Một Tín Điều Luân Lý Có Trước Các Tôn Giáo

 

 

Một Tín Điều Luân Lý Có Trước Các Tôn Giáo

http://www.dslamvien.com/2021/08/mot-tin-dieu-luan-ly-co-truoc-cac-ton.html

Bùi Quý Chiến
(Đặc San Lâm Viên)

Theo Will Durant tác giả «Nguồn gốc văn minh» (do Nguyễn Hiến Lê dịch), khi loài người sơ khai biết sống hợp quần thành bộ lạc, tù trưởng đặt ra những quy tắc đối xử áp dụng cho các thành viên trong bộ lạc nhằm tạo an ninh trật tự nội bộ và tạo sức mạnh tập thể đối phó với thiên tai, thú dữ và kẻ thù. Những quy tắc đó (Will Durant gọi là luân lý) được rút ra từ kinh nghiệm sống, không như luân lý của các tôn giáo đặt nền tảng từ giáo lý.

Từ rất xưa dân tộc ta có niềm tin rằng: cha mẹ ăn ở hiền lành là vun trồng cây «đức» cho con cháu hưởng kết quả về sau.

Ca dao có những câu như:

Cây xanh thì lá cũng xanh

Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

hoặc:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời về sau.

hoặc:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta tu lấy đức để đời cho con.

Đức Là Gì?

- Theo Hán Việt từ điển của Đào duy Anh, đức có 3 nghĩa:

1) đạo lý làm người

2) điều thiện

3) ân huệ.

Nghĩa thứ nhì «điều thiện» thích hợp với những ca dao kể trên.

- Theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh tịnh Paulus Của, đức có 2 nghĩa:

1) việc nhơn lành và

2) lòng lành.

Cả hai nghĩa đều thích hợp với những ca dao trên.

- Theo Việt Nam từ điển của Lê văn Đức và Lê ngọc Trụ, đức có 2 nghĩa:

1) cách ăn ở hiền lành hợp với đạo lý

2) cái quả về sau của các việc từ thiện, ân huệ đã làm.

Cả hai nghĩa đều phù hợp với các câu ca dao nhưng nói rõ nghĩa thứ nhất là nhân và nghĩa thứ nhì là quả của đức.

- Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, đức có 2 nghĩa:

1) cái biểu hiện tốt đẹp của đạo lý trong tính nết, tư cách, hành động của con người

2) điều tốt lành do ăn ở có đạo đức để lại cho con cháu.

Cùng định nghĩa như Việt nam từ điển, nghĩa thứ nhất là nhân và nghĩa thứ nhì là quả của đức.

Niềm tin về nhân và quả của đức khác với luật nhân quả của đạo Phật.

Theo giáo lý đạo Phật, người gieo nhân là người nhận quả. Quả có thể ở kiếp này hoặc kiếp sau.

Tín điều về đức cho rằng cha mẹ gieo nhân nhưng con cháu hái quả, tương tự gia tài của cha mẹ để lại cho con.

(Câu: «Ta trồng cây đức để đời về sau» có nghĩa là đời con cháu về sau, không phải đời sau của người trồng cây đức).

Kết quả của đức gọi là phúc đức, trong đức có sẵn phúc.

Phúc gồm 5 điều gọi là ngũ phúc:

1) phú (giàu có)

2) quý (sang trọng)

3) thọ (sống lâu)

4) khang (vui mạnh)

5) ninh (bình yên)

Cho nên ngày xưa các nhà khá giả thường chạm trổ hình 5 con dơi ở cửa ra vào tượng trưng cho ngũ phúc (Hán tự có rất nhiều chữ đồng âm nhưng nghĩa khác nhau, phúc vừa là con dơi vừa là phúc đức).

Nhà giàu thường xây nhà tường gạch mái ngói, hai đầu nhà được xây thẳng đứng lên tới nóc gọi là đầu hồi. Ở hai đầu hồi người ta cũng đắp nổi hình con dơi tượng trưng cho phúc đức.

Quan Niệm Về Phúc Đức Có Từ Bao Giờ?

Tạp chí Văn hóa Á châu số 3 tháng 9 năm 1958 có đăng bài «Quan niệm phúc đức», tác giả Việt Tử cho rằng quan niệm này có từ đời Hồng Bàng.

Có lẽ tác giả suy đoán qua các truyện cổ tích trong các đời vua Hùng.

Suy đoán của tác giả thiếu bằng chứng khoa học. Tuy nhiên tác giả chứng minh được quan niệm phúc đức của người xưa có trước khi đạo Phật truyền sang nước ta.

Tín điều về nhân quả của phúc đức khác với luật nhân quả của đạo Phật.

Phúc đức do ông bà cha mẹ lưu lại cho con cháu: người gieo nhân khác với người hái quả.

Luật nhân quả của đạo Phật: ai gieo nhân người nấy nhận quả.

Cho tới thế kỷ 6 đời nhà Đường bên Tàu, đạo Phật mới truyền sang nước ta.

Quan niệm phúc đức không chịu ảnh hưởng giáo lý của đạo Phật, vậy quan niệm này ít nhất phải có trước thế kỷ 6.

Không những thế, quan niệm về phúc đức còn có trước khi nước ta bị Bắc thuộc.

Từ thế kỷ 1 trước công nguyên, nước ta bị Bắc thuộc hơn một ngàn năm. Trong thời kỳ này Nho giáo được các quan lại Tàu phổ biến bằng cách mở trường dạy học. Lấy tiếng là khai hóa nhưng thực tế là áp dụng đường lối chính trị của Nho giáo để cai trị dân ta được dễ dàng.

Luân lý của đạo Nho là tam cương và ngũ thường.

Tam cương là 3 mối quan hệ chính trong xã hội: vua-tôi, cha-con, vợ-chồng.

 Ngũ thường gồm 5 điều quy định cách con người cư xử với nhau: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Nhân trong ngũ thường và đức trong quan niệm phúc đức đều có nghĩa là lòng thương người nhưng khác nhau về mục tiêu.

Đức nhằm lưu lại phúc cho con cháu đời sau.

Ngũ thường của Nho giáo nhằm đem lại an ninh và phúc lợi chung cho xã hội đang lầm than vì loạn lạc.

Quan niệm phúc đức và Nho giáo còn khác nhau về nền tảng:

Quan niệm phúc đức đặt nền tảng trên niềm tin.

Nho giáo đặt nền tảng trên một hệ thống lý luận.

Qua phân tích trên đây, quan niệm phúc đức không chịu ảnh hưởng gì của đạo Nho do đó quan niệm này phải có trước khi đạo Nho truyền sang nước ta.

Tính Truyền Thống Của Quan Niệm Phúc Đức

Theo Lê văn Siêu , tác giả «Truyền thống dân tộc», quan niệm phúc đức là một trong những truyền thống của dân tộc Việt nam, tác giả gọi truyền thống này là «phúc đức truyền đời».

Theo Đào duy Anh, tác giả «Việt nam văn hóa sử cương», truyền thống này gọi là «lưu ấm». Ấm tức là phúc ấm, có nghĩa như phúc đức.

Quan niệm phúc đức còn có tính phổ thông. Ngày nay chúng ta thấy tính phổ thông đó qua các thành ngữ, tục ngữ và ca dao.

Thành ngữ như: thất đức, ác đức, tu nhân tích đức, phúc hậu (hậu nghĩa là dày, ý nói phúc nhiều), đức bạc (bạc nghĩa là mỏng, ý nói đức không nhiều), bạc phước, vô phước, đức hậu...

Tục ngữ như:

1) «Vô phước bước cửa quan»(vô phước mới kiện nhau).

2) «Có phúc đẻ con biết lội, vô phúc đẻ con hay trèo» (biết lội khỏi chết đuối, ưa leo trèo dễ té ngã).

3) «Có phúc lấy được dâu hiền, vô phúc lấy phải dâu dại».

4) «Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.»

Ca dao:

Ba vuông sánh với bảy tròn

Đời cha nhân đức, đời con sang giàu.

Để bênh vực cho tục tảo hôn , người xưa lấy phúc đức đặt ca dao sau đây:

Có phúc lấy được vợ già

Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh

Vô phúc lấy phải trẻ ranh

Nó ăn nó bỏ tan tành nó đi.

Thật ra quan niệm phúc đức truyền đời ngày nay đã phai mờ vì chỉ hạn hẹp trong phạm vi gia đình.

Thay thế quan niệm này là lòng từ bi của đạo Phật và lòng bác ái của đạo Thiên chúa.

Xuất xứ từ giáo lý, lòng từ bi và bác ái có động lực linh thiêng nên phổ biến khắp loài người.

Bùi Quý Chiến
(Đặc San Lâm Viên)

Comments

Popular posts from this blog

Đức Giêsu Trước Thời Kitô giáo (Albert Nolan)

Hãy cải thiện Giáo Hội từ gốc chứ đừng từ ngọn

Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam