triết Tây thì cho rằng: đã vô ngã thì không thể là hữu ngã, mà đã hữu ngã thì không thể là vô ngã được. Triết Đông có những kiểu nói tương tự như: «Trong âm có dương, trong dương có âm», «Trong phúc có hoạ, trong hoạ có phúc», tương tự cũng có thể nói: «Trong đúng có sai, và trong sai có đúng»… Đó là cách nghĩ mà Triết Tây khó chấp nhận được.

Khi tôi tìm hiểu về các tôn giáo, cụ thể nhất là tìm hiểu về các giáo phái Kitô giáo, tôi thấy giáo phái nào cũng có lý của họ. Nếu không có lý thì dễ gì được nhiều người theo, và dễ gì tồn tại được nhiều thế kỷ. Chính vì chủ trương theo Triết Đông, nên tôi thấy giáo phái cũng có rất nhiều điều đúng, nhưng không phải là hoàn toàn đúng 100%. Đương nhiên, đối với tôi, thì Công giáo cũng vậy thôi.

Với chủ trương luật đa dạng của vũ trụ, tôi cho rằng sự khác biệt giữa các tôn giáo cũng như giữa các giáo phái Kitô giáo là chuyện đương nhiên. Và theo tôi thì để có một cái nhìn toàn diện, ta nên chấp nhận những cái nhìn khác nhau hay nghịch hẳn nhau đều có phần đúng cả. Tương tự như nói về cái bát cái chén, kẻ nói nó lồi kẻ nói lõm, tuy nghịch hẳn nhau, nhưng để có cái nhìn toàn diện thì đều phải cho cả hai đều có phần đúng, nhưng chẳng ai nói đúng hoàn toàn, vì nó không chỉ lồi mà còn lõm, hay nó không chỉ lõm mà còn lồi nữa. Đó là chỉ nói về hai mặt, thực ra thực tại có nhiều mặt lắm, nên với mỗi vị thế khác nhau thì đều có cái nhìn hay nhận thức khác nhau.

Ai nghĩ thế nào thì cứ việc sống theo ý nghĩ mà mình cho là hợp lý, và đừng phán đoán về những người nghĩ khác mình hay sống khác mình. Thiên Chúa sẽ phán xét kẻ nghĩ một đằng mà lại sống đằng khác, hay nghĩ, nói và làm khác hẳn nhau.

Khi tìm hiểu tôn giáo nào, tôi cứ thử hoà nhập với họ, không phán đoán đúng sai giáo lý của họ, đồng thời thử sống theo giáo lý của họ xem. Nghĩa là tôi tìm hiểu các tôn giáo ấy với tư cách hành giả chứ không phải là học giả, Chỉ khi sống như họ, ta mới có thể hiểu cái đúng hay sự hợp lý của họ. Còn cứ đứng ngoài họ rồi phán đoán về họ thì ta sẽ dễ dàng nhận thức sai lầm về họ.

Khi tôi tìm hiểu về Phật giáo, về Ấn giáo, về Lão giáo, về Cao Đài, Hoà Hảo, v.v... tôi đều thấy những tôn giáo ấy rất hay, rất tuyệt vời, và nhận ra rằng những điều mình học được từ các cha giáo dạy về các tôn giáo ấy trong chủng viện đều chỉ là cái nhìn rất sơ sài, phiến diện về những tôn giáo ấy. Các vị chỉ đứng ở một vị thế nhất định từ bên ngoài để nhìn và nhận thức về họ, mà không đứng từ nhiều vị thế khác nhau, nhất là nhìn từ bên trong, để nhận định về họ. Cách nhìn như thế giống như một ông thầy bói mù rờ vào một phần thân thể của con voi rồi kết luận con voi giống như những gì mình rờ thấy. Trong các giáo học viện của các tôn giáo khác, tôi nghĩ khi nói về Kitô giáo chẳng hạn, họ cũng chẳng thể nhận thức về Kitô giáo giống như các nhà thần học của Kitô giáo được. 

Để có được một cái nhìn toàn diện hơn về những thực tại siêu việt và siêu nghiệm như Thực Tại Tối Hậu mà các tôn giáo gọi bằng những tên khác nhau và quan niệm khác nhau như Thượng Đế, Thiên Chúa, Đức Chúa Trời, Chân Như, Đạo, Đại Ngã, Brahman, v.v... thiết tưởng ta nên tham khảo những cái nhìn khác nhau về Thực tại siêu nghiệm ấy. Cứ khăng khăng như đinh đóng cột rằng nhận định của mình là toàn diện, thì có khác gì những anh mù rờ voi rồi cãi nhau ỏm tỏi, ai cũng xác tín cho mình là đúng vì chính mình đã rờ vào con voi hẳn hoi chứ đâu phải là vô căn cứ hay chỉ nghe người khác nói.

(xem: Cốt tuỷ chung của các tôn giáo: https://tamlinh-tongiao.blogspot.com/2022/12/cot-tuy-chung.html)

Một điều mà dường như ai cũng công nhận, đó là «Nhân vô thập toàn», nghĩa là không ai hoàn toàn tốt, và không ai hoàn toàn xấu. Câu đó có thể có những hệ luận hay suy diễn tương tự: «không ai đúng hoàn toàn, và cũng không ai sai hoàn toàn».

Đối với những mệnh đề thì có lẽ cũng tương tự như vậy. Đối với người Đông phương thì điều đó rất dễ chấp nhận. Nhưng người Tây phương thì dường như không thể chấp nhận như vậy. 

Người Tây phương có thể cho rằng có những mệnh đề hoàn toàn đúng, và có những mệnh đề hoàn toàn sai. Còn người Đông phương thì cho rằng: không có mệnh đề nào hoàn toàn đúng, và cũng không có mệnh đề nào là hoàn toàn sai. Mà trong cái đúng thì cũng có thể có phần nào sai, và trong cái sai thì cũng có thể có phần nào đúng.

Trong các tập thể hay tôn giáo thì cũng tương tự như thế.

Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam