Cốt tuỷ chung của các tôn giáo
Cốt
tuỷ chung
của các tôn giáo
Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=ZhWRNHXP9IM
Nguyễn Chính Kết
Con người trên hành tinh
này khác nhau rất nhiều: khuôn mặt, màu da, giọng nói, ngôn ngữ, tính tình,
v.v... Ngay như vân tay của mỗi người, không ai giống ai, đến nỗi các sở cảnh
sát, họ chỉ căn cứ vào vân tay, là họ có thể xác định người có vân tay đó là
ai. Cổ nhận nói: bá nhân bá tính. Đó là luật đa dạng trong vũ trụ vạn vật.
Nhưng mọi người dù khác nhau cách mấy, vẫn có những điểm căn bản giống nhau,
nghĩa là có những điểm chung căn bản như: ai cũng có sự sống, cũng có máu đỏ,
cũng có linh hồn và thể xác, cũng có 3 phần: đầu, mình, tay chân, cũng có lục
phủ ngũ tạng, v.v... Nói chung, trong khác có giống, và trong giống có khác
nhau. So sánh giữa những cái khác nhau và những cái giống nhau nơi những con
người khác nhau, ta thấy những cái giống nhau, những cái có chung nhau ấy đều
là những cái quan trọng và căn bản hơn những cái khác nhau rất nhiều.
Các tôn giáo cũng thế, nghĩa là dù khác nhau đến mấy đi nữa, cũng có những điểm căn bản chung, những điểm giống nhau. Và những điểm chung hay giống nhau ấy mới là những điểm căn bản hay quan trọng nhất. Đó mới chính là cốt tuỷ của mỗi tôn giáo, và chính là cốt tuỷ chung của mọi tôn giáo. Nhưng rất tiếc, rất nhiều tín đồ các tôn giáo lại quan trọng hoá những điểm khác biệt vốn không quan trọng ấy, và dùng chính cái khác biệt ấy để xác định bản chất hay cốt tuỷ của tôn giáo mình.
Đạo Cao Đài chủ trương «Ngũ chi hiệp nhất». Ngũ chi gồm 5 loại tôn giáo là Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo, tuy khác nhau, nhưng có thể hiệp nhất với nhau. Phải có những điểm căn bản chung nhau, thì mới hiệp nhất với nhau được.
Vậy, ta thử tìm hiểu xem những
điểm căn bản chung ấy là gì?
Trước hết, điểm chung mà ai
cũng nhận ra, đó là tôn giáo nào cũng nhận ra sự linh thiêng trong tôn giáo của
mình. Linh là cái gì vô hình, nhưng cao cả, như trong chữ thần linh,
linh hồn, tâm linh. Linh thường đi với thiêng làm thành một từ ghép là Linh Thiêng.
Thiêng
là có tác động huyền bí, lạ thường, vượt khỏi khả năng cảm nhận hay hiểu biết
thông thường của con người. Khi người ta nói đền này thiêng lắm, nghĩa là có
nhiều điều huyền bí, nhiều phép lạ hay nhiều nhiều điều lạ thường xảy ra.
Các tôn giáo, tuy tôn giáo
nào cũng đều có điểm chung là linh thiêng, nhưng giữa các tôn giáo nhìn nhận sự
linh thiêng, người ta phân biệt ra hai loại tôn giáo:
– Loại thứ nhất là loại
nhìn nhận có một Đấng Tối Cao tạo dựng nên vũ trụ vạn vật, mà người ta thường
gọi là tôn giáo hữu thần, và người ta thường gọi Đấng Tối Cao ấy là Thượng Đế,
Thiên Chúa, Ông Trời, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Cao Đài Tiên Ông… Đấng ấy chính là
Thực Tại Tối Hậu của vũ trụ vạn vật. Loại này gồm có Thiên Chúa giáo (tức Công
giáo, Tin Lành, Chính thống giáo, Anh giáo), Ấn giáo, Hồi giáo, Cao Đài giáo,
v.v...
– Loại thứ hai là loại cho rằng không có Đấng nào tạo dựng nên vũ trụ vạn vật cả, điển hình cho loại tôn giáo này là Phật giáo và Đạo giáo (Lão Tử). Phật giáo tuy phủ nhận Thượng Đế hay Thiên Chúa, nhưng lại nhìn nhận một thực tại làm nền tảng của vũ trụ vạn vật, đó là Chân Như. Chân Như này biến hiện thành vạn pháp, tức vũ trụ vạn vật (từ «biến hiện» chỉ là tạm dùng). Vì thế trong Phật giáo có câu: «Chân Như là Vạn Pháp, Vạn Pháp là Chân Như, Chân Như và Vạn Pháp là Một». Chân Như và Vạn Pháp tương tự như hai mặt của một đồng tiền, tuy phân biệt là hai mặt khác nhau, nhưng hai mặt ấy chỉ là một đồng tiền duy nhất. Chân Như được Phật giáo coi là Thực Tại Tối Hậu của vũ trụ vạn vật. Loại tôn giáo thứ hai này gồm có Phật giáo (trong đó có Phật giáo Hoà Hảo) và một vài giáo phái của Vệ Đà giáo hay Ấn giáo...
Nhiều nhà triết học gọi
Phật giáo là vô thần, vì phủ nhận Thượng Đế, nên hiểu lầm Phật giáo chỉ là một
thứ Triết học chứ không phải là một tôn giáo, vì đối với những nhà Triết học
này thì hễ phủ nhận Thượng Đế và không tôn thờ Thượng Đế thì không phải là tôn
giáo. Nhưng vô thần của Phật giáo khác với vô thần của người cộng sản. Vô thần
của cộng sản phủ nhận Thượng Đế, đồng thời phủ nhận luôn sự linh thiêng trong
vũ trụ, phủ nhận linh hồn, phủ nhận cuộc sống sau khi chết, nghĩa là chết là
hết. Còn Phật giáo tuy phủ nhận Thượng Đế tạo dựng nên vũ trụ vạn vật, nhưng
lại nhìn nhận Chân Như là nền tảng của Vạn Pháp, nghĩa là Chân Như là một thực
tại biến hiện thành vũ trụ vạn vật, nên Chân Như cũng chính là vũ trụ vạn vật.
Nhưng Chân Như là tuyệt đối, là bất biến, là duy nhất, còn vũ trụ vạn vật là
tương đối, là vô thường, là biến đổi, là đa tạp… Đồng thời Phật giáo nhìn nhận có
thế giới vô hình, có sự linh thiêng, và có sự tồn tại của mỗi người sau khi
chết…
Bây giờ trở lại với vấn đề
cốt tuỷ chung của các tôn giáo. Nói một cách bình dân thì tôn giáo nào cũng đều
dạy ăn ngay ở lành, hành thiện chống ác, sống từ bi bác ái, đối xử công bằng và
yêu thương mọi người, và đây chỉ là một trong những mục đích chính của mọi tôn
giáo. Nếu tất cả mọi người trong nhân loại đều sống đúng như vậy, thì thế giới
này sẽ hoà bình, sẽ biến thành thiên đàng tại thế ngay.
Nhưng một mục đích quan
trọng khác của các tôn giáo là nhìn nhận hay giác ngộ được Thực Tại Tối Hậu của
vũ trụ vạn vật. Thực Tại Tối Hậu nói chung là thực thể bất khả tư nghị, nghĩa
là không thể nghĩ bàn hay diễn tả bằng ngôn ngữ con người được. Thực Tại Tối
Hậu này là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Đối với các tôn giáo hữu thần như
Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, thì Thiên Chúa, hay Thượng Đế chính là Thực
Tại Tối Hậu. Đối với những tôn giáo không nhìn nhận có một Thượng Đế tạo dựng
nên vũ trụ vạn vật như Phật giáo và Đạo giáo thì Thực Tại Tối Hậu là gì? Đối
với Đạo giáo của Lão Tử thì Thực Tại Tối Hậu được gọi là Đạo. Còn còn trong Phật
giáo giáo thì Thực Tại Tối Hậu chính là Chân Như, hay còn gọi kép là Chân Như
Phật Tánh. Phật Tánh nghĩa là Tánh Biết, là trí tuệ thông sáng.
Bây giờ chúng ta thử so sánh giữa Thực Tại Tối Hậu của các tôn giáo hữu thần và Thực Tại Tối Hậu của Đạo giáo và Phật giáo xem khác hay giống nhau chỗ nào:
Thực Tại Tối Hậu trước hết
được gọi bằng những tên khác nhau và được quan niệm một cách khác nhau, chính
vì thế nhiều người tưởng Thực Tại Tối Hậu trong các tôn giáo là những thực tại
khác nhau.
Thực Tại Tối Hậu là một
thực tại siêu nghiệm, vốn không có tên, đúng như quan niệm của Lão Tử: «Danh khả danh, phi Thường Danh». Nhưng
để nói về thực tại này, người ta phải đặt tên cho thực tại ấy, và mỗi dân tộc,
mỗi nền văn hóa, mỗi tôn giáo đều đặt tên cho thực tại ấy theo quan niệm riêng của
mình về thực tại ấy. Do đó, Thực Tại Tối Hậu duy nhất ấy đã được gọi bằng nhiều
tên khác nhau: Ông Trời, Trời Cao, Đấng Tối Cao, Ơn Trên, Chúa Trời, Đức Chúa, Đức
Chúa Trời, Thượng Đế, Thiên Chúa (Kitô giáo), Brahma (Ấn giáo), Allah (Hồi giáo),
Đạo (Đạo giáo), Chân Như (Phật giáo), v.v...
Tại sao Phật giáo thường ghép chung hai từ «Chân Như» và «Phật Tánh» lại với nhau thành một danh từ kép? «Phật Tánh» nghĩa là «Tánh Biết», là trí tuệ thông sáng. Đây là điểm chung giữa các tôn giáo hữu thần như Kitô giáo và các tôn giáo gọi là vô thần như Phật giáo. Khi nhìn vào vũ trụ vạn vật, ai cũng có thể nhận ra một trí tuệ siêu việt làm nền tảng cho những điều kỳ diệu đầy trí tuệ trong bất kỳ một sinh vật hay một vật thể nào trong vũ trụ vạn vật. Không một nhà bác học nào có thể có thể chế tạo được một sinh vật dù nhỏ bé như một con vi trùng, con kiến, con ruồi, một cái cây... Cả hai loại tôn giáo nói trên như Kitô giáo và Phật giáo đều cùng nhìn nhận phải có một trí tuệ siêu việt là nguồn gốc khiến cho vô số những thực tại ấy hiện hữu.
Thực Tại Tối Hậu không chỉ
được gọi bằng những tên khác nhau, mà còn được quan niệm cách khác nhau nữa,
tuỳ theo nền tảng văn hóa, triết lý là nhất nguyên hay nhị nguyên [1], hay được mặc khải khác nhau từ Thần Linh.
[1] Xin tạm phân biệt quan điểm khác nhau về Thực Tại Tối Hậu giữa Triết lý Nhất nguyên và Triết lý Nhị nguyên bằng minh hoạ sau: Trước hai mặt đồng tiền khác nhau, người theo triết lý nhị nguyên sẽ nói đó là hai đồng tiền khác nhau. Còn người theo triết lý nhất nguyên thì nói đó có thể là một đồng tiền duy nhất. Vì thế, Phật giáo có thể kết luận «Chân Như là Vạn Pháp, Vạn Pháp là Chân Như, Chân Như và Vạn Pháp là MỘT». Ấn giáo cũng nói: «Brahman là Âtman, Âtman là Brahman, Brahman và Âtman là MỘT» (tương tự như hai mặt của một đồng tiền). Còn Kitô giáo thì kết luận Thiên Chúa và vũ trụ vạn vật là HAI, hai loại hay hai cấp độ hữu thể khác nhau. Vì Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vạn vật, nên hai thực tại ấy không thể là một được.
Bây giờ chúng ta bàn về những quan niệm khác nhau ấy.
1) Quan niệm khác biệt đầu tiên,
đó là Thực Tại Tối Hậu ấy là một hay là hai với vũ trụ vạn vật.
– Trong các tôn giáo hữu
thần như Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo… thì Thực Tại Tối Hậu ấy là Thượng
Đế tạo dựng nên vũ trụ càn khôn hay vạn vật từ hư vô hay từ một phần nào trong
bản chất của mình, nên Thực Tại Tối Hậu ấy và vũ trụ vạn vật là hai
thực thể khác biệt và tách biệt nhau.
– Trong Phật giáo thì Thực Tại Tối Hậu ấy là Chân Như, trong Đạo giáo hay theo Lão Tử thì đó là «Đạo». «Đạo» hay Chân Như không tạo dựng nên vũ trụ vạn vật, mà có thể tạm nói là biến hiện thành vũ trụ vạn vật, nên «Đạo» hay Chân Như và vũ trụ vạn vật là một, tương tự như hai mặt của một tờ giấy, hay hai mặt của một cái chén: hai mặt khác hẳn nhau, nhưng cùng là một tờ giấy, một cái chén.
2) Quan niệm khác biệt thứ hai, đó
là Thực Tại Tối Hậu ấy là vô ngã hay hữu ngã
Ngã là «cái tôi» mà mỗi người chúng ta đều ý thức được, ai cũng ý thức được chính bản thân mình là một thực thể khác biệt với những thực thể hay «cái tôi» khác.
– Trong các tôn giáo hữu thần thì Thực Tại Tối Hậu là «hữu ngã», nghĩa là là một Đấng, nghĩa là một «Cái Tôi», một «Cái Tôi Vĩ Đại», mà Ấn giáo gọi là «Đại Ngã». «Cái Tôi» của Thực Tại Tối Hậu thì khác biệt và độc lập với những «cái tôi» khác được Thực Tại Tối Hậu dựng nên trong vũ trụ vạn vật.
– Trong Phật giáo hay Đạo giáo thì Thực Tại Tối Hậu được quan niệm là «vô ngã"» nghĩa là không phải hay không hẳn là một Đấng, nghĩa là không hẳn là một «Cái Tôi», cho dù là «Cái Tôi Vĩ Đại» hay Đại Ngã. Tuy nhiên, Đức Phật từng nói «trong vô ngã có hữu ngã, và trong hữu ngã có vô ngã», nghĩa là Ngài không xác định rõ ràng vì cả hai từ ấy đều không thích hợp để diễn tả một thực tại siêu nghiệm như Thực Tại Tối Hậu.
3) Quan niệm khác biệt thứ ba, đó
là Thực Tại Tối Hậu ấy là tối thiện, toàn thiện, hay phi thiện phi ác, siêu
việt thiện ác
– Trong các tôn giáo hữu
thần thì Thượng Đế hay Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện, trong Ngài không có một
chút ác tâm nào, Ngài yêu thương tất cả những thụ tạo do Ngài dựng nên.
– Trong Phật giáo hay Đạo giáo thì Chân Như hay «Đạo» của Lão Tử là siêu việt thiện ác, hay nói khác đi là phi thiện phi ác. Lão Tử nói: «Thiên Địa dĩ vạn vật vi sô cẩu»
Nói chung những khác biệt trong hai loại tôn giáo nói trên, ta có thể tóm lược như sau:
Những
thuộc tính khác biệt giữa hai loại tôn giáo ấy nếu so với những thuộc tính
giống nhau thì chúng ta thấy những khác biệt ấy chỉ là những gì mang tính bì
phu hay ngoài da thôi, chứ những điểm giống nhau sau đây khiến chúng ta thấy
Thực Tại Tối Hậu trong các tôn giáo chỉ là một thực tại duy nhất mà thôi. Những
thuộc tính căn bản giống nhau giữa Thiên Chúa hay Thượng Đế của các tôn giáo hữu thần và Đạo hay Chân
Như Phật tánh của Đạo giáo hay Phật giáo, gồm có:
– Tuyệt
đối: không gì có thể so sánh được, trong khi trong vũ trụ vạn vật, thì mọi vật
đều có thể so sánh với nhau về giá trị như cao thấp, lớn bé, tốt xấu, v.v...
- Bất biến:
không biến đổi, trong khi trong vũ trụ vạn vật, thì mọi vật đều biến đổi theo
không gian và thời gian
– Vô cùng vô hạn, trong khi trong vũ trụ vạn
vật, thì mọi vật đều hữu hạn, có giới hạn
- Không
sinh không diệt, trong khi trong vũ trụ vạn vật, thì mọi vật đều có lúc bắt đầu
và có thời kết thúc
- Là căn
bản sinh ra và chi phối tất cả vũ trụ vạn vật
- Duy nhất,
trong khi trong vũ trụ vạn vật, thì mọi vật đều đa dạng.
Trước khi
kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện để mọi người cùng suy nghĩ:
Sau thế
chiến thứ hai, các tội phạm chiến tranh - tức những người thuộc Đức Quốc Xã, là đồng phạm với Hitler - bị truy
nã gắt gao để đưa ra xử án. Có rất nhiều tội phạm đã đổi tên, đổi lý lịch, đổi
diện mạo bằng những phương pháp phẫu thuật tân kỳ, đổi cả giọng nói, đương
nhiên cũng phải thay đổi nghề nghiệp, chỗ ở, thậm chí phải qua quốc gia khác để
sống. Họ phải bỏ vợ con, gia đình, cha mẹ, bạn bè, vì đó là những đầu mối khiến
họ có thể bị phát hiện, và họ phải lập nên những gia đình mới, tương quan với
những bạn bè mới. Mọi sự đều thay đổi, tuy nhiên, vẫn có những cái họ không
thay đổi được như vân tay, chiều cao, loại máu, DNA, một số thói quen… Chính
nhờ những yếu tố không thay đổi này, mà các thám tử quốc tế đã nhận ra những
tên khác nhau, những bộ mặt khác nhau, những lý lịch khác nhau kia chỉ là một
người duy nhất đã từng góp phần gây nên chiến tranh. Những người thông thường,
bình dân, khi thấy tên khác, bộ mặt khác, lý lịch khác, chỗ ở khác, nghề nghiệp
khác,… ắt phải nghĩ đó là một người khác, không còn nghi ngờ gì. Nhưng các thám
tử không được nghĩ như thế, nếu ngay từ đầu họ đã nghĩ như thế thì không bao
giờ họ có thể phát hiện ra những trường hợp thay đổi kỹ lưỡng như vậy là một
người duy nhất. Vấn đề ở đây là căn cứ vào đâu để xác nhận những khác biệt ấy
chỉ qui về một người duy nhất.
Cũng vậy
đối với những quan niệm rất khác biệt về Thực Tại Tối Hậu trong các tôn giáo,
chúng ta có thể dựa vào những thuộc tính căn bản giống nhau của Thực Tại Tối
Hậu mà tôn giáo nào cũng xác định, để biết những quan niệm khác nhau về Thực
Tại Tối Hậu ấy trong các tôn giáo chỉ quy về một thực tại duy nhất.
Vậy chúng
ta có thể kết luận là Thiên Chúa, hay Thượng Đế mà các tôn giáo hữu thần tôn
thờ, và Đạo của Đạo giáo, hay Chân Như Phật tánh của Phật giáo, chỉ là một thực
tại duy nhất. Và đó chính là căn bản để Ngũ chi có thể hiệp nhất như chủ trương
của Đạo Cao Đài. Tôi xin kết thúc bài nói chuyện của tôi tại đây.
Nguyễn Chính Kết
Comments
Post a Comment