«Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế» (Mt 9:13)

 

«Ta muốn lòng nhân
chứ đâu cần lễ tế
»
(Mt 9:13)


Chắc chắn các giám mục, các linh mục và một số giáo dân từng đọc đoạn Kinh thánh sau đây của Ngôn sứ Isaia. 

«Ðức Chúa phán: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. (...) Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình(...) Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. (...) Ðừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Ngôn sứ Isaia 1:11-17).

Đọc đoạn Kinh thánh trên, một đứa trẻ 9, 10 tuổi cũng nhận biết được giữa lễ tế dâng lên Thiên Chúa và cách xử sự bằng tình thương với tha nhân, thì Ngài coi cái nào trọng hơn cái nào.

Thế nhưng tôi rất lấy làm lạ, không hiểu sao mà người Kitô hữu hiện nay, dường như rất nhiều người coi các nghi lễ quan trọng hơn rất nhiều so với cách họ cần phải đối xử với tha nhân? Không chỉ giáo dân, mà ngay cả nhiều giám mục và linh mục dường như cũng coi lễ tế quan trọng hơn rất nhiều so với tình thương phải có đối với tha nhân. 

Chính Chúa Giêsu cũng đã xác nhận quan điểm trên của ngôn sứ Isaia. Ngài nói: «Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế» (Matthêu 9:13; 12:7). Sách Châm Ngôn cũng chủ trương: «Thực thi điều công minh chính trực thì đẹp lòng Ðức Chúa hơn là dâng hy lễ» (Châm Ngôn 21:3). Ngôn sứ Hôsê cũng xác định rõ rệt với dân chúng Thiên Chúa muốn cái gì hơn cái gì: «Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ» (Ngôn sứ Hôsê 6:6). 

Đức Giêsu đến trần gian với mục đích xây dựng Nước Trời tại trần gian, Ngài cũng đồng ý với quan điểm của Cựu Ước về những điểm cốt yếu của Lề Luật là «sự công bằng, lòng nhân ái và sự thành thật» (xem Matthêu 23:23). Vì nếu mọi người đối xử với nhau bằng những điểm cốt yếu ấy thì trần gian này hẳn nhiên sẽ thành Nước Trời tại thế. Ngài đã lập nên một Giáo Hội để quy tụ những người sống những điều cốt yếu ấy hầu biến thế giới này thành Nước Trời.

Trước khi chết, Ngài còn nhấn mạnh một điều như di chúc Ngài để lại hầu Giáo Hội của Ngài cứ thế mà thực hiện trong cuộc sống: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Gioan 13:34). Ngài còn nhấn mạnh để các môn đệ ý thức điều răn đó quan trọng như thế nào: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em YÊU THƯƠNG NHAU» (Gioan 13:35). Ngài nhấn mạnh tình yêu đối với tha nhân, chứ Ngài không hề nhấn mạnh chút nào việc thực hành hay tham dự những nghi thức tôn giáo, vì Ngài thấy rõ những nghi thức ấy dù có được Giáo Hội thi hành triệt để thì cũng chẳng ích lợi bao nhiêu cho việc xây dựng Nước Trời tại thế cả. 

Thật vậy, suốt mấy chục năm qua, Giáo Hội Việt Nam đã xây dựng thêm biết bao nhiêu nhà thờ, hoặc trùng tu lại biết bao thánh đường để to hơn, đẹp hơn, chứa được nhiều giáo dân hơn. Một vài trung tâm hành hương được thành lập rất rộng, rất «hoành tráng» để các nghi lễ tại đó được long trọng và quy tụ được thật đông giáo dân. Nhưng thử hỏi: những kiến trúc ấy có làm cho xã hội Việt Nam tốt hơn không? có làm cho người giáo dân thật sự sống yêu thương nhau hơn như Chúa dạy không? – Câu trả lời xem ra không được lạc quan lắm! Thật vậy, tỷ lệ người Công giáo trong 4, 5 thập niên qua dường như chẳng tăng lên bao nhiêu so với những thế kỷ trước. Chẳng lẽ điều ấy không đáng để chúng ta phải xét lại cách thức sống đạo của chúng ta sao?

Qua những sự kiện vừa kể, ai cũng có thể nhận ra mục đích xây dựng Nước Trời tại trần gian của Đức Giêsu dường như đã hoàn toàn thất bại. Tại sao? Vì Giáo Hội dường như đã coi những nghi thức tôn giáo quan trọng hơn gấp bội di chúc Ngài để lại, là sống thành thật với nhau, sống cho công bằng, cho có tình thương đối với nhau. Có lẽ vì những nghi thức tôn giáo ấy mới đem lại lợi nhuận cho các chức sắc, còn việc sống công bằng, yêu thương nhau thì phải hy sinh, phải quên mình đi; sống như vậy thì… chỉ có mất mát, thiệt thòi, chứ đâu có được lợi nhuận gì!

Thật ra, những nghi lễ trong tôn giáo cũng rất cần thiết để con người biểu lộ sự yêu mến và thần phục của mình đối với Thiên Chúa, người Cha chung của nhân loại. Nhưng những nghi lễ phải diễn tả được tâm tình yêu thương có thật trong tâm mình. Nếu không thì đó là những hành động giả dối. Mỗi ngày các linh mục tái hiện hy tế của Chúa Kitô trên bàn thờ. Hy tế đó thực chất chính là hiến mạng, chấp nhận chết vì công lý, sự thật và tình yêu. Mỗi lần dâng lễ là một lần tái hiện hy tế của Chúa Kitô, qua đó mọi giáo sĩ và giáo dân đều được nhắc nhở đem gương ấy của Chúa Kitô áp dụng vào cuộc sống trong ngày. Những hy tế thực hiện trong thánh lễ, nếu không đi đôi với sự hy sinh thật sự cho Thiên Chúa hay tha nhân, thì đó không phải là hy tế đúng nghĩa, nên sẽ chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa.

Ngày nay, tại Việt Nam, vào những dịp lễ trọng như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, những dịp phong chức linh mục hay giám mục, v.v... thì giáo dân và cả nhiều vị chức sắc coi việc tham dự các nghi thức tôn giáo ấy quan trọng đến thế nào! Giáo dân tham dự đông đến nỗi người ngoại quốc đến Việt Nam phải lầm tưởng rằng Việt Nam có tự do tôn giáo còn hơn cả đất nước của họ, chứ đâu biết rằng… chính sách «biến chất tôn giáo» của CSVN đang thành công hết sức tốt đẹp chính nhờ những nghi thức tôn giáo được tổ chức long trọng và được giáo dân tham dự đông đảo như vậy. Cộng sản chỉ cần tôn giáo tại Việt Nam có cái vỏ bên ngoài tốt đẹp như vậy là đủ, và nếu các chức sắc tôn giáo sẵn sàng im lặng hoàn toàn trước những bất công xã hội, trước mọi tội ác đang diễn ra mỗi ngày, thì đã quá đủ để họ có thể lừa gạt quốc tế rồi.

Bề ngoài thì tốt đẹp như vậy có phản ảnh trung thực bề trong hay thực chất của tôn giáo không? Hiện nay, trước mắt mọi người, những người thấp cổ bé miệng đang phải chịu biết bao đau khổ vì bị đàn áp, ức hiếp bất công, và tội ác đang tràn lan trong xã hội, nhưng dường như chẳng được nhiều Kitô hữu, thậm chí chẳng được nhiều giám mục hay linh mục quan tâm. Các tôn giáo khác dường như cũng tương tự như vậy. Cụ thể, điển hình và mới đây nhất là chuyện đau thương và bất công đang xảy ra tại xã Bình Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, thuộc giáo phận Vinh: 

Nhà cầm quyền CSVN đã bán cho một công ty tư nhân con đường rất cần thiết cho việc đi lại sinh sống của người dân tại đấy mà không được sự đồng ý của người dân. Vì thế người dân Bình Thuận đã biểu tình phản đối vì con đường ấy rất quan trọng cho cuộc sống của họ. Nhưng nhà cầm quyền CSVN đã sai hàng ngàn công an đến đàn áp, đánh đập dã man những người biểu tình, máu đã đổ và rất nhiều người dân không một tấc sắt đã bị thương; ngoài ra còn có 9 người dân lương thiện đã bị công an bắt đi. Người nhà của 9 người dân này –không biết là người Công giáo hay người thuộc các tôn giáo bạn– đã đến tận toà Giám mục Vinh để xin vị giám mục này can thiệp. Vị giám mục này vốn rất thân thiện với nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An, nên theo sự khôn ngoan của họ thì nhờ vị giám mục này can thiệp với nhà cầm quyền, chắc chắn tốt hơn nhờ ai hết. Nhưng thái độ có vẻ như chẳng có chút tình thương nào của vị giám mục này làm họ hết sức thất vọng.

● https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nghe-an-province-hundreds-of-riot-policemen-destroy-civil-road-arrest-five-0protesters-07132022092255.html   

● http://www.vietcatholic.net/News/html/277185.htm  

● https://www.facebook.com/watch/live/?ref=watch_permalink&v=280438710952459  

● https://conggiao.vn/tin-nong-chinh-quyen-nem-luu-dan-vao-nguoi-dan-giao-xu-binh-thuan-gp-vinh/

Chính vì thế tôi muốn đặc biệt gửi lại đoạn Kinh thánh của ngôn sứ Isaia mà tôi trưng dẫn phía trên cho những vị giám mục và linh mục nào cũng như những giáo dân nào, đặc biệt giám mục Vinh, đã từng coi lễ tế quá quan trọng so với cách đối xử cần có đối với tha nhân. Thái độ tôn giáo như thế, tôi chắc chắn 100% là lạc đạo rồi.

Trong đoạn Kinh thánh trên, tôi xin đặc biệt nhấn mạnh mấy câu, chẳng hạn như «Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu» (Is 1:15); và câu «Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Is 1:17).

Tôi cũng lấy làm lạ khi Ủy ban Công lý Hòa bình của Hội đồng Giám mục làm như Giáo Hội Việt Nam vẫn luôn luôn bình an như chẳng có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra, trong khi tại giáo phận Vinh đang xảy ra những chuyện khiến người dân phải lên tiếng than phiền vị chủ chăn của họ suốt mấy tháng qua. Không biết Ủy ban ấy có còn đó hay không?

Nguyễn Chính Kết

Houston, Texas ngày 24/7/2022

Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam