Nhà Tiên Tri Mohammed (570-632) Và Đạo Hồi
Nhà
Tiên Tri Mohammed (570-632) Và Đạo Hồi
Phạm Văn Tuấn
(Đặc San Lâm Viên)
Đạo Hồi (Islam) là một lối sống chứa đủ ba hình thái
tôn giáo, chính trị và văn hóa và ba hình thái này hòa lại với nhau, lẫn vào
nhau. Đạo Hồi gồm nhiều giáo phái, mỗi thứ lại có thêm các niềm tin riêng khiến
cho tôn giáo này thích hợp với các nhu cầu địa phương. Ngày nay có vào khoảng
trên 1.5 tỉ người thuộc mọi sắc dân sống trên mọi lục địa của trái đất là các
tín đồ của nhà Tiên Tri Mohammed và các quốc gia Hồi Giáo trải dài từ Maroc ở
phía tây tới Pakistan ở phía đông, và tại vùng Viễn Đông còn có hai nước theo
Hồi Giáo là Mã Lai và Indonesia.
Về hình thái tôn giáo, đạo Hồi rất gần với đạo Do
Thái (Judaism) và đạo Thiên Chúa (Christianity) và hai thế giới Hồi Giáo và
Thiên Chúa Giáo ít khác nhau về ý thức hệ (ideology) hơn là về chính trị và
kinh tế. Hệ thống niềm tin của đạo Hồi chứa trong Kinh Koran do Mohammed đọc ra
và được bổ túc bằng bộ sách Hadith, ghi lại những gì Mohammed đã nói và đã làm.
Rồi vào các thời đại khác nhau và tại các địa điểm khác nhau, các người kế tiếp
Mohammed đã biến đổi giáo luật, làm bành trướng Đế Quốc Hồi Giáo, lấn át hai đế
quốc Byzantine và Ba Tư (Persian), mở mang tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn cả Đế
Quốc La Mã với phạm vi trải dài từ Tây Ban Nha tới Ấn Độ.
Nền văn hóa Hồi Giáo là tập hợp của nhiều nền văn hóa
khác nhau trong đó có văn hóa Cổ Do Thái, Cổ Hy Lạp, Ấn - Ba Tư của thời Trung
Cổ. Trong khoảng 400 năm từ giữa thế kỷ thứ 8 tới thế kỷ thứ 12, nền văn hóa
tổng hợp Hồi Giáo đã phát triển rực rỡ và đã là kiểu mẫu cho Khoa Học và Văn
Chương của thời kỳ Phục Hưng của châu Âu.
Thánh Kinh và các sách Lễ của Do Thái Giáo và Thiên
Chúa Giáo là các tuyển tập bao gồm các lời tiên tri và cầu nguyện, các luật lệ,
các câu thơ và châm ngôn, các chuyện kể tôn giáo của nhiều thời kỳ, viết ra do
nhiều tông đồ khác nhau nhưng, mỗi lời nói trong Kinh Koran của đạo Hồi lại từ
miệng của một người duy nhất là nhà Tiên Tri Mohammed đã nói ra trong vòng 22
năm vào đầu thế kỷ thứ 7. Kinh Koran là cuốn sách dày vào khoảng cuốn Tân Ước
(New Testament), là một trong các thánh thư đáng kể nhất trong Lịch Sử, đã ảnh
hưởng tới đời sống của hàng trăm triệu người.
Kinh Koran là trái tim của Đạo Hồi, gồm có các chương
gọi là «suras», một số tuy ngắn gọn nhưng đã đề cập tới «Ngày
Phán Xét» (the Day of Judgment) đòi hỏi mọi người phải tôn thờ một Thượng
Đế (one God). Các chương khác nói về các lời tiên tri, đề cập tới các quy luật
về công lý (justice), tài sản và gia đình. Tất cả các lời kinh được viết bằng
tiếng Ả Rập vừa có tính thôi miên (a hypnotic Arabic), vừa mang tính hùng biện
khiến cho lời kinh không phải là lời nói của một con người mà có vẻ là lời của
chính Thượng Đế (the Word of God Himself).
Trong 6 thế kỷ cho tới năm 1258 khi quân Mông Cổ tàn
phá thành phố Baghdad là thủ đô của Hồi Giáo, đạo Hồi đã gây được các ảnh hưởng
mạnh mẽ nhất về tôn giáo, chính trị và văn hóa. Văn hóa Hồi Giáo đã liên kết
các sắc tộc thuộc các vùng đất xa xôi khác nhau: người Tây Ban Nha, người Phi
Châu, người Ba Tư, người Ai Cập, người Ấn Độ… Người theo đạo Hồi đã học hỏi kỹ
thuật làm giấy của người Trung Hoa và truyền phát minh này qua Tây Phương. Các
chữ số Ả Rập do người Hồi mang về từ xứ Ấn Độ để về sau trở nên các chữ số Toán
Học. Người Hồi cũng phiên dịch lại các tác phẩm văn chương, triết học và khoa
học của thời Cổ Hy Lạp mà đối với Tây Phương đã bị thất lạc trong nhiều thế kỷ.
Các nhân tài người Hồi đã học hỏi từ nhiều nền văn
hóa, khai triển các học thuyết cổ, làm phát triển và đóng góp vào nhiều bộ môn
bao gồm cả Y Khoa, Hóa Học, Vật Lý, Toán Học và Thiên Văn Học… Nền Kiến Trúc
Hồi Giáo cũng có các nét đặc thù, thêm vào là các ngành nghệ thuật khác như dệt
thảm, làm đồ gốm, khắc ngà voi và khắc gỗ… Văn Chương Hồi Giáo cũng bao gồm các
tác phẩm danh tiếng chẳng hạn như tập thơ cổ điển Ba Tư Rubaiyat của Omar
Khayyam hay tập truyện «Ngàn Lẻ Một Đêm» (the Arabian Nights) mà
nhiều học giả cho rằng tập truyện này đã mở đường cho các cuốn tiểu thuyết của
Tây Phương (western novels).
Đạo Hồi bắt nguồn từ các vùng đất nhỏ, nóng cháy, khô
cằn, rải rác trên diện tích một triệu dặm vuông nằm giữa châu Á và châu Phi.
Nơi đây vào mùa hè có các trận gió mạnh nóng hơn 110 độ F (khoảng 43 độ C) còn
về mùa đông là các cơn gió lạnh thấu xương. Cư dân trên các vùng đất này là các
người thuộc bộ lạc Bedouin trú ngụ trong các túp lều dệt bằng lông dê hay lông
lạc đà, họ sống bằng thứ khẩu phần thanh đạm gồm có sữa và trái chà là (dates).
Các bộ lạc này trước thời kỳ Hồi Giáo, đã sinh sống dưới nền cai trị của người
Ba Tư, người Ethiopia hay người Thổ Nhĩ Kỳ và họ phải đóng thuế cho kẻ thống
trị. Tuy nhiên, các bộ lạc này đã không bị chinh phục, họ chạy trốn trước các
đoàn quân viễn chinh bằng cách lẩn sâu vào trong sa mạc mênh mông mà chỉ có họ
mới biết cách sống còn. Họ thường cướp bóc các bộ lạc khác và coi đó là một lối
sống. Do luôn luôn di chuyển, các người Bedouin chỉ mang theo mình các vật dụng
cần thiết: một số ít quần áo, túp lều màu đen dệt bằng lông lạc đà, bình nước,
vũ khí và yên cương. Họ là những người mù chữ nhưng lại giàu về thi văn truyền
khẩu, kể lại lịch sử qua các thế hệ. Chính các bộ lạc Bedouin này đã giữ một
vai trò quan trọng trong lịch sử của Đế Quốc Hồi Giáo.
Trước khi theo đạo Hồi, người Bedouin thờ các thần
linh mà họ cho rằng có các quyền lực siêu nhiên và cư ngụ tại các tảng đá, các
gốc cây lớn hay các khúc gỗ quý. Đối với họ, các đức tính tối thượng của con
người là lòng trung thành, lòng đại lượng và tính can đảm. Nhờ lòng trung thành
(loyalty), con người được bộ lạc che chở để sống còn. Lòng trung thành là căn
cốt (core) của tinh thần băng nhóm (clan spirit = asabiyya) và mỗi người phải tỏ
ra can đảm cho tới chết để bảo vệ các quyền lợi của bộ lạc và các quyền lợi này
liên quan tới miền đất có cây xanh và nước uống mà chính tại nơi khô cằn này,
nước còn được quý hơn vàng. Lòng đại lượng (generosity) biểu hiện bằng tình
hiếu khách, sẵn lòng cung cấp thực phẩm, nước uống và nơi trú ngụ cho kẻ lữ
hành trên sa mạc. Tính can đảm được coi là cần thiết để bảo vệ đàn bà và trẻ em
và để tham dự vào các trận cướp bóc, muốn vậy người thanh niên phải thông thạo
kỹ năng cưỡi ngựa và kỹ thuật bắn cung.
2/
Khởi thủy của Đạo Hồi.
Vào giữa thế kỷ thứ 6 tại miền bắc của xứ Ả Rập
(Arabia) có ba địa điểm đặc biệt tọa lạc trên một vùng núi gọi là Hijaz và vùng
này có phía tây là Hồng Hải (the Red Sea) còn phía đông là một sa mạc bao la.
Chính giữa vùng Hijaz là thị trấn Yathrib, một ốc đảo (oasis) xanh tươi với các
nông trại và làng mạc nhỏ trải dài trên một diện tích 20 dặm vuông. 250 dặm về
phía nam của Yathrib là thị xã Taif, nơi nghỉ mát mùa hè của các gia đình Ả Rập
giàu có và tại phía tây bắc của Taif, cách Hồng Hải 50 dặm vào sâu trong đất
liền là thành phố Mecca, nơi thị tứ sầm uất và quan trọng nhất.
Mecca là nơi dừng chân của các đoàn thương nhân, dùng
lạc đà chở rất nhiều sản phẩm như hương liệu, kim loại quý, đồ gốm, ngà voi,
lụa… Họ từ miền nam lên, từ Hadhramaut hay từ Yemen, để đi tới các chợ phiên
nằm trong xứ Syria. Cũng có các đoàn khác chở hàng hóa từ Hồng Hải, dừng chân
tại Mecca rồi đi qua sa mạc đến xứ Iraq. Tới Mecca còn có các tín đồ đi hành
hương, họ đến ngôi đền thờ nằm giữa thành phố có kiến trúc mang hình dạng một
khối vuông gọi là Kaaba. Vật linh thiêng nhất trong ngôi đền này là một vẩn
thạch (meteorite) được gọi là Tảng Đá Đen (the Black Stone) được gắn vào trong
tường của đền thờ. Người dân ở đây thờ Allah, là Đấng Tạo Hóa của Vũ Trụ và
ngoài Thần Allah còn có khoảng 300 vị thần nam nữ khác với các bức tượng được
bày trong đền. Ngoài việc đi hành hương tới Mecca, người dân các vùng khác còn
tham dự vào các phiên chợ cùng các đoàn thương nhân ở xa, khiến cho thành phố
Mecca càng trở nên sầm uất và giàu có.
Quyền hành điều khiển thành phố Mecca này ở trong tay
bộ lạc Kuraish (Quraysh) và họ đã quản trị thành phố với các người đại biểu bầu
lên từ các gia đình có thế lực. Chính tại thành phố Mecca bận rộn này mà
Mohammed đã ra chào đời, vào khoảng năm 570 sau Tây Lịch, với tên có ý nghĩa
theo tiếng Ả Rập là «được ca tụng nhiều». Mohammed là con của ông
Abdullah thuộc nhóm Beni Hashim của bộ lạc Kuraish, qua đời chỉ ít lâu sau khi
sinh ra Mohammed.
Tuy không giàu có nhưng theo truyền thống của gia
đình có địa vị, Mohammed được gửi tới một bà mẹ nuôi Bedouin để sống ở sa mạc,
nơi có khí hậu trong lành hơn. Năm lên 6 tuổi, mẹ chết, Mohammed sống với ông
nội rồi sau đó ít lâu, ông già này cũng qua đời và người nuôi dưỡng và là cha
đỡ đầu của Mohammed là Abu Talib, một người chú. Do không có tài sản, Mohammed
phải làm nhiều việc để kiếm sống như chăn cừu, mua bán… rồi tới làm công cho
một người đàn bà góa chồng tên là Khadija, có một cơ sở thương mại nhỏ. Do công
việc thương mại của bà góa này, Mohammed đã có lần được cử theo đoàn thương
nhân đi tới Syria vào thời đó còn nằm trong tầm ảnh hưởng của đế quốc Byzantine
theo Thiên Chúa Giáo. Chính tại Syria mà Mohammed đã gặp gỡ các người theo đạo
Thiên Chúa.
Đạo Thiên Chúa đi vào miền Arabia qua ngả Syria, qua
Palestine và từ vùng đất Abyssinia ở phía bên kia của Hồng Hải, và tại thành
phố Mecca cũng đã có các nhóm người Do Thái gốc Ả Rập theo Thiên Chúa giáo.
Trong hoàn cảnh như thế và nhất là sau chuyến đi tới Syria, Mohammed đã được
nghe nói tới Chúa Jesus và các nhà tiên tri và đã quan sát thấy các người Do
Thái và người theo Thiên Chúa giáo tôn thờ Thượng Đế ra sao. Mohammed nhận thấy
đồng bào của ông ta thiếu hẳn một niềm tin để kết hợp lại với nhau và do từ nhỏ
bị nghèo khó, mồ côi và ở giai cấp thấp, ông ta đặc biệt bất mãn đối với những
kẻ giàu có kiêu ngạo, chỉ biết coi trọng tiền bạc. Lòng trung hậu, tính dịu
dàng và bản chất trầm tư đã khiến Mohammed được tôn trọng tại Mecca. Ông ta
được mọi người gọi là al-Amin hay «người đáng tin cậy» (the
Trustworthy).
Mohammed lại có một cá tính mạnh, hấp dẫn, một vẻ
ngoài đẹp trai và vạm vỡ, vai rộng, tay dài, vầng trán cao và đôi lông mày rậm
rạp chắn phía trên đôi mắt to và đen. Vóc người tầm thước, Mohammed bước đi với
dáng vẻ oai nghiêm khiến cho nhiều người mới gặp đã phải kính nể. Bà Khadija
khi đó cũng đã mang lòng cảm phục, một phần vì vẻ người, một phần vì cách điều
hành công việc của Mohammed. Khadija đã hai lần lập gia đình và lớn hơn
Mohammed 15 tuổi nhưng vẫn đề nghị hôn nhân với Mohammed. Mohammed nhận lời và
đã trung thành với bà vợ già này trong suốt 25 năm liền. Họ có ba con trai đều
bị chết lúc còn trẻ và bốn người con gái trong số này chỉ có Fatima là người đã
sinh con và sau này giữ một vai trò trong lịch sử của đạo Hồi.
Từ ngày lập gia đình, Mohammed không phải bận tâm về
sinh kế, ông ta có đủ thời giờ để suy ngẫm và thường hay tránh xa thành phố
Mecca ồn ào, có khi đi một mình, có khi đi với gia đình tới một hang động để
suy nghĩ về cuộc sống và cõi chết và về bản chất của Vũ Trụ. Theo nhà tiểu sử
học đầu tiên viết về Mohammed là Ibn Ishaq, vào năm 610 sau Tây Lịch khi
Mohammed vào khoảng 40 tuổi và tỉnh giấc sau một giấc ngủ trên núi Hira, ông ta
đã nghe thấy tiếng nói từ trên Trời của một thiên thần có hình dạng người, bảo
như sau: «Ô, Mohammed, ông là Tông Đồ của Thượng Đế và ta là
Gabriel».
Mohammed trở về nhà, gặp Khadija và kể lại câu chuyện
đã xẩy ra. Bà vợ này liền đi gặp vị trưởng giáo trong bộ lạc và vị này công bố
rằng Mohammed đã được mặc khải giống như Moses và ông ta sẽ là nhà Tiên Tri của
dân tộc Ả Rập. Nhưng Mohammed đã không giữ vai trò Tiên Tri ngay và vào lần
khải huyền thứ hai, ông ta được Thượng Đế bảo phải đi thông báo cho dân chúng
biết những điều răn dạy của Thượng Đế.
Từ năm 613 tại Mecca, Mohammed bắt đầu đi thuyết
giảng tại các nơi công cộng. Ông ta dạy người dân thời đó rằng Allah là Chúa Tể
Duy Nhất của Vũ Trụ và con người phải biết ơn và tôn thờ Allah vì lẽ sống của
mình. Mohammed cũng rao giảng rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế,
rằng người giàu có phải san xẻ tài sản cho người nghèo khó và cảnh cáo mọi
người về số mệnh của con người ở trong tay Thượng Đế: sẽ có một Ngày Phán Xét
(a Day of Judgment) dành cho mọi người.
Vào thời đại trước, người dân Ả Rập theo tà giáo
(paganism) đã tin rằng tiêu chuẩn của sự thành công là tài sản giàu có mà người
ta tích lũy được và sự chết là sự chấm dứt tất cả, kể cả đời người, nhưng tới
thời này Mohammed lại dạy bảo rằng vào Ngày Phán Xét, trái đất sẽ bị tách ra
làm hai, các ngôi sao sẽ rơi xuống và tất cả nhân loại, người sống cũng như
người chết đều ra trước ngai vàng của Allah. Lúc này cuốn Sách Ghi Chép về Các
Việc Làm Tốt (the Book of Deeds) sẽ được đọc lên, các người làm việc thiện sẽ được
tưởng thưởng và lên Thiên Đường, còn các kẻ có tội sẽ bị cột bằng dây xích, kéo
xuống hỏa ngục và bị hành hạ. Mohammed tự coi mình là nhà Tiên Tri cuối cùng,
sau Adam, Noah, Abraham, Moses và Jesus.
Mohammed đã trở nên một Sứ Đồ (the Messenger) của Thượng
Đế, là nhà Tiên Tri (the Prophet) của một tôn giáo mới là Đạo Hồi và đã có 4
tín đồ, đầu tiên là bà vợ Khadija, tới người em họ trẻ tuổi Ali, rồi Zayd, một
tên nô lệ được trả tự do và cuối cùng là Abu Bakr, một người giàu có. Riêng Abu
Bakr và Ali là hai nhân vật sau này sẽ giữ các vai trò quan trọng trong việc
bành trướng đạo Hồi.
Các tín đồ khác vào thuở ban đầu của nhà Tiên Tri là
những kẻ nghèo hèn, các kẻ bị áp chế…, họ đón nhận lời rao giảng với hy vọng ở
kiếp này và ở kiếp sau, trong khi các kẻ giàu có, quyền thế thuộc giới quý tộc
Kuraish lại chống đối kịch liệt. Họ đã nhìn thấy ở các lời rao giảng đó những
đe dọa ảnh hưởng tới cuộc sống ưu đãi của họ. Họ cũng e ngại khi đã có một số
đông người tin theo, Mohammed sẽ có một sức mạnh ảnh hưởng đến quyền lực chính
trị tại thành phố Mecca và các lời chỉ trích các thần tà giáo có thể tác dụng
đến các quyền lợi thương mại của họ.
Do ngôi đền Kaaba có chứa 300 bức tượng thần nam nữ,
nếu phá bỏ các hình tượng này, nhóm người Benni Ommaya sẽ mất đi nguồn lợi từ
các kẻ hành hương, vì thế họ đã chế nhạo Mohammed, coi như một kẻ nói dối,
lường gạt và các khải huyền chỉ là do trí tưởng tượng mà ra. Một số người theo
đạo Hồi lúc ban đầu đã bị ném đá, bị đánh đập. Khoảng 80 người Hồi giáo đã bỏ
chạy qua miền Abyssinia để lánh nạn. Một đoàn đại biểu của người Kuraish đã qua
miền đó, đề nghị với Vua và người Negus của miền này trục xuất họ, không cho cư
ngụ vì họ đã nói xấu đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, các người Hồi giáo đã đọc một
đoạn Kinh Koran về Bà Mary theo đó Chúa Jesus Christ và Bà Mary rất được kính
trọng nhưng Kinh Koran chỉ coi Chúa Jesus là một nhà Tiên Tri mà không phải là
Con của Thượng Đế. Người Negus đã thấy quan điểm đó không xúc phạm tới họ, nên
đã cho phép các người Hồi cư trú.
Trong khi đó tại Mecca, Mohammed và các tín đồ còn bị
ngược đãi nhiều hơn. Các điều không may vẫn tới với nhà Tiên Tri: bà vợ Khadija
qua đời, rồi sau đó tới lượt ông chú Abu Talib, người đã từng nuôi dạy và che
chở Mohammed. Trước các khó khăn tại Mecca, Mohammed đã đi tới thị xã Taif để
thuyết giảng nhưng cũng bị dân cư tại nơi đây chế nhạo và nhục mạ nên sau đó
phải quay trở về Mecca. Đúng vào lúc này, vận may đã đến với Mohammed.
Một nhóm người đi hành hương tại Mecca, do đã nghe
Mohammed thuyết giảng và vì khâm phục, nên đã mời ông ta tới Yathrib để dàn hòa
cho cuộc tranh chấp giữa hai bộ lạc thù nghịch nhau. Mohammed nhận lời và cử
một nhóm tín đồ đi trước còn chính mình đi sau vài tuần lễ. Chuyến đi định mệnh
này xẩy ra vào tháng 9 năm 622 sau Tây Lịch, được gọi là Hegira hay Hijra và
sau này được coi là dịp khởi đầu cho Kỷ Nguyên Hồi Giáo.
Tại Yathrib, Mohammed bắt đầu xây dựng một cộng đồng
Hồi Giáo cho mình và nơi đây trở nên trái tim của Đạo Hồi và được gọi là
Madinat al-Nabi hay «thành phố của nhà Tiên Tri», hay theo cách gọi
đơn giản là «Medina = thành phố», một tên quen thuộc ngày nay. Từ
nay, Mohammed đã giữ một vai trò quan trọng về quyền lực tinh thần và chính
trị.
3/
Các việc làm của nhà Tiên Tri Mohammed.
Một trong các vấn đề đầu tiên của Mohammed tại Medina
là đối phó với các người Do Thái. Đây là nhóm người kiểm soát các miền đất giàu
có nhất và đã liên lạc với một trong hai bộ lạc có quyền lực tại ốc đảo.
Mohammed muốn làm sao cho người Do Thái chấp nhận mình là một nhà Tiên Tri nên
đã cố gắng giành được sự ủng hộ của họ bằng cách chấp nhận một số lễ nghi Do
Thái, chẳng hạn như việc ăn chay vào ngày chuộc tội (the Day of Atonement) và
việc cắt da quy đầu, việc không ăn thịt heo vì con heo bị coi là một con vật dơ
bẩn và khi cầu nguyện thì hướng về thành phố Jerusalem. Một số người Do Thái vì
thế đã cải sang đạo Hồi trong khi một số khác lại cho rằng các mặc khải của
Mohammed đã trái ngược với Thánh Thư của họ và vì thế bị coi là sai. Mohammed
bèn phản ứng lại, cho rằng người Do Thái đã theo các Thánh Thư sai lầm và chỉ
có Kinh Koran mới thực sự là Lời của Thượng Đế.
Sau khi đã thấy rõ không thể lôi cuốn được người Do
Thái, Mohammed bèn quyết tâm xây dựng riêng cho mình một cộng đồng Hồi Giáo lúc
đầu chỉ gồm người Ả Rập. Để kêu gọi giáo dân đi cầu nguyện vào các ngày giờ
nhất định, nhà Tiên Tri đã không dùng tiếng gõ bằng các khúc gỗ hay tiếng tù và
thổi từ sừng dê mà dùng tiếng người, và Bilal, một người Abyssinia cải theo đạo
Hồi, là người gọi đi lễ (muezin) đầu tiên. Việc ăn chay vào ngày chuộc tội cũng
được sửa thành cả một tháng ăn chay Ramadan, tháng thứ 9 trong năm Âm Lịch Hồi
Giáo và thay vì hướng về Jerusalem để quỳ lạy, tín đồ Hồi Giáo được lệnh quay
về hướng Đền Kaaba ở thành phố Mecca. Việc hôn lên Tảng Đá Đen gắn trong bức
tường của Đền Kaaba cũng được coi là một biểu hiện cao quý của đức tin và các
người hành hương làm như vậy được mang tước hiệu «Hadji».
Cũng vào thời gian này bắt đầu các hành động của
người Hồi giáo chống lại các kẻ thù của đức tin tại Mecca. Mohammed đã cho phép
các tín đồ đánh cướp các đoàn thương mại của Mecca đi qua lãnh thổ Medina, một
phần vì cần tới đồ ăn và các vật dụng để giúp đỡ những ngươi di dân mới trong
vùng, một phần để trả thù cho các thân nhân người Hồi giáo bị hành hạ và ngược
đãi tại Mecca.
Từ nay đã xẩy ra các cuộc đụng độ giữa hai vùng đất
và trong trận chiến lớn nhất diễn ra tại Badru, phía tây nam của Medina, hai
lực lượng đã đối đầu nhau. Phe Hồi giáo có 300 người còn phía Mecca gồm 1,000
chiến binh. Lực lượng Mecca muốn nhân dịp này dạy cho người Hồi một bài học là
không được đụng chạm tới họ, còn người Hồi giáo cũng không thể rút lui vì e
ngại mất danh dự. Cuộc chiến tàn sát đã diễn ra trong khi Mohammed chăm chú cầu
nguyện. Một điều may mắn đã xẩy ra cho nhà Tiên Tri là đội quân nhỏ Hồi giáo đã
chiến thắng nhờ chiến đấu kiên cường. Sự chiến thắng này đã được người Ả Rập
coi là một điều huyền diệu (the Miracle at Badru), một dấu hiệu của Thượng Đế
coi Mohammed là một tông đồ thật sự.
Người Hồi giáo đã chia nhau của cải cướp được, coi
việc tuân theo lời Thượng Đế đã mang lại lợi ích trên trái đất cũng như sau này
trên Thiên Đường. Người Hồi giáo từ nay tin tưởng rằng nếu chiến thắng trong
các lần phục kích kẻ địch, họ sẽ nhận được của cải, còn nếu bị giết nơi trận
mạc, họ sẽ được tưởng thưởng, lên thẳng Thiên Đường mà không cần phải chờ đợi
tới Ngày Phán Xét. Nhiều bộ lạc gần đó vì thế đã cải theo đạo Hồi và chiến đấu
dưới cờ của Mohammed.
Người Kuraish sau đó đã không chịu thua, năm sau đã
tấn công Medina bằng lực lượng 3,000 người và chính nhà Tiên Tri đã bị thương
trong lần giao tranh này. Rồi vào năm 627 sau Tây Lịch, các người của thành phố
Mecca đã quyết định thanh toán Mohammed bằng một đạo quân 10,000 người với 600
kỵ binh. Do lời khuyên của một tín đồ mới gốc Ba Tư, Mohammed đã cho đào một
cái hào khô rất lớn, chắn ngang trước lối tiến vào thành phố Medina. Đây là một
chiến thuật mới trong kỹ thuật chiến tranh sa mạc khiến cho đạo quân của Mecca
phải đóng trại bên ngoài, chờ đợi sự nổi loạn của số người Do Thái bên trong.
Thời tiết trở lạnh, nguồn tiếp tế lương thực bị thiếu thốn đã khiến cho các
người Mecca phải rút lui sau 40 ngày vây thành.
Sau chiến thắng này, Mohammed đã ra lệnh chặt đầu
khoảng 600 người Do Thái phản loạn, vợ con của họ bị bắt làm nô lệ. Có người
cho rằng hành động tàn nhẫn này của nhà Tiên Tri là để làm chia rẽ các bộ lạc Ả
Rập và Do Thái và khiến cho mọi bộ lạc Ả Rập khác từ nay chỉ còn một lòng trung
thành là đối với đạo Hồi.
Năm 628, Mohammed lại dẫn một đoàn hành hương tới
Mecca gồm 1,000 tín đồ. Lực lượng Mecca đã ra ngăn chặn với 200 kỵ binh. Trận
chiến sắp xẩy ra nhưng cuối cùng là một cuộc dàn xếp để tránh cho hai bên không
bị mất mặt theo đó người dân Medina có thể tới cầu nguyện tại Mecca vào năm
sau. Đây là một thắng lợi của Mohammed vì thế lực của ông ta đã được coi như
ngang hàng với tầm vóc của Mecca. Việc đi hành hương, một phong tục trước kia
của tà giáo, đã làm cho đạo Hồi trở nên một tôn giáo mang màu sắc Ả Rập.
Do thỏa thuận hưu chiến trong 10 năm, Mohammed đã
từng dẫn các đoàn hành hương 2,000 người tới lễ Đền Kaaba và tới năm 630, các
tín đồ đã lên tới 10,000 người. Lúc này, lực lượng Mecca bị yếu dần vì nhiều
nhà lãnh đạo đã bị chết trong trận mạc, vì sự chia rẽ nội bộ và cuối cùng,
Mohammed tiến vào Đền Kaaba, phá hủy tất cả các tượng tà giáo và tuyên bố: «Sự Thật đã đến và sự Giả đã bị tan biến». Từ nay thành phố Mecca chỉ
cho phép người theo đạo Hồi đi vào và ngôi Đền Kaaba trở nên trung tâm linh
thiêng nhất của đạo Hồi.
Mohammed sau đó đã hành động nhân từ, tha thứ cho các
kẻ chiến bại tại Mecca đã chống đối mình khi trước khiến cho những người đó về
sau cũng cải sang đạo Hồi. Các đội quân Hồi Giáo từ dạo đó đã đánh phá các nơi
xa xôi hơn, một phần do quyền lợi vật chất, trong khi các người theo Do Thái
Giáo và Thiên Chúa Giáo vẫn được phép duy trì tôn giáo của họ miễn là họ đóng
thuế đầy đủ cho người Hồi.
Trong 22 năm làm sứ mạng của nhà Tiên Tri, ông
Mohammed đã mang lại cho người Ả Rập niềm tin vào một Thượng Đế, đã đoàn kết
các bộ lạc du mục rời rạc bằng một ý thức hệ quốc gia để chiến đấu và chiến
thắng. Trong khi đó, mặc dù là một nhà thống trị tuyệt đối, Mohammed vẫn theo
đuổi một cuộc sống đạm bạc và người ta còn kể rằng ông ta vẫn tự mình vá lấy
quần áo bị rách. Mohammed cũng thể hiện lòng nhân đạo bằng cách hủy bỏ chế độ
nô lệ, một việc làm đáng khen, đồng thời các tật uống rượu, đánh bạc và cho vay
nặng lãi đều bị coi là vi phạm luật lệ của Thượng Đế. Mohammed được người Ả Rập
coi là có đủ mọi đức tính tốt, đặc biệt là sự tử tế và lòng trung thành.
Nhiều người tây phương đã coi nhà Tiên Tri này ưa
thích nhục dục, đã có 9 người vợ sau khi bà Khadija qua đời, nhưng thực ra
Mohammed đã trung thành với người vợ cao tuổi hơn mình cho đến khi bà này chết
và các lần hôn nhân khác đều vì các lý do chính trị hay nhân đạo. Vài người vợ
của nhà Tiên Tri đã là các góa phụ của các tướng tá bỏ mình vì đạo Hồi, một số
khác là con gái của các nhà lãnh đạo Ả Rập quan trọng. Người vợ được sủng ái
nhất của Mohammed là A'isha, con gái của Abu Bakr là người bạn thân nhất và là
cố vấn thân cận nhất. Mohammed đã lấy cô gái này khi nàng chưa được 10 tuổi.
Vào năm thứ 10 của kỷ nguyên Hồi Giáo, lúc 63 tuổi,
Mohammed ngả bệnh và đã yêu cầu các người vợ khác cho mình được sống gần
A'isha. Vào lúc này nhà Tiên Tri vẫn cố lê bước tới đền thờ Hồi Giáo và nói với
các tin đồ rằng các người giữ vững miền tin sẽ theo ông ta lên Thiên Đường.
Mohammed đã chết trong vòng tay của A'isha.
Khi nghe tin nhà Tiên Tri qua đời, các tín đồ Hồi
giáo đã hoảng hốt và trong hoàn cảnh bối rối đó, Abu Bakr đã la lên «Thượng Đế còn sống và không chết. Mohammed chỉ là nhà Tiên Tri, trước ông
ta còn có các nhà Tiên Tri khác». Thi hài của Mohammed được chôn dưới nền
túp lều của ông tại Medina, nơi này ngày nay được coi là ngôi đền linh thiêng
thứ hai của Đạo Hồi.
Phạm Văn Tuấn(Đặc San Lâm Viên)
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; A History of the
Arab Peoples by Albert Hourani, MJF Books, N.Y. 1991.
Comments
Post a Comment