Luận về Thực Tại Tối Hậu
Luận về Thực Tại Tối Hậu
Chúng ta là con người có 5, 6 giác quan để nhận thức
vũ trụ vạn vật. Với 5, 6 giác quan ấy, chúng ta chỉ thấy được những loại vật
chất tương ứng với 5, 6 giác quan ấy. Còn những loại vật chất nào không tương
ứng với 5, 6 giác quan ấy của chúng ta thì đều trở nên vô hình đối với chúng
ta, nhưng lại rất hữu hình và cụ thể đối với những sinh vật có những loại giác
quan đặc trưng tương ứng với những loại vật chất đặc biệt ấy. Loại vật chất đặc
biệt này thì siêu nghiệm đối với những giác quan hay nhận thức của chúng ta.
Để dễ hiểu về hạn từ «siêu nghiệm», ta thử nghĩ đến những người ngay từ khi sinh ra đã bị
thiếu một trong 5, 6 giác quan thông thường của chúng ta. Chẳng hạn như thiếu
khứu giác hay thị giác. Người thiếu khứu giác bẩm sinh không thể nào cảm nghiệm
được mùi thơm hay mùi hôi, mùi của hoa hồng khác với mùi của hoa nhài thế nào, không ai có thể giúp họ hiểu được hay cảm nghiệm
được bất cứ mùi gì. Hay người bị mù mắt bẩm sinh không sao hiểu được bất kỳ một mầu
sắc nào mà người bình thường cảm nghiệm được vô cùng dễ dàng và rõ ràng.
Bây giờ ta thử tưởng tượng xem những người bị mù thị
giác hay mù khứu giác ấy lại phải mô tả cho người mù thị giác và khứu giác khác về
những mùi thơm hay những mầu xanh mầu đỏ mà họ chưa bao giờ cảm nghiệm được ấy.
Nói về mùi hay màu sắc, họ chỉ biết lập lại những gì mà người sáng mắt hay sáng
mũi đã từng mô tả cho họ nghe thôi. Nếu những người nghe họ nói cũng đều thiếu những
giác quan ấy như họ thì sao? Cuối cùng những người này cũng chỉ hiểu về những mùi vị hay màu
sắc một cách vô cùng hạn chế so với những người sáng mắt hay sáng mũi. Những người sáng mắt hay sáng mũi này mà có
diễn tả cách nào về màu sắc hay mùi vị đi chăng nữa thì họ cũng chỉ hiểu được một cách vô cùng giới
hạn thôi.
Sự hiểu biết của chúng ta về Thực Tại Tối Hậu và
những thực tại siêu nghiệm khác cũng vô cùng giới hạn tương tự như người mù
khứu giác và thị giác trong minh hoạ trên thôi.
Hầu như tất cả mọi tôn giáo lớn trên thế giới đều hướng
đến Thực Tại Siêu Đẳng và Duy Nhất, nguồn gốc của tất cả mọi thực tại trong vũ
trụ vạn vật. Tôi tạm gọi hay đặt tên cho thực tại ấy là Thực Tại Tối Hậu. Ngoài
Thực Tại Tối Hậu, cỏn vô số những thực tại do Thực Tại Tối Hậu ấy phát sinh ra,
trong đó có biết bao thực tại mà ta không bao giờ nhìn thấy hay cảm nghiệm
được. Quan niệm rồi hiểu và diễn tả về những thực tại hữu hình mà chúng ta thấy
được, cầm được, hoặc qua giác quan hoặc qua những dụng cụ khoa học mà nhiều khi
còn quá khó khăn đối với chúng ta, huống gì hiểu và diễn tả về những thực tại siêu
hình, siêu nghiệm, và càng khó hơn nữa về chính Thực Tại Tối Hậu là nguồn phát
sinh những thực tại kia.
Tất cả những nỗ lực của con người để diễn tả hay hiểu
được về Thực Tại Tối Hậu ấy chắc chắn chẳng có cách diễn tả nào thật sự phù hợp
với chính Thực Tại ấy cả.
