Tinh hoa Thiên Chúa giáo
TINH HOA THIÊN CHÚA GIÁO.
(PHẦN MẬT TRUYỀN TRONG THIÊN CHÚA GIÁO).
Nhân tử Nguyễn Văn Thọ
(Một phần tài liệu
này đã được trích ra từ bộ LA DOCTRINE ESOTERIQUE À TRAVERS LES ÂGES, gồm 2 cuốn
của Ernest Bosc, Chamuel Editeur, Paris 1889, nơi các trang 22−44, Tập II, thuộc
Chương XXVII, nhan đề ÉSOTÉRISME CHRÉTIEN).
*
* *
Đã từ lâu, tôi để tâm suy cứu về những đoạn Thánh
Kinh Thiên Chúa Giáo, có thể nói là TINH HOA. Cách đây khoảng 20
năm, nhân đọc bộ La Doctrine ésotérique à travers les âges của
Ersnest Bosc, tôi thấy nên đúc kết lại, hệ thống hoá lại, xiển minh lại bằng
các lời trích dẫn trong các sách Phúc Âm, và Thánh
Thư, để thân tặng những ai có lòng thành khẩn và tha thiết tìm cầu
Chân, Thiện, Mỹ.
Nói rằng Công Giáo có phần Mật Truyền, ắt nhiều người sẽ bỡ
ngỡ. Nhưng thực tế, có như vậy. Vả lại, không phải cứ theo Đaọ là nắm được tinh
hoa của Đạo, là biết được điều thâm sâu của Đạo.
Chính thánh Paul đã viết: «Hỡi Anh Em, phần tôi, tôi đã không thể nói với Anh Em, như
nói được với những người có linh cơ siêu thoát, mà là nói như thể với những người
phàm tục, với những trẻ thơ trong đấng Kitô. Tôi đã cho Anh Em ăn sữa,
chứ không cho những của ăn rắn đặc vì Anh Em không chịu nổi...» (1Cr
3,1)
Vậy phần Mật Giáo nội truyền đó có thể được trình bày như
sau:
1. Con người có Thiên Tính hay Thiên Chúa hằng ngự trị trong
tâm hồn mọi người.
2. Nước Trời đã ở ngay trong tâm khảm con người.
3. Mọi người đều có đấng Kitô trong tâm khảm.
4. Hai phương diện một con người: TÂM và THẦN.
5. Ý nghĩa cuộc tiến hoá quần sinh:
− Từ phàm phu con người sẽ trở thành Thần
Linh.
− Từ phàm phu, con người sẽ tiến hoá, sẽ
triển dương tới tuyệt đỉnh, để trở nên những con Thiên Chúa, để
đạt đúng tầm kích như Chúa Kitô.
6. Đại Đạo chân truyền:
− Đi vào Tâm mà tìm Đạo, tìm Trời.
− Tỉnh giảm mọi lễ nghi, hình thức.
− Tìm cho ra luật lệ Trời ghi tạc trong
tâm can.
− Sống kết hợp với Thiên Chúa.
I.
Con người có Thiên Tính hay Thiên Chúa hằng ngự trong tâm hồn mọi người.
Thánh Paul viết: «Chỉ có một Thiên Chúa là cha chung mọi loài. Ngài ở trên mọi loài,
xuyên thấu mọi sự, mọi loài, và ở trong mọi người chúng ta» (Unus et Deus et Pater omnium, qui est
super omnes, et per omnia, et in omnibus nobis. Ep 4,4-6)
Ngài lại nói: «Nhưng
cũng chỉ là một Thiên Chúa tác động mọi sự trong mọi người. Mọi người đều được
một phần hiển dương của Thần Chúa để góp phần vào ích chung.» (Mais c’est le même Dieu qui opère tout en tous. À
chacun, la manifestation de Dieu est donnée en vue du bien commun. 1Cr XII 6,7)
Ngài cũng nói: «Anh Em
há chẳng biết Anh Em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần của Thiên Chúa ở trong anh em sao?» (Ne savez-vous pas que vous êtes un temple de Dieu et
que l’Esprit de Dieu habite en vous? 1Cr III,16)
Ngài viết thêm: «Anh
em chẳng phải sống bằng xác mà bằng Thần, vì Thần của Thiên Chúa ở trong anh em.» (Vous, vous n’êtes pas dans la chair, mais dans
l’Esprit, puisque l’Esprit de Dieu habite en vous? Rm VIII,9).
2. Nước Trời đã ở ngay trong tâm khảm con
người.
«Nước Trời ở rất gần» (Le Royaume de Dieu est tout proche. Mc I,15. Mt 3,2)
«Nước
Trời không đến một cách lộ liễu, và không thể nói được Nước Trời ở đây, nước
Trời ở đó, vì anh em hãy biết: Nước Trời ở trong anh em.» (Lc
17,21)
Tiếc thay những câu đó xưa nay được hiểu như là Nước Trời đã
gần tới... Nước
Trời ở giữa Anh em.
Vả lại niềm tin rằng nước Trời ở ngay trong tâm khảm mỗi người,
chỉ là một hệ luận tự nhiên của niềm tin rằng: Thiên Chúa, Thần của Thiên Chúa đã ngự trị trong
tâm khảm mỗi người, như đã chứng minh ở trên.
3.
Mọi người đều có đấng Kitô trong tâm khảm.
Ernest Bosc gọi đó là Huyền Nhiệm Đấng Kitô (le mystère du
Christ) hay là Huyền Nhiệm Phúc Âm (mystère de l’évangile) (Ernest Bosc, La Doctrine Ésotérique, tome 2, trang 26,34-44)
Như vậy, theo Ernest Bosc, hiểu được huyền nhiệm đấng Kitô,
nghĩa là linh cảm được rằng mình có Chúa Kitô trong lòng mình, là sẽ hiểu được
tinh hoa Phúc Âm, nắm được cốt tuỷ Phúc Âm.
Ernest Bosc cho rằng: không nên hiểu Đấng
Kitô là Ngôi Hai chỉ giáng trần một lần duy nhất trong Chúa Giêsu, mà phải hiểu
đó chính là Ánh Linh Quang tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, Ánh Linh Quang
phát xuất từ Đại Linh Quang bao quát toàn thể vũ trụ. Như vậy trong mỗi người đều
có sẵn đấng Kitô, mỗi con người đều là một Tiểu Linh Quang, một phần tử bất khả
ly của Đại Linh Quang. (On désigne sous cette expression, la présence en l’homme de ce Rayon du
Verbe, de cette étincelle de L’Esprit de Dieu qui est dénommé Christ. Le
Christianisme et la Théosophie ne donnent pas à ce terme, la même
signification; celle-ci prétend que l’échelle des êtres est infinie, que de
l’homme à l’émanation première de l’Absolu, nous venons de le voir, de l’homme
au Logos [Christ Universel), il existe un nombre considérable de degrés de développement et que cette énorme distance ne saurait être franchie d’une facon arbitraire. Le corps du Logos [du Christ) c’est l’univers tout entier et toutes les qualités de cet Univers, toutes les potentialités de matières [visibles et invisibles), que nous nommons des êtres qui ont pour cause cet ESPRIT UNIVERSEL, dans lequel nous vivons,et nous nous mouvons... Ernest Bosc, La Doctrine Ésotérique, p. 34-35. Xem thêm 1Cr XII,6-11. Cv 17-28).
Thánh Paul viết: «Anh em há chẳng biết thể
xác anh em là thân thể đấng Kitô... Anh em hãy ngợi khen và mang Thiên
Chúa trong thể xác anh em.» (Nescitis quoniam corpora vestra
membra sunt Christi... Glorificate et portate Deum in corpore vestro. 1Cr VI,15-20). Câu
Kinh Thánh trên là dịch nguyên văn từ Thánh Kinh Vulgate,
nguyên bản Latinh. Trong các bản Thánh Kinh sau
này, bất kỳ bằng tiếnh Anh, Pháp hay Việt, đều bỏ không dịch mấy chữ «hãy
mang Thiên Chúa» («trong thể xác anh em»).
Thánh Paul cho rằng: Cái điều huyền diệu trên đây, từ bao thế
kỷ trước ngài, người ta đã quên khuấy mất, và Ngài có trách nhiệm tuyên xưng lại
điều ấy. Đó là «Đấng Kitô ở trong Anh Em». (Cl 1,25-27)
Chính là vì trong mỗi người chúng ta, có cái Mầm Mộng
Kitô đó, cho nên thánh Paul mới chủ trương rằng chúng ta có thể triển
dương tới viên mãn, để thực sự đạt tới tầm kích của đấng Kitô. (Ep 4,13)
Như vậy, cái điều huyền diệu, cái điều bí ẩn của Phúc Âm chính
là chỉ vẽ cho mọi người biết rằng: Trong lòng họ có Thượng đế hiện diện. Hồng
ân này không rành riêng cho ai. Người Do Thái hay người muôn phương cũng được
diễm phúc đó đồng đều như nhau. (Ep 3,3-6; Rm 3,29)
Thánh Paul cho rằng: Ngài
đã chịu đau khổ, chịu vất vả để cho đấng Kitô được hình thành trong tâm hồn các
giáo hữu. (Gl 4,19)
Như vậy lúc thì Phúc
Âm nói: Trong ta có Thiên Chúa, lúc thì nói trong ta có đấng Kitô,
lúc thì nói trong ta có Thần của Thiên Chúa. Như vậy, Ba Ngôi Thiên
Chúa há đã chẳng mãi mãi ngự trị trọn vẹn trong tâm hồn ta hay sao?
Đây là lời Thánh Paul về Thần Chúa hiện diện trong ta: «Chính vì chúng ta có Thần của Thiên Chúa, nên chúng ta
mới có thể gọi Thiên Chúa là Cha.» (Rm VIII,14,17) và mới có thể «cộng hưởng gia nghiệp Thượng Đế như Chúa Giêsu.»
(Rm VIII,8,17) «Chính vì chúng ta có
Thần của Thiên Chúa, nên chúng ta mới có sự hiểu biết về Thiên Chúa.»
(1Cr 2,12)
Thánh John cũng chủ trương: «Chúng ta biết được rằng:
ta ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong ta, chính là vì Ngài đã cho chúng ta Thần của Thiên Chúa.» (1Ga
IV,12-13)
Riêng tôi, từ lâu đọc Thánh Kinh, tôi thấy
rằng, nếu Phúc Âm là một Tin Mừng, thì Tin Mừng ấy sẽ
là như sau:
*Anh em chẳng phải là chẳng phải là những kẻ phàm hèn, chẳng phải là con
nuôi, con nhặt, con đòi, mà anh em cũng ý thức như tôi, chúng ta là con một Cha
Chung. Vì thế mà Ngài mới lập ra Kinh Lạy Cha Chúng Tôi. (Mt 5,45
và 9,14)
*Nước Trời đã ở ngay trong lòng chúng ta. (Lc 17,21)
*Nếu Nước Trời ở trong ta, thì dĩ nhiên Vua Nước Trời không
thể sống lưu vong ngoài nước Ngài, mà chắc chắn là phải sống động trong lòng
chúng ta.
*Như vậy anh em chính là đền thờ của Ngài. (1Cr 3,16-17)
*Như vậy, việc gì phải xây cất những đền đài, những thánh đường,
thánh thất nguy nga cho Ngài ở, vì Ngài đâu có thèm ở trong những đền đài đó.
Thánh Stephen, vị thánh tử đạo đầu tiên, và Thánh Paul, một trong những vị sáng
lập ra Đạo Thiên Chúa đã long trọng tuyên xưng: Chúa Trời Đất chẳng bao giờ ở
trong những đền đài do tay người tạo dựng nên. (Cv 7,48-49; Cv 17,24; Dt 9,24).
*Nếu Chúa ở trong mọi người, thì dĩ nhiên yêu người
là mến Chúa. Cho nên Chúa Giêsu chung qui, chỉ dạy mến Chúa và yêu người, và
bao giờ cũng chủ trương yêu người là mến Chúa. (Mt 5,43.-Mt 22,37-40.-Mc 9,37.-Mc 12,29-34) Hơn thế nữa, con người chẳng bao giờ có thể tách rời
Thiên Chúa dù là một phút, một giây. (Ga 15,5)
4.
Hai phương diện trong một con người: Tâm và Thần.
Bí quyết này xưa nay chưa hề được giảng giải. Ernest Bosc
tuy có đề cập đến vấn đề này, nhưng giải thích chưa được rõ ràng. (Ernest Bosc
La Doctrine ésotérique II, trang 31-40)
Tôi cảm thấy có bổn phận làm sáng tỏ lại vấn đề.
Giáo lý Công Giáo công truyền chấp nhận rằng con người chỉ
có 2 phần: XÁC VÀ HỒN (Công đồng LATRAN IV,1215.− VATICAN
I,1870), còn Thánh Kinh Công Giáo thì trái lại chấp nhận con người có 3
phần: Thần, Hồn, Xác. (1Tx 5,23)
Thần và Hồn hoàn toàn khác biệt nhau.
(Dt 4,12)
Thánh Paul và thánh Giuđa phân biệt 2 hạng người:
1.− Một hạng phàm phu, tục tử, sống lệ thuộc vào thất tình,
lục dục. Đó là những người sống bằng Tâm Hồn (Êtres psychiques).
2.− Một hạng người sống bằng Thần (Êtres Spirituels)
Những hạng phàm phu, tục tử sống
theo thất tình, lục dục (theo xác thịt), là những hạng người hay chia rẽ, (Gl 5,18-25; 1Cr
2,13-14; Gđ 19) đĩ thoã, dâm tà, tin vơ thờ quấy, ghen ghét, chia rẽ, hay
ghen, hay giận, hay cãi cọ, tham ăn, tục uống, chè chén, say sưa. (Gl 5,19-21)
Họ không sao hiểu được những gì siêu linh. (L’Homme
psychique n’accueille pas ce qui est de l’Esprit de Dieu: C’est folie pour lui
et il ne peut le connaitre. 1Cr 2,14)
Những con người như thế làm sao mà có được nước Trời?
(Gl 5,21)
Còn những con người siêu linh, tức là những người sống bằng
Thần sẽ: nhân từ, vui tươi, khoan quảng, thích
giúp người, có từ tâm, tin cậy nơi người khác, hiền từ, biết tự chủ, (Gl 5,22-23) và
tùy nghi, những người đó, vì công ích, có thể trở nên khôn ngoan, hiểu biết,
làm được phép lạ, chữa được bệnh tật, nói được tiên tri. (1Cr 12,4-11)
Chỉ những người đó mới thông thần, mới hiểu được những điều
huyền diệu của Chúa, biết được ý Chúa. (1Cr 2,10-16)
Và quan trọng nhất là chỉ có những hạng người siêu linh ấy mới
được TRƯỜNG SINH VĨNH CỬU. (Gl 6,8)
Trong thư viết cho bổn đạo thành Corinth , (1Cr 15,35-53) thánh Paul có một
đại luận «thần sầu, quỉ khốc» về hai
phần Tâm (Hồn= corps psychique) và Thần (Corps spirituel).
Nhưng tiếc vì nó quá cao siêu, nên xưa nay chẳng
mấy ai hiểu nổi, chẳng mấy ai để ý tới, chẳng mấy sách dịch được cho ra hồn.
Ngài cho rằng: phần Tâm (Hồn) hiện ra trước, phần Thần hiện
ra sau. (1Cr 15,46)
Ai có một chút kinh nghiệm đời sống tâm linh sẽ hoàn toàn đồng
ý. Khi chưa giác ngộ, thì cái Thần trong con người chưa hiện, chưa hoạt động.
Lúc ấy, Thần trong ta còn ngủ, chỉ mới có cái hồn là sống động.
Cái Hồn đó chẳng qua là phần bao bì, phần Địa, biến
thiên, sinh tử. Như vậy, dĩ nhiên, nó không thể nào hưởng được Nước
Trời, không thể nào được trường sinh vĩnh cửu, không thể nào trở nên bất hủ. (1Cr 15,50)
Nó chẳng khác nào như những phần tuỳ thuộc của hạt lúa mì, cốt
là để hỗ trợ cho cái mầm sống trong hạt lúa mì nảy nở ra cây lúa mì. Cũng như vậy,
nó sẽ đóng vai hỗ trợ để cho cái phần Thần được trở nên sống động, triển dương.
Thế tức là gieo giồng cái Tâm Hồn, mà sẽ nảy nở ra cái Thần
Linh. Gieo giồng cái biến thiên, sinh tử, để sản sinh ra cái trường sinh; gieo
giồng cái yếu hèn, ti tiện, sẽ nảy nở ra cái huy hoàng và mãnh liệt. (1Cr 15,35-44)
Thánh Paul tha thiết khuyên ta rằng:
Đã biết sống bằng Tâm Hồn, còn phải biết sống bằng
Thần Linh nữa.
Cái phần Hồn chẳng qua là cái phần Đất, sẽ bị huỷ hoại. (1Cr
15,50)
Cái phần Thần mới là cái phần Trời, siêu linh, vĩnh cửu. (1Cr
15,49-53)
Tôi toát lược phần trình bày về Tâm và Thần của thánh Paul
như sau:
THÁNH,
PHÀM hai nét ghép thành NHÂN,
Phàm:
ấy Nhân Tâm; Thánh: ấy Thần.
Tâm
hình hiện trước, Thần kế tiếp,
Thần:
Trời; Tâm: Đất, nhẽ tương phân.
Tâm,
Đất dĩ nhiên vương sinh diệt,
Thần,
Trời nên mới thoát chuyển luân.
Tâm,
Đất tử vong, đành số kiếp,
Bất
tử, trường sinh, chỉ có Thần.
5.
Ý nghĩa cuộc tiến hoá quần sinh.
*Từ phàm phu con người sẽ tiến tới Thần Linh.
*Từ phàm phu con người sẽ tiến hoá, sẽ triển dương tới tuyệt
đỉnh để trở nên Những Con Thiên Chúa, để đạt đúng Tầm Kích của Chúa Kitô. (Ep 4,13)
Cả vũ trụ, quần sinh như đang chờ sự hiển dương của những
Con Thiên Chúa. (Rm 8,19)
«Cho tới ngày ấy, vạn
vật như quằn quại trong cơn đau đẻ. Và không phải chỉ tạo vật mới như thế. Ngay
đến như chúng ta, vì có Mầm Mộng Thần Linh, chúng ta cũng như thấy thâm tâm
đang rên rỉ chờ ngày được nhận là Con Thiên Chúa.» (Rm 8,23)
Tiến hoá như vậy chính là lột bỏ đời sống phàm phu, đời sống
theo thất tình, lục dục. Tức là rũ bỏ con người cũ, sống theo con người mới, lề
lối mới, đạt dần tới sự hiểu biết chân thực, khuôn dần theo được đúng như chân
tướng của Hoá Công. (Cl 3,6-16)
Muốn tiến hoá trên bình diện tinh thần, trước hết
phải rũ bỏ cái lốt phàm phu, tục tử, phải rũ bỏ cái Hồn đầy thất tình, lục dục.
Ôm ấp nó, o bế nó, muốn cưu mang, cứu chuộc nó thì làm sao mà mong được cứu rỗi.
Chúa Giêsu đã nói rõ ràng trong Matthew 2,39: «Ai
muốn cứu linh hồn mình, thì sẽ mất; ai mà mất linh hồn mình vì ta, thì sẽ được
nó.»
(Qui enim voluerit animam suam salvam facere, perdet eam; qui autem
perdiderit animam suam propter me, inveniet eam. Mt 2,39; Mt 16,25).
Lão giáo nói: Tâm tử, Thần hoạt.
Phật giáo dạy: Diệt Tiểu Ngã, trở về với Đại Ngã cũng tương tự như vậy. Ý nói: Hồn có chết đi, thì Thần mới sống động được. Tiểu Ngã có chết đi, thì Đại Ngã mới triển dương được.
Phật giáo dạy: Diệt Tiểu Ngã, trở về với Đại Ngã cũng tương tự như vậy. Ý nói: Hồn có chết đi, thì Thần mới sống động được. Tiểu Ngã có chết đi, thì Đại Ngã mới triển dương được.
Cái tâm hồn phàm tục ấy cần phải chết đi, để chúng ta được sống
lại một lần nữa, sống lại bằng Thần. (Jn 3,7-8.-Mt 2,38; Mt 16,25)
*Vì Thiên Chúa là Thần, cho nên chúng ta không
thờ Chúa bằng môi miệng, [Mc
7,6-7] cũng
không phải bằng Hồn, vì Hồn đầy thất tình lục dục, không hiểu nổi được Chúa, (L’Homme
psychique n’accueille pas ce qui est de L’Esprit de Dieu. La Sainte Bible (Bible de Jérusalem) 1Cr 2,14) mà phải thờ Chúa bằng Thần. (Ga 4,24)
Lạ lùng thay trong Cựu Ước có nhiều nơi chép rõ rằng Hồn không bất tử. (L’âme qui pèche, c’est elle qui mourra. Ez 18-4; * C’est pourquoi je lui assignerai une part avec les grands. parce qu’il aura livré son âme à la mort. Isaie 53,10-12, La Sainte Bible par J. N. Darby. Vulgate dịch như sau: Pro eo quod tradidit in mortem animam suam. *Puisque le Fils de l’homme n’est pas immortel. Si 17,20).
Charles Herbert, một tác giả thuộc Cơ Đốc Phục Lâm, một giáo
phái thành lập năm 1862, trong quyển Le Chemin du Salut của
Ông, đã cho thấy:
Chữ Thần được nhắc 827 lần trong Thánh Kinh. Chữ Hồn được nhắc 873 lần trong Thánh
Kinh. (L’Esprit [Ruah en Hébreu, Pneuma en Grec, mot qui se rencontre 827 fois dans la Bible] c’est le souffle de vie qui est communiqué par Dieu... L’âme [Néphesh en Hébreu, Psuché en Grec, mot mentionné 873 fois dans la Bible] désigne avant tout la vie individualisée, la vie passagère... Charles Gerber, le Chemin du Salut, Chapitre: L’Homme est-il immortel?)
Sống bằng Thần, siêu phàm,
thoát tục, mới có thể hợp nhất với Thiên Chúa, (Ga 17,21; 1Ga 4,12) mới
có thể có cùng một Thần với Thiên Chúa. (1Cr 6,16-17)
Chúng ta chẳng cần đợi tới
lai sinh mới được hưởng nước Trời siêu việt ấy, mà ngay từ khi còn ở gian trần
này. (Mt 16-28)
Có như vậy, sau này mới
đáng được ngồi cùng một toà với Thiên Chúa. (Kh 3,21-22)
Ta cũng có thể mượn lời
linh mục Henry Le Saux khi ông bình câu 1Cr 15,14 và tiếp theo để
bàn về cuộc tiến hoá con người như sau:
Cũng là một sinh linh mà trước kia thì là: Phàm phu, tục tử; phàm tâm, phàm thể. Nhưng ngày nay, và mãi mãi về sau, sẽ là
Thần Linh, là Thiên Thể, sẽ là Siêu Phàm. (Ce fut le même être qui
fut-Animalis, psychikon, “psychique” , “naturel”-qui maintenant est, et à
jamais sera spiritualis, pneuma-tikon, spirituel. 1Cr 15,44 and ss.-Henri le Saux, La Rencontre de l’Hindouisme et du Christianisme, Édition du Seuil, Paris,1966, p. 29)
6.
Đại Đạo chân truyền.
* Đi vào tâm mà tìm Đạo, tìm Trời.
Phúc Âm gọi
thế là «khi cầu nguyện, hãy vào buồng, đóng cửa lại, cầu cùng Cha ở đó, ở
trong nơi thầm kín, và Cha ngươi, nhìn thấu nơi thầm kín, sẽ trả công cho
ngươi.» (Mt 6,6)
Ernest Bosc chủ trương rằng: Thiên Chúa nói cùng mỗi người chúng ta, trong buồng thầm kín của tâm hồn, chẳng cần qua trung gian; trung gian chỉ làm giảm tia sáng giữa tạo vật và tình yêu Ngài. (Le Maitre Divin parle à chacun de nous dans la chambre secrète du coeur, sans qu’il soit nécessaire d’intermédiaire oblitérateur de son rayon entre sa créature et son amour. Ernest Bosc, La Doctrine ésotérique II, p. 43)
* Tỉnh giảm lễ nghi hình thức bên ngoài.
Chính Chúa Giêsu đã khuyên: Đọc kinh làm chi cho nhiều. Đừng
bắt chước lối ngoại giáo. (Mt 6,7)
Đừng quá chú trọng những lễ nghi, hình hạc, giả tạo bên
ngoài, những lời giảng giáo, nhân vi, nguỵ tạo. (Mc 7,6-7)
«Những linh mục ngày nào cũng
đứng cầu kinh, dâng lễ, làm đi, làm lại một lễ hiến dâng,
nào có xin tha được tội lỗi cho ai?» Đó chính là
nguyên văn lời thánh Paul trong thư cho người Do Thái. (Dt 10,11)
* Tìm cho ra lề luật Trời ghi tạc trong
tâm can.
Như vậy, tinh hoa đạo giáo không cốt tại những lễ nghi, hình
thức bên ngoài, những lễ dâng để xin xá tội. (Dt 10,5-7)
Mà chính là để tìm cho ra luật Trời đã ghi tạc sẵn trong tâm
can mình, (Dt 10,16) để tìm cho ra Thiên Ý, để mà theo, mà giữ. (Dt 10,10)
* Sống kết hợp với Thiên Chúa.
Sống kết hợp với Thiên Chúa chính là phần thưởng dành cho những
người đã biết sống siêu phàm, thoát tục, đã rũ bỏ được phần Nhân, phần Hồn đầy
thất tình, lục dục, đã sinh lại được bằng Thần, (Jn 3,5) đã đọc được Thiên
Ý, (1Cr 2,16) đã nói được như Thánh Paul: «Tôi sống, chẳng còn là tôi sống,
mà là Chúa sống trong tôi.»
(Gl 2,20) «Tôi có Thần Chúa» (1Cr 7,40) «Tôi đã nắm
được tư tưởng chúa Kitô.» (1Cr 2,16) «Tôi cũng có một
Thần như Chúa.» (1Cr 6,16-17)
Tóm lại, Chân Đạo trước sau chỉ có một chủ trương: «Hãy
bỏ lề thói sống của con người cũ, điêu tàn theo đà thời gian, với muôn nghìn dục
vọng hoàng lương, hãy sống một đời sống Thần Linh mới, hãy mặc lấy con người mới,
con người đã được tạo dựng nên đúng theo Thiên Ý, trong công chính, trong thánh
thiện của Chân Lý.» (Ep 4,24).
Nhân tử Nguyễn Văn Thọ
Comments
Post a Comment