00 Tác Giả ‒ Lời Mở Đầu
Joseph F. Girzone là một Linh mục Công
Giáo Rôma. Về hưu năm 1981 vì lý do sức khỏe. Sau đó cha đã bước vào nghề viết
sách, làm kinh ngạc hàng triệu độc giả với tác phẩm Giôsê (Joshua). Hiện cha
đương sống tại Altamont , New York , USA .
Những tác phẩm bán chạy nhất của cha là:
• Giôsê (Joshua)
đã được dịch sang Việt ngữ năm 1995
đã được dịch sang Việt ngữ năm 1995
• Joshua and the Children
• The Shepherd
• Never Alone
• Joshua in the Holy Land
• Joshua and the City
• Chân Dung Đức Giêsu (Portrait of Jesus)
Lời
mở đầu
Tôi
yêu thích công việc linh mục của tôi. Tôi thích cộng tác với người cùng tín
ngưỡng, với dân chúng và giáo sĩ các tôn giáo khác. Chúng tôi hợp tác với nhau
cách tốt đẹp. Điều đáng buồn là vẫn còn có giáo sĩ giữ thái độ lạnh lùng và
không hòa đồng với người của các tôn giáo khác, họ nghĩ rằng tôn giáo của mình
là chính, và theo họ nếu có lộ vẻ ủng hộ các tôn giáo khác là mang tội. Tôi
nghĩ rằng đó là thái độ cách đây không lâu lắm của những người Công giáo chúng
ta, và bây giờ vẫn còn có những người như thế. Nhưng đối với những ai trong
chúng ta đã bỏ được thái độ ấy thì sẽ quí trọng lẫn nhau và thấy rằng mọi người
đều được Thiên Chúa yêu thương, và mỗi người diễn tả một phương diện nào đó của
Đức Giêsu mà người khác không lưu ý đến. Chúng ta ai nấy đều quan tâm đến công
việc của mình, đến dân chúng của mình, đến công việc tốt xấu trong cộng đồng.
Tuy
nhiên, phải một thời gian lâu lắm tôi mới ý thức rằng còn có cái gì thiếu sót
trong lối hành đạo của chúng ta, và điều này làm cho tôi rất ái ngại. Chúng ta
ai cũng nhạy cảm đối với phong tục tập quán của giáo hội mình. Chúng ta ý thức
và quan tâm đến những vấn đề cộng đồng. Các giáo sĩ thì lại lo lắng bảo vệ đức
tin của tín đồ và lo sao cho họ trung thành với nhà thờ hay hội đường của mình.
Điều này không có gì sai. Nhưng một ngày nọ tôi cảm thấy rằng chúng ta chỉ quan
tâm đến nhà thờ và hội đường của mình mà ít quan tâm đến điều Thiên Chúa muốn. Dẫu
sao thì Thiên Chúa là tôn giáo của chúng ta. Các nhà thờ hay hội đường cũng chỉ
là phương tiện để mang lại sứ điệp của Thiên Chúa. Mỗi tôn giáo dạy nhiều điều
khác nhau, dường như Thiên Chúa không phải là một, dường như ngài không phải là
một Thượng đế thông minh và quan tâm đến một thế giới đang tìm kiếm ủi an. Tôi
bắt đầu ý thức rằng chúng ta đang theo nhiều hướng quá trong khi Thiên Chúa chỉ
là một. Người Công giáo thì yêu mến Giáo hội của mình và bo bo ôm giữ lề luật
và phong tục của Giáo hội. Người Tin Lành thì chỉ biết có Kinh Thánh và lối
giải thích Kinh Thánh của họ, cũng như chỉ biết có giáo sĩ và những điều đố kỵ
của tôn giáo mình mà hờ hững đối với người tội lỗi. Người Do thái thì muốn giữ
riêng dòng máu của họ và làm mọi cách để dân chúng đừng lại gần những người
Kitô, dường như tin ở Thiên Chúa không quan trọng lắm và cũng chẳng quan tâm
đến điều Thiên Chúa muốn. Một người Do thái có thể là vô thần hay bất khả tri
cũng chẳng sao, nhưng nếu họ theo đạo Kitô là điều không thể tưởng tượng được
và sẽ bị tuyệt thông. Cách đây không lâu lắm người ta còn dán yết thị trước nhà
người đó. Những điều nói trên làm chia cách chúng ta, tạo nên một bức tường vô
hình ngăn cách trong khi bên ngoài thì ca ngợi hiệp nhất qua những nghi lễ có
vẻ thân thiện. Tôi có cảm tưởng rằng người ta không quan tâm lắm đến điều Thiên
Chúa muốn. Thỉnh thoảng cũng có những điều tốt đẹp xảy ra như trường hợp giữa
họ đạo Lutêran và họ đạo của tôi. Vị mục sư và tôi thân thiện với nhau. Chúng
tôi đi dự lễ của hai bên. Chúng tôi cầu nguyện chung với nhau. Hai họ đạo cử
hành các nghi thức phụng vụ chung nhau. Chúng tôi cũng xin hai giám mục của đôi
bên ban phép thêm sức cho trẻ con của đôi bên. Chúng tôi hiệp nhất với nhau. Điều
này cũng xảy ra với các họ đạo địa phương như Do thái và Chính thống giáo. Chúng
tôi bàn thảo về việc tín đồ của tôn giáo này có thể làm tín đồ của tôn giáo bạn.
Riêng tại họ đạo Mêthôđít và họ đạo của tôi, vị mục sư và tôi thường luân phiên
giảng trong nhà thờ của nhau, và khi mục sư đi vắng thì tôi đến cử hành nghi lễ
thay ông.
Nhưng
đây chỉ là những trường hợp ngoại lệ. Thường thì chúng ta chẳng bao giờ công
khai đi đến hợp nhất. Điều này làm tôi thất vọng vì tôi cảm thấy chúng ta cần
phải xích lại gần nhau. Tôi nghĩ rằng đây là điều Thiên Chúa muốn. Chúng ta nói
duy nhất và hiệp thông, nhưng lại không đủ can đảm để trở nên một. Hiệp nhất là
một kinh nghiệm hãi hùng khi mà lối sống của giáo sĩ và các cơ cấu bảo trì tôn
giáo lại quá lệ thuộc vào tổ chức. Hàng giáo phẩm thì nghĩ rằng muốn đi đến
hiệp nhất thật sự, trước tiên các nhà thần học phải đồng ý về một công thức, rồi
sau đó dân chúng mới được phép hiệp nhất. Điều này không hẵn đúng, bởi vì không
phải chỉ cần các nhà thần học đồng ý về một công thức là dân chúng như một đàn
cừu không biết suy nghĩ sẽ tự động thay đổi niềm tin lâu nay của mình mà theo
công thức của các ông. Nếu có được hiệp nhất thì tiên vàn dân chúng phải hiệp
nhau trong đức ái, và khi đức ái xoá bỏ được bức tường chia cách thì dân chúng
sẽ hiểu được Đức Giêsu nhiều hơn mà chấp nhận những gì ngài muốn. Đấy là nền
tảng thần học của hiệp nhất.
Ngày
nọ tôi cảm nghiệm rằng mặc dù chúng ta hăng say hoạt động cho giáo hội, nhưng
điều Đức Giêsu muốn thì lại không phải là động lực của công việc chúng ta. Đối
với những người lãnh đạo Kitô thì điều Giêsu muốn phải đứng hàng đầu, nhưng
Giáo hội, thần học và giáo luật lại là động lực căn bản! Vì thế nhiều vị trong
khi hành sự không quan tâm đến điều Đức Giêsu muốn. Trong khi đó thì Kinh Thánh
là tôn giáo đối với người Tin Lành vì họ không tin quyền bính giáo huấn của
giáo hội, trong khi chính giáo hội xác định thẩm quyền của Kinh Thánh. Còn đối
với những người lãnh đạo Do thái thì văn hoá và sắc tộc của họ là tôn giáo. Như
vậy thì điều Thiên Chúa muốn xem ra không quan trọng lắm, có khi lại là chướng
ngại. Do đó chúng ta cũng hiểu được tại sao có chiến tranh tôn giáo ở Hung Gia
Lợi và Bắc Ái Nhĩ Lan, cũng như ở Nam Phi và Đất Thánh. Khi đi giảng về đời sống
và điều Đức Giêsu dạy, tôi phải ngạc nhiên khi nghe dân chúng nói rằng họ chưa
bao giờ nghe nói về đời sống của Đức Giêsu. Một linh mục rất thánh thiện mà tôi
kính yêu từ lâu nói rằng ông rất đổi ngạc nhiên vì làm sao tôi có thể nói về Đức
Giêsu suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi tôi hỏi tại sao ông ngạc nhiên thì ông
bảo rằng trong đại chủng viện không có dạy về Đức Giêsu. Người ta chỉ dạy thần
học, Kinh Thánh, Giáo luật và một số môn học khác, nhưng không ai dạy môn học
về con người Giêsu, về điều Giêsu nghĩ và về viễn tượng của Ngài.
