Quan điểm của Chúa Giêsu trong dụ ngôn Người Samari tốt lành

 

 

Quan điểm của Chúa Giêsu
trong dụ ngôn
Người Samari tốt lành

Trong Tân Ước có dụ ngôn người Samari nhân hậu (xem Luca 10:29-37), trong đó Đức Giêsu đưa ra 2 mẫu người:

● Mẫu 1 là mẫu người sùng đạo, coi lễ nghi và luật lệ tôn giáo trọng hơn tình người, lòng nhân đạo, trọng hơn việc cứu người bị nạn. Mẫu đó được Đức Giêsu đưa ra làm tiêu biểu gồm một thầy tư tế, một thầy Lêvi. Tuy người bị nạn là người Do Thái, nghĩa là cùng dân tộc và cùng đạo giáo với các vị, nhưng các vị đã làm ngơ, bỏ qua không thèm cứu. Không phải vô ý mà Đức Giêsu lấy điển hình là hai người, một vị tư tế và một thầy Lêvi, tương tự như giám mục, linh mục hay giáo sĩ thời đại ngày nay

● Mẫu 2 là mẫu người coi tình người và lòng nhân đạo là quan trọng, nên thấy người bị nạn là ra tay cứu ngay, bất chấp phải hy sinh thì giờ và tiền bạc, nhất là bất chấp người Do Thái bị nạn là người đã từng coi dân tộc Samari của mình là tà giáo, là lạc đạo cần phải xa tránh, vì theo truyền thống Do Thái thời ấy thì «người Do Thái không được giao thiệp với người Samari» (Gioan 4:9b). Bất chấp những xa cách và đố kỵ ấy, người Samari vẫn ra tay cứu giúp người Do Thái vốn không ưa mình.

Đoạn Tin Mừng Luca này chắc chắn Giám mục Nguyễn Hữu Long đã từng giảng giải ý nghĩa không biết bao nhiêu lần trên toà giảng, nhưng qua cách đối xử của ông với Linh mục Đặng Hữu Nam, ta có thể đoán chắc rằng Giám mục Nguyễn Hữu Long không cùng quan điểm với Chúa Giêsu trong dụ ngôn nói trên.

Theo thiển ý người viết những dòng này, thì đúng ra những giám mục, những linh mục, những giáo sĩ như Giám mục Nguyễn Hữu Long, phải thấy Đức Giêsu coi việc nào quan trọng hơn việc nào, coi việc cứu người quan trọng hơn, hay coi việc thực hành tôn giáo quan trọng hơn. Tôn giáo chỉ là phương tiện để giúp con người trở nên giống Thiên Chúa, nghĩa là giống như bản chất của Ngài là tình yêu như Thư thứ nhất Gioan 4:8 từng xác định. Trở nên giống Thiên Chúa mới là mục đích, còn tôn giáo hay việc thực hành nghi thức tôn giáo chỉ là phương tiện để giúp con người đạt được mục đích ấy. Nhưng rất tiếc nhiều giám mục, linh mục, cụ thể như giám mục Long đã coi phương tiện quan trọng hơn mục đích, coi những nghi thức tôn giáo quan trọng hơn việc thực hành lòng yêu thương, hơn việc cứu người bị nạn. Không biết các vị nghĩ sao về lập trường của thánh Phaolô trong thư thứ nhất Côrintô sau đây:

«Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có TÂM YÊU THƯƠNG, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có TÂM YÊU THƯƠNG, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có TÂM YÊU THƯƠNG, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.» (Thư thứ nhất Côrintô 13:1-3).

Thật vậy, qua cách hành xử của Giám mục Long ta thấy quan điểm của ông khác hẳn với quan điểm của Chúa Giêsu. Khi Linh mục Đặng Hữu Nam dùng toà giảng của mình để bênh vực những người bị áp bức, vạch ra những tội ác của những kẻ ức hiếp người vô tội, thì vị giám mục này lại cho việc đó là sai trái, cho rằng trong thánh lễ không nên làm việc bác ái như thế, mà phải coi lễ nghi tôn giáo quan trọng hơn. Thử hỏi quan niệm của giám mục Long như thế có đúng với quan niệm của Chúa Giêsu được biểu lộ trong đoạn Tin Mừng Luca nói trên hay không.

Nguyễn Chính Kết

Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam