Lão giáo
Lão
giáo
Lão giáo hợp với Khổng giáo và Phật giáo làm thành «Tam giáo», là ba luồng tư tưởng có ảnh
hưởng rất lớn đến nền văn hóa và nề nếp suy tư, cũng như cách nói năng và xử
thế của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Vị sáng lập Lão giáo
là Lão Tử.
Lão Tử và tác phẩm của ông
Lão Tử sống vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước công
nguyên. Tài liệu chính xác về ông và cuộc đời ông rất ít. Theo sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, Lão Tử tên là Lý
Nhĩ, tự là Bá Dương, thụy là Đam, người nước Sở (hiện nay thuộc tỉnh Hồ
Vì thế, cuốn Đạo Đức Kinh là tác phẩm duy nhất của
Lão Tử. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng tác phẩm này không phải do
chính ông viết, mà do các đồ đệ của ông viết sau khi ông mất hàng trăm năm. Tác
phẩm chủ yếu nói về «Đạo», là Nguyên Lý tuyệt đối và bất biến sinh ra và
chi phối toàn thể vũ trụ vạn vật, và «Đức»,
là sự thể hiện ra bên ngoài của «Đạo»
trong vũ trụ vạn vật, và trong từng sự vật.
«Đạo»
1. «Đạo» là gì?
«Đạo» là từ
ngữ mà Lão Tử tạm dùng để chỉ cái Nguyên
lý Tuyệt Đối, vốn không sinh không diệt, không tăng không giảm, đã có trước
khi trời đất, vũ trụ được hình thành, và nhờ «Đạo», do «Đạo»,[1] mà vũ trụ
vạn vật mới có.
«Đạo» sinh
ra vạn vật thế nào thì Lão Tử không giải thích, vì ông cho rằng tự bản chất
điều đó là huyền diệu không thể giải thích bằng ngôn ngữ được, người ta chỉ có
thể hiểu điều đó một cách «thấp thoáng
mập mờ»: «Đạo sinh ra Vật, thấp thoáng
mập mờ. Thấp thoáng mập mờ, trong đó có hình. Mập mờ thấp thoáng, trong đó có
Vật».[2] Để nói lên
sự không thể xác định tính chất của «Đạo»,
Lão Tử viết: «Trên Nó thì không sáng,
dưới Nó thì không tối, dài dằng dặc mà không có tên, rồi lại trở về chỗ không
có. Ấy gọi là cái hình trạng không hình trạng, cái hình trạng của cái không có
vật. Ấy gọi là «hốt hoảng», đón Nó thì không thấy đầu, theo Nó thì
không thấy đuôi».[3]
2. «Đạo khả đạo phi Thường Đạo»
«Đạo» là
một Nguyên Lý siêu việt và siêu nghiệm, hoàn toàn vượt khỏi khả năng suy tư,
hiểu biết của lý trí con người. Vì thế, Lão Tử viết: «Đạo khả đạo, phi Thường Đạo; Danh khả danh, phi Thường Danh».[4] Vì «Đạo bất khả đạo», nên Lão Tử cho rằng
không thể dùng ngôn ngữ – vốn mang tính nhị nguyên – để xác định rõ ràng «Đạo» là thế này hay thế kia, là hữu ngã
hay vô ngã, là một hay là hai với vũ trụ vạn vật… Ông cho rằng «Đạo» là một thực tại hoàn toàn khác với
những gì người ta kinh nghiệm được trong thế giới hiện tượng. Mà ngôn ngữ chỉ
gồm những ý niệm mà người ta đã có do kinh nghiệm được về thế giới hiện tượng.
Vì thế, trong ngôn ngữ, không có một ý niệm nào tương đương với những gì có thể
nói về «Đạo» cả. Nếu có đưa ra một ý
niệm nào thì chỉ là gượng ép, tạm dùng để diễn tả cho người ta dễ quan niệm.
Ông viết: «Thiên hạ đều gọi Đạo ta là lớn
mà dường như không giống chi cả. Bởi nó Lớn nên Nó không giống chi cả. Nhược
bằng nó giống vật chi, thì Nó đã nhỏ từ lâu rồi!».[5]
Đây là khuynh hướng chung của các tôn giáo Đông Phương, chỉ xác định «Tuyệt Đối» không là cái gì, chứ không
xác định rõ rệt là cái gì.
Tuy nhiên, đôi khi cần phải xác định điều gì về «Đạo», thì ông nói rõ rằng cách ông nói
chỉ là gượng ép, chẳng hạn như: «Ta không
biết tên, gọi đó là Đạo, gượng cho là Lớn».[6] Tuy nhiên,
qua những câu nói của ông như: «Đạo sinh
Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật»,[7]
«Đạo như vực thẳm, dường như tổ tông của
vạn vật»,[8] «Đạo lớn tràn khắp, bên phải bên trái. Vạn
vật nhờ Nó mà sinh ra»,[9] ta thấy
ông cho rằng vũ trụ vạn vật có được là do «Đạo»
sinh ra, đây là một trong những tính chất căn bản của «Thực Tại Tối Hậu».
3. «Đạo» là nguyên
lý chi phối tất cả vạn vật
Sau khi vũ trụ vạn vật thành hình, thì «Đạo» là nguyên lý thấm nhuần tất cả mọi
vật, chi phối tất cả mọi sự, từ hữu hình đến vô hình. Do đó, «Đạo» hiện diện cùng khắp, trong tất cả
mọi vật, từ những vật nhỏ nhất như những hạt bụi, những hạt điện tử, cho tới
những vật lớn nhất như các thiên thể, các thiên hà hay trong toàn thể vũ trụ. «Đạo» là nguyên lý tuyệt đối, bao trùm cả
hai phương diện hữu hình và vô hình. Trên phương diện hữu hình, «Đạo» là Mẹ sinh ra vạn vật, bất kỳ vật
nào có trong vũ trụ đều do «Đạo» sinh
ra. Còn trên phương diện vô hình, «Đạo»
là nguyên lý của Trời Đất, chi phối tất cả mọi sự mọi vật, dù là vô hình hay
hữu hình, dù là lý hay sự, không có lý nào vật nào nằm ngoài sự chi phối đó.
Ông viết: «Vô danh thiên địa chi thủy,
hữu danh vạn vật chi mẫu».[10]
Vì «Đạo» là
nguyên lý chi phối vạn sự vạn vật, nên con người nên sống sao cho phù hợp với «Đạo», với tư cách là nguyên lý phổ quát
và tuyệt đối, chứ con người không có nghĩa vụ thờ phượng, hiếu thảo như những
người con đối với Cha, hay như thần dân đối với Chúa Tể mình như chủ trương của
các tôn giáo hữu thần. Ai sống phù hợp với «Đạo»,
người đó sẽ tìm được hạnh phúc, an lạc và giải thoát ngay trong cuộc đời này.
Trong Đạo Đức Kinh, ta không thấy có chỗ nào Lão Tử nói tới sự hiện hữu của con
người sau khi chết cả. Vì thế, việc sống phù hợp với «Đạo» là nhằm lợi ích ngay trong cuộc sống hiện sinh này, chứ không
phải vì lợi ích cho cuộc sống đời sau.
Cách hành xử của người hiểu Đạo
1. Quan niệm nhất
nguyên [11]
Theo Lão Tử, «Đạo»
vừa là nguyên lý hữu hình sinh ra vũ trụ vạn vật, vừa là nguyên lý vô hình chi
phối tất cả vũ trụ vạn vật. Chính nguyên lý ấy phát sinh ra những trạng thái
mâu thuẫn nhau như: có/không, cao/thấp, trên/dưới, trong/ngoài, dài/vắn,
đúng/sai, thiện/ác, vinh/nhục, v.v… Về sau, người ta dùng hai chữ «Âm», «Dương» để tổng quát hóa những cặp mâu thuẫn ấy.[12]
Những cặp mâu thuẫn ấy chỉ là bề trái và bề mặt của thực tại mà thôi.[13] Hai mặt
ấy cùng sinh một lượt, luôn luôn đi đôi và gắn liền với nhau, không thể tách
mặt trái ra khỏi mặt phải thành hai thực tại cách biệt nhau. Lão Tử viết: «Thiên hạ đều biết tốt là tốt thì đã có xấu
rồi, biết điều lành là lành thì đã có cái chẳng lành rồi. Bởi vậy, có và không cùng sinh, khó và dễ cùng thành, ngắn và dài cùng sánh, cao và thấp cùng chiều, giọng và tiếng cùng họa, trước và sau cùng theo».[14]
Trong vũ trụ, thực tại luôn luôn tự phân thành những
cặp tính chất đối nghịch nhau: tâm/vật, chủ/khách, đúng/sai, tĩnh/động,
lợi/hại, cao/thấp, vinh/nhục, tốt/xấu… Ông viết: «Trong Vạn vật, không vật nào mà không cõng Âm và bồng Dương. Nhân chỗ
xung nhau mà hòa với nhau».[15]
Theo quan niệm thông thường, người ta cho rằng hai lẽ
tương đối ấy biệt lập nhau, luôn luôn tranh đấu với nhau và tiêu diệt lẫn nhau
để đi đến chỗ một mất một còn: thiện thắng ác, đúng thắng sai, tâm thắng vật…
hoặc ngược lại. Từ đó, họ đứng thiên hẳn về một bên: thích cái này ghét cái
kia, tranh đấu cho bên này chống lại bên kia, lấy phải trừ quấy, lấy thiện trừ
ác…
Còn theo Lão Tử, hai tính chất đối nghịch trong cặp
mâu thuẫn ấy không tách rời nhau, mà luôn luôn đi đôi với nhau, chúng tranh đấu
với nhau để bổ túc nhau, để cùng nhau tồn tại, để tạo nên thế quân bình trong
vũ trụ. Chúng có thể trao đổi hay hoán chuyển lẫn nhau, sống chung với nhau,
dung hòa với nhau. Vả lại, trong lực này có chứa sẵn mầm phát sinh ra lực lượng
kia đối kháng với nó: «Trong phúc, họa
thường mọc sẵn; trong họa, phúc thường núp sẵn».[16]
Hai lực lượng đối kháng nhau đều cần thiết cho sự tồn
tại của vũ trụ. Sự phối hợp chặt chẽ và điều hòa giữa hai lực lượng này rất cần
thiết để phát sinh ra bất kỳ hiện tượng nào trong vũ trụ, dù nhỏ hay lớn tới
đâu.[17] Và «Đạo»
chính là nguyên lý chi phối, điều hòa và phối hợp hai lực đối kháng nhau ấy với
nhau trong mỗi thực tại.
Vì thế, người hiểu biết luôn luôn phải nhận thức được
điều ấy mà sống cho khôn ngoan.[18] Đây là
nhận thức luận nhất nguyên [19] của Minh
Triết Đông Phương. Sau khi đã hiểu được cái lý mâu thuẫn giữa hai mặt của mỗi
thực tại, mỗi tình huống, mỗi hoàn cảnh, thì người hiểu «Đạo» sẽ suy nghĩ, nói năng và hành động hợp với sự hiểu biết ấy,
nghĩa là hợp với «Đạo», trong mọi
tình huống cuộc đời, nhất là trong cách cư xử với mọi người, cách lãnh đạo tập
thể. Lão Tử đưa ra một vài nét chính trong cách hành động của «Thánh Nhân», tức người hiểu các sống «Đạo». Nét nổi bật nhất là tinh thần «Huyền Đồng» và «Vô Vi» của ông.
2. Huyền Đồng
Sau khi đã nhận ra lý «âm dương phải cùng đi đôi, cùng tranh đấu, cùng bổ túc lẫn nhau, cùng
nương vào nhau mà tồn tại», thì người hiểu «Đạo» không còn cái nhìn thiên lệch, ưa bên này ghét bên kia, lấy
bên này chống lại bên kia nữa. Tuy lý trí họ vẫn phân biệt đâu là thiện đâu là
ác, đâu là đúng đâu là sai, đâu là vinh đâu là nhục, và cách họ sống trong xã
hội vẫn giống như mọi người, vẫn xử theo lẽ thường tình của người đời, nhưng
trong cách nhìn sự vật, nhìn cuộc đời, trong cách lý giải của họ, họ không còn
«tâm phân biệt», coi vinh trọng hơn
nhục, đúng trọng hơn sai, thiện hơn ác… vì họ biết hai lẽ đối kháng nhau ấy vẫn
phải nương vào nhau, vẫn phải cần có nhau, vẫn lấy nhau làm nền tảng.[20] Những cặp
mâu thuẫn ấy chỉ là bề mặt và bề trái của sự vật, luôn nằm sẵn trong mọi vật,
và không vật nào thuần tốt hay thuần xấu, thuần đúng hay thuần sai, nói tóm
lại, thuần âm hay thuần dương cả. Dù là âm hay dương, thì cái nào cũng có cái
dụng của nó cả, tùy thời mà tính chất này đắc dụng hay tính chất kia đắc dụng.[21] Và vật
nào trong thời gian cũng có sự biến thiên nội tại, chuyển âm thành dương, dương
thành âm ở nhiều mức độ khác nhau. Điều tốt hay có lợi với người này có thể là
xấu hay có hại với người kia.
Cái nhìn trên gọi là «Huyền Đồng»,[22] mà Trang
tử gọi là «Tề Vật»,[23] Phật giáo
gọi là «Bát Nhã bình đẳng».[24]
3. Vô Vi
Sau khi nói về hai mặt mâu thuẫn cùng sinh, Lão Tử đề
nghị cách hành động khôn ngoan của ông là «Vô
Vi»: «Có và không cùng sinh, khó và
dễ cùng thành, ngắn và dài cùng sánh, cao và thấp cùng chiều, giọng và tiếng
cùng họa, trước và sau cùng theo. Vậy nên Thánh nhân dùng “Vô Vi” mà xử sự,
dùng “bất ngôn” mà dạy dỗ, để cho vạn vật nên mà không cản, sống mà không chiếm
đoạt. Làm mà không cậy công; Thành công mà không ở lại. Vì bởi không ở lại, nên
không bị bỏ đi».[25]
Vậy, «Vô Vi» là gì? «Vô» là không, «Vi» là
làm. «Vô Vi» nghĩa đen là không làm
gì cả, nhưng không nên hiểu theo nghĩa đen của từ ngữ. «Vô Vi» là không làm gì cả theo ý muốn của bản ngã, của «cái tôi» ích kỷ của mình, nếu có làm thì
luôn luôn làm theo đường lối của «Đạo»,
để «Đạo» hành động nơi mình. Có thể
hiểu tinh thần «Vô Vi» tương tự như
tinh thần của Đức Phật trong câu: «Ta
thuyết pháp suốt 49 năm, nhưng thực ra chưa
từng nói một lời nào»,[26] hay của thánh Phaolô trong câu: «Tôi sống, nhưng không phải tôi
sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi»,[27] hay của Chúa Kitô trong câu: «Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình».[28]
«Vô Vi» là không để cho mình tự hành động
theo ý muốn hay sở thích của mình, cho những mục đích ích kỷ của mình, mà để
cho «Đạo» hành động qua bản thân của
mình, theo đường lối của «Đạo». Mà «Đạo» thì không hành động theo mục đích
ích kỷ của ai, nhưng theo lợi ích của muôn loài vạn vật. Vì thế, hành động «Vô Vi» có những đặc tính sau:
● Làm mà coi
như không làm: «Thương dân trị nước, mà
làm như không làm, được không? (…) Hiểu biết tất cả, mà làm như không biết gì
cả, được không?».[29] Vì ý thức rằng mình chỉ là công cụ của «Đạo», «Đạo» dùng mình như công cụ để hành động. Tương tự như tinh thần của
Thánh Kinh Kitô giáo: «Tôi (sống/làm),
nhưng không phải là tôi (sống/làm), mà là Chúa Kitô (sống/làm) trong tôi».
● Không cậy
công: «Thánh Nhân làm mà không cậy công,
công thành rồi, không ở lại, không muốn ai thấy tài hiền của mình».[30] Nếu nhìn nhận rằng «Đạo»
hành động qua mình chứ không phải mình hành động, thì tất nhiên không thể nhận
công lao hay thành quả của hành động ấy là của mình. Tinh thần này tương tự như
tinh thần của người đầy tớ trong Thánh Kinh nhận mình là đầy tớ vô ích sau khi
đã cố gắng làm việc hết sức mình.[31]
● Không theo
ý riêng mà theo đường lối của «Đạo»:
«Muốn lấy thiên hạ mà làm theo ý mình, ta
thấy không thể được rồi. Thiên hạ là món đồ thần, chẳng thể làm theo ý mình
được đâu. Hễ làm thì hỏng, hễ giữ thì mất».[32] Kitô giáo cũng chủ trương: hy sinh ý riêng để hoàn toàn
làm theo thánh ý Thiên Chúa: «Tôi tự trời
mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi».[33]
● Không
tranh: «Đạo của Trời, lợi mà không hại.
Đạo của Thánh Nhân, làm mà không tranh».[34] Vì không tranh nên dành được phần thắng. Kitô giáo cũng
chủ trương nhường nhịn: «Nếu ai bị vả má
bên phải, hãy giơ cả má bên trái ra nữa».[35]
● Khiêm
nhường, ở chỗ thấp: «Bậc “thượng thiện”
giống như nước, nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Ở chỗ mà người
người đều ghét, nên gần với Đạo. Ở thì hay lựa chỗ thấp; Lòng thì chịu chỗ thâm
sâu».[36] Muốn phục vụ, làm lợi cho tha nhân, thì phải tìm ở chỗ
thấp kém. Điều đó chính Chúa Kitô cũng xác nhận: «Ai lớn nhất thì phải nên như người nhỏ nhất, kẻ làm đầu phải nên như
người phục vụ».[37]
Kết luận
Lão Tử không quan niệm một Thiên Chúa hữu ngã với
những đặc tính được xác định rõ ràng như trong Kitô giáo. Việc xác định rõ ràng
về Thực Tại Tối Hậu như thế là trái ngược với tinh thần «Đạo bất khả đạo» của Lão Tử. Sở dĩ Kitô giáo xác định về Thiên Chúa
rệt như thế, vì Kitô giáo dựa vào mặc khải của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, thêm
vào đó là tinh thần thích rõ ràng sáng sủa của các thần học gia truyền thống.
Ta thấy quan niệm về Thực Tại Tối Hậu của Lão Tử và
của Kitô giáo có nhiều điểm đồng dị. Những điểm tương đồng đều liên quan đến
những thuộc tính căn bản như duy nhất,
hằng hữu, siêu việt, bất biến, vĩnh cửu, tuyệt đối, vô cùng, nguyên nhân sinh
ra vũ trụ vạn vật, chi phối tất cả những gì hiện hữu trong vũ trụ… Tuy
nhiên, có những điểm khác biệt giữa hai quan niệm:
«Đạo» của Lão Tử |
Thiên
Chúa của Kitô giáo |
– không thể xác định rõ ràng |
– được định thức khá chi tiết và
rõ ràng nhờ mặc khải [38] |
– biến hiện thành vạn
vật (= Đạo và vũ trụ vạn vật là một) |
– tạo dựng nên vạn vật (= Thiên Chúa và vũ trụ vạn vật là hai thực thể khác nhau) |
– dường như «vô ngã» |
– «hữu ngã», có «bản vị» |
– siêu việt thiện ác |
– toàn thiện |
– vô tình với vạn vật [39] |
– yêu thương các tạo vật |
Về cách sống, chủ trương «vô vi» của Lão Tử có nhiều điểm tương tự với tinh thần «tự hủy» của Kitô giáo (quên mình, không
thấy mình, xả thân, không làm theo ý riêng mình mà theo «Đạo» hay ý Thiên Chúa, không cậy công, không tranh giành, nhường
nhịn, khiêm cung, chọn chỗ thấp…). Tuy nhiên, chủ trương «huyền đồng» có vẻ xa lạ với tư tưởng Kitô giáo, mặc dù Kitô giáo
cũng chủ trương sự bình đẳng giữa người với người trước mặt Thiên Chúa. Khác
với Lão Tử, Kitô giáo không chủ trương sự bình đẳng giữa các giá trị: luôn luôn
vẫn có những bậc thang giá trị thường hằng với những giá trị cao thấp, đúng sai
khác nhau. Nhất là trong vấn đề thiện ác: trong Kitô giáo, thiện ác được phân
biệt rõ ràng, và không thể chấp nhận có sự lẫn lộn, thỏa hiệp, hay coi là bằng
nhau giữa hai đối cực đó. Thiên Chúa ưa sự thiện và rất ghét sự ác, tuy nhiên,
Ngài vẫn «cho mặt trời của Ngài mọc lên
soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng
như kẻ bất chính»,[40] và muốn
những môn đệ của Ngài phải yêu cả người thương mình lẫn kẻ ghét mình.[41]
Như vậy, nếu không chấp vào tiểu tiết, ta thấy giữa
tư tưởng của Lão Tử và của Kitô giáo có nhiều điểm tương đồng hơn dị biệt, và
trong cả hai quan niệm, ta thấy những điểm tương đồng có tầm quan trọng hơn
những điểm dị biệt rất nhiều.
NGUYỄN CHÍNH KẾT
[1] Lão Tử không giải thích sự hiện hữu của «Đạo» (tại sao «Đạo» lại hiện hữu thay vì không hiện hữu? «Đạo» hiện hữu như thế nào?), mà mặc nhiên coi «Đạo» như đã có sẵn, có từ đời thuở nào rồi, trước khi «Đạo» sinh ra vũ trụ vạn vật: «Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật» (Đạo Đức Kinh, chương 42, a).
[2] Đạo Đức Kinh, ch. 21, b.
[3] Đạo Đức Kinh, ch. 14, b.
[4] Tạm dịch ý: Đạo mà có thể gọi được, định thức được trong một cách diễn tả nào, thì không còn phải là Đạo thường hằng, bất biến, tuyệt đối nữa. Tên mà có thể gọi ra được, thì không còn là Tên siêu việt, thường hằng nữa (Đạo Đức Kinh, chương 1, a). Điều này khiến ta nhớ đến tên của Thiên Chúa: trong lần gặp gỡ đầu tiên tại núi Sinai, khi Môsê hỏi tên, Thiên Chúa trả lời: «Ta là Ta» (Je suis ce que je suis), nghĩa là Ngài không có tên, hay tên Ngài không thể nói ra thành ngôn ngữ được.
[5] Đạo Đức Kinh, ch. 67, a.
[6] Đạo Đức Kinh, ch. 25, b.
[7] Đạo Đức Kinh, ch. 42, a.
[8] Đạo Đức Kinh, ch. 4, a.
[9] Đạo Đức Kinh, ch. 34, a.
[10] «Không tên, là gốc của Trời Đất, có tên, là mẹ của Vạn Vật» (Đạo Đức Kinh, chương 1, b).
[11] Nhất nguyên: Nhất nguyên thì trái với nhị nguyên, khác nhau do quan niệm về thực tại là đa diện (nhiều mặt) hay đơn diện (một mặt).
Nếu quan niệm thực tại có nhiều mặt, thì người ta có thể chấp nhận nhiều mệnh đề mâu thuẫn nhau cùng đúng cho một vật (thí dụ: nói cái dĩa là lồi cũng đúng, mà nói nó lõm cũng đúng). Do đó, hai mặt khác nhau có thể ứng với một thực tại duy nhất. Đó là quan niệm nhất nguyên.
Nếu quan niệm thực tại chỉ có một mặt, thì hai mệnh đề mâu thuẫn nhau không thể cùng đúng cho một vật, và hai mặt khác nhau không thể cùng là một thực tại duy nhất, mà phải là hai thực tại khác nhau.
Có thể định nghĩa nhất nguyên và nhị nguyên một cách nôm na như sau: Khi thấy hai mặt đồng tiền khác nhau, thì người nhất nguyên cho rằng chúng có thể là hai mặt của một đồng tiền duy nhất; còn người nhị nguyên cho rằng chúng bó buộc phải là hai đồng tiền khác nhau.
[12] Ý niệm «Âm Dương» đã có trong Đạo Đức Kinh: «Trong Vạn vật, không vật nào mà không cõng Âm và bồng Dương. Nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau» (chương 42, a).
[13] Một đồ vật nào đó bất kỳ, hễ đã có mặt trên đời là tự nhiên phải phát sinh những trạng thái hay đặc tính: trong ngoài, trên dưới, trước khi có và sau khi có, lợi hại cho người vật chung quanh, được thích bị ghét, tồn tại lâu mau, v.v…
[14] Đạo Đức Kinh, chương 2, ab. Một vài câu khác: «Vinh và Nhục đều là sợ hãi; Quý và hoạn đều là vì có thân» (chương 13, a) ; «Nặng là gốc rễ của Nhẹ, Tịnh là chủ của Náo loạn» (ch. 26, a) ; «Quí lấy tiện làm gốc, cao lấy thấp làm nền» (ch. 39, c) ; «Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ núp của họa» (ch. 58, b).
[15] Đạo Đức Kinh, ch. 42, a.
[16] Đạo Đức Kinh, ch. 58, b.
[17] Một thí dụ cụ thể và dễ thấy nhất là cấu tạo hóa học của một chất. Nếu là nguyên tố, thì bất kỳ nguyên tử nào của nguyên tố cũng được cấu tạo bởi các âm điện tử và dương điện tử. Nếu là hợp chất thì bất kỳ phân tử nào của hợp chất cũng gồm hai thành phần mang tính âm và dương cấu tạo nên, chẳng hạn nước (H2O ® 2H+ + O– –), muối ăn (NaCl ® Na+ + Cl –), v.v…
[18] Lão Tử nói về hai mặt «âm dương» ấy của sự vật: «Hai cái đó, đồng với nhau; Cùng một gốc, tên khác nhau. Đồng, nên gọi Huyền, Huyền rồi lại Huyền, đó là cửa vào ra của mọi huyền diệu trong Trời Đất» (ĐĐK, chương 1, d). Muốn nhận ra được hai mặt ấy là một không tách rời, thì phải có tâm hồn thanh thản: «Thường không tư dục, mới nhận được chỗ huyền diệu của Đạo. Thường bị tư dục, nên chỉ thấy chỗ chia lìa của Đạo» (ĐĐK, chương 1, c).
[19] Về những ý niệm đối lập nhau, nhị nguyên và nhất nguyên quan niệm khác nhau như sau:
– Nhị nguyên: có khuynh hướng tách biệt hai ý niệm đối lập ra khỏi nhau khiến chúng thường đối kháng nhau đến độ sẵn sàng một mất một còn, làm như cái này có thể có mà không cần tới cái kia, và cái này càng mất đi thì cái kia càng «sống» mạnh.
– Nhất nguyên: quan niệm có một nguyên lý tổng hợp hai ý niệm đối lập (như sáng & tối, vinh & nhục, trên & dưới, …) trong các cặp đối lập thành một thể hay một mối duy nhất. Hai ý niệm đối lập ấy chỉ là do sự phân cực của thực tại, chúng đấu tranh với nhau để cùng tồn tại, vừa đấu tranh vừa bổ túc lẫn nhau, vừa nương nhau mà tồn tại. Quan niệm này được gọi là «nhất nguyên lưỡng cực» (của Trung Hoa và Ấn Độ).
[20] Lão Tử viết: «Quí lấy tiện làm gốc, cao lấy thấp làm nền» (Đạo Đức Kinh, ch. 39, a).
[21] Cái súng, dao là vật để giết người (được coi là xấu), nhưng cũng là vật để bảo vệ người (được coi là tốt), người tính tình hung ác (xấu) nếu biết cách dùng thì vẫn làm được những điều tốt mà xã hội cần đến (nghề đao phủ, tra tấn…)
[22] «Huyền Đồng» (Huyền là đen lánh, Đồng là giống nhau) : trong bóng đêm, người ta thấy mọi sự đều có màu đen như nhau, không có sự phân biệt về màu sắc.
[23] «Tề Vật» (Tề là bằng nhau, Vật là sự vật) : coi mọi vật đều bằng nhau.
[24] «Bát Nhã bình đẳng» (Bát Nhã là trí tuệ giải thoát, Bình đẳng là bằng nhau): cái nhìn của trí tuệ giải thoát là coi mọi vật đều bình đẳng. Tổ Tăng Xán nói: «Đạo không gì khó, chỉ cần đừng lựa chọn, đừng khởi tâm yêu ghét» (Tín Tâm Minh, câu đầu tiên).
[25] Đạo Đức Kinh, ch. 2, bc.
[26] Kinh Lăng Già.
[27] Gl 2, 20. Hay diễn đạt cách khác: «Tôi làm, nhưng không phải tôi làm, mà là Chúa Kitô làm trong tôi».
[28] Ga 14, 10.
[29] Đạo Đức Kinh, ch. 10, b.
[30] Đạo Đức Kinh, ch. 77, c.
[31] Xem Lc 17,10.
[32] Đạo Đức Kinh, ch. 29, a.
[33] Ga 6, 38.
[34] Đạo Đức Kinh, ch. 81, B. Hay «Chỉ vì không tranh, nên thiên hạ không ai tranh nổi với mình» (ch. 22, c) ; hay «Vì không tranh, nên không vướng lầm lỗi» (ch. 8, c).
[35] Mt 5, 39.
[36] Đạo Đức Kinh, ch. 8, a.
[37] Mt 20,26-27.
[38] Giáo Hội đã suy tư dựa vào Thánh Kinh, Thánh Truyền để xác định rất nhiều chi tiết về Thiên Chúa, những đặc tính, công việc… của Thiên Chúa, cụ thể nhất qua các tín điều mà mọi người Kitô hữu phải tin.
[39] «Trời Đất không có nhân (“bất nhân”), coi vạn vật như loài chó rơm» (Đạo Đức Kinh, ch. 5, a). Tuy luôn luôn làm lợi cho vạn vật, nhưng «Đạo» không riêng tư tây vị ai, mà luôn luôn tỏ ra lạnh lùng với vạn vật, không vì kẻ rét mà bỏ mùa đông, không vì những đau thương của con người mà dẹp chiến tranh, thiên tai, không vì thương xót ai mà làm điều gì trái với luật của mình. Đang thời thì dùng, trái thời thì bỏ, «Đạo» coi vạn vật như loài chó rơm (là vật dùng trong khi cúng tế, lúc đang dùng thì quí, dùng xong thì bỏ). Khi nào là nạn nhân của chiến tranh, của thiên tai, khi gặp những tai họa hết sức phi lý xảy đến với mình, hay khi chứng kiến những cảnh hết sức tang thương, người ta dễ có khuynh hướng nghĩ như Lão Tử.
[40] Mt 5, 45.
[41] Xem Mt 5, 43-47.
Comments
Post a Comment