Tôi
cũng gặp phản ứng tương tự của người Tin Lành. Một sinh viên nói rằng chị ghi
danh ở năm chủng viện danh tiếng trong đạo để có sự lựa chọn. Khi chị hỏi ở các
văn phòng ghi danh có môn học nào về Đức Giêsu không, thì chị rất ngạc nhiên vì
nơi nào cũng trả lời giống nhau: «Không, nhưng
có những môn về Kitô học được tùy ý lựa chọn.» Một sinh viên khác muốn mời
tôi đến chủng viện của anh để nói về Đức Giêsu. Tôi bảo anh nên giàn xếp với
phân khoa gửi giấy mời tôi. Trong khi chờ đợi, tôi đề nghị với anh là nên yêu
cầu một giáo sư thần học trong ban giáo sư để dạy về Đức Giêsu. Anh ta trả lời
rằng anh và các sinh viên khác đã đề nghị với một giáo sư thần học nổi tiếng, nhưng
ông ta trả lời rằng người ta thuê ông dạy thần học chứ không phải dạy về Giêsu.
Vài
năm về trước tiến sĩ Gioan Killinger là một nhà thần học đạo đức Báptít mời tôi
đến diễn thuyết tại đại học của ông. Sau buổi diễn thuyết, một số giáo sư thần
học và mục sư đến cám ơn tôi đã diễn thuyết về Đức Giêsu. Các ông nói rằng rất
cảm động khi nghe tôi nói về Đức Giêsu, xem ra rất mới lạ đối với các ông. Các
ông nói rằng đọc Kinh Thánh chưa chắc hiểu được Giêsu cách chu đáo. Các ông
cũng nói bây giờ các ông mới biết rằng biết Kinh Thánh không có nghĩa là biết
Giêsu. Tôi rất cảm động về lòng khiêm nhường của các ông.
Điều
này cho biết tại sao sách Giôsê và những buổi nói chuyện về Giêsu được hưởng
ứng cách nồng nhiệt. Dân chúng khao khát Giêsu và muốn biết đích thực Tin Mừng
của ngài, dẫu họ là Kitô, Do thái, Ấn giáo, Phật giáo và cả những người không
thuộc tôn giáo nào. Tin Mừng của Đức Giêsu đáp ứng sâu xa những khát vọng của
tâm hồn nhân loại, dù họ có đức tin hay không. Tin Mừng của ngài phải được thể
hiện trong cách thức chúng ta hiểu biết Giêsu là ai, ngài cảm nghĩ thế nào. Chúng
ta không thể nào hiểu được Tin Mừng của Đức Giêsu khi chưa biết con người của
ngài, khi chưa hiểu được phản ứng tâm lý của dân chúng nghe ngài nói chuyện
trong các làng mạc hay trên các sườn đồi ở Palêtina. Khi thấy Đức Giêsu đi lại
cách bình thường với dân chúng nhất là với những người bị xem là tội lỗi, cũng
như thấy họ rất thoải mái với Ngài, bạn sẽ thấy rằng ngài không làm vẻ thánh
thiện hay xét đoán. Vì thế người tội lỗi cảm thấy mình được ngài chấp nhận và
rất nhẫn nại với họ, để từ từ họ đạt đến những lý tưởng cao hơn với một đời
sống tốt đẹp hơn. Cái nét đơn sơ nhỏ mọn ấy là một phần quí giá của Tin Mừng vì
nó nói lên thái độ của Đức Giêsu đối với những người bị xem là tội lỗi và sống
bên lề xã hội. Đức Giêsu không phải dung túng họ nhưng chấp nhận con người của
họ, để họ cảm thấy thoải mái khi đến với ngài. Mặc dù họ không thấy được thiên
tính của ngài, nhưng thái độ của ngài đối với họ khác xa với thái độ của các
giáo sĩ xem họ là tội lỗi và phạm luật. Đức Giêsu không đánh giá họ theo tiêu
chuẩn luật pháp. Cha của ngài dựng nên họ thế nào thì ngài chấp nhận họ thế ấy,
nghĩa là bất toàn, thiếu sót, ít hiểu biết và hay sợ hãi. Ngài hiểu được cảm
nghĩ của họ do chính kinh nghiệm của mình, và thông cảm với những lo âu sợ hãi
của con người mỏng dòn. Tình nồng ấm và thân thiện của ngài làm họ xúc động đi
theo ngài. Cử chỉ khiêm tốn của ngài rất có ý nghĩa đối với những người đơn
thuần này. Họ thường bị khinh rẻ do những người tự xem là công chính và đứng
đắn. Họ thấy ngài là một nhân vật thánh thiện, và vì ngài yêu mến họ nên họ
theo ngài. Ngài đúng là thánh thiện và không giống những kinh sư hay nhóm người
Pharisêu chỉ tuân giữ lề luật, nhưng dân chúng lại thấy họ không thánh thiện
như ngài. Dân chúng thấy ngài yêu mến Thiên Chúa và lấy làm hãnh diện được ngài
yêu mến nữa.
Hiện
tượng đó cũng xảy ra trong tôn giáo ngày nay, trong tất cả mọi tôn giáo. Người
ta thường hiểu đạo như dân chúng thời Đức Giêsu hiểu đạo, nghĩa là chỉ chú
trọng vào lề luật và hình phạt khi phạm luật. Các vị lãnh đạo tôn giáo thì hành
sự như là những kẻ thi hành luật pháp, điều này làm cho dân chúng tránh xa họ
và xa tôn giáo nữa. Dân chúng khao khát tiếp xúc với Vị Chủ Chăn nhân hậu, thương
yêu họ hơn là xem họ có tuân giữ luật đạo không, tìm đến họ khi họ yếu đuối và
tội lỗi. «Tôi là Chủ Chăn nhân hậu. Tôi
đi tìm những con chiên bị thất lạc, bị thương tích, bị tai nạn và đau thương. Khi
tìm được chúng, tôi sẽ vác chúng lên vai đem về nhà, bởi vì tôi yêu thương
chúng.» Ngày nay dân chúng cũng cần có một Thiên Chúa hiền lành, nhưng họ
đã phí công tìm ra một Thiên Chúa theo sự mô phỏng của loài người! Các vị lãnh
đạo tôn giáo ngày nay cũng giống như thời Đức Giêsu, họ thường quan tâm đến
hành chánh đạo giáo, thi hành luật pháp, lý lẽ thần học hơn là làm nhân chứng
cho vị Chủ Chăn hiền lành. Mặc dù dạy những lý tưởng cao siêu, nhưng Đức Giêsu
lại rất nhân hậu đối với con người khi họ chưa đạt được những lý tưởng ấy. Thiên
Chúa quan tâm đến các con cái của ngài chứ không phải đến tôn giáo. Thường thấy
các giáo sĩ chỉ quan tâm đến đạo mà không nghĩ rằng tâm trạng luật pháp của các
ông đã gây nên đau khổ cho dân chúng. Đấy cũng là điều làm cho Giêsu phải đau
lòng. Khi thấy những vị có tư cách bệnh hoạn đỗ đạt từ chủng viện, mang đầu óc
bị ám ảnh với cái tôi to lớn và nhiệm nhặt luật đạo, dân chúng không khỏi có
cảm tưởng rằng họ là những kinh sư và Pharisêu tái sinh. Tội nghiệp cho những
vị giáo sĩ ngay lành phải phí tổn bao công sức mục vụ để hàn gắn những vết
thương do những vị kia gây nên.
Tuy
nhiên chúng ta đang sống một trong thời kỳ rất hấp dẫn của lịch sử. Chúng ta
đang tái định giá những giá trị có từ lâu nay, những giá trị đã làm cột trụ cho
nền văn minh của chúng ta. Tôn giáo là một trong những cột trụ đó cũng sẽ phải
được mổ xẻ. Nếu muốn định giá Kitô giáo cách đúng đắn, không phải chỉ phân tích
giáo lý và luân lý của đạo mà còn phải đi thẳng vào cái tâm của đạo là Đức
Giêsu. Phải khiêm tốn cố tâm tìm hiểu ngài, vì ngài chính là tôn giáo của chúng
ta. Phải tìm hiểu ngài suy nghĩ thế nào, vì tư tưởng của ngài chính là nền thần
học của chúng ta. Phải tìm hiểu ngài sống thế nào, vì đời sống của ngài là nền
luân lý của chúng ta. Kitô giáo, kể cả Kinh Thánh, chỉ là phương tiện đưa sứ
điệp của Giêsu, là chiếc xe đưa ngài vào lịch sử.
Những
trang sau đây chỉ là bức tranh vẽ chân dung Đức Giêsu của tôi. Nó rất bất toàn,
nhưng là một cố gắng đáp lại khát vọng của dân chúng muốn tìm hiểu tư tưởng và
tâm hồn của Đức Giêsu để tiến lại gần ngài hơn. Và trong niềm thân cận đó, họ
có thể biết ngài nhiều hơn: điều mà họ không bao giờ nghĩ là có thể làm được. Rồi
trong niềm thân cận đầm ấm sâu xa đó và chìm lặng trong kinh nguyện, họ có thể
truyền đạt sự hiểu biết của họ về Đức Giêsu cho một thế giới đang tha thiết tìm
kiếm ngài và Tin Mừng mà ngài muốn chia xẻ với chúng ta.
______________________
Comments
Post a Comment