Năm Niềm Tin Của Đạo Hồi
Năm
Niềm Tin Của Đạo Hồi
Phạm Văn Tuấn
(Đặc San Lâm Viên)
Vào thế kỷ thứ 7, đạo Hồi trở nên một tôn giáo mới,
khác với đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa không những do quan niệm về Thượng Đế mà
còn do sự kết hợp cả chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội với tôn giáo, khiến
cho đạo Hồi có những nét đặc thù, rất thích hợp với xã hội của các xứ Ả Rập.
Qua nhiều thế kỷ, hình thái chính trị và kinh tế của
đạo Hồi đã bị biến đổi nhưng hình thái tôn giáo vẫn được giữ nguyên. Hệ thống
các niền tin tôn giáo của đạo Hồi gồm các bổn phận đạo đức và các giá trị luân
lý, được đặt căn bản trên 5 niềm tin là: đức tin, các việc cầu nguyện, bố thí,
nhịn ăn và đi hành hương. Đây là các điều bắt buộc đối với người theo đạo Hồi
nhờ đó đạo Hồi đã có được một hình thức duy nhất, đã đứng vững và được duy trì
lâu dài.
1/
Niềm tin thứ nhất.
Niềm tin thứ nhất là lòng tin tưởng tuyệt đối vào
Allah và vào Nhà Tiên Tri. Một người được coi là đã theo đạo Hồi khi tuyên bố
về đức tin trước một tín đồ Hồi giáo khác, gồm câu xác nhận: «Không có Thượng Đế nào khác ngoài Allah và
Mohammed là Sứ Đồ của Ngài». Đây là câu xác nhận đức tin ngắn gọn nhất
trong lịch sử, lại có vần điệu rất âm nhạc nếu được đọc theo tiếng Ả Rập: «La ilaha illa Allah, Muhammad rasul Allah».
Đức tin vào câu xác nhận này còn bao gồm 3 điều tin
tưởng khác: niềm tin vào Kinh Koran là Lời của Thượng Đế, niềm tin vào các
thiên thần như là những nhân vật làm theo ý muốn của Thượng Đế và niềm tin vào
Ngày Phán Xét Cuối Cùng dành cho mọi người. Rồi sau khi đã xác nhận đức tin,
người tín đồ không có cách nào xoay trở khác và hình phạt dành cho kẻ bỏ đạo là
tội chết.
Việc xác nhận niềm tin trong đạo Hồi thật là đơn
giản, không đòi hỏi phải làm một lễ nghi, dù một phép bí tích như lễ rửa tội,
lễ ban thánh thể cũng như theo các khóa học về giáo lý. Đạo Hồi cũng không tổ
chức một hệ thống tu sĩ mặc dù vẫn có một đội ngũ lớn lao các học giả gọi là «ulama = các nhà trí thức» (the learned),
những vị này là những nhà lãnh đạo trí thức và tinh thần của cộng đồng Hồi
giáo, giữ vai trò quan trọng là lập ra và diễn đạt các luật lệ Hồi giáo.
Qua nhiều thế kỷ, đạo Hồi vẫn giữ được tính đơn giản,
ít ra là về bề ngoài bằng cách không dùng các lễ nghi phức tạp, không ưa sự hào
nhoáng phô trương nhưng bên trong lại có rất nhiều vấn đề thần học
(theological) phức tạp khiến cho các học giả đã tranh cãi nhau, chẳng hạn như
về định mệnh.
Người theo Hồi giáo lúc đầu chỉ có một giáo điều duy
nhất không được phép tranh luận: niềm tin vào Allah duy nhất, vừa siêu việt,
vừa vạn năng, là vị sáng tạo ra thế giới và là vị Cha không có ai là Con, không
chia xẻ quyền uy với ai và nếu nghĩ khác điều này là sẽ phạm tội «shirk», tội gán cho Thượng Đế có các
người cộng tác khác. Allah như vậy là Đấng Tối Thượng, có mọi quyền năng và con
người chỉ có một lòng tuân theo Lời của Ngài (His Word). Kinh Koran cũng xác
nhận rằng ông Abraham không phải là người Do Thái, cũng không phải là một người
Thiên Chúa giáo, ông ta là một con người thẳng thắn, đã thần phục Allah và
những người nào gần Abraham nhất được coi là đi theo Nhà Tiên Tri này.
Thượng Đế có tính siêu việt nhưng lại ở không xa con
người. Kinh Koran đã mô tả «Thượng Đế ở
gần con người hơn là mạch máu nơi cổ» và đã có nhiều bài thơ ca ngợi lòng
đại lượng, thương xót của Thượng Đế đối với con người và nhiều người đã gọi
Allah là Đấng Từ Bi, Đấng Đại Lượng... và còn rất nhiều mỹ từ khác.
Sau niềm tin vào Thượng Đế, tới niềm tin vào các nhà
Tiên Tri và các lời giảng dạy của các vị này. Theo đạo Hồi, trước Mohammed chỉ
có 5 nhà Tiên Tri: Adam, Noah, Abraham, Moses và Jesus. Mỗi vị Sứ Đồ này đã
từng mang đến cho con người Lời của Thượng Đế nhưng con người đã lẩn tránh các
lời giảng dạy đó, vì vậy một vị Tiên Tri mới khác là Mohammed lại được phái
xuống thế gian để chỉ dẫn cho con người đi tới sự cứu rỗi. Nhà Tiên Tri
Mohammed vì thế có một nhiệm vụ đặc biệt, đây là vị Tiên Tri cuối cùng và các
lời nói của Mohammed sẽ dẫn dắt con người tới Ngày Phán Xét sau này.
Vì Kinh Koran là lời nói của Thượng Đế nên người theo
đạo Hồi tin rằng Kinh này không thể sai lầm được. Việc đọc kinh là một phần
trong việc thờ phượng và nhiều người Hồi đã nhớ thuộc lòng quyển Kinh, chứa vào
khoảng 78,000 từ (words) và dày như cuốn Kinh Tân Ước.
Sau khi Mohammed chết vào năm 632, nhiều người bạn
của nhà Tiên Tri đã nghĩ tới việc ghi chép lại Kinh Koran vì số người nhớ thuộc
lòng đã bị giảm dần vì chết trận, vì sự tản mạn trong cách nhớ thuộc lòng.
Người kế tiếp Mohammed để lãnh đạo Hồi Giáo lúc bấy giờ là Abu Bakr, đã ra lệnh
thu gom các tài liệu ghi chép về kinh Koran, về sự khải huyền… để soạn ra một
văn bản duy nhất. Vào thời kỳ đó, chữ Ả Rập còn ở trong hình thức đơn giản,
thiếu dấu phát âm và thiếu nguyên âm vì thế đã xẩy ra sự tranh luận về cách đọc
một số từ, một số câu kinh. Tuy nhiên, cuốn kinh đã được hiệu đính nhờ sự cương
quyết của Uthman, người kế tiếp thứ ba của Mohammed, một trong những người đầu
tiên cải sang đạo Hồi và cũng là con rể, đã kết hôn với hai người con gái của nhà
Tiên Tri. Uthman đã lập ra một ủy ban cứu xét để viết ra một bản Thánh Kinh,
các văn bản chép khác đều bị đốt bỏ. Chính vì cách làm này mà một số học giả
ngày nay tin rằng còn có các phần khác ghi lại các lời nói của nhà Tiên Tri
trong khi lại có các phần ghi chép bị nghi ngờ.
Vì không ai dám quả quyết thứ tự các chương trong
Kinh Koran, nên các chương này, hay suras, được xếp đặt theo độ dài. Các chương
được gọi tên tùy theo sự kiện xẩy ra hay do một từ đặc biệt có bên trong. Sau
chương mở đầu ca ngợi Thượng Đế là «Chúa
Tể của Vũ Trụ», tới chương dài nhất có tên là «con bò cái» (the cow) vì việc tế thần bằng loại bò này, nói tới
luật lệ và các điều răn dạy, đề cập tới căn bản của tổ chức và các điều lệ của
đời sống Hồi giáo, các nhiệm vụ tôn giáo của người theo đạo, việc ly dị và
chiến tranh…
Việc tin tưởng vào các thiên thần cũng được coi là
quan trọng. Đây là các sứ đồ của Thượng Đế, có nhiệm vụ thi hành các công việc
như giữ cửa Thiên Đường và Hỏa Ngục, làm trung gian giữa Thượng Đế và con
người. Kinh Koran chỉ đề cập tới vài thiên thần như Gabriel và Michael. Gabriel
đã truyền các mặc khải cho Mohammed và Michael thực hiện các lệnh của Thượng Đế
như làm ra gió và mưa. Ngoài ra còn có thiên thần Israfil thổi tiếng kèn vào
Ngày Phán Xét và thiên thần Isra'il hay Thần Chết, lấy đi hơi thở cuối cùng của
người hấp hối.
Một niềm tin tưởng khác liên quan tới ngày phán xét.
Chỉ có Thượng Đế mới biết khi nào thế gian này bị chấm dứt và vào ngày đó, một
tiếng kèn được thổi lên, các người chết từ các nấm mồ sẽ được xét xử về các
hành động của họ lúc còn nơi trần thế. Những người tốt sẽ được trao cho «cuốn sách» ghi chép các hành động của
họ, đặt vào tay phải, còn kẻ xấu có cuốn sách đặt vào tay trái. Kinh Koran cũng
mô tả các cách hành hạ dành cho kẻ có tội, những người này biết rằng vào lúc
này, quyền hành của họ đã hết, tài sản cũng không làm lợi được gì nữa và họ
nghe thấy Thượng Đế ra lệnh cho thiên thần: «Bắt lấy hắn và trói hắn lại,/ rồi đốt hắn trong lửa,/ và sợi xích 70
thước buộc người hắn,/ vì hắn đã không tin vào Thượng Đế,/ và không cho kẻ đói
khát đó đồ ăn gì cả».
Kinh Koran cũng mô tả cảnh cực lạc dành cho người ở
trên Thiên Đường. Đây là mảnh vườn Hạnh Phúc nơi đó các kẻ giàu đức tin ngả
mình trên ngai có cẩn ngọc, chung quanh lại có các nàng hầu trẻ đẹp, họ uống
thứ nước tinh khiết bằng ly pha lê và ăn thực phẩm được chọn lựa nhất để đền bù
cho các hành động tốt của họ. Thiên Đường là nơi cây cối xanh tươi, đặc biệt
hấp dẫn so với miền sa mạc khô cằn của xứ Ả Rập trơ trụi.
2/
Niềm tin thứ hai và thứ ba.
Niềm tin thứ hai của đạo Hồi là «cầu nguyện». Đây là bổn phận quan trọng nhất của người theo đạo Hồi
và không được miễn trừ cho bất cứ ai, dù thuộc về dòng giống hay đẳng cấp xã
hội đặc biệt nào. Nhờ cầu nguyện, tín đồ đã cảm ơn Thượng Đế về lẽ sống của
mình và về những gì mình có được. Có hai loại cầu nguyện: «du'a» là cách cầu nguyện riêng bên trong và «salat» là cách cầu nguyện theo nghi thức. «Du'a» là cách một người có thể liên lạc với Thượng Đế, để cầu xin
một đặc ân gì, đây là cách cầu nguyện đáng khen ngợi, còn «salat» là hình thức tôn thờ được định rõ cho mọi tín đồ.
Một người theo Hồi giáo phải cầu nguyện một ngày 5
lần. Lần cầu nguyện thứ nhất bắt đầu không lâu sau rạng đông, khi tín đồ được
người gọi đi lễ (muezzin) đánh thức, thúc giục rằng «cầu nguyện còn hơn giấc ngủ». Bốn lần cầu nguyện còn lại được thực
hiện ngay sau giờ Ngọ, vào buổi sau trưa, ngay sau khi mặt trời lặn và vào ban
đêm. Vào các thời điểm này, người gọi đi lễ leo lên một cái tháp cao (minaret)
kêu gọi các tin đồ đi cầu nguyện: «Thượng
Đế thì tối thượng,/ Tôi xác nhận rằng không có thần thánh nào ngoài Allah,/
Tôi xác nhận rằng Mohammed là Sứ Đồ của
Allah,/ Hãy đến để cầu nguyện,/ Hãy đến để được giải thoát,/ Thượng Đế thì vĩ
đại nhất,/ không có thần thánh nào khác ngoài Allah».
Mỗi ngày, tín đồ Hồi giáo phải làm công việc rửa sạch
nếu không, các công tác thờ phượng sẽ không có giá trị. Các công việc rửa sạch
này làm sạch con người, cũng như các lời cầu nguyện làm sạch linh hồn nhờ đó,
con người đi lễ trở nên trong sạch cả về thể xác lẫn tinh thần trước Thượng Đế.
Việc rửa sạch phải làm trước lần cầu nguyện đầu tiên. Người đi lễ phải gội đầu,
rửa mặt, rửa bàn tay và cánh tay cho tới cùi chỏ, rửa chân và cổ chân. Loại
nước lã thường được dùng cho công việc này và khi không có sẵn nước, có thể
dùng cát thay thế. Việc rửa sạch cũng phải làm khi tín đồ không theo được buổi
lễ một cách đúng đắn, chẳng hạn như ngủ gật hay khi cơ thể và quần áo va chạm
với những thứ không trong sạch, chẳng hạn như rượu, máu và nước tiểu, và trong
trường hợp này, chỗ tiếp xúc cần được tẩy giặt cho sạch sẽ. Nếu sự dơ bẩn lớn
hơn, chẳng hạn như giao hợp, người tín đồ phải rửa sạch tóc và toàn thân.
Trước khi bắt đầu cầu nguyện, một tín đồ phải bỏ nón,
cởi giầy và làm một số động tác ấn định được gọi là «rak'a» trong khi đó miệng đọc nhỏ hay đọc thầm các lời cầu nguyện.
Vào các giờ cầu nguyện khác, lại có các «rak'a»
khác nhau và một tín đồ có thể làm thêm một số «rak'a» để xin thêm ân sủng của Thượng Đế. Trước khi cầu nguyện, mọi
tín đồ phải tĩnh tâm, xác nhận số «rak'a»
sẽ làm, nếu không có sự tuyên bố ý định này, các lời cầu nguyện sẽ không có giá
trị.
Khi bắt đầu cầu nguyện, tín đồ phải đứng thẳng người,
hai tay giơ quá đầu, lòng bàn tay hướng về phía trước và nói: «Allahu Akbar!» (Allah là Đấng Tối
Thượng). Câu này được lặp lại nhiều lần nhưng lần đầu tiên được coi là quan
trọng nhất vì câu nói đó đã tách biệt đời sống tầm thường của tín đồ để cho
người đó hướng toàn diện về Thượng Đế. Rồi người tín đồ phải sụp lạy, miệng đọc
Kinh Koran. Công việc cuối cùng là quay sang trái và phải, mỗi lần đều nói câu «Hòa Bình và Lòng Thương của Thượng Đế tới
với bạn» và theo niềm tin thông thường, lúc này hai bên vai đã có hai thiên
thần chứng giám cho lòng thành của người tín đồ.
Việc cầu nguyện có thể thực hiện tại nhiều nơi: ở
nhà, tại ngoài trời, nơi làm việc, và Kinh Koran còn khuyến khích cầu nguyện
ngay cả trên bãi chiến trường: một toán quân canh gác trong khi toán quân kia
cầu nguyện rồi đổi lại. Cầu nguyện có thể làm một mình hay cùng với nhiều người
khác. Tín đồ Hồi giáo thường tập họp với nhau vào trưa ngày Thứ Sáu và buổi cầu
nguyện tập thể này được hướng dẫn bởi người chủ lễ gọi là «imam», sau đó là buổi thuyết giảng bởi người «imam» này và người này ca ngợi Thượng Đế, nhà Tiên Tri Mohammed
cũng như đề cập tới một số vấn đề công ích.
Việc cầu nguyện tập thể thường được các tín đồ Hồi
giáo thực hiện nơi đền thờ (mosque) có lối xây cất lúc đầu theo cách xếp đặt
giống như căn nhà của Nhà Tiên Tri Mohammed với các túp lều của các bà vợ xếp
quanh một sân rộng là nơi Nhà Tiên Tri rao giảng. Về phía bắc của sân là các
cây gồi, từ nơi này làm ra một mái che ngang, kết bằng lá cây và bùn để che
nắng. Đền thờ Hồi giáo vì theo kiểu mẫu đó, nên cũng có một sân rộng ở giữa, có
hồ nước để các tín đồ rửa mặt và chân tay, 3 phía là mái che còn phía thứ tư
chính là gian thờ. Vì mọi tín đồ phải hưởng về Đền Kaaba ở Mecca nên gian thờ,
được gọi là «mihrab», được quay về
hướng đó và được trang hoàng và có một bục giảng dùng cho buổi lễ trưa Thứ Sáu.
Đền thờ Hồi giáo không chỉ là một nơi thờ phượng mà
còn là một nơi giáo dục. Các học giả thường ngồi nơi bóng mát, dựa lưng vào cột
và các học sinh vây chung quanh. Đền thờ Hồi giáo El Azhar tại thành phố Cairo,
Ai Cập, vừa là một trung tâm tôn giáo, vừa là một trường Đại Học có tầm vóc
quan trọng ngang với các đại học của châu Âu. Đền thờ cũng là tòa án, nơi các
vị quan tòa nghe kiện cáo và xét xử. Đây còn là nơi dừng chân của các kẻ lữ
hành, họ uống nước, rửa mặt và nằm ngủ nơi bóng mát trước khi lên đường trong
chuyến viễn du. Ngày nay, mọi ngôi đền thờ Hồi giáo đều độc lập, thanh toán các
phí tổn nhờ vào ngân quỹ để lại của người sáng lập nhưng cũng nhờ vào loại tiền
cúng tặng của tín đồ. Ngôi đền được điều hành bởi một người quản đốc, phụ tá có
các «imam» hay các người chủ lễ,
ngoài ra còn có các người giữ cửa, người chuyên môn chở nước, các người phục
dịch khác…
Bố thí là niềm tin thứ ba của giáo lý đạo Hồi. Một
người Hồi giáo chỉ có thể tẩy sạch tài sản của mình bằng cách cho đi một phần
những gì kiếm được. Việc bố thí có hai loại: «sadaga» là việc bố thí tự nguyện và «zakat» là cách bắt buộc. «Zakat»
không phải là một loại thuế, mà là một thứ «cho
Thượng Đế vay», được chính quyền thu nhận để dùng vào các nhu cầu xã hội
như giúp đỡ các người nghèo, các góa phụ, các trẻ em mồ côi, giúp các kẻ nô lệ
mua lấy tự do hay trang bị cho các quân sĩ tình nguyện trong các cuộc thánh
chiến. Một tín đồ có thể bố thí theo loại «zakat»
bằng hiện vật như tiền bạc, kim khí quý, hoa màu thu hoạch được, súc vật chăn
nuôi được… tùy theo cách kinh doanh của người có của.
3/
Niềm tin thứ tư và thứ năm.
Niềm tin thứ tư là nhịn ăn (fasting). Kinh Koran đã
xác nhận: «Hỡi các kẻ có niềm tin, việc
nhịn ăn đã được dành cho các người». Mùa nhịn ăn là tháng Ramadan, một
tháng âm lịch xoay vòng qua các năm. Mỗi tín đồ Hồi giáo có bổn phận phải nhịn
ăn, ngoại trừ các trẻ thơ, người bệnh và các kẻ đang trên đường đi xa. Họ phải
nhịn ăn trong những giờ có ánh sáng mặt trời và duy trì công việc này trong
suốt tháng Ramadan.
Vào tháng Ramadan, trước khi trời sáng, tiếng trống
đánh, tiếng gọi cửa, tiếng hô hào trên tháp cao kêu gọi mọi tín đồ dùng bữa ăn
cuối cùng, rồi kể từ khi «phân biệt được
sợi chỉ màu đen với sợi chỉ màu trắng», người theo đạo Hồi không được ăn gì
nữa, uống gì nữa, dù là một ly nước hay một điếu thuốc lá, và phải kiêng cữ
liên hệ tình dục. Trong các giờ này, các công việc vẫn được tiếp tục làm nhưng
với tinh thần từ tốn và giới hạn.
Mặc dù các giới hạn, các quy luật phải theo, người
Hồi giáo rất ưa thích tháng Ramadan vì việc nhịn ăn không phải là cách hành hạ
thể xác và Nhà Tiên Tri Mohammed đã không chủ trương khắc kỷ thái quá. Sự nhịn
ăn đã được người Hồi giáo coi là một cách giống như cầu nguyện để tới gần
Thượng Đế hơn, cách nhắc nhở các tín đồ rằng ngoài đồ ăn, thức uống, còn có một
thứ gì cao cả hơn, đó là đời sống tinh thần. Do nhịn ăn, người Hồi giáo học
được kỷ luật đối với cơ thể của mình, hiểu được nỗi thống khổ của kẻ nghèo khó
và do đó mới biết mở rộng tấm lòng nhân đạo. Ngoài ra, Ramadan còn là tháng chuộc
tội, chuộc lại tất cả tội lỗi trong suốt một năm.
Việc nhịn ăn vào ban ngày cũng mang tới niềm vui lớn
vào ban tối, khi người đi gọi lễ báo tin hết giờ cấm ẩm thực và sau này, tiếng
người được thay bằng tiếng súng đại bác. Lúc này tinh thần hồ hởi tới với mọi
người, đặc biệt là trẻ em. Mọi người trong gia đình vào giờ này cùng nhau
thưởng thức vài trái chà là, nhấm nháp ly nước giải khát làm từ trái mận khô
(dried apricots) với tên gọi là «gamar-al-deen»
(mặt trăng của tôn giáo). Sau món khai vị đó, toàn thể gia đình quây quần vui
hưởng bữa «iftar» (điểm tâm buổi
chiều). Sau bữa ăn này, một số người đi ngủ còn các kẻ khác chạy ùa ra chợ, ra
đường phố: sinh hoạt mua bán trở nên nhộn nhịp, các trẻ em chạy qua, chạy lại
với các lồng đèn trên tay và đôi khi chúng xin tiền người lớn để mua nến (đèn
cầy) thắp sáng. Vào lúc này, bên trong các đền thờ Hồi giáo, đèn được thắp sáng
trưng, các tín đồ ngồi nghe thuyết giảng về ý nghĩa của tháng linh thiêng này,
còn bên ngoài đền thờ là đủ loại giải trí: gánh xiếc với các trò vui, các màn
ảo thuật, các nhà thi sĩ đọc thơ, các người kể chuyện cho các đám đông đứng bu
chung quanh… Ba ngày cuối cùng của tháng Ramadan là lễ hội lớn. Mọi người mặc
quần áo mới, chào nhau, ôm nhau khi gặp mặt. Trong gia đình, các món ăn đặc biệt
được dọn ra tùy theo lợi tức của gia chủ và tất cả mọi người cùng nhau ăn mừng
sự gần gũi với Thượng Đế.
Việc hành hương «Hajj»
vào tháng đặc biệt kể trên đã cho các người Hồi giáo một sức mạnh tinh thần.
Đây là cơ hội tụ họp về nơi Đất Thánh của họ, hàng trăm ngàn người từ những
miền xa xôi nhất, họ mặc y phục giống hệt nhau, làm các lễ nghi tôn giáo như
nhau, điều này nhắc nhở rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Đây cũng
là cơ hội để các tín đồ xa gần trao đổi các ý tưởng khác nhau, giúp vào việc
đoàn kết và làm vững mạnh đế quốc tôn giáo. Những người ra đi rồi trở về sau
cuộc hành hương cũng làm rộn ràng các làng mạc, các thành phố mà họ sinh sống
và do các cảm xúc sâu đậm của cuộc hành hương mà mỗi người đều cố gắng để dành
tiền, cố gắng làm ăn vất vả để có tiền tham dự một chuyến hành hương sôi nổi.
Khi các tín đồ Hồi giáo đã tới ngoại ô thành phố
Mecca, họ rửa sạch từ đầu tới chân và kể từ nay là thời gian phải chăm sóc linh
hồn hơn thể xác: họ không được cạo râu, cắt móng tay cũng như giao hợp. Các tin
đồ thay quần áo thường mặc, người nam quấn bằng hai tấm vải trắng còn người nữ
mặc y phục trắng dài, bình dị. Việc thay đổi y phục này có kèm theo các lời cầu
nguyện và đọc kinh Talbiya, để nói rõ rằng họ sẵn sàng làm theo lệnh của Thượng
Đế. Khi từ ngoài thành phố Mecca tiến vào bên trong, người hành hương tới hôn
Tảng Đá Đen rồi đi vòng quanh ngôi đền linh thiêng 7 vòng, miệng đọc kinh ca
ngợi Allah. Sau đó họ chạy 7 lần giữa 2 ngọn đồi nhỏ ở gần đó. Đây cũng là một
phong tục cổ xưa.
Lễ nghi quan trọng nhất của cuộc hành hương được cử
hành tại Arafa là thung lũng cách Mecca 9 dặm, vào ngày thứ 9 của tháng Dhu'l
Hijja. Vào ngày trọng đại này, các tín đồ kẻ đi chân, người cưỡi ngựa hay lạc
đà, tụ tập trên một ngọn đồi nhỏ vào một buổi chiều rồi hàng chục ngàn, hàng
trăm ngàn tín đồ cùng nhau cầu nguyện trước Thượng Đế và lắng nghe lời thuyết
giảng của các vị chức sắc. Đây là quãng thời gian đã gây được niềm tin sâu sắc,
đã tác dụng đến nội tâm của mọi tín đồ Hồi giáo.
Sau khi mặt trời lặn, đoàn hành hương trở về hướng
thành phố Mecca, nghỉ đêm tại Muzdalifa, một ngôi làng nhỏ không xa Arafa và
vào ngày hôm sau, họ đi tới Mina ở giữa đường Medina và Arafa, tại nơi này họ
ném đá vào các cột trụ tượng trưng cho ma quỷ và các cám dỗ. Cao điểm của cuộc
hành hương Hajj lại được đánh dấu bằng việc cắt tiết cừu, dê và lạc đà. Các
người sợ máu nhờ các đồ tể khác làm giúp. Họ ăn thịt các con vật đã được tế
thần, phần thịt dư được chia cho các kẻ nghèo. Lễ giết súc vật để cúng tế này
được làm vào ngày thứ 10 của tháng Dhu'l Hijja và được coi là một «lễ hội lớn» trong thế giới Hồi giáo.
Sau đó, các tín đồ trao đổi quà tặng và mặc quần áo
mới sau khi đã cắt tóc, cạo râu. Nghi lễ cuối cùng là việc các tín đồ trở lại
thành phố Mecca, đi 7 vòng chung quanh ngôi đền Kaaba và chạy nhiều lần giữa
hai ngọn đồi nhỏ ở gần đó để kết thúc cuộc hành hương. Các tín đồ đã thực hiện
cuộc hành trình nghi lễ này được mang tước hiệu «Hadji», một danh dự dành cho những người tin tưởng vào Allah và
cũng là một ân phước dùng vào Ngày Phán Xét sau này.
4/
Đạo Hồi và Xã Hội Ả Rập.
Trong nền văn minh Tây Phương, luật pháp và tôn giáo
được tách biệt thì nơi đạo Hồi, hai phạm vi kể trên đã lẫn vào nhau, chi phối
hành động của con người không những đối với nhau mà còn đối với Thượng Đế.
Đạo Hồi khởi đầu từ căn cứ vào xã hội của người du
mục, của người Ả Rập, là một tôn giáo nhất thần (monotheistic) giống như đạo Do
Thái và đạo Thiên Chúa, nhưng nhà Tiên Tri Mohammed lại cho rằng người Do Thái
đã làm sai đi lời của Thượng Đế trong thánh kinh của họ, trong khi Thượng Đế
hay Allah chỉ có một, duy nhất và để sửa chữa các khuyết điểm, Thượng Đế đã chỉ
dẫn người Ả Rập qua Sứ Đồ là nhà Tiên Tri Mohammed.
Đạo Hồi không chủ trương sự tách biệt giữa tôn giáo
và chính quyền vì tại một xã hội cần phải chiến đấu để sống còn, chiến đấu
chống các kẻ thù bên ngoài và sự phân hóa bên trong, vì thế các nghi thức cầu
nguyện tập thể đã mang hình thái kỷ luật của quân đội và Kinh Koran đã bao gồm
cả luật về tôn giáo lẫn luật dân sự, đã xác định về các cách quản trị xã hội,
về các quyền lợi như quyền tư hữu, thừa kế, giá thú, ly dị, việc trừng phạt kẻ
cắp và kẻ ngoại tình, việc đối xử với kẻ nô lệ và trẻ mồ côi, các điều lệ về
thương mại, luật lệ về ăn uống, giải trí và hối lộ… Ngoài các luật thành văn
(written law) còn có các luật tập tục (customary law) thay đổi tùy theo địa
phương nên thường đi lệch khỏi các lời giảng dạy của nhà Tiên Tri.
Đạo Hồi đã không có một giới tu sĩ nhưng lại làm phát
triển những nhà luật học và học giả về các luật lệ xác định trong Kinh Koran để
xét xử các vấn đề xã hội. Hai giới này cho tới ngày nay vẫn giữ vai trò lãnh
đạo.
Năm niềm tin của đạo Hồi gồm lòng tin tưởng, các bổn
phận cầu nguyện, bố thí, nhịn ăn và đi hành hương, là các phần của một hệ thống
giáo luật phức tạp, với tên gọi là «Shiri
'a» hay con đường rõ ràng phải đi theo. «Shiri 'a» có 4 nguồn gốc: Kinh Koran, các tập tục đã có từ trước,
các chấp thuận của nhiều học giả Hồi giáo và Sách Hadith ghi lại những gì nhà
Tiên Tri Mohammed đã làm và đã nói.
Vì các hành xử của một tín đồ phần lớn được căn cứ
vào «Sách Hadith» nên đã có kẻ đặt ra
các lời nói ngụy tạo của Mohammed và người ta còn kể lại rằng ba thế kỷ sau khi
Mohammed qua đời, đã có 600 ngàn câu nói của nhà Tiên Tri được lưu truyền,
khiến cho không biết câu nào là thật, là giả. Vì vậy một số học giả Hồi giáo đã
phải thu thập, xem xét và ấn định độ chính xác, trong khi chính cuốn «Sách Hadith» cũng được viết ra căn cứ
vào lời kể lại của những người thân cận với nhà Tiên Tri.
Các hành xử của tín đồ Hồi giáo còn được xếp vào một
trong 5 loại: loại bắt buộc như đọc kinh và bố thí zakat, loại được ca ngợi
(commended acts) như bố thí cho kẻ ăn xin, trả tự do cho kẻ nô lệ, loại vô
thưởng vô phạt như làm một chuyến du lịch, loại không được chấp nhận
(disapproved acts) như ăn hành, tỏi khiến cho hôi miệng và cuối cùng là loại bị
cấm đoán, chẳng hạn như tội giết người. Ngoài ra luân lý căn bản của đạo Hồi,
chẳng hạn như sự đòi hỏi các tín đồ phải trong sạch, kiên nhẫn và tử tế đối với
các người cần cứu giúp, thì cũng giống như những điều răn dạy trong Thánh Kinh
Thiên Chúa Giáo, và đặc biệt là Kinh Cựu Ước (Old Testament).
Về một số phạm vi khác, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa lại
khác nhau, nhất là về phương diện chiến tranh. Trong khi đạo Thiên Chúa chủ
trương tha thứ cho những kẻ trước kia đã đàn áp mình hay các kẻ chiến bại, thì
nhà Tiên Tri Mohammed lại thúc giục các tín đồ phải chiến đấu cho Hồi giáo và «jihad» (cuộc thánh chiến = holy war) đã
gần có cơ hội trở nên niềm tin thứ sáu.
Về thực phẩm, đạo Hồi theo các chính sách giống như
đạo Do Thái và Kinh Koran đã cấm ăn thịt heo, máu và thịt của các con vật bị tự
nhiên mà chết, bị đánh tới chết, bị đâm bằng sừng, bị rớt xuống chết hay bị các
thú vật khác đã ăn một phần, trong khi đó tín đồ Hồi giáo được phép ăn cá, ăn
loại thịt do săn bằng chó săn, hay thịt của một số con vật được chấp nhận như
cừu, dê và lạc đà. Tuy nhiên trong trường hợp khẩn cấp, tín đồ được ăn mọi thứ
để duy trì đời sống.
Đạo Hồi đối với rượu rất nghiêm ngặt, hơn tất cả các
tôn giáo khác. Kinh Koran cấm hẳn kẻ đang say sưa mà đi cầu nguyện và việc uống
rượu Khamr bị coi như vi phạm luật tôn giáo. Dù thế, giới quý tộc Hồi giáo và
các thi sĩ vẫn phạm luật do uống nhiều rượu chát.
Sự khác biệt của đạo Hồi so với các đạo giáo khác còn
ở cách đối xử với phụ nữ. Kinh Koran đã dạy rằng «người nam phải bảo vệ người nữ» và trong nhiều trường hợp, đạo Hồi
đã cải thiện tình trạng của phụ nữ hơn các thời đại trước. Tại xứ Ả Rập vào các
thế kỷ trước kia, người đàn ông có thể lấy bao nhiêu vợ tùy ý, đối xử tốt xấu
ra sao tùy ý và có thể ly dị vợ theo ý muốn mà không cần phải cho biết lý do,
bằng cách nói hai lần câu «mày bị đuổi»
(thou art dismissed) nhưng sau đó, người đàn ông sẽ không có quyền cưới lại
người vợ này vì đã nóng giận, và người đàn bà tuy không có quyền đứng xin ly
dị, nhưng trong một số điều kiện, có thể được tự do, do từ chối một số tài sản
mà người chồng dành cho mình.
Đạo Hồi khi ra đời, đã không cấm đoán hẳn được sự đa
thê nhưng đã giới hạn người đàn ông không có quyền lấy hơn 4 vợ, lại phải đối
xử tử tế và bình đẳng với người vợ của mình. Trong đám cưới, tiền của do nhà
trai đưa lại sẽ thuộc quyền của cha mẹ cô gái hay người giám hộ và tài sản này
sẽ không bị hoàn trả nếu có ly dị. Việc gian dâm cũng bị giáo luật lên án nặng
nề và Kinh Koran đã xác định hình phạt như sau: «với kẻ gian dâm nam và nữ, hãy đánh chúng bằng một trăm roi».
Đạo Hồi đã cung cấp cho các tín đồ một lối sống bao
gồm cả tinh thần lẫn xã hội, chính trị và kinh tế, khiến cho họ sống hòa hợp
với nhau và cũng cung cấp cho họ một sức mạnh mà thế lực và ảnh hưởng đã làm
biến đổi thế giới trong nhiều thế kỷ.
Kể từ Kỷ Nguyên Hồi Giáo hay Hegira, đã có 72 giáo
phái đạo Hồi, nhưng hai giáo phái lâu đời nhất và quan trọng nhất là Shi 'ites
và Sunnites. Tín đồ theo giáo phái Shi 'ites tin tưởng rằng người kế tục
Mohammed là Ali, con rể của nhà Tiên Tri, còn giáo phái Sunnites lại chủ trương
chính thống (orthodox). Ngoài ra còn có một số giáo phái tuy chỉ xuất hiện cách
nay gần một thế kỷ nhưng cũng rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong
thế giới Hồi giáo, là giáo phái Wahabites. Đây là một loại «tin lành» của đạo Hồi, muốn phục hưng
đạo Hồi để trở về sự thuần chất nguyên thủy. Người Ba Tư thuộc giáo phái Shi
'ites, người Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập thuộc Sunnites còn thuộc về Wahabites là cư
dân của miền Nejd, miền trung tâm Arabia. Tuy chia rẽ thành các giáo phái song
các người Hồi rất dung thứ cho nhau và họ cũng đã không dùng tới «pháp đình tôn giáo» (Inquisition), đã
không dùng «lưỡi kiếm và lửa hỏa thiêu»
để ép buộc các người khác giáo phái phải theo chủ thuyết của mình.
Các lời răn dạy trong Kinh Koran thì cũng tốt lành
như của các Thánh Thư khác, gồm: lòng bác ái, tính hiếu khách, các hành động
lương thiện, sự tiết chế dục vọng, việc giữ lời hứa, sự kính trọng cha mẹ, việc
bảo vệ trẻ em và những người góa bụa, tình thương yêu người hàng xóm và lời
khuyên răn kẻ gian tà quay về con đường ngay thẳng… Luân lý của Kinh Koran như
vậy cũng giống như luân lý trong Sách Phúc Âm (The Gospel).
Việc chuyển đổi những niềm tin căn bản thành một nền
văn minh chính thức, đầy đủ của Hồi giáo là do công lao của nhiều thế hệ các
học giả, các nhà thần học, các nhà luật học (jurists). Chính nhờ đạo Hồi mà các
xứ Ả Rập đã đoàn kết lại và phát triển.
Phạm Văn Tuấn
(Đặc San Lâm Viên)
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; A History of the Arab Peoples by
Albert Hourani, MJF Books, N.Y. 1991.
Comments
Post a Comment