Chính vì thế, Lão Tử tạm gọi Thực Tại Tối Hậu ấy là
ĐẠO, và cho rằng mọi cách gọi tên hay diễn tả về ĐẠO đều không thể phù hợp. Vì
thế, ông mới viết: «ĐẠO khả đạo, phi
Thường ĐẠO, DANH khả danh, phi Thường DANH», nghĩa là Đạo mà diễn tả được
thì đó không phải là ĐẠO thật, Tên mà có thể gọi được thì không đúng là tên của
ĐẠO, tức của Thực Tại Tối Hậu mà ta muốn nói đến. Vì thế, Lão Tử còn xác
định thêm: «Biết thì không nói, mà nói
thì không biết". Nghĩa là người mà hiểu được rằng Thực Tại Tối Hậu thì
không thể diễn tả được, họ sẽ không cố gắng diễn tả làm chi. Còn người mà diễn
tả về Thực Tại Tối Hậu ấy theo sự hiểu biết của mình thì chỉ chứng tỏ rằng mình
quan niệm về Thực Tại Tối Hậu quá đơn sơ, hoàn toàn không hiểu được tính siêu
việt và siêu nghiệm của Thực tại ấy.
Tuy nhiên, con người có nhu cầu gọi tên và xác định
mọi sự mọi vật để có thể trao đổi với nhau về những sự vật ấy, kể cả Thực Tại
Tối Hậu ấy. Chẳng hạn tôi tạm gọi thực tại ấy là Thực Tại Tối Hậu, mặc dù tôi
biết thực tại ấy chẳng có tên, tôi sở dĩ đặt tên cho thực tại ấy là Thực Tại
Tối Hậu là vì khi tôi muốn nói về thực tại ấy thì tôi có tên để gọi thực tại
ấy. Vả lại, việc hiểu biết và liên kết với Thực Tại Tối Hậu ấy rất cần thiết
cho sự phát triển trí tuệ và tâm linh của con người. Vì thế, dù không thể hiểu
và diễn tả phù hợp được, con người vẫn phải tìm hiểu và diễn tả Thực Tại Tối
Hậu ấy theo khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình. Do đó, có nhiều cách hiểu và
diễn tả về Thực Tại Tối Hậu ấy tuỳ theo trình độ trí tuệ và kiến thức của mỗi người, và tuỳ theo
triết lý của nền văn hóa mình chịu ảnh hưởng.
Các tôn giáo, mỗi tôn giáo đều đặt cho Thực Tại Tối
Hậu một cái tên tùy theo quan niệm của mỗi tôn giáo về thực tại ấy. Thực Tại
Tối Hậu là một thực tại siêu hình và siêu nghiệm. Ngoài ra còn có những thực
tại siêu hình khác như tình trạng của con người sau khi chết, hay sự sống tâm
linh của phần hồn con người, v.v... đều là những thực tại siêu nghiệm, chẳng ai
có thể diễn tả được chính xác hay phù hợp được, nên các tôn giáo đã gọi tên,
quan niệm và diễn tả những thực tại siêu nghiệm ấy cách khác nhau. Sự khác biệt
ấy là chuyện vô cùng dễ hiểu. Những thực tại siêu nghiệm họ không bao giờ cảm
nghiệm được ấy, mà họ lại đặt tên và quan niệm một cách giống nhau, thì đấy mới
là chuyện khó hiểu, khó xảy ra được.
Để dễ hiểu sự việc này, xin đưa ra một minh họa.
Chẳng hạn chẳng ai biết ông Adam, Chúa Giêsu, hay Đức Maria, hay thần Vishnu
hay Shiva... mặt mũi thế nào, nhưng vì nhu cầu cụ thể hóa các vị ấy, nên họ đã
vẽ hình tạc tượng những vị ấy. Nếu họ không ảnh hưởng lẫn nhau hay bắt chước
nhau, mà hoàn toàn độc lập với nhau khi vẽ hay tạc tượng, thế mà họ lại vẽ hay tạc
tượng giống y như nhau, thì đấy mới là chuyện lạ. Còn khác nhau thì hẳn nhiên là
chuyện bình thường. Cũng vậy, các tôn giáo đặt tên và quan niệm về Thực Tại Tối Hậu khác biệt nhau, hay mâu thuẫn nhau thì không có gì là lạ thường cả.
Comments
Post a Comment